Nhìn ra thế giới
Washington DC - mùa hoa anh đào
15:26 | 14/05/2010
NGUYỄN VĂN DŨNGSakuya là vị nữ thần cực kỳ xinh đẹp của xứ mặt trời mọc. Nàng là người đầu tiên tự tay gieo hạt giống cây anh đào trên núi Phú Sĩ. Mùa xuân hoa anh đào nở, đẹp cái đẹp lộng lẫy mê hồn của nàng. Bởi thế, người Nhật gọi hoa anh đào là Sakura - đọc trại từ Sakuya. Ngày nay, hoa anh đào đã có nhiều loại và mọc nhiều nơi, nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa anh đào ở núi Phú Sĩ.
Washington DC - mùa hoa anh đào
Hoa anh đào ở Washington DC - Ảnh: Internet
Hoa anh đào là quốc hoa của người Nhật. Để bày tỏ tình hữu nghị Nhật - Mỹ, ngày 27 tháng 3 năm 1912, ngài Yukio Ozaki - thị trưởng thành phố Tokyo, đã tặng nhân dân Mỹ 3.020 cây hoa anh đào. Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Helen Taft và phu nhân ngài đại sứ Nhật Viscountess Chinda đích thân trồng hai cây đầu tiên ở phía bờ bắc hồ Tidal Basin. Năm 1965, chính phủ Nhật còn tặng thêm 3.800 cây nữa, hẳn là để nồng thắm mối tình xưa vốn bị tả tơi trong chiến tranh.

Hàng năm, cứ vào cuối tháng ba, sau mùa đông dài lạnh giá, bỗng đất trời rạng rỡ, chim chóc líu lo, và hoa anh đào nở. Ấy là mùa xuân về. Hàng triệu du khách từ khắp nơi trong nước và trên thế giới đổ về Washington D.C tham dự lễ hội hoa anh đào. Năm nay, Hội hoa anh đào diễn ra từ ngày 27 tháng 3 đến 12 tháng 4. Để chiêm ngưỡng mùa anh đào trên thủ đô nước cờ hoa, tôi phải bay nửa vòng trái đất - từ TP Hồ Chí Minh qua Singapore, lên Frankfurt, sang New York, về Washington DC. Hẳn trong đám nhân loại đang ngẩn ngơ dưới một trời hoa anh đào kia, không ít vị cũng từ xa xôi vạn dặm “đánh đường tìm hoa” chứ chẳng phải một mình chi tôi.

Ngoài mấy ngàn cụ anh đào ngót nghét tuổi bách niên, còn hàng vạn cây anh đào khác thế hệ con, cháu, chít chi được trồng khắp nơi ở thủ đô Washington DC, nhưng tập trung nhất và ấn tượng nhất vẫn là quanh hồ Tidal Basin, dọc theo hai bờ sông Potomac, và quanh tượng đài George Washington. Mùa đông, anh đào trụi lá trơ cành khẳng khiu trong tuyết trắng. Sang xuân, từ các mắt nhỏ nẩy từng nốt lộc li ti, rồi phát triển dần thành những chùm nụ hoa, sẵn sàng đợi mùa xuân vẫy gọi. Bắt đầu, chỉ vài bông hoa e dè, ngần ngại, rồi bỗng bừng nở trắng hồng bát ngát trời mây. Đây là một trong những nét biểu trưng của hoa anh đào: đã có hoa thì không có lá, đã nở thì nở hết mình, cùng nở cùng tàn; cũng như người võ sĩ đạo, cùng chiến đấu và cùng chết.

