Hằng năm, theo lệ thường, Nhà Thiếu nhi Huế đã phối hợp với Liên hiệp các hội VHNT, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi Cây bút tuổi hồng để từ đó lựa chọn những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho phong trào sáng tác văn chương trong lứa tuổi học sinh từ cấp 1 đến cấp 2 tiếp tục tham gia trại sáng tác nhằm cổ vũ tình yêu văn chương nghệ thuật, tinh thần sáng tạo nghệ thuật trong thành phố.
Với 132 cây bút ở lứa tuổi cấp 1 và 110 cây bút đến từ cấp 2 đã có gần 250 bài viết đa dạng về cảm xúc, phong cách đã tạo ra những bài viết có nội dung sâu sắc và cách thể hiện khá chững chạc. Cuộc thi đã khép lại, những em đạt kết quả cao đã được tham gia Trại viết vào cuối tháng 7 vừa qua. Những tác phẩm sau cuộc thi và trại viết đã được gửi về cho Nhà Thiếu nhi và được các nhà văn, nhà thơ trong Hội Nhà văn tỉnh thẩm định.
Những sáng tác này chưa hẳn đã là những gì các bạn viết nhỏ vừa ý nhất nhưng đây là thành quả của một mùa chúng ta đã gieo hạt. Trân trọng thành quả này cũng như chờ đợi nhiều hơn nữa các tác phẩm trong thời gian tới là điều mà chúng tôi đang hướng về.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Sông Hương.
Đông Hà giới thiệu
Ấu thơ trong tôi là...
ĐẬU GIA BẢO THI
Nắng tháng 6 xuyên qua tấm màn thức tôi trở dậy, đón chào một ngày mới. Bầu trời hiện ra với tiết hạ thoáng mát. Những đám mây rẽ lối cho tia nắng nhẹ nhàng vắt lên khắp nơi. Cây lá hòa theo tiếng nhạc của ngày mới. Tôi bừng tỉnh khi nghe em gọi:
- Anh Minh ơi, mình ra sấy thóc nào!
Thanh là con của bạn bố mẹ tôi. Tôi hơn em hai tuổi nên vừa chơi cùng, vừa chăm sóc em, như lời mẹ tôi dặn. Bởi vậy nhìn chúng tôi cứ như hai anh em ruột. Quê tôi ở vùng nông thôn thanh bình, nơi có những hàng tre xanh tốt, những ruộng lúa phất phơ dưới cái nắng mùa hạ, có những đàn cò trắng phau nối đuôi nhau bay về nơi cuối trời. Tôi lớn lên giữa biển trời bao la bát ngát ấy cùng bè bạn trong thôn xóm và với Thanh! Và bắt đầu một ngày mới của tôi thường là tiếng kêu trong trẻo ấy của em.
Tôi cầm hai con diều bước theo sau, Thanh nhảy chân sáo phía trước. Thanh dễ thương, có thể nói là xinh nhất xóm. Khuôn mặt hình trái xoan bao giờ cũng tươi vui, ửng hồng phơi phới. Chẳng biết là do mẹ hay tự tay Thanh mà tóc em luôn tết hai bím gọn gàng. Đôi mắt của Thanh to tròn, đen láy như hai hạt nhãn, nhìn không lẫn vào đâu được. Bộ quần áo bà ba của em và tôi là màu nâu của thôn quê Việt Nam êm đềm. Quê tôi có một bãi đất rộng cỏ mọc xanh tốt, tựa vào nó là một vùng sông nước dài, tạo bởi dòng suối mát lành nơi thác đầu nguồn đổ về. Trụ vững trên vùng nước ấy là những chỏm đá sờn nắng mưa. Khi leo lên đó và phóng tầm mắt ra xa mới hiểu thế giới là gì. Là khúc ruột miền Trung, thiên nhiên nơi đây âu cũng là tạo hóa ưu ái. Trẻ con chúng tôi ngày nào cũng ra nô đùa nơi ấy, nào chăn trâu nào đuổi bắt. Mãi đến khi lớn lên tôi mới hiểu ra đó chính là chốn thiên đường của tuổi thơ. Hai chúng tôi thả diều nơi ấy cùng lũ bạn. Em lay lay tay tôi, thỏ thẻ giọng chim non:
- Anh Minh ơi, thổi sáo đi anh!
