L.T.S: Gần đây ở Liên Xô tên tuổi của nhà văn nữ trẻ tuổi Xvet-la-na A-lêch-xi-ê-vich (Svetlana Alexievitch) trở nên quen thuộc và thân thiết với nhiều đối tượng độc giả qua tác phẩm "Chiến tranh không có gương mặt người phụ nữ".
Từ chất liệu kết cấu phong phú, Xvet-la-na đã cho độc giả hiểu đầy đủ hơn về đức tính dũng cảm và sự hy sinh tuyệt vời của phụ nữ Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Xvet-la-na đã nhận được giải thưởng Nicôlai ôxtơrôtxki, và tác phẩm của chị đã được dựng thành phim, thành kịch công diễn trên các nhà hát lớn toàn Liên Xô.
Dưới đây chúng tôi trích giới thiệu bài phỏng vấn Xvet-la-na "Ký ức chân thật và cay đắng" và phần trích tác phẩm "Chiến tranh không có gương mặt người phụ nữ".
Một số hình ảnh hoạt động của nhà văn Svetlana - Ảnh: alexievich.info |
KÝ ỨC CHÂN THẬT VÀ CAY ĐẮNG
- Chị Xvet-la-na, xin chị vui lòng cho chúng tôi biết về bản thân chị và những người anh hùng trong đoàn thiên tiểu thuyết của chị?
- Tôi xuất thân từ một gia đình làm nghề giáo ở nông thôn. Tuổi thơ của tôi trôi qua với tháng ngày vui thú đọc sách và nô đùa giữa thiên nhiên. Rồi sau đấy vào trường đại học và nghề làm báo. Tháng năm trôi qua, dần dà một tình cảm kỳ lạ đã chiếm ngự lòng tôi. Gần đến năm ba mươi tuổi tôi còn chưa sáng tác được gì, chưa làm nên điều gì đáng kể. Ngày tháng cứ biến mất đi như bị vùi trong cát. Rồi bất ngờ một công việc đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Hằng trăm sinh mệnh đã rơi xuống đời tôi như tuyết lở. Và hiện giờ, tôi có thể nói rằng tôi đã sống, đã chắt chiu được một ít kinh nghiệm, kinh nghiệm của kẻ khác biến thành kinh nghiệm của tôi. Một trong những nữ cựu chiến binh đã nói rằng, trở về từ mặt trận, bà cảm thấy già hơn biết bao so với những bạn bầu cùng tuổi, vì bà đã trải, đã chứng kiến bao sự biến trên đời. Trường hợp của tôi cũng vậy ; tôi đã biết điều ấy và đã hiểu được mọi sự!
"Tôi đã tiếp xúc với những mẫu người phụ nữ thật hết sức khác nhau, có người thái độ của họ quả quyết trong chiến tranh, có người bị chiến tranh đè bẹp, có người giữ được bản chất thanh khiết, lại có người bị tước mất tinh thần mơ mộng, có người e dè khép kín, có người lại cởi mở. Đó là những phụ nữ với sức mạnh tinh thần của họ, cộng với khả năng to lớn của tâm hồn nhân bản, họ đã tạo nên chủ đề cuốn sách của tôi.
- Tôi đã có dịp tham dự nhiều cuộc hội họp các độc giả và khán giả, ở đây tất cả mọi người đều đồng ý nói rằng, tác phẩm "Chiến tranh không có gương mặt người phụ nữ" đạt đến khả năng gây xúc động được từng người, do sự trong sáng và tính chân thật của nó. Vậy xin chị cho biết những dự kiến viết cuốn sách đã đến với chị như thế nào?
