Trang thiếu nhi
Ngôi sao nhỏ
14:16 | 11/02/2021

ĐOAN TRANG    

Nhà tôi ở xóm Loài. Tôi chẳng hiểu tại sao người ta lại đặt tên nó như vậy, có lẽ đơn giản là để gọi và phân biệt giữa các xóm khác trong thôn.

Ngôi sao nhỏ
Minh họa: Tô Trần Bích Thúy

Làng tôi có một cây đa to, lâu năm lắm rồi. Bọn trẻ con vẫn thường tụ tập để chơi ở đó. Tôi thì ít khi xuống đó, mẹ tôi chẳng bao giờ để tôi bước chân ra khỏi nhà quá lâu vào những ngày nghỉ: “Nắng non này đi đâu, phơi người cho đen ra à?” Tôi lại ngoan ngoãn ở nhà.

Tôi thường rủ đám bạn chạy ùa ra đồng, vứt bỏ cặp sách rồi leo lên những đống rơm to. Mỗi khi quay về nhà gãi đỏ khắp người. Nhưng vẫn thích cái cảm giác trượt từ trên cao xuống rồi hét rú lên. Thỉnh thoảng mẹ tôi phát hiện ra tôi đi trượt trên đống rơm về thì tôi đã ăn mấy đòn vào người rồi. Lần nào tôi cũng khóc nhưng không bao giờ từ bỏ ý định nghịch ngợm trên đống rơm cao ngất ấy. Thật sự là vô cùng thú vị.

Ngày nào tôi cũng nhìn thấy những ngọn núi. Nhưng chúng thật xa xôi. Ba tôi thường nhìn những ngọn núi chạy dài ấy và xoa đầu tôi: “Sau này con lớn lên, đi bất cứ đâu nếu nhớ nhà thì chỉ cần nhìn về phía những ngọn núi, nhà chúng ta ở đó”. Nói xong ba lặng người đi, mắt lại sâu thêm mấy phần nữa nhưng tôi chẳng hiểu cớ gì người lớn lại sợ ngày con cái lớn lên và rời xa mình đến vậy.

Hai ba con ngồi xuống thềm nhà. Trời càng khuya, mặt trăng càng sáng và những vì sao càng đẹp. Tôi tựa đầu vào vai ba. Ba vuốt tóc vỗ về tôi.

Lớn lên rồi đi xa nhưng xóm Loài vẫn cứ ở đó, chưa có gì đổi thay nhiều cả. Mỗi bận trở về đều thấy thân thuộc, gần gũi. Có lẽ bởi vì với nó, tôi luôn cảm thấy yêu thương vô bờ.

Lũ trẻ con như chúng tôi có một cuộc sống vô cùng đơn giản, chẳng hiểu sao lại vô tư đến thế. Tôi, con Hạnh, con Tuyền, thằng Đăng và thằng Thiện là năm đứa quỷ nhất nhì trong xóm.

Xóm Loài thật ra là một trong những cái tên lạ lùng nhất thế giới này. Cho đến lúc tôi biết đến nó, hình như chưa có cái tên nào kỳ lạ như vậy cả. Con Tuyền gần nhà tôi nhất trong đám, nó cũng là đứa chơi thân với tôi nhất trong mấy đứa.

Con Tuyền tóc đen mềm, có má lúm đồng tiền cả hai bên nhưng rất hiếm khi cười. Nó cứ im lặng khi những cuộc tranh cãi xảy ra và bao giờ cũng là đứa nhận phần thiệt về mình. Còn tôi, khỏi phải nói về độ ha-oai trong xóm. Xóm Loài là tên thật, thật giống như những gì tôi sắp kể cho các bạn nghe.

Thiệt tình, ngay từ khi nhà tôi chuyển về xóm, chẳng hiểu tại sao nghe tên tôi cứ thấy buồn cười. Đó cũng là lý do vì sao tôi chẳng bao giờ kể cho các bạn cùng lớp mình đang ở xóm Loài. Xóm nằm trong một con đường ngoằn ngoèo dẫn từ ruộng lúa vào. Nhà sát nhà, cổng gần cổng nên lũ trẻ con như tôi thường chạy sang nhà nhau thường xuyên. Tôi cũng hay lân la từ nhà này sang nhà khác, rủ chúng nó chơi đủ trò.

Nhà bác Tựu gần nhà tôi, bác cũng là một trong những lão già yêu mèo. Con mèo nhà bác Tựu không có tên, mà hình như bác cũng không muốn đặt tên cho nó. Tôi chỉ biết nó được cưng chiều hết mực vì hôm nào cũng có cá kho mới để ăn.

Xóm tôi không chỉ có bác Tựu, ngoài ông ấy ra cũng rất nhiều người thích mèo. Trong đó con Tuyền là đứa si mê loài mèo, gặp đâu nó cũng âu yếm vuốt ve. Tôi chẳng thích con vật nào cả, loài mèo thì càng không. Chắc vì vậy mà mấy hôm trước, con mèo đen nhà bác Tựu đã dùng bộ móng sắt nhọn của nó để cào vào tay tôi, xước hết cả.

*

Lũ trẻ con nông thôn như chúng tôi, ngoài giờ học trên lớp ra thì thường túm tụm lại để chơi cùng nhau. Chúng tôi bày đủ trò. Lúc thì chơi ở sân nhà tôi, khi lại kéo nhau ra đồng rồi nằm xoãi người trên cỏ cháy. Chúng tôi cho đó là những thú vui yêu thích nhất của mình. Nhưng chơi mãi cũng chán, phải nghĩ ra trò gì đó để nghịch. Chúng tôi rủ nhau cùng đi trộm bắp. Trộm bắp là một trong những câu chuyện nhớ đời.

Chúng tôi gồm có năm đứa: tôi, con Hạnh, con Tuyền, thằng Đăng, thằng Thiện nối nhau chạy một hàng dài băng băng ra cánh đồng. Hôm đó là một hôm nghịch dại ngu xuẩn mà chắc cả đời này tôi không bao giờ quên được.

Cánh đồng yên ả đến mức những bước chân của chúng tôi làm mặt đất rung lên thình thịch. Chúng tôi ồn ào kéo nhau ra nương bắp của nhà người ta rồi hái trộm để nướng ăn cho vui. Năm cái đầu hoe vàng vì đã phơi nắng quá nhiều cứ thế xúm xít cùng nhau chui rúc trong dãy bắp nhà người ta. Sau đó chạy thật nhanh đến một bãi đất trống và cùng nhau nhóm lửa để có than và nướng chúng lên.

Hì hục cả buổi trời và cuối cùng lửa cũng bén, cháy bùng lên. Lửa bắt đầu vừa phải và có nhiều than đỏ hồng để nướng. Chúng tôi cắm một cái que thật dài vào trái bắp rồi đem nó ném vào đống than trước mặt. Tiếng nổ bụp bụp phát ra khiến mấy đứa giật mình, có đứa còn vùng dậy né sợ. Tôi vẫn ngồi như một dũng sĩ vậy, chẳng sợ gì mà chỉ sợ bắp nướng không chín hết. Con Hạnh có vẻ thành thạo hơn, nó nướng nhanh và chín đều các mặt nhất trong đám. Thằng Thiện thì cứ vừa nướng vừa bóc vài hạt ăn lấy ăn để. Con Tuyền cứ ngồi nhìn bọn tôi rồi cười hí hí. Thằng Đăng cứ vừa nướng vừa canh. Nó bỗng dưng trở thành vệ sĩ bất đắc dĩ cho bốn đứa còn lại. Chúng tôi nướng xong thì ăn hết nhẵn. Sau đó lại kéo nhau đi lên lên con đập lớn để xem nước từ nguồn đổ xiết về. Cả bọn vẫn chưa biết rằng mối đe dọa đang đến rất gần.

Mặt trời bắt đầu tạm biệt chân trời để nấp hẳn sau dãy núi kia. Chúng tôi kéo nhau về nhà vì sợ bị la. Mà hôm đó lớn chuyện thật. Vụ bẻ bắp nhanh chóng bị phát hiện và ầm ĩ. Mở đầu tiếng ồn từ nhà thằng Đăng ở đầu xóm. Một bà béo ú chạy thẳng vào nhà nó, gọi tên ba mẹ nó còn to hơn cả loa phóng thanh:

“Ra xem thằng con ông nó bẻ trộm bắp của tôi này!”