Hoa anh đào là điểm sáng nghệ thuật của bài thơ Hoa Thịnh Đốn. Không biết trước khi có hoa anh đào, thủ đô của cái Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ rộng lớn này nó như thế nào. Phàm thủ đô của một nước là trái tim, là bộ óc của nước đó. Trái tim mà to quá là trái tim bệnh, cái đầu bự quá là cái đầu đao. Từ hơn 200 năm trước, nước Mỹ đã tránh được nhược điểm chết người này. So với các thành phố khác trên đất Mỹ, Washingtong DC không to, không rộng, không có những toà nhà cao tầng, khệnh khạng ta đây. Trong khu vực National Mall, ngoài hai đài tưởng niệm lịch sử, còn lại là không gian mở, vừa uy nghiêm, vừa thanh thoát, bát ngát cỏ cây, hoa lá, sông hồ. Ngay tại trung tâm National Mall, đài tưởng niệm George Washington uy linh như lưỡi kiếm dựng giữa bầu trời xanh. Sau khi ông mất, người ta đánh giá về ông: Là người nhất trong chiến tranh, nhất trong hoà bình, và nhất trong tim mọi người. Xa xa về phía tây là đài tưởng niệm Abraham Lincoln, người dẫn dắt nước Mỹ qua cuộc nội chiến khốc liệt, và là người chấm dứt chế độ nô lệ tại quốc gia này. Cả hai đài tưởng niệm đều uy nghi mà gần gũi, bay bổng mà trần gian.

Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson nằm cạnh hồ Tidal Basin, về phía nam National Mall, ông là người có những tư tưởng ảnh hưởng sâu xa đến nước Mỹ và lịch sử nhân loại; là tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ - trong đó ông khẳng định những nguyên tắc cơ bản của con người: quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc. Sau mỗi vòng thọc tay vào túi, lang thang quanh hồ dưới vòm hoa anh đào lả lướt và đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, tôi thường dừng chân ở đây, ngắm nghía thiên hạ, và suy ngẫm vẩn vơ. Cái ông tổng thống này, trong thời đại người ta coi nô lệ, chiếm đoạt, độc đoán, chuyên quyền là lẽ tất yếu, thì ông kêu gọi bình đẳng và tự do cho mọi người - lãng mạn và đẹp quá! Trên đỉnh cao uy tín và quyền lực, ông dư sức làm ráng thêm đôi ba nhiệm kỳ tổng thống nữa, nhưng ông chọn cách rút lui - minh triết quá! Thế thì có khác chi loài hoa anh đào kia, chẳng đợi đến khi tàn úa mà kết thúc lúc hãy còn hồng thắm trên cành. Hoá ra, không phải ngẫu nhiên mà người ta thiết kế đài tưởng niệm của ông dưới cội hoa anh đào.

Ngày tôi đến, Washington DC đang vào hội. Dọc theo bờ hồ Tidal Basin lộng lẫy một trời hoa anh đào. Hoa anh đào có nhiều loại, hoa anh đào khu vực hồ Tidal Basin chủ yếu là giống Somei Yoshino - hoa lớn, năm cánh, màu hồng nhạt, nhụy vàng, đẹp và quí phái. Đây là loại anh đào người Nhật rất chuộng, được trồng nhiều ở thủ đô Tokyo. Đã từng ngắm hoa anh đào trong ảnh, nay bỗng sững sờ bởi rừng hoa anh đào trước mặt. Hồ Tidal Basin liên thông với sông Potomac, nên nước hồ trong xanh soi bóng ngàn hoa anh đào. Dưới ánh mặt trời dịu ngọt đầu xuân, những cánh đào tinh khiết e ấp mỉm cười trong gió. Trên mặt hồ, các đôi tình nhân bên nhau trên những chiếc pedalo bằng nhựa trông đơn điệu và hơi thô. Ai cũng hiểu, thuyền không chỉ để chèo mà còn để làm đẹp mặt hồ, làm đẹp dòng sông, hài hoà với không gian cỏ cây hoa lá, non nước mây trời. Tiếc thay, cơ chi người ta thiết kế chúng thành những con thiên nga như trên sông Hương của Huế mình - nhẹ nhàng, thanh thoát, đẹp và lãng mạn. Với lại, tình yêu thì dù ở đâu vẫn luôn cần những đôi cánh.

Quanh hồ Tidal Basin, bên cạnh những cụ anh đào gần trăm tuổi, còn có cả anh đào thế hệ thiếu niên - cũng vươn mình rực rỡ, cũng chúm chím gọi mời. Nhưng tôi chỉ thích tha thẩn dưới những cội anh đào già in dấu thời gian. Điều kỳ diệu nhất ở các cụ là trong khi thân sần sù đại thụ, nhưng cành lại khoẻ khoắn trẻ trung, còn hoa thì lộng lẫy nồng nàn. Cái dáng góp phần tạo nên vẻ đẹp lãng mạn và quyến rũ của hoa anh đào - không nở thẳng đuột như nhiều loài hoa khác, mà bao giờ cũng buông, cũng rủ, cũng nghiêng mình, như đang nặng lắm bao nỗi sầu tư, hay chỉ là để thì thầm với nhân gian điều chi đó. Nhiều cô gái chợt dừng lại, nâng niu cành đào trước mặt, lâm râm gửi gắm nỗi niềm. A, tôi đoán ra rồi, chắc cô cầu nguyện cho mối tình của cô hồng thắm mãi như hoa anh đào, còn nếu không may phải chia lìa, cô mong sao nó cũng đẹp như hoa anh đào chao liệng trong gió.