- Nhờ nhà văn Alêch Ađamôvích thuyết phục tôi rằng, trong lúc còn thời gian, nên ghi chép những kỷ niệm của những người phụ nữ đã chiến đấu. Nhưng cuốn sách viết về những người phụ nữ trong thời chiến này sẽ mang hình thức nào, tôi chỉ hình dung được thực rõ, khi đến thăm một gia đình hai vợ chồng cựu chiến binh. Người chồng đã nói về số lần mà họ phải leo lên để tiến công một cao điểm nào đó và số người chết. Máy ghi âm làm việc, nhưng lương tâm tôi thì rã rời. Người vợ cảm nhận điều này và nói chen vào: "Chị Xvet-la-na, tôi sẽ giải thích cho chị rõ hơn. Hôm ấy, tôi đi xuống hướng con kênh nơi tôi thấy những chiếc mũ lính thủy nhấp nhô trên làn nước, chúng trôi cho đến giữa trưa, khi quân Đức ném những chiếc mũ lính thủy của chúng tôi ra biển..."
"Chúng tôi tự mình phải thấu hiểu Tổ quốc mình, nỗi đau khổ đã xuyên suốt từng mái ấm, nỗi khiếp hãi đã ẩn nấp trong mỗi một con người. Điều này đã trở thành một yêu cầu. Theo ý tôi CHIẾN THẮNG sẽ bị làm cho nhỏ đi bằng những lời nhắc nhở long trọng và bằng những phát pháo hoa. CHIẾN THẮNG là vĩ đại, bởi vì con đường dẫn đến đấy đã kinh qua cả một tấn bi kịch của con người trong từng phút giây".
- Chị Xvet-la-na, tôi biết rằng, chị đang hoàn thành tác phẩm thứ hai của chị có tựa đề là "Những người chứng sau cùng". Xin chị vui lòng cho biết chủ đề cuốn sách này?
- Chủ đề khai sinh từ miền đất Liubang. Trong mùa hoa anh đào nở rộ - những người đàn bà luống tuổi, những người thợ giặt trước đây ở xưởng giặt miền quê, họ đang ngồi trên những bờ đất cấy dọc theo xóm nhà của họ, họ nhớ lại suốt thời gian chiến tranh họ đã giặt giũ ra làm sao, với những hàng lệ tràn lên mắt, họ cúi xuống chà xát những đống áo quần trong tiếng xùi xụt, Một người đàn ông, rất bình thường bước lại và mong tôi nên lắng nghe anh kể. Tôi còn nghe tiếng nói của người ấy. Một em bé xua bầy ngựa đi qua, ngày kia em trở lại thôn làng, em chỉ còn thấy những đống tro tàn và một con mèo trên mình mang nhiều vết phỏng đã thoát được nhờ một phép mầu từ những đám cháy, với phần cuối của chiếc đuôi là còn lông trắng. Cái gì đã đến với trái tim em bé trước thảm cảnh như vậy? Và tôi nghĩ rằng, những trẻ thơ trong thời chiến có những kỷ niệm chân thật về chiến tranh, kỷ niệm còn khủng khiếp hơn kỷ niệm của những người lớn. Bởi vậy tôi lại lên đường để ghi hàng ngàn thước băng ghi âm, hàng trăm câu chuyện kể bi thảm. Sau những em bé này sẽ không còn những người chứng nào để kể lại những điều mắt thấy, những khổ đau mà họ gánh chịu. Dù cho tuổi đời đã lớn hơn ký ức của thời thơ ấu của họ, nhưng họ đã tham dự vào với tất cả tấm lòng và trí tuệ của mình và khi tôi yêu cầu họ nhớ lại những biến cố xa xưa này, điều này đối với họ sẽ rất mệt nhọc. Có lẽ cách đây 40 năm, câu chuyện của họ là khác, cũng như vậy nhưng cùng lúc lại khác đi. Ký ức của họ vẫn chân thật cho dù được thúc giục bởi tâm lý của những người trưởng thành. Những kỷ niệm thuở ấu thời thường được kỳ-diệu-hóa, nhưng những trẻ thơ này chắc chắn sẽ đi ngược lại với chiều hướng ấy,vì nỗi sợ hãi và kinh hoàng không thể nào kỳ-diệu-hóa đi được.
Bản thảo cuốn sách đã lên máy in, nhưng tôi vẫn theo đuổi sự kiếm tìm của tôi trong khi đi ngao du đó đây. Tác phẩm này không thể chấm dứt, và tôi lại khởi động máy ghi âm.
"... Nếu trong tuổi thơ chúng tôi, tuồng như những cánh chim có vẻ bay rất cao thì chính từ tầm bay đó người ta đã nhắm bắn chúng tôi, và điều ấy, đối với chúng tôi dường như quá thấp, nên người ta tin không thể nào ngăn được loạt đạn nổ trên mặt đất...". Đimitrixuphrăngkốp đã kể cho chúng tôi nghe những nỗi hãi hùng trong tuổi thơ của ông.
"... Sau chiến tranh rất lâu tôi vẫn còn sợ hãi mọi đồ kim khí. Trông thấy một mảnh trái phá, tôi lo lắng dè chừng nó phát nổ. Có một em bé gái láng giềng, tuổi mới lên ba, tìm gặp đâu đấy một lựu đạn, em bé vội ôm lấy và bắt đầu đẩy đưa... Mẹ của em đã không kịp thời ngăn chặn... Ở Staryé - Gôlôptêhitsy, thôn làng thuộc miền Petvikôp, hai năm sau ngày chiến tranh, người ta còn chôn cất những xác trẻ em...", tôi nghe nói rằng ở vùng đất ruộng Gômen. Những chuyện như vậy đã không phải là chuyện bịa đặt.
"Thành phố Khvalinsk trên sông Vôn-ga đã nuôi dưỡng bảy em bé mồ côi từ Biêlôrutxia tản cư đến. Nhiều người kể với tôi rằng, khi radio loan báo miền đất Minxcơ đã giải phóng, những em bé ốm gầy nầy đã sung sướng leo lên vai nhau để ôm hôn chiếc máy phóng thanh treo ở trên tường.
"Cuốn sách của tôi không chỉ hướng về quá khứ mà người ta không thể đổi khác được, nó còn tìm về tương lai nữa. Ôi! Tôi mong biết bao những anh hùng trong sách tôi là những nhân chứng cuối cùng của chiến tranh".
- Xvet-la-na, chị còn đeo đuổi công việc của mình nữa không?
- Thật khó cho tôi để tỏ bày ý kiến trong lúc nầy - Tôi đã hao tổn một sinh - lực - dự - trữ nào đó trong khi tiến về tương lai. Nhiều điều ghi chép còn đọng lại trong sổ tay của tôi, hay những lời ghi được trong băng ghi âm, đòi hòi không chỉ cần được cảm xúc mà thôi, mà cần phải được suy nghĩ lại nữa. Tôi có những dự án theo trình tự có tính cách thuần túy văn học. Trong lãnh vực này, tôi tự biết không đầy đủ, và ngay cả không biết gì cả. Tôi cảm thấy một nhu cầu lớn về đọc. Có thể công việc kế tiếp của tôi sẽ có liên quan đến thế giới hiện thời của chúng ta vươn lên chống lại sự "điếc lác đối với tình cảm con người".
"Trong mọi trường hợp, tôi không bao giờ đặt dấu chấm hết; vả lại, điều này sẽ thật khó khăn cho tôi sau tác phẩm, đối với giây phút này, là chủ yếu của đời tôi.
Tôi vừa từ Brêt trở về, và một lần nữa tim tôi đã se thắt lại. Tôi đã được biết ở đó bọn phát xít đã bắn giết trẻ em như thế nào, như những con mồi cần săn bắt, trên những cánh đồng. Mệt mỏi vì bắn giết, một trong những con quỷ này đã dùng mô tô chạy khắp cánh đồng để chấm dứt những sinh mệnh nhỏ bé nầy bằng chiếc khóa đại ốc. Người ta đã nghe tiếng sọ vỡ như tiếng vỡ của những trái dưa hấu chín.
"Tôi tin mình đã hiểu nhiều biết bao về cuộc chiến tranh nầy, mà không, tôi còn chưa thẩm thấu được sự đau đớn... tôi không chắc điều gì sẽ cứu rỗi được sự sống trên trái đất. Nhưng hẳn là, chỉ có lẽ phải và thiện chí mà thôi. Nhưng tôi tin tưởng một cách sâu sắc rằng, không có kỷ niệm về quá khứ chân thật và đắng cay, nhân loại sẽ bị đưa đến bờ thảm họa. Trong thời đại chúng ta, ở nơi vạn vật có sự sống, ký ức đồng thể với lương tâm và không có lương tâm thì không thể dựng xây được một cuộc đời tươi đẹp hơn.
Etviga Giuphêrôva
(Vương Kiều dịch theo bản Pháp văn trong Văn học Xô Viết số 325 - 1986)
Chiến tranh không có gương mặt người phụ nữ
Bìa cuốn "Chiến tranh không có gương mặt người phụ nữ" bằng tiếng Pháp - Ảnh: internet |
XVÉT-LA-NA ALÊCHXIÊVÍCH
Đây là câu chuyện kể của người lính quân y:
"... Nhiều lính Đức đã bị bắt làm tù binh trong lúc giao chiến. Có nhiều tên trong bọn chúng đã bị thương. Khí nóng bốc lên hừng hực, chúng tôi vội băng bó vết thương cho chúng, tìm ấm nước cho chúng uống. Hiện tình chúng tôi là đang ở trước cửa ngõ mặt trận, dưới làn súng nổ đạn réo không ngừng. Trong lúc ấy chúng tôi nhận được lệnh phải ngụy trang ẩn núp ngay tức thời.
"Chúng tôi bắt đầu đào hố, toán tù binh Đức lo âu đưa mắt nhìn, chúng tôi giải thích, mong họ tiếp sức đào những cái hầm nầy. Khi chúng hiểu ra sự việc, tù binh Đức hốt hoảng nhìn chúng tôi. chúng khiếp hãi nghĩ rằng: Lúc đào xong những cái hố nầy, chúng tôi sẽ đứng dọc trên miệng hầm và kéo cò bắn bỏ tất cả. Chúng nghĩ, chúng tôi sẽ đối xử theo cách lính Đức đã từng đối xử với những đồng chí của chúng tôi. Cô biết không, chúng xiết bao kinh hoảng khi đào những cái hầm nầy.
"Bọn chúng hoàn toàn ngơ ngác lúc chúng tôi băng bó vết thương, lấy nước cho chúng uống và nói cho chúng biết rằng những hầm hố mà chúng đào đây là để bảo vệ sự sống của chúng".
Trong một bài báo viết về chiến tranh Ilia Êrengbua đã nói rằng: "Chiến tranh không hận thù là phi luân, đáng hổ thẹn, và không thể biện minh được". Những chiến sĩ của chúng ta đã đến với lòng căm thù thiêng liêng nầy qua nổi khổ đau, tuy nhiên những câu chuyện giống như chuyện vừa kể trên thật không ít xảy ra. Tất nhiên không thể có lòng khoan dung vô bờ cũng như lòng nhân bản trừu tượng, khi dân tộc đang bị chém giết, đang bị thương và bị sự hành hạ vây quanh.
Đó là điều khác hẳn, điều một người không muốn quên đi mình là con người. Chiến thắng đạo đức của chúng ta trong cuộc chiến kinh hoàng nầy là chiến thắng vĩ đại, cuộc chiến dường như đã giết chết tất cả cảm giác sống, chỉ còn lại lòng hận thù duy nhất đối với bộ binh phục phát xít kia.
Ký ức của những người phụ nữ còn có nhiều tấm gương của lòng vị tha.
Emilia Alêchxêkina Nikôlaieva vào quân đội làm y tá, bị bắt, và trốn thoát được từ một trại tù, rồi tham gia vào đội du kích của Lữ đoàn Vôrôtricôp.