Tôi mỉm cười. Giữa làng quê thanh bình ấy, tiếng sáo của tôi vang lên hòa trong thanh âm của vạn vật. Tiếng sáo diều vi u trong gió, tiếng côn trùng ra rả trong chiều muộn và tiếng trẻ thơ nói cười, tựa mình vào dòng sông trước mắt. Đôi mắt của chúng tôi lần theo từng dòng chảy của đám lục bình lung linh hoa tím trôi bồng bênh trên dòng nước lững lờ. Bỗng thấy bụng đói cồn cào, nao nao nhớ bữa cơm chiều, tôi dắt Thanh về.
Tôi nắm chặt tay em, đưa em vào tận nhà. Rồi có hôm, tôi là người đầu tiên dắt tay em đi chơi cùng cậu tôi trong những buổi sớm. Mọi thứ tĩnh lặng như tờ, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng gõ lanh canh trên mạn thuyền cậu tôi và những người xung quanh. Em nhìn tôi, hỏi bằng giọng mà tôi không thể không phì cười:
- Anh ơi… sao mà im lặng quá anh à?
Tôi cười với em. Ngồi trên thuyền, cảm giác lâng lâng, thích thú giữa làn sương ngập tràn trong hai chúng tôi.
Một hôm, tôi cùng em ra bãi đất cỏ để chăn trâu. Bông hoa gạo tháng ba nở cháy rực cả một khoảng trời, vài bông gạo dạt vào bờ rồi lại trôi ra. Thanh thích thú với lấy nhưng bị hụt, em cứ bước dần xuống sông mà đuổi theo cánh hoa. Tôi vừa quay lại thì làm rơi ngay chiếc mũ đựng hoa cho em. Em đưa tay với với và hét:
- Anh Minh, anh Minh. Cứu… cứu em với!
Tôi luống cuống, hoảng hốt, bàng hoàng. Hai mắt tôi căng ra, mong vẫn chắc chắn nhìn thấy được vị trí của em.
Hình ảnh đuối nước năm nào khi lên ba lại hiện về trong tôi. Tôi nhắm mắt lại, lắc đầu cho những hình ảnh đó tan biến đi.
Tôi bước nhanh xuống nước. Tôi chỉ thấy mặt và tay của em, tai tôi như nghe rõ cả tiếng ọc nước của em. Mặt tôi tái xanh, chân bước nhanh tới dòng nước. Cánh tay em đưa lên, giọng em nhỏ dần:
- Anh M… Minh…
Tôi sắp lặn người xuống thì tiếng một người vang lên:
- Con bé bị đuối nước rồi!
Cậu tôi nhảy ùm xuống nước, bơi nhanh đến chỗ Thanh. Tôi đứng chết trân tại chỗ, mắt đau đáu nhìn em. Tôi nín thở khi cậu tôi vừa túm được tay em, quàng cổ rồi đưa em vào bãi cỏ. Mắt tôi không rời em, mặc cho những hình ảnh năm nào cứ hiện lên, quấn lấy tâm trí. Con người ta là vậy, chưa bao giờ muốn bản thân mình chinh phục nỗi sợ một cách dứt khoát nhưng khi thấy em khổ sở như vậy, ít nhất tôi đã phá đi vòng vây của ngày ấy mà tiến đến em. Em sặc nước rồi tỉnh dậy trong tiếng nấc. Tôi ôm Thanh vào lòng, để em khóc ướt cả vạt áo.
- Được rồi. Không can chi. Có anh đây rồi!