Tôi nghe ngóng tình hình và bắt đầu run sợ. Tôi chạy trốn vào phòng. Nhưng khoảng năm phút sau, cái giọng nói ấy đã ở bên sân nhà tôi. Ba tôi vừa mới ở ngoài đồng về cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi nghe bà ấy lớn giọng. Tôi ngó nghiêng qua khe cửa, ba tôi gọi tôi ra. Tôi lí nhí nhận lỗi và sau đó bị ba tôi phạt quỳ cả buổi tối.

Vụ này tôi rất bực lũ bạn. Có lẽ chúng nó trong phút hoảng sợ đã khai ra hết. Đúng thật tôi là đứa cầm đầu cho cái trò trộm bắp nhưng đâu phải mỗi tôi ăn hết mười trái. Tôi làm thì tôi chịu vậy.

Hôm sau ngủ dậy tôi đã thấy một đống bắp luộc ở trên bàn. Vừa nhìn thấy tôi mở mắt, mẹ nói:

“Ăn cho hết thèm mà bỏ cái tật trộm bắp ấy đi, chưa để mày chết đói ngày nào đâu.”

Tôi vừa cầm lên cắn lấy một hàng mà nước mắt chực trào. Tôi không giận vì bị mắng mà tự nhiên tôi thấy mình nghịch ngợm quá, để người ta phải kéo đến nhà lớn tiếng với ba mẹ. Từ đó, tôi bỏ hẳn những trò như thế. Vui đâu chả thấy mà chỉ thấy ba mẹ tôi được một hôm xấu hổ với hàng xóm.

*

Không phải chỉ mình tôi bị xem thường, đám bạn cùng xóm chơi chung với tôi cũng bị ức hiếp. Lý do tại sao ư? Tại vì chúng nó có đồ chơi rất đẹp mà bọn tôi không được đụng vào dù chỉ một lần. Chúng nó cũng không thích làm quen với chúng tôi. Lũ trẻ con xóm nghèo như chúng tôi chỉ biết chế tạo những đồ chơi từ nhiều thứ gần gũi. Chúng tôi san sẻ với nhau và cùng chơi đùa rất vui vẻ. Chưa đứa nào trong số chúng tôi nghĩ đến việc sẽ giành giật đồ chơi và chơi một mình. Một mình làm sao có thể chơi được.

Chúng tôi chẳng đứa nào phân biệt với đứa nào. Hôm thì tập trung nhà đứa này, ngày mai lại đến nhà đứa khác. Chúng tôi đến những quán nhậu để nhặt nắp bia, đem bán thì chẳng được bao nhiêu tiền nên chúng tôi quyết định giữ tất cả chúng lại để xây pháo đài.

Pháo đài ấy có khi cao chất ngất. Chẳng ai chỉ cho chúng tôi cách xây chúng sao cho thật nguy nga mà không dễ đổ. Từ những lần thất bại, chúng tôi rút kinh nghiệm rồi càng lúc càng xây được cao lớn hơn. Chúng tôi còn nghĩ đến việc có thêm binh lính để bảo vệ thành lũy kiên cố của mình.

Chúng tôi cũng thường xuyên tạo ra những cuộc chiến để tranh giành đất đai, mở rộng lãnh thổ và có thêm quân lính. Tự nhiên mỗi đứa giống như một ông vua nhỏ trong vương quốc của mình. Thường thì chiến tranh sẽ kết thúc khi các bà mẹ lôi cổ từng đứa một về nhà tắm rửa để ăn cơm và học bài. Chúng tôi lại hẹn nhau trong vội vã để có thể tiếp tục thách đấu vào ngày mai và những ngày sau đó nữa. Cái trò xây dựng thành lũy, tuyển binh lính và tiến hành đánh trận giống như mấy bộ phim mà dạo đó chúng tôi được xem. Phim ảnh cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến cách mà chúng tôi lớn lên, trưởng thành. Chúng tôi đều muốn trở thành người lớn càng nhanh càng tốt. Chúng tôi luôn tin rằng người lớn có được quyền năng tối cao cho tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống.

*

Mấy đứa con nít như chúng tôi ngoài việc đi học ra thì chỉ có rong chơi, chạy nhảy từ sân nhà ra đến ruộng lúa. Chúng tôi nghịch ngợm đủ trò. Nhưng thỉnh thoảng cũng biết phụ giúp ba mẹ những việc cỏn con. Tôi thích quét sân vào sáng sớm, thiệt tình vì tôi thích nghe tiếng chim hót rất vui tai.