"Khi chúng tôi bắt giữ tù binh - Bà nói - tôi nghĩ rằng chúng đừng hòng xin chút thương hại nào nơi tôi, sau ngày tôi đã sống qua, trải qua những sự hành hạ, chà đạp trong trại tập trung. Một hôm có vài tù binh bị dẫn vào... Người bạn của tôi đã sống qua nhiều trại tập trung của Quốc xã, đã mất đi một cánh tay, thường chia xẻ buồn vui với tôi, chúng tôi nói với nhau: Bây giờ chúng ta đối xử với chúng theo cách chúng đã đối xử với chúng ta. Nhưng khi điều ấy đến, thì nó bị trục xuất ngay, vì rằng dân tộc chúng tôi có thái độ khác hẳn, không thể tàn tệ đánh đập tù binh, hoặc, ngay cả việc tìm cách nhục mạ y nữa, đặc biệt nếu y là người lớn tuổi".
Vêra Iôxiphôpna Khôrêva, bác sĩ ở bệnh viện Minxcơ là nữ y sĩ mổ xẻ trong thời chiến, hồi tưởng lại:
- Hôm ấy, người chính trị viên gọi tôi đến nói rằng: "Vêra-Iôxiphôpna, đồng chí sắp nhận nhiệm vụ chăm sóc một số thương binh Đức". Tôi phản đối: "Hai người anh của tôi vừa mới chết, tôi không làm việc ấy".- "Nhưng bổn phận đồng chí là phải làm, có đúng vậy không?" - "Tôi không thể, chúng đã giết chết anh em tôi, tôi căm thù bọn Đức, tôi thà cắt chúng ra từng mảnh còn hơn phải từ tốn với chúng, xin đồng chí hiểu cho tôi…" - "Không, đây là mệnh lệnh!".
Cuối cùng tôi phải tiếp xúc với thương binh Đức, phải làm những động tác cần thiết, nhưng tôi đã xử sự với cả tấm lòng.
Êkatêrina Pêtrôpna Xalighina từ thành phố Zolôtônôs, thuộc xứ Cherkassy đã gởi cho tôi một bức thư như sau:
"Tôi là người y tá ở mặt trận, tôi nhớ tên thương binh Đức đầu tiên đến phòng tôi. Chứng hoại thư đang phát triển trong người nó, và một bắp chân của nó phải bị cưa cắt...
Đến chiều tối được lệnh: "Kachia, hãy đến săn sóc tên lính Đức của cô". Tôi bước đi và nghĩ rằng: "vết thương y đang chảy máu, y đang nằm dài thao thức, nhiệt độ bình thường, y nhìn chăm vào mắt tôi, rồi rút ra một khẩu súng côn, y nói bằng tiếng Đức, nhưng dùng cử chỉ để biểu lộ điều y muốn than oán "Cô ở đây"... y nói "Cô ở đây, tôi đã muốn giết bọn các cô, bây giờ đến phiên các cô hãy giết chúng tôi đi!".
Gần kết cuộc chiến tranh, chúng tôi có một bệnh viện Đức, ở đó có rất nhiều thương binh Đức nằm điều trị. Tôi sẽ không bao giờ quên toán lính Đức bị thương nhẹ khiêng những tử thi xuống từ căn gác thứ năm, họ nắm chân người chết kéo lôi xuống dưới hầm. Những xác chết được sắp lớp nằm cạnh nhau, tất cả là người Đức với người Đức.
Có ai ghi lại được hình ảnh những lính Đức mà đội cứu thương của chúng tôi khiêng nhặt lên từ chiến trường, rồi được những bác sĩ của chúng tôi chăm sóc trong bệnh viện giữa lúc trận chiến còn tiếp diễn không? Hoặc có ai đã viết về trẻ con Đức được các đồng chí của chúng tôi nuôi dưỡng trong nhà bếp vào năm 1945 không? Trẻ con Đức đã nhớ lại gì? Chúng có nhớ tảng đường mà người lính Xô Viết đã cho chúng ăn, người lính mà nhà cửa anh đã bị đốt cháy đi, con cái anh đã bị giết đi, và vợ của anh đã bị những người cha, người anh của chúng cưỡng hiếp, chúng không muốn nhớ lại hay sao?
