ĐINH THỊ TRANG
Mèo là một trong những vật nuôi gần gũi với con người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nó có thể được xem như là một vị thần, một loài thú cưng hoặc một vật nuôi có tác dụng bắt chuột.
Nhiều tài liệu cho rằng loài mèo được thuần hóa trong thời kỳ Ai Cập cổ đại, nơi có dấu vết cho thấy chúng được thờ cúng. Chúng còn được biết đến qua những hình ảnh khắc họa trong các truyền thuyết và thần thoại tại nhiều nền văn hóa như Ai Cập cổ, Trung Quốc cổ, Na Uy, Nhật Bản… Ở mỗi quốc gia, vùng miền, chúng đều mang những ý nghĩa thú vị bởi sự khéo léo, thông minh và ranh mãnh.
1. Hình tượng mèo trong các nền văn hóa trên thế giới
Cũng như nhiều con giáp khác, ý nghĩa biểu tượng của mèo rất đa dạng, mang cả hai xu hướng vừa tốt vừa xấu.
Trong thời đại khám phá, mèo nhà được phổ biến khắp thế giới bởi người ta cần chúng diệt chuột trên các khoang thuyền trong những chuyến dong buồm rong ruổi khám phá các châu lục trên thế giới. Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại đều cho rằng mèo là loài vật mang lại nhiều may mắn. Ở Ấn Độ người ta tìm thấy tượng những con mèo khổ hạnh biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật (Kramrish); nhưng ngược lại, mèo cũng là con vật để cưỡi và là một mặt của Yogini Vidali (Yogini: là từ chỉ những người nữ tập Yoga, Vidal: trong tiếng Phạn là một từ đồng nghĩa với mèo). Ở Trung Hoa cổ đại, mèo hay được xem như một con vật báo lành, và người ta bắt chước điệu bộ của nó, cũng như một con báo, trong các điệu múa nông nghiệp (Granet).1
Trong đạo Hindu, mèo cũng là vật cưỡi của nữ thần Shashthi, được thờ chủ yếu ở Bengal (Ấn Độ), là hóa thân thứ sáu của Mẹ Trái đất. Bà là nữ thần của tình mẫu tử, bảo vệ quá trình mang thai, sinh nở và trẻ em. Người ta tin rằng bà luôn ở phía sau các em, chăm sóc các em và giúp các em lớn lên khỏe mạnh và trường thọ. Bất cứ ai đọc, viết hoặc nghe những câu chuyện của bà sẽ được ban phước cho trẻ em, là nữ thần của thảm thực vật và sinh sản. Nữ thần Shashthi được thể hiện như một nhân vật của người mẹ, ôm một hoặc nhiều đứa trẻ và cưỡi một con mèo khổng lồ tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.
Tương tự, ở Ai Cập cổ đại, một trong những nữ thần được tôn thờ nhiều nhất là Bastet - nữ thần mèo. Hình tượng Bastet được thể hiện với cơ thể của một người phụ nữ và đầu của một con mèo, hoặc hoàn toàn bằng cơ thể của một con mèo. Nó tượng trưng cho sự sống, khả năng sinh sản và tình mẫu tử. Đó là một phiên bản nhẹ nhàng hơn của nữ thần sư tử cái Sekhmet, người chủ trì sự thờ cúng của gia đình và tượng trưng cho tình yêu, gia đình và tình mẫu tử, và là kẻ kế vị của một trong những nữ thần mèo lâu đời nhất, Mafdet, liên quan đến công lý, giám sát các căn phòng dành riêng cho các vị vua. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, Bastet không phải là vị thần đầu tiên biến hình dưới hình dạng mèo mà chính là thần Ra - vị thần tối thượng trong thần thoại Ai Cập - vào buổi đêm gọi là “Atum-Ra” (ban ngày gọi là Amun-Ra) đã lấy hình dạng của loài mèo để đi xuống địa ngục. Atum-Ra còn có thể hiện thân dưới 9 hình dạng khác nhau, đại diện cho 9 mạng sống của loài mèo. Người Ai Cập còn cho rằng mèo có khả năng bói toán và là vật mang lại may mắn. Đối với người Ai Cập, việc tìm thấy một con mèo chết là dấu hiệu của điềm xấu, thường liên quan đến một căn bệnh nghiêm trọng, một cái chết trong gia đình hoặc những điều xui xẻo khác. Điều đó có nghĩa là nữ thần Bastet đã trở nên tức giận và cần phải xoa dịu cơn thịnh nộ của bà bằng các lễ vật. Để tôn trọng nữ thần, mỗi gia đình nên nuôi một con mèo trong nhà của họ. Và khi con mèo chết, nó được ướp xác, xác ướp của nó được đặt trong một chiếc bình bằng gỗ hoặc bằng đồng có trang trí đầu mèo, và đặt trong các nghĩa trang thích hợp. Và vì mèo được coi là thiêng liêng nên hình tượng của chúng thường được sử dụng để trang trí đồ trang sức, như những chiếc nhẫn bằng vàng và mã não hồng. Có nhiều tác phẩm nghệ thuật khắc họa con mèo thần cầm dao cắt đầu con rắn Apophis (rồng của bóng tối), hiện thân cho những kẻ thù của mặt trời. Ở đây con mèo biểu trưng cho sức mạnh và sự khéo léo của giống mèo mà nữ thần giám hộ sai khiến phục vụ con người, giúp loài người chiến thắng kẻ thù ẩn nấp.