Hoa anh đào có ba màu: trắng, hồng, và đỏ; chưa kể màu biến hoá giữa ba màu kia, khiến hoa luôn luôn sinh động và quyến rũ. Hoa anh đào tượng trưng cho tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật. Thời gian tồn tại của hoa chỉ ngắn thôi, trong vòng một tuần, và kết thúc khi hãy còn tươi thắm trên cành. Hoa anh đào không rụng mà buông mình, không rơi mà chao liệng lả lướt, vẽ nên một trời mộng mơ. Cũng như người võ sĩ đạo, đã sống là phụng sự hết mình, còn nếu phải chết thì chết cho thật đẹp.

Hoa anh đào - cánh hoa mỏng manh, nhụy hoa thanh thanh, cuốn hoa mảnh và dài. Đặc điểm ấy khiến hoa anh đào rất nhạy cảm, cũng như tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm của người Nhật. Hình như hoa anh đào chỉ rụng trước gió. Chiều ngày 3 tháng 4, một trận mưa tơi bời ập xuống thủ đô Washington DC, dưới chân nước tuông xối xả, cả rừng hoa anh đào không bông hoa nào chịu rụng. Vậy mà mấy hôm sau, chỉ một làn gió nhẹ thoảng, hoa rụng kín trời. Hoa anh đào rụng khiến mặt hồ Tidal Basin nở hoa, dọc theo các lối mòn quanh hồ cũng đầy hoa. Trước sau trên dưới, rực rỡ sắc hoa anh đào. Trôi theo dòng người, tôi đi, lòng dạt dào cảm khái. Tôi chưa có cơ hội chiêm ngưỡng hoa anh đào rơi dưới trăng. Có người nói rằng, đó mới là khoảnh khắc đẹp nhất, gợi cảm nhất, lay động tận sâu thẳm tâm hồn, giúp ta ngộ ra lẽ thường hằng của tạo hoá, rằng không có gì tồn tại mãi mãi, rằng cái đẹp bao giờ cũng chóng tàn phai.

Người Nhật gọi lễ hội hoa anh đào là Hanami. Hana là hoa (anh đào), mi là chiêm ngắm. Năm mới bắt đầu từ tháng giêng, nhưng tài khoá mới thì bắt đầu từ mùa hoa anh đào. Mùa hoa anh đào còn là mùa nhập môn, là mùa thanh niên trai tráng lên đường tòng quân. Cho nên mùa hoa anh đào là mùa của kết thúc, cũng là mùa của bắt đầu; mùa của chia tay cũng là mùa gặp gỡ. Những ngày hoa anh đào nở, người ta rủ nhau ra công viên, bên bờ sông, dưới cội anh đào, uống rưọu, ca hát, nhảy múa. Người Nhật có câu nói này thật dễ thương: “Nếu là hoa xin hãy là hoa anh đào. Nếu là người chỉ muốn là người võ sĩ đạo”. Ngày nay tầng lớp võ sĩ đạo không còn nữa, nhưng tinh thần võ sĩ đạo thì vẫn luân lưu trong máu mỗi người Nhật: chung thủy, lãng mạn, nhạy cảm, tự trọng, tự xử… Với người Nhật, hoa anh đào bao giờ cũng gắn liền với kimono, rượu sake, nhan sắc Nhật, cốt cách Nhật, tâm hồn Nhật, văn hóa Nhật…Ngày hội hoa anh đào là sự kiện trọng đại, nó chạm đến tận cùng ngõ ngách tâm hồn mỗi người Nhật