Quãng thời gian sau đó cứ khiến tôi day dứt mãi. Đối với tôi, sau ba mẹ tôi, là Thanh. Với em, mọi chuyện tưởng như thoáng qua và xóa tan nó đi trong tôi bằng giọng lảnh lót: “Anh Minh ra đồng chơi với em đi”; “Anh Minh ơi, cái Thu nói diều mình bay không cao tề, anh chỉnh lại đi!”; “Anh Minh ơi, em mới được cô giáo cho điểm 10 nì…”. Thế đấy. Tôi học được cách chăm sóc em nhiều hơn.
Năm tháng qua đi giữa cái nắng nóng hổi và những ngày mưa ẩm ương, cuối cùng cũng đến sinh nhật thứ 16 của tôi. Sinh nhật ngày ấy của tôi đơn giản là lúc ăn uống một bữa thịnh soạn cùng ba mẹ và các bạn trong xóm. Thời bé ấy cũng chưa ai tặng quà sinh nhật cho tôi, ấy vậy, Thanh là người đầu tiên; em tặng tôi chiếc vòng đeo cổ được mình nhặt nhạnh và thắt lại. Nhận món quà ấy từ Thanh, tôi có những xúc cảm kì lạ, suốt buổi cứ nhìn em, chẳng hiểu sao lòng mình cứ rộn ràng. Đêm hôm ấy, giữa khoảng sông nước mênh mông, tôi nghe rõ cả tiếng thác chảy về ào ào. Mặt sông lung linh trải dài như cách tôi trải rộng lòng mình. Tôi nhớ những tháng ngày nô đùa cùng chúng bạn nơi đây nhưng hiện rõ nhất trong tâm khảm tôi vẫn là hình ảnh của Thanh. Em xinh tươi nở nụ cười rạng rỡ khi tập tành nhảy theo đoạn phim của nữ vũ công nổi tiếng… Có lẽ giờ đây tôi đã hiểu rõ cảm giác của lòng mình. Mặt sông phả vào tôi cơn gió mát lành, tiếng côn trùng rả rích trong đêm. Tháng sau tôi sẽ lên thành phố để học tiếp ở trường chuyên rồi. Những dấu chấm than trong lòng tôi và dấu ba chấm nối dài ở con đường tương lai phía trước cứ thi nhau hiện hữu…
Thanh biết tin tôi đi, thút thít khóc rồi thành mưa. Em nói sẽ nhớ tôi nhiều lắm. Rồi em chạy đi đâu để lại tôi trên bãi cỏ. Từ đâu về, Thanh cầm hai chiếc bình thủy tinh trong veo, nước mắt em bay trong gió, làm ẩm cả mặt tôi. Em nhẹ nhàng nói:
- Em định xếp sao trồi đặt kín vô, tặng anh hôm sinh nhật nhưng không xếp kịp. Chừ anh đi rồi, anh một bình, em một bình để khi nào thấy là anh cũng đều nhớ tới em, tới quê mình anh nghe.
Tôi lặng người. Tôi cầm tay dắt em về nhà như hôm nào. Có thể đây là lần cuối tôi nắm đôi bàn tay này nên cảm giác thật khó tả. Tôi chìm vào giấc ngủ trong nghĩ suy, sao mình chẳng nói được gì?
Hôm ra bến xe chẳng thấy em đâu, tim tôi hẫng đi một nhịp. Tôi lặng lẽ bước lên xe, ngoái nhìn ra cửa, hy vọng được nhìn thấy ánh sáng mong manh nơi cuối trời. Chiếc xe lăn bánh, tôi mang theo mối tình đầu lưng chừng của tuổi ấu thơ đến tương lai.
*
10 năm sau.
- Sếp ơi, bên đối tác gửi mẫu qua rồi, có cần xuống xem không anh?
- Ừ. Lát nữa anh sẽ sang, nhắc nhở mọi người 20 phút nữa họp nghe!
Tôi tựa vào ghế rồi thở phào nhẹ nhõm, một ngày cuối cùng cũng sắp qua. Bình thủy tinh nhỏ nhắn ở góc bàn làm việc làm tôi thấy yên bình quá!
Khoảng thời gian ấy đã bao lần tôi viết thư cho Thanh nhưng chẳng được em hồi âm. Mối tình đầu trong trẻo được tôi trân trọng giữ lại, cất sâu vào tim. Xa quê, tôi nhớ quê. Xa Thanh, tôi nhớ em nhiều lắm! Đó là điều đáng trân trọng bởi lần đầu trong tâm tư mình, tôi có những suy nghĩ, cảm xúc như thế. Lặng lẽ tiến lên, tôi thành lập được công ty kiến trúc của chính mình. Đã bao lần tôi tìm thăm Thanh nhưng mọi người bảo em đã lên thành phố. Cũng bởi vì lẽ đó mà tôi luôn cố gắng để đứa con tinh thần của mình vươn xa, ít nhất để em biết mà cho tôi được gặp lại.
Hôm nọ, tôi ghé cửa hàng ăn nhanh mua chút đồ ăn trưa. Tôi va phải vào người đi đường rồi vội vàng nhặt đồ giúp. Vừa cầm quyển sổ lên tôi vừa hỏi:
- Bạn có sao không?
Mắt tôi căng ra để nhìn rõ. Cả thế giới dường như đang đứng yên. Chỉ có hai người chúng tôi là vẫn chuyển động.
Vỡ òa.
Tôi gặp lại Thanh vào một ngày như thế. À không, là may mắn gặp được nghệ sĩ múa Quỳnh Thanh.
Em vẫn như ngày nào dáng người dong dỏng cao, nét trẻ trung hiện lên gương gặp ấy. Nụ cười em lúc gặp tôi rạng rỡ trên môi, lấp lánh như ánh mặt trời dát vàng trên con sông quê xưa.
Em cười rồi nói với tôi:
- Hôm ni em có buổi dạy ở Học viện Quốc gia nên ghé qua đây. Dạo này anh sao rồi?
Vẫn giọng nói trong sáng ấy làm tôi ấm lòng. Tôi nhấp ngụm nước rồi từ tốn trả lời. Tình cảm vẫn đấy nhưng biết đâu lòng người đổi thay nên tôi thấy hồi hộp. Tôi nhẹ nhàng tạm biệt em và giữ liên lạc.
Trưa hôm nọ tôi đem cơm đến cho Thanh trong phòng tập. Tôi như bị thôi miên trước vẻ đẹp thuần khiết của em. Em rạng ngời trong sắc xanh mơn mởn của chiếc áo múa, nhẹ nhàng, thanh thoát như đợt sóng lăn tăn của vùng sông nước. Tôi nắm kĩ cảm giác của mình. Tâm hồn của cậu bé năm xưa lại ùa về, tràn vào trong con người tôi. Và giờ đây, khi nhìn em sáng bừng như thế, phải chăng tôi đã có câu trả lời cho chính mình?
Chiều. Mây lãng đãng trôi trên bầu trời. Tôi cùng em đi dạo phố. Qua đến ngã tư, như một thói quen năm nào, tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em dắt qua đường. Em để yên trong tay tôi ấm nóng lạ thường. Cảm giác thân thuộc ấy lại về…
Mấy hôm sau tôi nhận được một hộp bút chì màu - là hộp bút tôi vẫn hay dùng với Thanh để tô vẽ. Hộp bút chỉ còn vài màu tươi sáng thôi. Những đen, những tím… có lẽ đã được em lấy đi. Tôi nhận được một bức thư với dòng chữ nhỏ nhắn:
“Chào anh!
