Ở Pháp, đến nghỉ hè thì có chuyện đi tắm biển. Tuy nhiên cách đây không lâu, phong trào đi chơi núi bộc khởi và số người rời biển lên núi ngày càng đông. Có người chỉ biết núi qua những cuộc trượt tuyết mùa đông. Bây giờ nhiều người phát hiện mùa hè ở núi có lắm trò giải trí, từ những buổi phát kiến thoải mái động vật, thực vật, đặc biệt chim, hoa, qua các hoạt động thể thao như cưỡi ngựa, lượn dù, bơi xuồng, vượt thác,… hay, thảnh thơi hơn, dạo chơi rừng núi.
Môn thể thao nầy có ưu điểm là ai cũng thực hiện được, mỗi người tùy theo sức mình. Ai tim yếu, chân mềm thì chọn những con đường bằng phẳng, ít trèo cao, xuống thấp. Ai sung sức hơn hoặc đã biết thích nghi buồng phổi và nhịp tim với các cơn dốc lên xuống thì có thể dấn bước vào những hành trình cao, dài hơn. Tuy nhiên càng lên cao, càng vượt quá đám mây mù thì lại nhìn được xa, chứng kiến được những phong cảnh mới lạ hơn, những đồi núi hùng vĩ chập chờn trong mây tích hay chen lẫn với tuyết trắng thiên thu mà ở dưới thấp ít có điều kiện mục kích.
Hằng năm tôi thường đưa gia đình lên một nhà nghỉ dành cho nhân viên của Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp ở Aussois, vùng Haute-Savoie, một khu làng nhỏ cao độ 1500m, nằm trong Thung lũng La Maurienne, trên đường qua Ý, cách thị xã Modane (quốc lộ N6) mười phút xe hơi. Tọa lạc ở ngưỡng cửa Công viên Quốc gia La Vanoise trong dãy núi Alpes, Aussois là một trạm dừng chân trên con đường nối liền các nhà thờ phong cách baroque miền Savoie, cách đây không lâu còn thuộc Ý: bảo vệ miền nam là cả một dãy đồn lũy xây dựng theo kiểu Montalambert hay Vauban trên thành vách đá Eseillon đầu thế kỷ 19.
Trừ những người lão luyện, thành thạo từ lâu, thường khách mới đến được tổ chức tuần tự các chuyến đi: những ngày đầu chọn những chuyến đi vài giờ, với một độ núi chênh không quá 100-300m; sau đó, tùy sức mới dần dần “lên” những chuyến đi suốt ngày, từ 5 đến 7 tiếng đồng hồ, độ núi chênh vượt quá 600m, có khi đạt đến 800-1000m. Trong danh pháp trèo núi, ít có nói đến độ dài một chuyến đi mà thường được đánh giá bằng thời gian và nhất là độ núi chênh. Tuy quen trèo núi từ nhiều năm, mỗi lần đến Aussois, không tin ở cặp giò lớn tuổi của mình ít dùng trong năm, tôi lại bắt đầu với những chuyến khởi động mise en jambe, xếp hạng một sao, thường dành cho các bà và con trẻ. Có ông mang theo cả con nhỏ trên vai. Sau vài ba ngày, tôi mới dần dần ghi tên vào những chuyến hai hay ba sao. Trong các chuyến đi này, người trèo núi phải mang giày mũ quần áo đầy đủ vì lắm khi ra khỏi đường mòn, bước qua ghềnh đá chấp chênh, có những chiều trời giông, tuyết lạnh bất thường, cũng có những trưa nắng cháy gắt gao, hết còn cây cối thì không tìm đâu ra bóng mát. Cũng may là ngày nay, ít còn rắn rết, nếu không là thỉnh thoảng lạc loài một vài con rắn vipère độc rủi ro mới gặp.
Tuy vậy, ở cao độ, vào cuối tháng bảy, đầu tháng tám, vào dịp nghỉ hè, hoa vẫn còn nhiều. Hoa núi mọc thấp nhưng muôn vẻ muôn màu: chỗ này long đởm gentiane, cẩm chướng oeillet, liễu diệp épilobe xanh tím, đằng kia mao lương renoncule, phụ tử aconit, mai hoa parnassie trắng vàng. Từ các ghềnh đá nhô ra những cành tai hùm saxifrage, râu thần joubarbe, hoa gấm silène biểu dương một sức sống mãnh liệt trong những điều kiện khe khắt. Thỉnh thoảng một nhánh hoa huệ kèn núi lis martagon yêu kiều vươn cao, diễm lệ như cô gái dậy thì. Xa xa, một đám sao bạc edelweis mượt mà như nhung, tượng trưng cho tình yêu lãng mạn lâu dài, kín đáo giữa muôn hoa sặc sỡ. Cũng đẹp và nên thơ khi về chiều, cả một sườn núi nhuốm màu đỗ quyên rhododendron đỏ thắm trong ánh nắng vàng mặt trời sắp lặn, hay phất phơ trong gió những ngọn cỏ hân ngỗng anémone rêu tóc tơi bời.