Theo những người da đỏ Pawness ở Bắc Mỹ, mèo rừng là biểu tượng của sự khôn khéo, sự suy tính, sự tài tình, nó là kẻ quan sát tinh ranh và bình tĩnh và bao giờ cũng đạt được mục đích. Cho nên, nó là con vật linh thiêng, chỉ được giết nó vì những mục đích tôn giáo và theo những nghi thức nhất định.2
Theo quan niệm của Hồi giáo tuy không có động vật thần thánh nào, nhưng một vài cuốn sách đã ghi lại rằng thánh Muhammad có nuôi một con mèo cưng tên là Muezza. Ngài yêu nó đến mức “Người thà không mặc áo khoác còn hơn là làm phiền một con mèo đang ngủ trên chiếc áo”.
Ở Bắc Âu, Freyja - nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và sự sinh sôi trong thần thoại Bắc Âu - được miêu tả là thường cưỡi trên một chiếc xe kéo bởi mèo. Văn hóa dân gian của người Do Thái và nền văn minh Babylon lại cho rằng mèo đen là biểu tượng của một con rắn cuộn vào lò sưởi. Ở Scotland, một con mèo đen xuất hiện trên hiên nhà chính là dấu hiệu của sự thịnh vượng sắp đến, cho nên vợ của các ngư dân giữ mèo đen trong nhà với niềm tin rằng chúng có thể ngăn chặn mọi điều xấu xảy ra với những người thân yêu của họ khi đang trên biển.
Đặc biệt là từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên trở đi, mèo đã trở thành một phần của thủy thủ đoàn tàu Hy Lạp vượt biển với sứ mệnh thành lập các thuộc địa ở Ý và Tây Ban Nha, trong số các điểm dừng chân Địa Trung Hải khác. Mèo rất phổ biến với các thủy thủ, họ tin rằng, vì chúng có liên hệ với các vị thần khí quyển, chúng có sức mạnh ma thuật có khả năng tránh xa bão và thu hút gió tốt. Ngoài ra, nó còn săn bắt và diệt trừ những con chuột có thể gây thiệt hại cho các cửa hàng tạp hóa. Bằng cách này, những con mèo rất hòa thuận trên tàu, vì chúng được đối xử bằng tình yêu thương và sự tôn trọng. Và không chỉ trên tàu, ở Athens, có rất nhiều nhà nuôi mèo, chúng được coi là bạn của chủ nhân.
Người Nhật Bản quan niệm mèo cộc đuôi đem lại may mắn và là biểu tượng của triển vọng tốt đẹp, tương lai hứa hẹn. Hình tượng Maneki Neko (Mèo chiêu tài) - biểu thị cho may mắn, sự phú quý, giàu có - thường thể hiện một con mèo cộc đuôi trong tư thế ngồi bằng hai chân sau với một chân trước giơ lên cao. Truyền thuyết về Maneki-Neko bắt đầu từ thời Edo và gắn với đền Gotoku-ji (phường Setagaya, Tokyo). Theo các nhà sử học, trong khi săn chim ưng, vị lãnh chúa suýt bị sét đánh trúng. Tuy nhiên, con mèo của sư trụ trì Tama đã giơ tay, ra dấu cho lãnh chúa đi vào đền. Điều này giúp lãnh chúa thoát nạn và ông rất biết ơn con mèo. Mèo cộc đuôi Nhật Bản cũng xuất hiện nhiều trong hội họa truyền thống của nước này.
