Trang thiếu nhi
Đọc những “cây bút” nhí
15:37 | 02/06/2008
Ở Trại sáng tác VHNT Thiếu nhi 2001 do Nhà Thiếu nhi Huế phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT tổ chức cuối tháng bảy đầu tháng tám vừa qua, nhóm văn học có 24 em đã sáng tác được 16 bài thơ, 34 bài văn xuôi.

Nhiều em viết từ hai đến ba bài. Có em viết cả truyện và thơ. Trong số “tác phẩm” đầu tay của các “cây bút” nhí, có gần 50% là khá, có thể sửa sang thêm để in báo được. Điều làm tôi thú vị nhất là hầu hết các em, dù mới học lớp 5 tiểu học đến lớp 8 THCS, nhưng đã biết viết câu văn, dùng từ ngữ tương đối chính xác. Ít em viết sai ngữ pháp, sai chính tả. Nhiều em đã biết cách bố cục một truyện ngắn, dẫn dắt truyện mạch lạc, hấp dẫn. Một số em còn biết hư cấu, tưởng tượng ra các chuyện thần tiên để nâng cao sức thuyết phục của câu chuyện mình kể. Nhiều em trong sáng tác của mình đã thể hiện được nhân sinh quan lớn như bảo vệ môi trường, xây dựng tình nhân ái, tình bạn cao cả. Ví dụ: Tác phẩm “Bức thông điệp” của em Đoàn Hữu Hào Vinh, lớp 5 ở huyện Phú Vang là câu chuyện hấp dẫn về những nhân vật “bướm”. Lên Bạch Mã, em bắt được con bướm đẹp ép vào trang sách, thầm nghĩ về khoe với bạn ở nhà. Nhưng đêm ngủ, em đã mơ một giấc mơ đẹp là lạc vào “xứ sở diệu kỳ của loài bướm”, ở đó bướm “như những chú tiểu đồng với hai búi tóc trái đào hai bên”, ở đó còn có “bà lão bướm ngồi trên ngai bạc”. Nhờ lạc vào xứ sở bướm mà em đã phát hiện ra bướm cũng như người, và em ân hận mãi về chuyện bắt bướm ép trong vở của mình. Đó là câu chuyện bảo vệ môi trường sinh thái được viết rất nhuần nhuyễn và cuốn hút. Trong “tuỳ bút” Cố Đô quê tôi, em Nguyễn Thị Thuỳ Linh, trường THCS Thống Nhất có nhận xét rất đúng rằng: “Chẳng biết Huế quá hiền hoà hay người Huế quá bình tâm mà tất cả mọi người ở cái đất Cố Đô này đều thư thả như thể cuộc sống chẳng có gì phải đua chen, phiền muộn!”. Hay bút ký “Dòng sông quê nội” của em Lê Chí Thắng, cũng lớp 5 ở Phong Điền cũng là một bức thông điệp đầy xúc động về môi trường sông An Cựu, dòng sông quê nội của em đang bị ô nhiễm, không còn như ngày xưa với bao kỷ niệm xanh trong êm đềm mỗi khi em vào thăm nội. Câu kết bài viết là một lời thề thảng thốt: “Không! không thể để dòng sông chết!”. Truyện ngắn “Nó” của Đặng Thị Thục Uyên, lớp 8, trường THCS Thống Nhất là câu chuyện cảm động về một chú bé can đảm, đã biết chịu bao nhiêu cay cực, đói khổ để đi tìm mẹ. Truyện ngắn  “Ánh trăng sẽ thấu hiểu nỗi lòng” của em Nguyễn Thị Minh Huế là truyện ngắn đã biết xây dựng được tính cách nhân vật, có tư tưởng nhân văn rất đậm. Em đã sáng tạo nên hình tượng bà o (cô) có cuộc đời đầy bi kịch, làm xúc động người đọc. Về thơ các em sáng tác chưa có bài hay hoàn chỉnh, nhưng cũng xuất hiện nhiều câu thơ, ý thơ mới, có chiều sâu. Lên Bạch Mã, em Lê Chí Thắng có câu thơ hay “Ước chi cầm được mấy chiều” để làm thảm rải qua núi cho em gái bệnh tật nằm một chỗ của mình lên được với Bạch Mã. Em Nguyễn Thị Hồng Nhung lớp 7, trường THCS Nguyễn Tri Phương thì viết: “Khi ánh hoàng hôn tắt/ Ai sẽ sưởi ấm lòng biển đây!”. Đó là những tứ thơ lớn.
N.M


ĐOÀN HỮU HÀO VINH

Bức thông điệp

Căn phòng nhỏ giờ đây chỉ còn tiếng thở đều của các bạn đã ngủ say sau những giờ sinh hoạt lửa trại vui vẻ. Riêng tôi vẫn còn thao thức. Đêm thật tĩnh lặng, chỉ nghe vọng vào tiếng rì rào của gió, của cây và tiếng thì thầm của những loài côn trùng. Tiếng ve kêu râm ran hồi chập tối cũng không còn. Tôi chợt thấy nhớ mẹ. Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà để làm một cuộc du ngoạn đầy thú vị. Tôi nhỏm dậy với tay lấy quyển sổ nhỏ. Con bướm vàng chấm đỏ to tướng tôi tình cờ bắt được hồi chiều, giờ đang nằm ngoan ngoãn giữa hai tờ giấy mỏng. Con bướm mới đẹp làm sao! Loại bướm này tôi chưa từng gặp bao giờ. Tôi tưởng tượng ra những đôi mắt mở to đầy ngạc nhiên và thèm muốn của lũ bạn ở nhà khi nhìn con bướm đẹp... Thằng Tí, chuyên gia sưu tầm bướm hẳn phải nằn nì xin đổi quyển Đô-rê-mon hay nhất mà tôi thiếu để lấy bằng được... chú bướm... Cẩn thận, tôi gấp sổ lại bỏ vào ba - lô. Cơn buồn ngủ chợt kéo đến, tôi chui tọt vào chăn mắt díp lại.
... Con đường rải sỏi trắng hai bên trồng toàn hoa lạ tôi chưa từng thấy bao giờ dẫn bước chân tôi đi mãi. Nắng rực rỡ chiếu vào các khóm hoa đủ màu sắc làm tôi ngẩn người trước vẻ đẹp hiếm có này. Dù tôi là một chú bé tinh nghịch chỉ thích đá banh và những trò chơi hiếu động cũng phải sững sờ...
Hoa ở đây, so với những đoá hồng ba tôi dày công chăm sóc, thì những cây hoa tôi chưa biết tên này vượt hẳn về màu sắc và hương thơm. Gió mát trên đầu, nắng quyện dưới chân dắt bước chân tôi ngày một đi xa hơn. Không biết đây là nơi nào mà đẹp thế! Cảnh đẹp này tôi chưa từng nghe nói đến. Tôi thầm nhủ sao họ không chọn làm điểm du lịch nhỉ? Ý nghĩ mình là người khám phá ra vẻ đẹp này đầu tiên làm tôi thích chí. Thằng Tô thường phách láo là đã đi hết các danh lam thắng cảnh ở Huế, sẽ chưng hửng khi tôi công bố địa điểm mới này. Mãi suy nghĩ miên man tôi chợt giật mình khi nghe một giọng nói vang lên: “Chào cậu đã đến xứ sở này, hãy theo mình!” Trước mắt tôi là một chú bé bằng tuổi tôi, đang mỉm cười chìa tay ra mời. Tôi nhìn chú lạ lẫm. Chú bé y như những tiểu đồng tôi thường thấy trong các phim truyện xưa với hai búi tóc trái đào hai bên làm cho khuôn mặt càng bầu bĩnh. Đi quanh co một hồi, trước mắt tôi hiện ra một toà lâu đài thật đẹp như trong truyện cổ tích. Chú bé lên tiếng:
- Đến rồi ạ!
Cánh cửa từ từ mở ra. tôi không còn tin vào mắt mình. Trong căn phòng trang hoàng lộng lẫy có vô số cô bé chú bé trạc tuổi tôi, với búi tóc trái đào và xiêm y đủ màu sắc sặc sỡ, như những cánh bướm tôi thấy trong rừng hồi chiều. Trên chiếc ngai bằng bạc là một bà lão tóc bạc phơ cũng xiêm áo lộng lẫy đang mỉm cười trông thật hiền từ. Tôi còn lúng túng chưa biết phải làm gì, thì bà đã ra lệnh cho tôi đến gần. Đột nhiên, một nỗi sợ mơ hồ dâng lên làm tôi rùng mình “Cháu đừng sợ lại đây ta bảo”! Tôi làm theo lời bà. Đưa tay vuốt tóc tôi, bà nói: “Cháu hãy làm quen với các bạn đi!” Tôi bối rối nhìn những khuôn mặt hồng hào xinh xắn rồi nhìn lại tôi: Một thằng bé mười một tuổi gầy nhom với làn da cháy nắng kết quả của những ngày bắt bướm, bắt châu chấu... Tiếng bà lão lại vang lên hiền hoà: “Cháu có biết vì sao ta mời cháu đến không? Đây là xứ sở của loài bướm chúng ta. Ta biết cháu là một chú bé thông minh và giàu lòng nhân ái nên ta nhờ cháu một việc” Tôi lo lắng: “Cháu thì làm được việc gì?” Bà lão ôn tồn: “Làm được chứ, chẳng hạn như cháu có thể kể lại câu chuyện xảy ra hôm nay cho các bạn nghe. Thông minh như cháu, ta tin chắc đã hiểu điều ta muốn gửi gắm”. Tôi chợt nhớ đến con bướm vàng chấm đỏ bị tôi bắt hồi chiều. Có lẽ con bướm ấy ở đây và được phân công bay đến vườn quốc gia Bạch Mã với mục đích là góp phần cho cây cối đâm hoa kết trái, sinh sôi nảy nở và làm đẹp cho đời. Một niềm hối hận dâng lên làm tôi đỏ bừng mặt. Tôi lắp bắp: “Dạ cháu biết mình phải làm gì rồi. Cháu xin lỗi bà, xin lỗi các bạn”. Bà lão mỉm cười độ lượng: “Ta biết cháu là một chú bé ngoan, để ta sai Hồng Điệp dẫn cháu đi thăm cảnh vật ở đây và làm quen với các bạn!”
Tôi tung tăng theo chân các tiểu điệp. Các bạn ấy giải thích cho tôi về lợi ích của cây cối và hoa lá ở đây. Hồng Điệp nói: “Mỗi cây có một tiếng nói riêng, một đời sống riêng bạn ạ! Nhưng những đời sống riêng ấy lại đóng góp công sức của mình để muôn loài cùng nhau tồn tại”. Giờ thì tôi đã hiểu ra tất cả. Không ai có quyền dành riêng cho mình một tặng vật của thiên nhiên mà trái lại hãy cùng nhau giữ gìn và vun đắp cho muôn loài sinh sôi nảy nở nhiều hơn...
Tôi còn đang mơ màng với những cảnh đẹp chợt nghe văng vẳng tiếng gọi: “Dậy đi thôi Vinh ơi, sáng rồi!” Tôi bàng hoàng ngồi dậy đưa tay dụi mắt nhìn quanh quất: Lâu đài vườn hoa đẹp và các tiểu điệp biến đâu hết rồi, chỉ còn lại bên tôi bạn Thắng đang toét miệng ra cười phô hai cái răng sún trông thật đáng yêu chi lạ!
Đ.H.H.V


ĐẶNG THỊ THỤC UYÊN



Nó, một thằng bé đen đủi, gầy còm, lùn tịt. Đầu tóc thì lúc nào cũng bù xù, lõa xõa. Riêng có đôi mắt là to tròn, sâu thẳm với hàng mi dài cong vút đẹp như mắt con gái. Nó trầm lặng, ít nói đến lạnh lùng. Anh mắt nó nhìn mọi người thật khó hiểu, có nét gì đó thật buồn và lầm lì đáng sợ. Ở trong xóm chợ này, người ta gán cho nó cái tên thật đặc biệt “Lì”, bọn con nít thì gọi nó là “Lì còm”. Nó chẳng nói gì, chẳng để ý gì mà nó cũng chảng thèm quan tâm đến điều đó.
Hằng ngày, nó đi lang thang ngoài chợ, chờ mọi người sai vặt lấy ít tiền lẻ để tự kiếm sống nuôi thân. Tối lại, nó lại rời chợ đi đâu không ai biết. Nhiều hôm ở chợ chẳng có việc gì, không ai sai vặt, nó ngồi co ro ở một xó. Đói đến mấy cũng không mở miệng xin ăn. Mọi người nói nó sĩ diện nên đâm ra ghét nó. Sự hiện diện của nó trong xóm chợ này thật quá nhỏ và mờ nhạt.
Một ngày nọ, người ta không thấy nó xuất hiện nữa. Biết thế nhưng chẳng ai thèm để ý. Họ cho rằng “thằng Lì đã đi nơi khác kiếm sống”. Mọi chuyện vẫn tiếp tục, vẫn kẻ mua, người bán, vẫn ồn ào náo nhiệt bình thường.
Một tháng trôi qua...
Buổi sáng hôm ấy, trong một góc chợ, mọi người phát hiện thấy thằng Lì nằm bất động, da tái nhợt, tay chân bầm tím như người bị đau nặng. Nó tỉnh lại trong một lúc và chỉ kịp lấy từ trong bọc có một cái ví da cũ kĩ đưa cho mọi người, rồi lịm dần, lịm dần... Nó đã ra đi vĩnh viễn. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy trôi qua thật nhanh. Trong khoảnh khắc đó mọi người chỉ kịp nhìn lại nó lần cuối. Vẫn khuôn mặt ấy, mái tóc ấy, thân hình ấy, riêng đôi mắt là khác hẳn. Đôi mắt nó không còn lầm lì, mà thật buồn, đầy vẻ thất vọng và đôi mắt ấy đã biết khóc. Những giọt nước mắt lạnh ngắt, chua xót cuối đời. Đây có lẽ là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng trong đời, người ta thấy nó khóc. Trong chiếc ví da củ kĩ ấy, mọi người tìm thấy bức ảnh của một người đàn bà và một tờ giấy với dòng chữ nguệch ngoạc
                                                Ngày...... tháng.... năm...
U ơi! Con nhớ u lắm. Sao u không về với con, sao u bỏ con mà đi! U ơi, con nhớ ul...ă...’m...
Mọi người nhìn nhau xúc động, họ bảo với nhau: “Thằng Lì, nó đi tìm mẹ, tội nghiệp”.
Đ.T.T.U


NGUYỄN THỊ MINH HUẾ

Ánh trăng sẽ thấu hiểu nỗi lòng...

Người phụ nữ ấy suốt một đời làm việc quần quật với cái thân hình tầm thước, khuôn mặt gầy guộc, làn da xám nắng và một đôi mắt khắc khổ. Chị chẳng có chồng nên cũng không con, chị lại bị điếc và cũng không hề biết đi xe đạp. Dường như người đàn bà ấy chẳng có gì ngoài niềm vui từ cô cháu gái. Nhưng nhớ nó lắm mà không biết làm sao. Cũng có nhiều lần định vào thăm nó thì chị lại sợ bố mẹ ở nhà có bề gì... Hơn nữa việc đồng áng ai lo. Cho nên mỗi lúc buồn, chị lại mong sao cho chóng tết, chóng hè. Không phải những ngày đó chị được chơi, mà là cô cháu gái sẽ về thăm chị và thăm ông bà. Cứ nghĩ đến lúc nó về chơi thì chị cũng sung sướng lắm rồi. Khi ấy chị sẽ mua các thứ bánh rán, bánh xèo mà nó vẫn thích ăn và ngồi chải tóc cho nó nữa chứ!.
Hôm nay, sau một ngày làm việc mệt nhọc, chị lăn ra giữa thềm nhà ngủ khì. Bỗng đâu có tiếng xe máy ầm ầm và ánh đèn chói sáng rọi vào nhà. Không hiểu chuyện gì, chị hốt hoảng bật dậy. Nhưng chị không hét toáng lên mà nhíu mày và mắng yêu một cái.
- Hôm nay o hắt hơi cả ngày, thì ra là em bé về. Định ăn trộm hả?
Ngay lập túc một cái giọng ỏng ẻo dễ ghét vang lên.
- Tất nhiên rồi!
Đó là con bé đấy, con bé ngồi sau lưng ông anh họ bên đằng ngoại. Con bé lớn lên nhiều! Đấy là lối nhận định của chị sau một hồi hai o cháu thủ thỉ với nhau. Mà nay nó cũng lớn lên thật, cả về hình dáng lẫn suy nghĩ...
Ngày hôm sau, con bé cứ bám lấy chị, chẳng đi chơi đâu cả, thật khác những lần trước. Chị có hỏi thì nó nhíu mắt lém lỉnh và hét lên thật to cho bà cô nghe: “Đó là điều... bí mật”... Đêm hôm đó, trời có trăng sáng theo mong ước của con bé. Không hiểu sao nó cứ đôn thúc chị giải quyết việc nhà thật nhanh, để cùngvới chị làm một điều gì đó rất bí mật nhưng nó chẳng bật mí cho ai biết. Chỉ thấy nó ngó ngang nhìn ngửa chiếc xe đạp cũ với ánh mắt tinh nghịch, rồi dắt xe ra tập đi thử vài vòng. Xong xuôi nó ghé miệng vào tai bà cô nói cái gì đó. Nhưng cái điệu nói “thầm” ấy thì người đi ngoài ngõ cũng nghe... Rồi nó tự dưng “nhảy cẫng” lên và hét với cái giọng thúc giục: “Đi đi o, đi đi nào”.... Chị chưa kịp nói gì thì nó đã kéo chị cùng chiếc xe đạp ra sân kho, rồi chỉ chỉ trỏ trỏ gì đấy với bà cô của mình. Như để chiều lòng cháu, chị leo lên xe với cái dáng vẻ lóng nga lóng ngóng. Thì ra nó muốn tập xe cho bà cô yêu dấu của mình. Sân kho lúc này vắng lặng quá! Không có một bóng người. Chỉ có vài bụi tre đang lao xao kể chuyện cùng gió, và ánh trăng nhạt nhoà theo áng mây. Không biết là tại vầng trăng nhạt nhoà mà chị hết cho xe nghiêng qua bên này lại đến bên kia, hay tại đôi bàn chân cả đời đạp đất, xát lúa. Để rồi cứ lách ca lách cách, hai cô cháu hết “giống thuồng luồng thì lại rồng rắn”. Mực sức cho con bé đổ mồ hôi nhễ nhại và cứ oằn người như một chú rắn con để đỡ cô cùng chiếc xe đạp. Thương cháu quá! Chị lại định không tập nữa những em bé chẳng cho và ngay tức thì giở cái giọng ỏng ẻo dễ thương buộc chị phải tập tiếp. Khi ấy chị chỉ còn nước làm theo...
Trăng đã treo trên cao, trời thì đen sẫm. Xe lại đâm vào đống mía khô nên loảng xoảng ngã. Thế là chị lăn người ra cỏ mà cười:
- O già rồi em còn bắt o tập xe chi nữa, người ta nhìn thấy thì cười chết. Thà em cho o cưỡi con trâu còn dễ hơn. Đạp xe thế này khó lắm!
Thương quá! Con bé chẳng nói chẳng rằng, chỉ chạy đến ôm chầm lấy cổ bà cô của mình. Ngấn mắt nó cay cay. Nhưng mấy ngày sau thì mắt nó lại cay hơn khi chị đã chập chững ngồi lên xe.
Một đêm, hai đêm, lại ba đêm... Ngày ngập đầu trong bụi lạc, tối lại tập xe. Như để đáp lại lòng mong đợi của cô cháu gái cũng như sự ưu ái của ánh trăng, chị đã bắt đầu đi “cà nhắc” rồi ngồi thẳng lên yên. Nhưng cô cháu gái vẫn giám sát rất kì công. Lâu lâu nó lại nằm nhoài người ra thảm cỏ và thả hồn theo mây gió của cái đất “Quảng Bọ” nghèo khó này. Nó nhìn trăng nhìn trời nhìn sao, rồi nghĩ về một cái gì đó vô hư, vô hình. Bỗng dưng nó nhớ về bà cô, nhớ về những lần chị phải nhịn nhục để đi “xin” con từ hai người đàn ông nào đó. Tưởng rằng sẽ được hạnh phúc khi tuổi già vì có được đứa con mình đứt ruột sinh ra... Ai ngờ lần thứ nhất đứa trẻ mất trong bụng chị, dù đã được năm, sáu tháng. Lần hai, đứa bé chết trước khi sinh một ngày... Khi ấy, nó tưởng rằng chị đã gục ngã. Nhưng không, chị vẫn sống để chăm lo cho ông bà của nó, để thương thay cho số phận khốn khổ của mình và hai đứa con xấu xí chưa kịp ra đời... Rồi nó nghĩ về những ngày chị bị người đời khinh miệt khi không chồng mà lại có con, nó còn thương cho bà cô của mình bị bọn trẻ trong làng gọi là “bà điếc”... thương cho chị chưa được ngửng mặt lên trời dù đã ngoài tứ tuần. Chợt nghe tim mình đau nhói, nó đứng phắt dậy và im lặng, mắt dõi theo cái lưng đang run lên vì sung sướng của bà cô... Trăng sáng quá! Mà gió cũng không thổi, không gian yên ắng lạ kì. Chỉ có duy nhất, chỉ duy nhất trái tim nó đang kêu lên liên hồi: “Anh trăng sẽ thấu hiểu nỗi lòng”...
3.8.2001
N.T.M.H

NGÔ MINH
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

Các bài mới
Hoa Lục Bình (15/04/2024)
Dì tôi (19/03/2024)