Thời gian đối với em quả là sự mệt mỏi khi em phải đối mặt với quá nhiều chông chênh. Em bước vào trường múa với đôi bàn tay trắng, thi cử với những con người có bằng cấp cao siêu. Khi đó, em lại nhớ về anh, nhớ lại những tháng ngày thơ ấu bên quê mình, nhớ lại ngày anh cười đùa khi em tập tành múa theo đoạn phim. Những điều đó làm em có quyết tâm để khi em và anh trưởng thành, ta cùng tự tin gặp lại nhau. Là nghệ sĩ giảng dạy cho bao người nhưng khi gặp lại anh, em thấy mình trở nên nhỏ bé và sắc màu rực rỡ của cuộc sống lại hiện về. Cuộc đời với những tranh đua là những gam màu em không thích nhưng anh đã vẽ đậm nét tươi đẹp trong cuộc sống em.
Cảm ơn anh đã gặp lại em nhé!”
Tôi cầm trên tay bức thư đầu tiên em gửi cho tôi, khóe miệng vẽ một đường cong đủ rộng đến mang tai.
Tối hôm đó, tôi gửi em một bức thư.
Hôm sau, tôi lái xe đưa em cùng về quê. Mải ngắm cành lan, em trượt chân ngã xuống nước. Cành lan văng ra, chìm nghỉm.
Tôi hốt hoảng lao đến với Thanh nhưng hóa ra em đủ để tự giúp mình. Tôi bơi đến đưa em vào bờ. Em sặc nước rồi hỏi tôi:
- Anh… biết bơi từ khi nào?
- Từ khi anh lên thành phố. Anh học vì ám ảnh vị đuối nước năm anh ba tuổi và chuyện của em. Anh học chỉ với quan niệm có thể đủ khả năng để cứu những người anh yêu thương!
Tôi dìu em vào nhà.
Đêm hôm ấy, sương rơi tí tách ngoài hiên, khẽ lọt vào nhà mang chút se lạnh. Tôi rùng mình, nghĩ suy bao điều rồi miên man chìm vào giấc ngủ.
Có lẽ, em cũng như tôi.
Nắng lung linh khắp nơi, khởi đầu cho một ngày đầy hy vọng. Tiếng gà gáy bừng tỉnh giữa làng quê yên ả. Mặt nước sóng sánh dát vàng như món trang sức của những người quý tộc. Tôi thích thú với ánh nhìn ngạc nhiên của Thanh. Bức thư của tôi được mở ra:
“Gửi em!
Sắc màu của cuộc sống thực ra không chỉ gói gọn trong những màu em gửi đến anh đâu. Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh và chúng ta là họa sĩ. Ta chủ động lựa chọn tông màu cho bức tranh mình vẽ nhưng đôi khi cũng cần sự góp ý của những họa sĩ. Anh mừng là đã làm đúng vai trò của người họa sĩ ấy với em. Mong rằng anh sẽ tiếp tục thực hiện điều đó, nhiều hơn nữa! Anh muốn chúng ta đều đủ lớn lên mà gặp nhau tự tin như em đã nói. Và khi gặp lại, anh đã hiểu được cảm giác của mình.
Cảm ơn em đã gặp lại anh!”
Em nhìn tôi, khóc thút thút nhưng chẳng còn mưa nữa.
- Anh…
Bóng chúng tôi đan vào nhau dưới bóng sông. Tôi nghe rõ cả tiếng thác chảy ào ào.
Ấu thơ và tình cảm là những sắc màu đẹp đẽ như vậy của cuộc sống. Việc chúng tôi vun đắp nó là một cách để sống Người hơn. Và phía sau những điều ấy là một vùng sông nước chứng kiến mọi điều trong trẻo như suối đầu nguồn mát lành.
Một ngày nắng hanh hao, chúng tôi chạy theo tiếng vọng lại của kí ức ấu thơ, về bên quê hương thân yêu cùng với tiếng lòng mình. Reo vui và đồng vọng…
Đ.G.B.T
(TCSH331/09-2016)