Ngày nay, trong văn hóa đại chúng của người Nhật, mèo được ưu ái xuất hiện rất nhiều. Chúng xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật văn học, phim ảnh, hội họa như: mèo ảo Hello Kitty, mèo máy Doraemon, bộ truyện tranh A Man and His Cat… Ngoài ra còn có những địa điểm du lịch nổi tiếng như ngôi đền Gotokuji - quê hương của chú mèo may mắn Maneki Neko - và ngôi đền Nyan Nyan Ji ở Kyoto, nơi có một nhà sư mèo thực thụ mang tên Koyuki.
Mang một ý nghĩa tốt đẹp khác, những chú mèo có thể giúp người dân cầu mưa. Ở Campuchia, trong mùa lễ hội, người ta vẫn nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa. Người dân làng tưới nước vào con mèo làm cho nó kêu lên, người ta nói, tiếng kêu của mèo làm động lòng thần Indra - người phân phối nước làm phì nhiêu đất.
Trong tín ngưỡng Công giáo, con mèo cũng rất được ưa chuộng, trừ mèo đen. Theo truyền thuyết, vì lũ chuột quấy rầy các hành khách trong các con tàu cứu sinh của Noé, ông đã lấy tay vuốt trán con sư tử, sư tử hắt hơi, làm nhảy ra từ trong miệng một cặp mèo; chính vì thế mà con vật này giống sư tử. Người ta cũng cho rằng mèo có những thuộc tính ma thuật... Ngoài ra, với những khả năng vượt trội như bước đi uyển chuyển, không tiếng động, giỏi leo trèo, có khả năng nhảy vọt, mèo cũng là động vật đem lại cảm hứng cho những bài võ thuật cổ truyền của nhiều quốc gia. Võ mèo hay miêu quyền cũng là một trong những môn võ hay, những động tác mô phỏng của mèo có thể chuyển hóa, phổ quát thành các bài võ, đòn thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu. Ở Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản, võ mèo xuất hiện rất sớm với một số bài võ tiêu biểu như Linh miêu độc chiến, Bạch miêu quyền…
Tuy nhiên, nhiều nền văn hóa lại có cái nhìn hoàn toàn trái ngược, tiêu cực về loài mèo. Điển hình là niềm tin về việc nếu ai đó đi đường mà gặp một con mèo đen băng qua trước mặt thì người đó sẽ gặp xui xẻo, hoặc chuyện mèo là những phụ tá cho các mụ phù thủy, giúp gia tăng công lực... Sự mê tín về việc mèo đen bị xui xẻo được các nhà nghiên cứu cho rằng, nó được bắt đầu ở châu Âu vào thời Trung cổ. Vào thời điểm đó, Giáo hội Công giáo đôi khi cho rằng mèo là ma quỷ, điềm xui, dù là mèo đen hay mèo trắng thì đều mang lại vận rủi. Họ cho rằng loài mèo giao du với ma quỷ. Chúng bị buộc tội trong mọi rủi ro của con người. Con mèo bị người ta bắt ném từ gác chuông xuống, bị đánh đập, thiêu sống trong thời Trung cổ. Vào thế kỷ XVII, người ta cho rằng mèo đen là cặp đôi với phù thủy, thay vì được tôn thờ, nó lại trở thành một con vật đáng sợ. Chúng được sử dụng trong những nghi lễ hiến tế như là vật hy sinh. Ở Ireland, khi một con mèo đen đi qua trước mặt thì có nghĩa rằng bệnh tật sẽ đến. Ở Roma, Moldavia và Cộng hòa Séc, quan niệm một con mèo đen đi ngang qua trước mặt bạn sẽ mang lại điềm xui vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Trong thế giới người Celt (Trung Âu), ý nghĩa biểu tượng của con mèo còn tiêu cực hơn nhiều so với chó hoặc mèo rừng. Hình như con vật này ở đây không được tin cậy. Cenn Chaitt đầu mèo là tục danh của nhân vật tiếm ngôi Cairpre đã tàn phá xứ Ireland sau khi chiếm được vương quyền tối thượng. Trong truyền thuyết Chuyến vượt biển của Moel-Duin, một trong những anh em cùng vú nuôi của nhân vật này đã bị một con mèo huyền bí trừng trị vì tội định đánh cắp chiếc vòng vàng trong một lâu đài vắng chủ, sau khi binh lính của y ăn mừng chiến thắng. Kẻ trộm đã bị biến thành tro bởi ánh lửa tóe ra từ đôi mắt một con mèo con, con mèo ấy ngay sau đó đã trở lại với những trò chơi vui nhộn của mình.3
Trong rất nhiều truyền thuyết, mèo đen là biểu tượng của bóng tối và thần chết. Mèo đôi khi cũng được xem như là kẻ phục dịch nơi Âm phủ. Người Nias (Sumatra, Indonesia) quan niệm có một cây vũ trụ làm nảy sinh vạn vật. Những người chết để lên trời phải đi qua một cái cầu, dưới cầu là vực thẳm của địa ngục. Có một người cầm lá chắn và giáo đứng gác cổng trời; một con mèo giúp việc người ấy, vứt những linh hồn tội lỗi xuống nước âm phủ.
Một số người lại tin rằng mèo đen không may mắn vì chúng có liên quan đến mặt tối của mặt trăng, trong khi những người khác tin rằng năng lượng tiêu cực của chúng thu hút những điều xui xẻo.
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, mèo đôi khi được xem là một sinh vật tượng trưng cho sự xảo quyệt và nỗi sợ hãi và được gán cho nhiều năng lực siêu nhiên. Nó bị coi là một con vật báo điềm dữ, có khuynh hướng được xem như một ẩn dụ về người phụ nữ có khả năng, như người ta nói, giết chết những người đàn bà và nhập vào thân xác họ. Người ta gọi nó là Nekomata. Khi Nekomata nguyền rủa ếm hại người thì nó đứng chồm trên hai chân để rủa người đó. Người Nhật còn tin rằng những người thường hay hành hạ mèo sẽ bị nó ám hại.
Tại Trung Quốc cũng có truyền thuyết về loài yêu quái tên là tiên ly (âm Nhật đọc là Senri) có nhiều điểm tương đồng với Nekomata. Tiên ly là loài mèo núi sống lâu thành tinh, có khả năng thần thông biến hóa thành mỹ nam mỹ nữ để hút tinh khí của con người làm cho người ta bị khô héo dần đến chết.
Trong thế giới đạo Phật, mèo và rắn bị chê trách là những con vật không xúc động khi đức Phật nhập diệt, tuy vậy nếu nhìn từ góc độ khác thì điều này có thể được xem như một dấu hiệu của sự anh minh siêu việt.
Dù quan niệm về loài mèo khác nhau giữa các nền văn hóa, giữa các giai đoạn phát triển của các quốc gia, nhưng không thể phủ nhận chúng là loài vật có nhiều khả năng đặc biệt ảnh hưởng tới quan niệm của con người. Chúng ghi dấu ấn vào nhiều lĩnh vực như tư tưởng, nghệ thuật, văn hóa và cuộc sống của con người khắp các châu lục.
2. Hình tượng mèo trong văn hóa Việt
Việt Nam vốn thuộc nền văn minh lúa nước, nên con mèo cũng rất quý và cần thiết cho người nông dân như con chó chăn cừu của người du mục. Trong 12 con giáp của Việt Nam, có bảy con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết, bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý.
Trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5 - 7 giờ, là buổi bình minh khởi đầu ngày mới. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2 -tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.
Tuy được đặt vào thời gian tươi sáng, bắt đầu ngày mới, nhưng quan niệm về loài mèo cũng có nhiều khác biệt thú vị. Có khi chúng được xem là con vật hữu ích, nhưng cũng có khi chúng được coi là con vật liên quan đến ma quỷ và những điều xui xẻo.