Ở Mỹ, người ta gọi lễ hội hoa anh đào là National Cherry Blossom Festival. Trong con mắt người Mỹ, hoa anh đào lộng lẫy, lãng mạn, bay bướm, lạ, và quá đẹp mà người ta không thể không thưởng thức. Nhưng rõ ràng cách thưởng hoa của người Mỹ khác người Nhật. Người Mỹ, đi qua, ngắm nhìn, ngưỡng mộ, và tiếp tục đi; trong lúc người Nhật thì dừng lại, ngồi xuống, chiêm ngắm, suy nghiệm, và thổn thức. Với người Mỹ, hình như họ đang có một nơi nào đó cần phải đến, một việc gì đó cần phải làm, một ai đó cần phải gặp; thường cái nhìn của họ không đọng lại nơi nụ hoa, không trải lòng, không thấu cảm, không giao hòa. Họ như chủ thể là ta đang ngắm nghía khách thể là hoa. Tất nhiên họ vẫn có thể thưởng thức hoa anh đào, có điều không chắc chi đạt đến tuyệt cùng cái đẹp. Tôi không thích cách người ta ngắm hoa như thế - nó hời hợt, vô tình. Mỹ là quốc gia giàu mạnh với nền văn minh công nghiệp phát triển hàng mấy trăm năm, con người là bộ phận của guồng máy quay đều với một tốc độ không thể dừng lại. Bởi vậy, e không phải người Mỹ nào cũng thấm nhuần văn hóa ngắm hoa, cả niềm vui “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”. Tôi đoan chắc rằng ngài Tổng thống Bush chưa hề đến đây ngắm hoa anh đào. Là vì nếu không thế, sau hai nhiệm kỳ làm chủ nhân toà Bạch Ốc, ông ta đã không để lại cho nước Mỹ và nhân loại một di sản tối tăm đến vậy.

Đừng quên, lễ hội hoa anh đào sẽ mất đi một phần thi vị nếu như thiếu cái khoản ngắm người đẹp ngắm hoa anh đào. Quá nhiều mĩ nhân từ khắp nơi đổ về, đen trắng vàng nâu, Á Âu Phi Mỹ, mỗi người mỗi vẻ nhưng xem ra ai cũng đẹp. Trời lạnh đến 70C nhưng nhiều cô nhất định chọn cách ăn mặc cực kỳ giản dị, khiêm tốn. Có thể họ muốn so tài cao thấp với hoa anh đào chăng. Biết đâu đấy, trong vô thức, người phụ nữ nào cũng nghĩ rằng mình là người đàn bà đẹp nhất thế giới. Nhưng mà, dưới cội hoa anh đào, hình như các mỹ nhân Á Đông với một chút thanh mảnh, một chút sâu thẳm, một chút huyền bí... dễ làm nhân gian xao xuyến hơn là mấy nàng kiều mắt xanh mũi lõ, cô mô cô nấy bồ lương tấn gió; trông ngồ ngộ, vui vui.

Rất dễ nhận ra ai là ai trong đám nhân loại đang nhởn nhơ dưới ngàn hoa anh đào kia: Tàu, Nhật, Ấn, Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga, Mỹ, Ả Rập… Mỗi người đều mang nét đặc trưng của nền văn hoá nước mình. Ví dụ, người Nhật và người Tàu thì không hề lầm lẫn, cũng không thể lầm lẫn với ai. Nhật thường đi một mình, đôi khi chỉ hai, thinh lặng, trầm tư. Tàu đi từng đoàn, veston cà vạt hẳn hoi, liến láu, ồn ào. Tôi không biết trong con mắt người nước ngoài, họ có dễ dàng nhận ra người Việt mình không - cũng như mỗi con người, một đất nước không có bản sắc riêng là một đất nước chẳng ra gì.

Lễ hội hoa anh đào ở Washington DC bao giờ cũng kèm theo nhiều hoạt động văn hóa khác, trong đó chương trình văn nghệ và diễu hành truyền thống được nhiều người hâm mộ nhất. Sáng ngày 6 tháng 4, sau khi thăm toà nhà Quốc hội Mỹ, tôi cùng mấy đệ tử cũng bày trò làm một cuộc diễu hành từ điện Capital, dọc theo đại lộ Pennsylvania, về toà Bạch Ốc. Lỏng buông tay khấu, vừa tà tà vừa nhấm nháp bánh lọc, chè đậu, nhâm nhi cốc trà Thái Nguyên đặc sản. Toàn những món ăn bình dân bên nhà, không hiểu sao qua đây nó bỗng ngon lành và sang trọng. Ôi quê hương, sao còn nghèo nàn lạc hậu là thế mà đi đâu tim ta cứ mãi vọng về.

Tôi ngờ rằng trong vô số du khách dập dìu ngắm hoa anh đào năm nay có cả Trịnh Công Sơn. Không phải vì Sơn mất dịp hoa anh đào nở, mà vì tại thủ đô nước cờ hoa này anh cũng có một chốn riêng để đi về - ngôi nhà hoạ sĩ Đinh Cường, bạn thân thiết của anh. Anh Cường chọn một góc trang trọng trong nhà dành cho bạn. Từ đây Sơn có thể nhìn ra khu rừng bát ngát hoa anh đào mùa xuân, thẳm xanh cỏ cây mùa hạ, âm thầm lá đổ mùa thu, cô liêu tuyết lạnh mùa đông. Trên giá vẽ, một bức tranh sơn dầu cỡ lớn anh Cường vẽ Trịnh Công Sơn; bạn bè ghé thăm, anh đều mời lưu lại bút tích. Ngày tôi đến, bên sau đã rậm rạp tên tuổi tao nhân mặc khách. Anh Cường nói khi nào làm xong nhà lưu niệm Sơn, anh sẽ tặng bức tranh này để ghi dấu bạn bè một thuở. Vói tay lấy ly rượu trên bàn thờ, anh Cường nghiêm trang nói: “Ly rượu mới rót hôm qua mà nay đã cạn”. Tôi thầm nghĩ, có lẽ do bốc hơi, chứ nếu Sơn mà uống thì có bao giờ chỉ uống một ly… Trong lúc chúng tôi nâng cốc chúc mừng ngày tái ngộ, thì Tâm mải mân mê cây đàn ở cuối phòng. Tâm là học trò cũ của tôi, đang định cư tại Maryland. Hồi ở Việt Nam, em tốt nghiệp khoa piano trường Quốc gia Âm nhạc. Tôi gợi ý “Tâm có hay chơi Trịnh Công Sơn không?”. Tâm nhẹ nhàng ngồi xuống, điệu nghệ đặt tay lên phím đàn. Một thứ giai điệu quen thuộc, sâu lắng, chan chứa, tràn ngập căn phòng, tràn ngập cõi lòng: Diễm xưa, Tình xa, Biển nhớ, Phôi pha... Tôi tưởng như chính Sơn đang ngồi trước cây đàn, trải lòng cùng bè bạn, thì thầm với người, thao thức với thiên thu. Giữa cái cõi thế phù du này, đó là con người hiếm hoi không bao giờ phôi pha trong tâm tưởng mọi người.

Tôi rời Washington DC bốn ngày trước khi lễ hội hoa anh đào kết thúc. Một ý nghĩ đeo đẳng tôi suốt quãng đường về: Mùa xuân 2007, để thúc đẩy quan hệ song phương và giao lưu văn hóa Nhật - Việt, chính phủ Nhật tặng Thủ đô Hà Nội ba cây hoa anh đào, chưa kịp yên vị, lớp lớp nam thanh nữ tú nhào vô tùng xẻo, trong vòng vài phút, ba cây anh đào chỉ còn gốc. Mùa xuân 2008, chính phủ Nhật lại tặng tiếp sáu cây hoa anh đào. Rút kinh nghiệm từ mùa xuân trước, chính quyền quyết tâm điều đến 500 cảnh sát để bảo vệ. Rõ ràng, có sự khác nhau giữa lễ hội hoa anh đào của Nhật và Mỹ, nhưng đó là sự khác nhau giữa hai nền văn hoá. Còn ta, cái khác đó là gì vậy?... Có thể điều tôi trăn trở không phải là điều trăn trở của Basho, nhưng sao câu thơ của ông phù hợp với tâm tư tôi đến thế. “Hoa đào hoa đào. Trong tâm tưởng gieo rắc. Biết bao điều”.

N.V.D

(254/04-10)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Đại Lý hành (26/02/2010)
Thú trèo núi (09/02/2010)