Nhìn ra thế giới
Trung tâm Joiner: hai mươi năm nhìn lại
15:41 | 26/09/2008

NGUYỄN BÁ CHUNG

Tháng 10 năm 2007 đánh dấu 25 năm thành lập trung tâm Joiner. Nhưng với tôi, nó đánh dấu một đoạn đường 20 năm nổi chìm với trung tâm, trong đó có 15 năm làm thiện nguyện và 10 năm cuối cùng làm việc chính thức. Hai mươi năm là một thời gian dài đủ để nhìn lại, ghi lại một số kỷ niệm và rút ra một số kinh nghiệm để nhìn tới đoạn đường phía trước.

Trung tâm Joiner: hai mươi năm nhìn lại
Nhà thơ Nguyễn Bá Chung

Phải nói sự hình thành của trung tâm Joiner là một sự kiện kỳ diệu vì nó chỉ có thể xẩy ra ở thành phố Boston tiểu bang Massachusetts mà không thể xẩy ra ở bất cứ tiểu bang nào khác trên nước Mỹ trong giai đoạn đó. Là một trung tâm nghiên cứu trực thuộc một đại học công, nhận tiền tài trợ của ngân quỹ tiểu bang, nhưng nó lại mang màu sắc phản chiến và tiến bộ! Đó là vì Massachusetts là tiểu bang phản chiến nhất nước Mỹ. Trong cuộc tranh cử tổng thống giữa Nixon và McGovern năm 1972, Nixon đã thắng phiếu ở 49 trong số 50 tiểu bang. Tiểu bang duy nhất bỏ phiếu cho ứng cử viên phản chiến McGovern là Massachusetts . Cả hai Thượng Nghị sĩ hiện thời của tiểu bang, Kennedy và Kerry, đều chống chiến tranh. Trong cuộc tranh cử giữa Bush và Kerry năm 2004, Massachusetts là tiểu bang bỏ phiếu cho Kerry với tỷ lệ cao nhất nước Mỹ. Có thể đó cũng có lý do, vì Massachusetts cũng là tiểu bang với tỷ lệ dân số tốt nghiệp đại học cao nhất.

Hai nhà văn được mời sang nước Mỹ đầu tiên là Lê Lựu và Ngụy Ngữ. Lúc đó tôi đang làm cho một công ty điện toán, công việc rất bận rộn. Nhưng khi ông Kevin nhờ tôi tới giúp về vấn đề dịch thuật và đón khách, tôi nhận lời ngay. Tuy nói là thiện nguyện chứ thực ra tôi có một lý do riêng tư  khi nhận lời. Từ hồi sang Mỹ vào cuối năm 1971, tôi đã đọc rất nhiều sách về lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam, nhất là về cuộc chiến tranh kháng Pháp và chống Mỹ. Qua những tìm hiểu đó, tôi đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về “Vietnam war”, hay “chiến tranh Vietnam” như ngưới Mỹ vẫn thường gọi. Tuy nhiên tôi vẫn còn rất nhiều thắc mắc về phía “bên kia”, cũng như về hiện tình Việt mà không sách nào trả lời được. Hồi đầu cả hai người ở dưới căn hầm của nhà Kevin ở thành phốDorchester , cách chỗ tôi ở khoảng nửa giờ lái xe. Nhưng vì không quen đồ ăn Mỹ, vẫn chỉ muốn ăn cơm chấm nước mắm hàng ngày nên cuối cùng cả hai nhà văn dọn về ở chung với tôi.

Tôi theo gia đình di cư vào Nam năm 1955 lúc mới khoảng 6 tuổi nên Lê Lựu là người đầu tiên của chế độ miền Bắc tôi được gặp. Anh Lựu có một tài rất giỏi là kể chuyện tếu. Anh ấy có thể ngồi kể chuyện tiếu lâm ở thôn quê miền bắc từ 9 giờ tối tới 1 giờ sáng mà vẫn không hết chuyện. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác vừa bất ngờ vừa thú vị của những lần kể chuyện nửa đêm đó. Nó mở ra cho tôi một thế giới của văn hóa thôn quê làng xã nơi tôi đã lớn lên ngày xưa, nhưng lúc đó đã hoàn toàn đánh mất. Tôi nhận ra ngay là để hiểu chiến tranh Việt nói riêng, và con người Việt nói chung, tôi phải tìm về cái nôi văn hoá đó. Tôi như một người đi xa, bỗng thấp thoáng nhận ra hình bóng quê quán của mình.