Trong quan niệm của nhiều người dân, con mèo mang lại nhiều điều xui xẻo. Và dân gian vẫn lưu truyền câu tục ngữ: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. Con mèo cũng đi vào văn học dân gian như truyện kể, ca dao, tục ngữ. Mèo vừa là hiện thân của sự thanh cảnh, tao nhã nhưng cũng là kẻ ương ngạnh khi hay ăn vụng, khó bảo. Lâu nay, người dân cũng gán cho nó rất nhiều tính xấu của con người để góp phần răn dạy phê phán và rút ra bài học về lẽ sống. Ví dụ, để chỉ loại người vô giáo dục, sống buông thả thì dân gian có câu Mèo mả gà đồng; để chỉ hạng người tinh ranh nguy hiểm càng lâu càng khôn ngoan, quỷ quyệt: Mèo già hóa cáo; chỉ loại người bịp bợm ăn chơi đàng điếm linh tinh: Mèo đàng chó điếm; muốn phê phán hạng người chỉ ham ăn, ham nói dóc, còn làm thì rất dở: Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa; phê phán hạng người chưa biết làm thành thạo một công việc đã làm ẩu, làm dối thì: Chưa học bắt chuột đã học ỉa bếp… Có khi dân gian lại dùng mèo để chỉ những hành động khen chê, thắng bại, nguy hiểm, thừa thiếu: Mèo vờn chuột hay Chuột gặm chân mèo để chỉ những hành động dại dột, liều lĩnh, nguy hiểm. Có khi để chỉ một hành động vừa sức mình, dân gian có câu: Mèo nhỏ bắt chuột con. Nhưng để chỉ một việc quá sức mình, lại có câu: Mèo nhỏ lại bắt chuột to. Khi chỉ một hành động chưa chắc ai thắng ai, có câu: Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Khi cần phê phán loại người không thấy mình xấu mà chỉ đi soi mói cái xấu của người khác, ca dao có câu: Mèo già chê chó lắm lông.
Thành ngữ cũng có nhiều câu dùng hình ảnh mèo để phê phán. Ví dụ: Mỡ để miệng mèo ám chỉ một sự phô bày hớ hênh dễ kích thích cho kẻ xấu đánh cắp, còn như: Mèo thấy mỡ lại chỉ sự thèm muốn, khát khao không nhịn được của một hạng người. Khi cần chỉ sự tức giận, bất bình, cạnh khóe có câu: Chửi chó mắng mèo; chỉ sự mâu thuẫn không hòa hợp được có câu: Ăn ở như chó với mèo. Châm biếm cho trường hợp gặp may bất ngờ đạt được cái hoàn toàn ngoài khả năng của mình thì có câu: Mèo mù vớ phải cá rán…
Chú mèo còn xuất hiện trong các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống. Trong tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Bức tranh phản ánh một lối ứng xử của xã hội tiểu nông ngày xưa. Đặc biệt những người thợ - người nghệ sĩ dân gian còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục - Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.
3. Thay lời kết
Dường như loài người luôn mâu thuẫn trong chính quan niệm của mình khi nghĩ về loài mèo. Chúng đã có mối liên hệ gắn bó với con người bao đời nay về nhiều mặt. Có thể thấy mèo là loài vật xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa với nhiều ý nghĩa biểu trưng như sự may mắn, thông minh, linh thiêng… của loài người hay đặc biệt hơn còn là hóa thân của các vị thần. Nhưng đồng thời, đối với một số dân tộc thì nó lại mang những biểu trưng xấu như loài vật báo điềm dữ, sự tà ác… từ đó một số nền văn hóa dùng hình ảnh của chúng lưu truyền qua tín ngưỡng, truyện kể, truyền thuyết, tục ngữ để phê phán những tật xấu của con người.
Ngày nay mèo được tái hiện với các hình tượng tranh ảnh, hoạt hình, truyện tranh với những chú mèo ngộ nghĩnh, đáng yêu như: mèo đi hia; mèo Kitty (con thú cưng gối đầu của nhiều bạn trẻ; mèo Tom, chú mèo trong loạt phim hoạt hình Tom và Jerry của Mỹ; chú mèo Luna trong Thủy thủ Mặt Trăng, mèo máy Doraemon… Có thể khẳng định, dù ở mặt tích cực hay tiêu cực thì loài mèo vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống của con người ở mọi thời đại.
Đ.T.T
(TCSH408/02-2023)
--------------------------
1, 2, 3 Jean Chevalier, Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002), 589, 590.