Lúc ánh nắng dịu xuống cũng như lúc bình minh mờ sáng là khi thú rừng kéo nhau đi kiếm mồi. Bạo dạn là những con marmotte ồn ào kêu nhau từ đồi này qua núi nọ, có khi vô tư đứng nhìn người qua đường chẳng chút sợ hãi. Nhát gan hơn là những chú dê rừng bouquetin, hơi có tiếng động là mau lẹ lánh trốn nơi xa. Hiếm thấy là những vị sơn dương chamois chỉ lảng vảng trên sườn cao, hóc đá lởm chởm, thản nhiên trong tiếng kêu thất thanh của mấy đàn diều hâu, cú vọ bay lượn thảnh thơi. Qua ống nhòm, nhiều khi thấy chúng bất động trên đỉnh núi, hai sừng bật rõ trên nền trời xanh thẳm, oai vệ như vị chúa tể muôn loài. Với một tốc độ trèo núi lớn gấp mười tốc độ của ta, nó chẳng sợ ai rượt đuổi và điềm nhiên kiêu hãnh nhìn xuống đoàn khách qua đường ở dưới.
Đứng dưới chân núi ngất cao vời vợi, ta cảm thấy nhỏ bé làm sao. Đi quanh Aussois, bất kỳ trong hành trình nào, khách cũng thấy ngọn núi La Dent Parrachée (3697m) sừng sững uy nghiêm chế ngự thung lũng, trên đỉnh tuyết băng trắng xóa xen lẫn với màu đá xám nâu, khi bị mây mù bao phủ thì lại có vẻ sâu kín, bí ẩn. Đẹp nhất là khi lại gần thấy bóng núi phản chiếu trong hồ, rung rinh dưới mặt nước khẽ động, gây ra một ảo tưởng huyền diệu thần tiên. Khi ấy người trèo núi quên hết mọi mệt mỏi day dứt trong những thước bước cuối cùng, quên hết mọi buồn phiền khi trong đầu óc luôn còn lởn vởn lời than trách phận “Que diable allait-il faire dans cette galère!” (Chán quá, xông vào cảnh khổ ấy làm gì!). Thật vậy, phải trải qua cơn cực nhọc mới hưởng được cái hạnh phúc đạt đến mục tiêu. Lên đến đỉnh núi rồi mới thảnh thơi phơi mình trong nắng, thở bầu không khí trong lành, thanh thản uống ngụm nước lạnh, nhìn quanh trời mây hồ tuyết trong cảnh tĩnh mịch núi đồi.
Đấy, thú leo non trèo núi phát xuất từ tự mình. Đối với nhiều người, quanh năm cặm cụi trước bàn giấy, quanh máy vi tính hay lục đục trong phòng thí nghiệm, được ra ngoài trời thở khí mát, tắm nắng dịu, duỗi tay chân, tạm dẹp mọi khó khăn, quên trắc trở hàng ngày,… thì đi dạo rừng là một môn giải trí giản dị, một môn thể thao rẻ tiền, còn đòi hỏi gì hơn. Và như mọi hoạt động khác, cần phải bắt đầu, dấn thân, biết vượt khó khăn, chịu đựng mệt mỏi, cần phải trải qua những phút gian nan, chán nản, rồi dần dần mới hiểu được cái vui thích thầm kín của một cuộc chiến thắng bản thân, thưởng thức được cảnh đẹp thiên nhiên chỉ dành cho kẻ biết cố gắng, biết vượt sức mình một lúc nào đó trong hành trình. Riêng phần tôi có những lúc mệt nhoài, chân không nhắc lên được, những bắp thịt trở nên cứng đừ, ngồi thừ người dựa lên phiến đá, để tự cổ vũ, tôi miên man nghĩ đến những bạn bè nai nịt gọn gàng, vai nặng bao bị, cũng trèo đèo vượt suối như tôi đang làm, nhưng trong một môi trường đầy nguy hiểm, không phải để tìm thú vui đồi núi mà là đang làm nghĩa vụ một người công dân, một trai tráng thời chinh chiến… Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai… Đáng cảm phục thay những bạn nay không còn nữa, những bạn đã hy sinh trong công cuộc giữ gìn đất nước.
Xô thành mùa hạ 2009 V.Q.Y (252/02-2010)
|