Có một lần tôi dẫn Ngụy Ngữ tới thăm gia đình một ngưới bạn ở Quincy, ngoại ô thành phố Boston . Họ ở trên một cao ốc khoảng 15 tầng, những hộ san sát bên nhau, chỉ chừa một lối đi nhỏ, rộng khoảng 2 thước, dài và sâu hun hút. Đi thang máy từ lầu một lên cho tới khi gõ cửa nhà người bạn, không thấy một bóng người. Có lẽ để tiết kiệm điện nên lối đi chỉ vừa đủ sáng, “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Khi ra về, đi dọc hành lang âm u lạnh lẽo, và vẫn không một bóng người ấy, Ngụy Ngữ nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: Chung ạ, tao phải về Việt chứ sống như thế này thì tao chết mất. Ngụy Ngữ là một con người rất thẳng thắn, rất dũng mãnh, và rất bất cần. Khi bị kẹt giấy tờ ở Thái Lan không bay sang Mỹ được (thời đó đi từ Việt Nam sang Mỹ có lẽ cũng khó khăn và phiền toái như ngày xưa Nguyễn Du đi từ Hà Nội ra kinh thành Huế!), anh đã quyết định bỏ về nước, không chờ chọc gì nữa. Ông Kevin và tôi một mặt phải nhờ Thượng Nghĩ Kennedy can thiệp, một mặt phải gọi điện thoại liên tục để động viên Ngụy Ngữ cố gắng chờ. Tôi biết hoàn cảnh trong nước lúc đó rất khó khăn, có “rất nhiều vấn đề”. Câu nói của Ngụy Ngữ giúp tôi hiểu một cái gì đó rất sâu thẳm của văn hóa Việt . Nó sẽ đủ sức khắc phục tất cả.

Chuyến đi của Lê Lựu và Ngụy Ngữ rất thành công. Tài nói chuyện rôm rả dễ mến và tính nói thẳng của Ngụy Ngữ làm người Mỹ quý mến. Chính sự quý mến đó đã là động lực thúc đẩy cho những cuộc viếng thăm kế tiếp, mở ra một cửa ngõ giao lưu duy nhất giữa Việt và Hoa Kỳ trong thời gian cấm vận. Tất cả phải trên 60 nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ - Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Thiều, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Thu Bồn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, v.v. Nếu kể thêm các sinh viên Thạc sĩ, các nhà nghiên cứu của Chương Trình Rockefeller, phải tới trên trăm người.

Thơ và văn của người Việt được đón tiếp một cách nồng nhiệt. Nhiều người Mỹ, nhất là các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt , đã khóc trong những buổi đọc thơ. Một là có lẽ một phần vì người Mỹ tò mò: cuộc chiến tranh Việt vẫn là một vết thương, một ẩn số rất lớn trong xã hội Mỹ. Hình ảnh của “phía bên kia” vẫn còn rất mờ nhạt, phần lớn chỉ là những khung hình nộm trong tiểu thuyết, thơ ca, hoặc phim ảnh Hollywood . Hai là thơ Việt vẫn mang tính tự sự, dễ bắt và dễ cảm trong khi thơ hiện đại của Mỹ, do xã hội hậu kỹ nghệ quá đa dạng và quá phức tạp, càng ngày càng mang tính đặc thù riêng tư nên trở thành khó hiểu.

Từ sự hưởng ứng nồng nhiệt đó đã dẫn tới những đề án dịch thuật văn học Việt Nam, chủ ý là thơ, với các tuyển tập thơ song ngữ - Thơ từ Tài liệu Chiến trường (Poems from Captured Documents, 1994), Người đàn bà gánh nước sông - Thơ Nguyễn Quang Thiều (The Women Carry River Water, 1997), Sông núi - Thơ Việt Nam qua những cuộc chiến 1948-1993 (Mountain River: Vietnamese Poetry From The Wars 1948 1993, xb 1998), Đường xa - Thơ Nguyễn Duy (Distant Road   Selected Poems of Nguyen Duy, 1999), Sáu nhà thơ Việt Nam (Six Vietnamese Poets, 2002), Cây thời gian - Thơ Hữu Thỉnh (The Time Tree, 2003), Thơ Thiền Lý Trần (Early Zen Poems From Vietnam, 2005), Từ góc sân nhà em - Thơ Trần Đăng Khoa (From The Corner of My Yard, 2006), v.v. Ngoài ra ông Kevin và tôi còn làm những chuyên đề thơ Việt Nam trong các tạp chí trên thế giới - Manoa (Đại Học Hawaii, số Mùa Đông 1995 & số mùa Hè 2002), Irish Pages (Ái Nhĩ Lan, số Xuân 2003), Cyphers (Ái Nhĩ Lan). Về văn, Trung tâm dịch tiểu thuyết Thời xa vắng (A Time Far Past, 1997) của Lê Lựu.