Xôphia Ađamôpna Kuntxêvich, nữ y tá, nhớ lại:
Chúng tôi vượt qua biên giới. Quê hương chúng tôi đã được tự do! Tôi không nhận ra những người lính nữa, dường như họ là những người khác. Mọi người đang vui cười - Họ mặc những bộ áo quần thật tươm tất. Hoa đang nở rộ khắp nơi, tôi chưa bao giờ thấy nhân dân sung sướng hơn thế. Tôi nghĩ rằng rồi sẽ không có chút lòng thương nào khi chúng tôi vào nước Đức. Trái tim của tôi tràn đầy hờn oán! Tại sao phải có lòng thương với con cái những kẻ đã giết chết con cái mình chứ? Tại sao tôi để yên căn nhà của những kẻ đã thiêu rụi nhà cửa của tôi chứ? Quả thật tại sao? Chúng tôi muốn trông mặt những người vợ, những người mẹ đã sinh ra đám con cái như vậy, họ sẽ đối diện với chúng tôi như thế nào?
Hình ảnh đầu tiên tôi thấy ở nước Đức là một căn nhà nằm ở bên đường dán yết thị chỉ rằng: "Đây là Đức - Quốc - Xã" và tôi nghĩ: "Tôi và những người đồng chí của mình sẽ hành động ra sao? Chúng tôi nhớ lại mọi sự ấy... Chúng tôi đi đến một thành phố - trẻ con đói rách và khốn khổ lang thang khắp nơi. Tôi từng thề là phải ghét bỏ chúng, vậy mà tôi đã thâu góp từ đồng đội của mình, mọi thức ăn họ có, từng viên đường một, rồi đem cho những trẻ con Đức này. Dĩ nhiên tôi không quên bất cứ điều gì, tôi nhớ lại điều ấy thật sáng suốt, nhưng tôi không thể yên tâm nhìn vào mắt những trẻ thơ đang đói khát này.
Mỗi buổi sáng trẻ con Đức nối đuôi nhau xếp hàng trước nhà bếp chúng tôi để đón nhận thức ăn. Mỗi đứa đều có một cái túi đựng bánh mì quàng trên vai, một hộp xúp đeo lủng lẳng ở thắt lưng, và cái ca để đựng cháo, hoặc đậu chín. Chúng tôi không có lòng hận thù với người dân vô tội, chúng tôi nuôi cho trẻ con ăn, lắm khi vỗ về an ủi chúng...
Tôi xúc động khi nhớ lời "vỗ về" yêu dấu ấy, vì đó là cách nuôi dưỡng tốt lành nhất, nghĩa là cho tình yêu thương, để chúng có sức sống mà biểu lộ lòng thương người.
Tamara Umnyaghina, nữ trung sĩ quân y nói về tháng 5-1945:
"Tôi nhớ lại, chúng tôi đang cầm xem nhiều bức ảnh trong tháng 5-1945. Mọi người sung sướng tiết bao... Ngày 9-5-1945. Tất cả nhân dân đều la vang "CHIẾN THẮNG! CHIẾN THẮNG!"... Chúng tôi chưa tin tai mình nghe là đúng... là chiến tranh thật sự đã chấm dứt rồi ư? và bây giờ chúng tôi sẽ làm gì đây?
Tiếng súng còn nghe vang! Những người có súng nức lòng thi nhau bắn lên trời. "Ngưng bắn". Sở chỉ huy ra lệnh.
Chúng tôi bỏ lại một số bom đạn, giữ lại mà làm gì chứ? Chúng tôi tự hỏi.
Tôi không cần đời sống xa hoa, phù phiếm. Tôi tình nguyện hiến dâng tất cả mọi sự nhưng hãy để lại thanh bình, thanh bình thực sự - Cô có hiểu tôi không? Chúng tôi đang hành động vì thế giới hòa bình..."
(VƯƠNG KIỀU dịch
theo bản tiếng Anh của Richard Morton trong văn học Xô Viết số 3 -1985)
(SH20/8-86)