Ba và tôi lại có những buổi chiều cùng nhau trên chiếc xe đạp cũ và chuyện trò đủ thứ về trường lớp, thầy bạn của tôi. Tôi hay kể ba nghe về những câu chuyện ngồ ngộ sau mỗi ngày tan học. Ba thì hay hỏi tôi về ước mơ. Sau này con gái của ba thích làm gì? Tôi hồi ấy chẳng nghĩ ngợi gì xa xôi. Chỉ nhớ mình cười thích thú mỗi khi ba và tôi cùng nhìn lên bầu trời rộng lớn, những con chim sải cánh thật rộng và lượn lờ thỏa thích. Tôi tự nhiên nói với ba một cách hồn nhiên: Con thích trở thành một chú chim bay lượn thỏa thích trên bầu trời. Ba cười. Ba tôi bao giờ cũng ít nói những khi hỏi về ước mơ của tôi. Dường như ba mong mỏi nhiều hơn những suy nghĩ non nớt ấy nhưng ba không muốn áp đặt tôi. Tôi được tự do trong chính những giấc mơ ấy.

*

Trước khi tết đến, xuân về, tôi sẽ cắm đầu học như điên chỉ để tất cả các bài kiểm tra đều trên 9 điểm. Thực sự tôi rất háo hức chờ mong tết đến để được mặc quần áo mới và nhận tiền lì xì. Nhưng trước tết thì tim tôi luôn đập loạn lên mỗi khi nhìn thấy phiếu liên lạc sắp đến bàn mình. Năm nay mà học sinh khá thì khỏi ăn tết, chỉ ăn đòn thôi cũng no rồi. Ấy vậy mà 5 năm tiểu học, tôi luôn đạt học sinh giỏi.

Ba mẹ tôi thường sắm đồ tết cho chị em tôi rất muộn, có khi là hôm 30 mới có bộ quần áo mới. Tôi hồi ấy chẳng hiểu tại sao trước đấy vài hôm không ai dẫn tôi đến chợ để mua mà tận 30 tết mới bắt đầu sắm sửa. Vì tiền cả thôi, ba mẹ tôi phải bán bưởi tết mới dư ra vài đồng để mua nếp và đậu gói bánh tét, cho tôi và thằng Nhật em trai tôi hai bộ quần áo mới. Hồi bé, chúng tôi hay khoe quần áo mới với những đứa khác ở trong xóm. Chúng tôi thường mặc vào rồi chạy sang nhà chúng nó để khoe, chúng nó cũng lôi từ trong tủ đồ ra những bộ quần áo thơm mùi đồ mới, chưa giặt lần nào.

Đêm 30, nhà tôi thường nấu bánh tét đến khi gà gáy mới vớt bánh ra. Thường tôi vẫn giành trông bánh đến khi ngủ gật.

Nhà tôi gần bến sông, sông Hương những ngày ấy cũng không có gì biến động cả. Cái dòng sông vẫn luôn trôi như không trôi, chậm chạp lững lờ nhưng gắn bó cả một trời tuổi thơ nô đùa nghịch ngợm. Mặc dù tôi không biết bơi nhưng vẫn thường mang chiếu ra gần bến sông để trải ra và nằm ngắm nhìn những con sâu đo miệt mài ăn đám lá dâu.

Tết đến, đường trong xóm được quét dọn sạch sẽ, cây cối phát quang. Lũ trẻ con như tôi chỉ thích bánh kẹo nhiều màu sắc, hương vị. Nhưng những ngày tết tôi ăn kẹo trừ cơm, mẹ tôi thường cố ép tôi ăn một bát cơm. Tết cũng là lúc có rất nhiều trò vui, đặc biệt là những trò may rủi. Tôi không phải quá nghiện cái trò chẵn lẻ nhưng cũng tham gia vài ván cho biết mùi vị. Ở quê tôi, ngày tết thường không có lễ hội gì. Nhưng sân đình thì tụ tập đủ các ông già, bà trẻ và ba mẹ tôi cũng ra đình để cúng kiểng các thứ. Tôi cũng chưa tham dự một buổi tiệc được bày dọn ở sân đình. Nhưng tất thảy mọi người lớn đều sẽ ra đình ăn xôi thịt và uống rượu rồi mới về.

Tết quê làm tôi nhớ nhất là dưa món mẹ làm. Củ cải, đu đủ, cà rốt thái lát mỏng rồi phơi qua mấy nắng cho khô quắt lại, đem xả rồi làm nước mắm để ngâm ăn kèm với bánh tét. Bánh tét thường chỉ ăn ngon ngay khi vừa nấu xong, vớt ra một lúc. Bánh tét những hôm mồng 1, mồng 2, mồng 3 thì chẳng buồn ăn lấy một lát. Nhưng càng xa tết, ăn bánh tét lại càng cảm thấy nó ngon lạ lùng.

Tục tết ở quê tôi, vào sáng sớm mồng 1 phải đi thăm mộ người thân đã mất. Năm nào tôi cũng đi thăm mộ ông bà nội ở tận trên núi cùng thằng Nhật em trai tôi. Hai chị em mang thêm ít bánh kẹo, hoa quả nữa. Mặc dù vào hôm 30 tết, ba tôi đã lên đó để dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ mọi thứ. Chị em tôi tin rằng đó là cách làm cho ông bà nội của chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn, giống như khi ông bà còn sống chúng tôi vẫn lên để thăm hỏi và chúc tết vậy.

Tết quê là một trong những điều thiêng liêng và ý nghĩa với mỗi một con người. Dù bận rộn hay vất vả mưu sinh ở một phương trời xa lạ, ai cũng mong mua được một tấm vé để về nhà ăn tết. Có lẽ trong sâu thẳm trái tim mỗi người, quê hương không chỉ là nơi cất giấu những nỗi nhớ mà còn là nơi cho họ sự bình yên đằng sau tất cả những bon chen, xô bồ của phố thị ngoài kia. Tôi thèm tết ở quê, thèm được về nhà để ngồi trông nồi bánh chưng, ăn dưa món và đi thăm mộ ông bà.

*

Có thể với nhiều người, tuổi thơ của họ có rất nhiều kỷ niệm đẹp mà có ngồi cả mấy ngày liền cũng không kể hết được. Còn tôi thì vẫn luôn thấy một phần những kỷ niệm ấy vẫn sống cho đến hôm nay, khi tôi vẫn còn nhớ rất kỹ từng câu chuyện liên quan đến những người bạn ấu thơ của mình. Con Hạnh, con Tuyền giờ đã lấy chồng và sinh con. Thằng Đăng thì làm cho xưởng mộc gần nhà, thằng Thiện thì vào Nam làm ăn xa đã mấy năm chưa thấy về.

Xóm Loài vẫn còn đó, nhưng giờ nó chẳng còn được gọi với cái tên xưa cũ ấy nữa. Xóm giờ lên thành tổ dân phố, không ai nói ra nhưng tôi nghĩ họ vẫn tha thiết với cái tên cũ hơn. Người dân quê tôi, họ sống không chỉ là vì tương lai mà còn vì những điều giản dị thân thuộc đã theo họ gần như cả đời người.

Xóm Loài, thực sự lay động tâm hồn tôi. Xóm Loài, nơi mà những bước chân đầu tiên của tôi dần cứng cỏi. Không giống như những bạn học cùng làng hay cùng quê, đa phần họ lớn lên sẽ chọn cho mình một cuộc sống an nhàn. Tôi lại sẵn lòng đi cùng với những mạo hiểm để có thể được sống đúng là mình nhất. Có lẽ niềm tin của tôi lớn đến mức Chúa cũng muốn ủng hộ. Những đêm muộn ngồi ở bậc thềm nhà thờ, khi trời đổ những cơn mưa trĩu nặng lại khiến cho lòng tôi bâng khuâng đến lạ. Tôi muốn nhìn ngắm tất cả những thước phim đẹp nhất từ cuộc sống và nói cho mọi người cùng nhìn thấy: có một thế giới như vậy trong mắt tôi.

Đ.T    
(TCSH384/02-2021)



 

 

Các bài mới
Hoa Lục Bình (15/04/2024)
Dì tôi (19/03/2024)
Dưới gốc cau (29/09/2023)
Nguyệt (22/09/2023)
Các bài đã đăng
Chuột ly hương (04/03/2020)
Phần còn thiếu (11/10/2019)