Đọc và nghiên cứu thơ văn hiện đại Việt Nam đã giúp tôi hiểu thêm cái đa dạng của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa đang trải qua những biến đổi khốc liệt của thời đại. Nó làm tôi cảm nghiệm một cách sâu sắc những khó khăn khổng lồ xã hội Việt đang phải đối đầu sau gần một thế kỷ chiến tranh tàn khốc và liên tục. “Đá cũng phải nát tan, huống gì là con người”. Và nó làm tôi cảm phục hơn nữa những người Việt ở mọi nẻo đường đất nước và hải ngoại, đang âm thầm tìm những lời giải cho những khó khăn đó. Tôi vẫn tin tưởng là văn hóa Việt , cái nôi đã giữ cho Việt độc lập sau hai ngàn năm, sẽ đủ sức khắc phục tất cả.

Về phía Mỹ, sức mạnh thực sự của Trung Tâm Joiner là sự ủng hộ và cộng tác của những cựu chiến binh và những cây bút nổi tiếng ở Mỹ. Vào mùa hè hàng năm, Trung Tâm tổ chức một trại viết văn kéo dài hai tuần lễ do các cộng tác viên tên tuổi của Trung Tâm thỉnh giảng. Tổng số những nhà văn nhà thơ thay nhau tới dậy khoảng trên 30 người.

Tiếp xúc và làm việc với họ, tôi khám phá ra là có một nước Mỹ thật đáng yêu, thật đáng quý, và thật đáng trân trọng. Như nhà thơ Fred Marchant. Là sĩ quan quân cảnh đóng ởOkinawa . Khi nhận được lệnh chuyển sang phục vụ ở Việt , ông từ chối nên bị đưa ra toà án quân sự. Đó là một quyết định vô cùng quả cảm vì hầu như chắc chắn ông sẽ bị kết án và phạt tù ít nhất vài năm. Khi mãn hạn tù ông sẽ không được hưởng quyền lợi gì, và cũng sẽ rất khó kiếm việc làm. Rất may cho ông, vị tướng chỉ huy trưởng của ông đã từng phục vụ ở Việt Nam, và một điều không ngờ là trong thời gian đó ông ấy cũng bắt đầu có những nghi ngờ về sự tham chiến của người Mỹ. Vì thế khi ra tòa vị tướng đó đã làm chứng là Fred Marchant hoàn toàn thành thật vì vấn đề lương tâm chứ không phải cố ý trốn tránh. Nhờ thế ông đã được tha bổng và sau đó cho giải ngũ.

Hay Tim O’Brien, có thể coi, như Larry Heinemann, là một trong những nhà văn viết về chiến tranh lớn nhất của Mỹ. Sau khi ở Việt Nam về Tim bị khủng hoảng nặng. Ông mất ngủ triền miền, và đã nhiều lần muốn tự tử. Ông thường kể là “Tôi sang chiến đấu ở Việt vì tôi là một kẻ hèn nhát”. Quả thật vậy. Ông vốn chống chiến tranh. Khi nhận được lệnh động viên ông đã lái xe mười tiếng đồng hồ tới biên giới , thuê một phòng ở nhà nghỉ, và chuẩn bị vượt biên giới. Ông thuê một chiếc thuyền, dự định sẽ chèo luôn qua phía . Có lần ông đã chèo ra giữa dòng, đã thấy phía bên kia bờ, nhưng rồi vì một lý do gì đó lại chèo trở lại. Ông loay hoay ở đó suốt một tuần nhưng cuối cùng vẫn không đủ can đảm sang phía bên kia bờ. Ông nghĩ là một phần vì gia đình có nhiều người có mặt trong trận Thế Chiến thứ II: chú, bác, họ hàng, v.v. Nếu ông bỏ trốn sang , chắc chắn họ sẽ coi khinh không những cá nhân ông, mà cả bố mẹ ông nữa. Nghĩ thế, cuối cùng ông lại lái xe 10 tiếng  trở về, và lên đường nhập ngũ.

