Nhìn ra thế giới
Nghệ thuật đòi hỏi sự hy sinh
10:41 | 14/03/2022

AK.DISKINDƠ
   (Liên Xô cũ)

Xavêli Đrôdơđốp, một đạo diễn trẻ vừa mới tốt nghiệp trường Đại học sân khấu đến thành phố Dakơpersk để nhận công tác tại nhà hát kịch địa phương. Anh đến đây với những ý định dũng cảm, những kế hoạch đầy hứa hẹn và niềm hy vọng tràn trề.

Nghệ thuật đòi hỏi sự hy sinh
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Anh được tiếp đón hết sức nồng nhiệt và thân tình: được xếp ở một căn phòng tốt gần nhà và thậm chí cơ quan còn đề nghị bà chủ nấu cho anh ăn ngày ba bữa. Tóm lại, cuộc sống mới của nhà đạo diễn trẻ bắt đầu hết sức tốt đẹp và đầy hứa hẹn.

Xavêli làm quen với nhà hát trong một tuần: đi xem biểu diễn và xem diễn tập, trao đổi với các nghệ sĩ, chú ý lắng nghe, phân tích và thâm nhập thực tế. Có nhiều điều làm anh thích thú và đôi điều làm anh ngạc nhiên. Chẳng hạn có một vở diễn của đoàn yếu đến mức đáng ngạc nhiên và không thể cứu vãn được. Công việc trang trí các vở cũng vậy, nghĩa là như người ta thường nói: "Không gây được ấn tượng", còn việc phân vai thường gây nên nỗi băn khoăn.

"Biết làm sao được - Xavêli nghĩ - mỗi người đều làm việc theo khả năng của mình. Không sao, chỉ ít lâu nữa thôi, khi được nhìn thấy một nền nghệ thuật thật sự, họ sẽ phải kêu lên thán phục cho mà xem!".

"Nghệ thuật thực sự" theo Xavêli nghĩ, đó là một vở kịch hay chưa từng thấy mà anh có ý định dàn dựng cho nhà hát. Một vở kịch tốt đã diễn thành công ở thủ đô và kế hoạch dàn dựng đã được anh nghiên cứu và soạn thảo đến từng chi tiết.

Mấy ngày sau, anh đọc vở đó cho đoàn nghe. Không thể nói là mọi người nghe một cách hào hứng, nhưng...

"Không sao, tương lai sẽ trả lời họ - Xavêli tự an ủi và bắt đầu làm công việc phân vai. Các vai được sắp xếp khá đạt và anh đi đến gặp đạo diễn chính của nhà hát để xin ý kiến. Đạo diễn chính nghe Xavêli trình bày, xem qua bảng ghi tên những nghệ sĩ sẽ tham gia vở diễn và nét mặt ông không ra cười, cũng không ra nhăn nhó.

- Biết vậy, - ông nói, tay quay bao kính. Thế còn Gudưnhina?

- Để đóng vai nào ạ? - Xavêli hỏi:

- Tất nhiên là vai chính.

- Nhưng bà ấy...

- Lớn tuổi so với yêu cầu chứ gì? Than ôi, thời gian có thương xót ai đâu, nên điều đó tất nhiên thôi - Đạo diễn chính gật đầu - nhưng bà ấy là vợ của giám đốc nhà hát.

- Thế thì sao ạ? - Xavêli hỏi rất ngây thơ.

- Không, không sao cả? - Đạo diễn chính trả lời khô khan - nhưng anh không thấy là các vở diễn của chúng tôi không bao giờ vắng mặt bà ấy hay sao? Và thế Sipxốp của chúng tôi cũng không được phân vai nào sao?

- Tôi thấy không cần đến ông ấy.

- Này, anh có biết không - đạo diễn chính cười - Sipxốp là chủ tịch ủy ban địa phương đấy! Nhà ở, phiếu đi nghỉ, quỹ bảo trợ...

- Nhưng tôi thấy vở kịch không cần đến ông ấy.

- Đối với vở kịch có thể không cần ông ấy, nhưng đối với cuộc sống thì... A, thế ai sẽ trang trí cho vở kịch?

- Khi còn ở Matxcơva tôi đã mời họa sĩ Pheklysin. Coi như đã thỏa thuận.

- Thế nào, anh không đùa đấy chứ? Mời họa sĩ từ Matxcơva về?! Anh không thấy là rất tốn kém hay sao?

- Nhưng làm thế nào khác được ạ?

- Chúng ta có họa sĩ rất giỏi là Sinđacôva, một bậc thầy về công việc đấy.

- Bà ấy là bậc thầy! - Xavêli kinh ngạc - Theo tôi thì không thể tìm được một họa sĩ nào bất tài hơn! Hay là bà ta cũng lại là phu nhân của một vị nào đó?

- Bà ta là vợ tôi! - Đạo diễn chính trả lời với vẻ khiêu khích và nói thêm tựa hồ muốn chấm dứt câu chuyện - Thôi được, đồng chí thấy cần thế nào thì cứ làm thế. Thôi, chúc may mắn! Nhưng mà coi như đồng chí chưa hề trao đổi với tôi, chưa gặp tôi đấy. Tôi không chịu trách nhiệm gì hết.

Và như để minh họa cho câu chuyện nói sau cùng bằng hành động, ông kéo cái máy điện thoại lại gần và cầm ống nói. Xavêli hiểu rằng cuộc nói chuyện đã xong và anh ra khỏi phòng đạo diễn chính.

Và anh suy nghĩ.

Dường như là trong tình huống này, muốn có sự công bằng thì phải nhờ giám đốc nhà hát. Nhưng Gudưnhina lại là vợ ông ấy. Vậy thì ở đây làm sao có được sự công bằng? Còn tính quần chúng? Tính quần chúng, rõ ràng là phải được bắt đầu từ ủy ban địa phương. Mà... à, nếu như đến gặp trưởng ban văn hóa thành phố thì sao nhỉ? Như thế có nghĩa là mình bắt đầu cuộc sống ở nhà hát bằng sự va chạm. Thế thì đã sao? Đó chính là vì nghệ thuật, mà nghệ thuật thì rõ ràng là đòi hỏi sự hy sinh.

Và đúng lúc ấy Xavêli chuẩn bị đến Ban văn hóa thành phố thì được biết rằng cái vở kịch diễn không đạt của nhà hát chính là tác phẩm mới nhất của trưởng ban văn hóa.

Và Xavêli lại suy nghĩ. Anh suy nghĩ suốt hai ngày hai đêm liền và đi đến kết luận: Đúng, nghệ thuật đòi hỏi sự hy sinh, Việc phân vai nữ chính rất trẻ cho Gudưnhina chẳng qua là sự hy sinh. Còn việc phân cho Sipxốp vai nam chính chẳng phải là sự hy sinh hay sao? Và còn giao việc trang trí cho vợ đạo diễn chính nữa?

Và Xavêli, người đã kiên quyết và dũng cảm đi đến chỗ hy sinh tất cả những điều đó vì nghệ thuật, mới đây đã chuyển đến một căn hộ lý tưởng và hiện đang dựng một vở kịch mới do trưởng ban văn hóa thành phố sáng tác.

Đạo diễn chính là người đã có tuổi, nay mai sẽ về hưu, và đã có ý kiến là cương vị của ông sẽ dành cho nhà đạo diễn trẻ đầy triển vọng Xavêli Đrôdơđốp.

VŨ THAO dịch
(Trích trong cuốn truyện vui châm biếm "Chiếc ghế hạnh phúc" ca AK-Diskindơ)
(TCSH53/01&2-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng