Trang thiếu nhi
Bà ngoại
14:36 | 07/07/2025

HOÀNG DẠ THI

Bà ngoại người thấp và tròn. Tôi thường nói đùa "Bà trông bụ bẫm như em bé" hay "Bà ngoại tôi - cây nấm biết đi" và bao nhiêu biệt hiệu hỗn láo khác.

Bà ngoại
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Giọng nói của bà vang to như tiếng kêu của kèn đồng. Những lúc bà rầy la, tôi lấy quyển vở cuộn tròn lại và dõng dạc: "A-lô! A-lô! Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Huế, cố đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và ôm bụng cười ngặt nghẽo. Hồi còn nhỏ, lúc còn lưu hành tiền xu, mỗi tối bà ngủ, tiền xu từ trong túi rơi ra, lăn xuống gầm giường. Sáng sớm thức dậy, tôi lén lút chui xuống gầm giường mò mẫm và âm thầm... bỏ tọt vào túi". Nghĩ lại hồi ấy, tôi thấy mình không khác gì một đứa trẻ ranh độc địa.

Nhiều khi nằm vắt tay lên trán như bà cụ non, tôi nghĩ không biết mình có thương bà không, có hỗn xược quá không. Sau một hồi phân tích và suy gẫm, tôi cố biện bạch cho mình bằng cách yên tâm rằng mình vẫn yêu bà lắm, có điều người sâu sắc nên không biểu lộ ra ngoài. Và mỗi lần nhớ lại một kỷ niệm không vui, tôi bất giác toét miệng cười: Đó là hồi bà nuôi gà công nghiệp, tôi thỉnh thoảng lấy một trái bóng bàn bỏ vào chuồng giả đò làm trứng. Bà ngoại mắc lừa thường xuyên và có một lần, bà bị ngã vì trên đường chạy đến chuồng gà lấy "trứng". Từ dạo ấy, bà đập tan tành quả "trứng" vô tội và coi tôi như một "con khỉ già ranh ma", một đứa cháu bất hiếu.

Ba mẹ la mắng, tôi cậy thế mình là con một nên bày trò tuyệt thực, nằm quay mặt vào tường. Bà ngoại cuối cùng phải dỗ dành, còn mẹ tôi lắc đầu: "Con bé càng ngày càng hư đốn quá mức!".

* * *

Bây giờ đã là tháng giêng. Trời lạnh và mưa lun phun ngày tiếp ngày. Khắp nơi tưng bừng không khí Tết nhất. Ở nhà, ba quét mạng nhện, sắp xếp bàn ghế và đính những tấm thiệp xanh đỏ lên cành mai. Mẹ làm mứt, chua ngọt; còn bà gói bánh chưng. Tôi hết ra lại vào, bấm đốt ngón tay tính toán, bụng lo sợ không biết năm nay mình còn được "lì xì" nữa không. 17 tuổi rồi còn gì! Tôi chạy xuống bếp xem bà gói bánh rồi hét: "Bà ơi, con làm với nhá!" Bà gật đầu ái ngại, nhìn tôi vụng về làm đổ nếp ra ngoài tấm lá xộc xệch, chép miệng: "Con bé đoảng vị quá, mai mốt lấy chồng chắc bị tống cổ về". Tôi bĩu môi, lý sự: "Tại Huế mình là chúa phong kiến. Với lại, có lấy chồng, con cũng thuê người ở, ai dám tống cổ mình?" Đoạn tôi nhìn bà co ro trong chiếc áo lông to xù, lẩm bẩm: "Rét tháng giêng bà già chết cóng. Bà nhớ mặc cho ấm vào, kẻo..." Mẹ nghe thấy, gắt: "Bé! Đừng có trù mạt!" Tôi bưng miệng cười, nhớ lại hồi xưa, có lần tôi ngây thơ hỏi bà: "Bà ơi, bà già thế rồi sao bà chưa chết?" và bị một trận đòn nhừ tử.

Bánh chưng chín rồi. Tôi bóc một cái ăn thử rồi nhăn mặt la: "Vị, ít nhân, nhiều nếp. Bà để giành nhân ngon cho ông ngoại rồi". Bà sượng sùng khó chịu, còn tôi lại cười khoái trá.

* * *

Sáng mồng một, tôi dậy sớm nhất nhà, chạy tới giường bà, giở chăn ra, hét oang oang: "Dậy! Dậy! Dậy! " Bà mở mắt, ngáp dài: "Đồ quỷ sứ!" Tôi chìa tay, dụ dỗ: "Bà ơi, lì xì!" Bà ngồi dậy, đưa cho tôi mấy tờ bạc mới cứng. Tôi trợn mắt: "Ít quá! 17 tuổi thì phải 17 tờ chứ?" Bà làu nhàu không nghe rõ. Sáng mồng một bà làm thế là xui rồi!

Tôi nhìn tóc bà. Tóc bà lưa thưa, không nhiều và "trắng như cước" như trong sách người ta thường viết. Tóc bà chả đẹp, nó có màu muối tiêu, nằm gọn lỏn trong cái trâm hình tròn úp chụp. Bất giác tôi đưa tay lên sờ tóc mình. Chúng dày và đen tua tủa một cách cà khịa: "Ai mà ngờ được rồi có ngày tóc mình sẽ bạc. Nhìn chúng đen đến nỗi mình không thể tưởng tượng được là có lúc mình sẽ già đi như bà". Tôi chợt buồn, nhưng chỉ trong chốc lát.

Trong lúc đi chơi, tôi lén bỏ vào bếp một xâu pháo tép. Tôi cười một mình khi tưởng tượng đến cảnh bà nhóm bếp và thế là... Bà có mà đứng tim phải không bà ngoại?

* * *

Mồng 10

Tôi ngao ngán quét những xác pháo và cánh hoa rụng vương vất trên nền nhà. Những ngày vui nhất đã qua rồi, "năm mới" đã trở thành "năm cũ". Tôi nhìn bà, dáng chậm chạp và mệt mỏi đang thu dọn bát đĩa, chợt nhận thấy bà cũng đã già lắm rồi. Mỗi lần Tết đến là lưng bà lại còng hơn, mắt bà kém hơn và nếp nhăn trên mặt bà nhiều hơn. Thời gian dường như phủ một lớp bụi lên tóc bà.

Bà hỏi: "Đi chơi có vui không?" Tôi gật đầu: "Bà ở nhà có vui không?" Bà cười móm mém. "Vậy là con Bé lớn hơn một tuổi, đừng làm trò con nít với bà nữa. Tết tới, bọn trẻ là vui nhất".

Tôi đâm ra tư lự. Không biết bà có thích Tết không? Hay bà sợ mỗi lần Tết đến là bà trở nên già hơn, gần với cái chết hơn? Tuổi già - nó làm cho người ta sợ phải gặp ngày đầu năm - vốn dĩ là ngày đẹp đẽ, hạnh phúc nhất, ngày tràn ngập lời chúc Tết và nụ cười, mọi người đối xử với nhau tử tế nhất. Nó biến một ngày dễ thương thành một ngày đáng sợ với người già, như một cái mốc đánh dấu sự tàn lụi.

Mắt tôi cay cay. Bây giờ, tôi chỉ muốn khóc.

H.D.T
(TCSH60/02-1994)

 

 

Các bài đã đăng