Đó là một cuộc chiến tàn khốc, ông biết điều đó. Nó để lại những vết thương không thể chữa lành. Chính những cuộc giao lưu ở Trung tâm đã giúp ông tìm lại niềm vui. Trong một buổi trao đổi thân mật của 3 nhà văn Mỹ với 3 nhà văn Việt Nam trước các thành viên của Trại viết văn, mỗi người sẽ nói khoảng 5 phút về mình, sau đó dành cho những câu hỏi của thính giả. Tới lượt Tim, ông chỉ nói trong 20 giây. Tôi sẽ không bao giờ quên được lời phát biểu ngắn ngủi đó.

Ông nhìn thính giả, rồi quay sang nhìn 3 nhà văn Việt , chậm rãi nói: “Tôi nghĩ là các bạn không thể hiểu được niềm hạnh phúc vô kể của tôi khi được ngồi bên cạnh các nhà văn Việt này”. Rồi ông im lặng, đầy xúc động. Và toàn thể im lặng, đầy xúc động. Sau đó có người hỏi ông có thể giải thích rõ hơn ý nghĩa câu phát biểu ngắn ngủi đó. Ông nói là cuộc chiến tranh đã để lại cho ông những ác mộng, những kinh hoàng khiến ông mất ngủ liên tục. Những ký ức đau thương đó ông không xóa đi được, sẽ phải mãi mãi sống với nó. Nhưng những nhà văn Việt đã cho ông những ký ức mới, những kỷ niệm của an bình, để ông có thể đem nó đặt song song với những thứ làm ông mất ngủ. Đó, đối với ông, là một niềm hạnh phúc rồi.

Hay nữ thi sĩ và văn sĩ Demetria Martinez, đồng thời là phóng viên của một tờ báo có uy tín. Lúc đó ở châu Mỹ Latin có rất nhiều chính phủ quân phiệt nên tình trạng xã hội rất bi thảm, và nhiều người tìm cách trốn sang Mỹ để tránh tù tội và tra tấn. Vì họ vào nước Mỹ bất hợp pháp nên bị nhà nước săn đuổi để trục xuất. Một số nhà thờ ở Mỹ phát khởi phong trào “Sanctuary” (Mỗi nhà thờ là Nơi Trú Ẩn an toàn) để giúp đỡ và bảo vệ những người thân yếu thế cô này. Cô Demetria tích cực tham gia vào phong trào đó, phỏng vấn và viết bài về họ để kêu gọi tinh thần thượng võ của công chúng Mỹ. Vì thế cô bị coi là tiếp tay ẩn dấu người bất hợp pháp, và bị đưa ra tòa. Nếu bị xử là có tội, cô có thể bị tù 20 năm.  Sau hơn hai năm đeo lưỡi gươm Damocles này trên đầu, nhờ sự ủng hộ và vận động của bạn bè, cuối cùng tòa chấp nhận biện hộ của luật sư là cô chỉ làm nhiệm vụ của một phóng viên, và tha bổng.

Hoặc Grace Paley, Người Mẹ của Phong Trào Phản Chiến Mỹ, bà vừa qua đời tháng 8 vừa qua. Mỗi kỳ hè Grace Paley đều dành khoảng hai giờ để nói chuyện với các thành viên của Trại viết văn. Đó luôn luôn là một buổi nói chuyện ý nhị, dí dỏm và sống động. Với hơn 50 năm kinh nghiệm đứng mũi chịu sào cho hầu hết các phong trào tiến bộ ở Mỹ - tranh đấu cho bình quyền phụ nữ, chống nhà máy nguyên tử, chống chiến tranh Việt Nam, chống chính sách quân phiệt, v.v. bà nổi tiếng với những chuyện ngắn về đời thường, nhất là những phụ nữ trung lưu, vừa phải lo cho con, chồng, vừa tham gia biểu tình, phản chiến, v.v.  Hình ảnh của bà làm tôi nghĩ tới chị Lady Borton, một người bỏ cả đời đấu tranh cho Việt .

Hoặc Bruce Weigl, một nhà thơ lớn, với những bài thơ vừa sâu sắc vừa mãnh liệt. Có lần tôi tình cờ thấy một bản photo của bài thơ tựa là Bài hát về bom Napalm. Đọc xong, tôi lặng người đi vì xúc động. Sau này tôi mới biết tác giả của nó chính là Bruce, viết về bé Kim Phúc bị bom Napalm trong tấm ảnh Nick Ut chụp. Bruce có một liên hệ đặc biệt với Việt . Ông đã có vợ và một đứa con trai, nhưng ông nhất quyết xin một đứa con nuôi Việt . Sau bao vất vả, ông tìm được Hạnh. Bây giờ Hạnh đã học tới năm thứ hai ở đại học. Bruce nói tôi muốn Hạnh lớn lên vẫn là người Việt , nên Bruce đã thuê người dạy tiếng Việt cho Hạnh. Và đã dẫn Hạnh về Việt hai ba lần. Để Hạnh không quên văn hóa của mình. Tôi thấy có một cái gì rất thơ mộng trong cái nhìn của Bruce. Ông muốn thay những hình ảnh của chiến tranh và chết chóc bằng những hình ảnh của an bình và hạnh phúc. Với hành động hoàn toàn riêng tư đó, ông đã biến Việt thành một cái gì vô cùng thân yêu luôn luôn có mặt bên ông. 

Nói như thầy Nhất Hạnh, nếu chúng ta biết cách, thay vì để rác rưởi trở thành ung thối, chúng ta có thể biến rác rưởi thành phân bón để những bông hoa nẩy mầm, để những cây xanh đơm trái. Và còn biết bao người nữa...

Gặp những người Mỹ như thế, thì không thể không yêu cái truyền thống tiến bộ và nhân bản của nước Mỹ được. Ở Mỹ gần 40 năm, tôi biết còn có một nước Mỹ khác, một nước Mỹ bảo thủ và quân phiệt, như Tổng Thống Eisenhower đã báo động trong bài diễn văn từ giã của ông năm 1961 - hiểm họa của một liên kết giữa các thế lực quân sự và kỹ nghệ. Thực sự Eisenhower đã viết là hiểm họa của sự liên kết các thế lực quân sự, kỹ nghệ, và quốc hội. Nhưng cố vấn khuyên ông nên bỏ chữ “quốc hội” vì sẽ rất đụng chạm. Lời báo động của ông đã thành sự thực. Thế lực mạnh nhất ở Mỹ chính là tập đoàn liên kết này - quân sự, tài chánh, dầu hỏa, và quốc hội.

Nước Mỹ là một nước cực kỳ phức tạp. Thực sự tôi mới có cảm tưởng mình bắt đầu hiểu nước Mỹ trong thời gian hai ba năm trở lại đây. Tôi đã tìm được một số chìa khóa và đã mở được một số cửa. Nhưng tôi biết là còn nhiều cánh cửa nữa. Để mỗi lần mở sẽ thấy một khung trời rộng lớn và chính xác hơn.

Qua những lần giao lưu ở Trung tâm Joiner, tôi khám phá ra một điều là mọi hòa giải, hàn gắn chỉ có thể xẩy ra với những trao đổi trực tiếp, mặt đối mặt, tay bắt tay để mỗi người có thể cảm nhận được một cách toàn diện thế giới của người đối diện, với tất cả lịch sử ý thức và vô thức của người đó hiển lộ trong từng lời nói, từng cử chỉ, từng sự im lặng. Con người chân thực tự thân nó có những khả năng mà không một lý thuyết, một sách vở, một truyền thông nào có thể thay thế được.

Nhìn lại chặng đường 25 năm vừa qua, tôi nghĩ là Trung tâm Joiner đã có một đóng góp rất lớn cho sự hòa giải giữa hai dân tộc Việt Mỹ, nhất là trong suốt những năm cấm vận ngặt nghèo từ 1975 tới 1994. Cái lớn của sự đóng góp đó không phải do tài chánh, do quyền lực, mà là cái lớn ở tấm lòng. Chính vì ở tấm lòng nên mới có thể hòa giải, mới có thể có những tình bạn chân thực giữa những người Việt và người Mỹ. Và từ tấm lòng đó mới có thể đi đến thơ văn.

Với tấm lòng đó làm cơ sở, tôi có thể yên tâm nhìn tới phía trước.

N.B.C

TCSH số 225/11 - 2007

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng