Thời gian không dài, nhưng Hội trại đã đưa lại một nguồn cảm xúc tươi mới, khơi gợi nguồn cảm hứng và lòng yêu thích văn chương của các thành viên. Các em được sống trong không gian huyền ảo của Huyền Không Sơn Thượng, được lắng nghe từng hơi thở của chốn thiền tu, được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ, được học hỏi thêm những hiểu biết về cuộc đời, về Phật giáo, về cõi thiền, về những vẻ đẹp phía tâm linh của con người… Tất cả đã tạo cho các em một cái nhìn phong phú đa dạng hơn trong hành trình lớn lên của một đời người và trong hành trang kiến văn của một người bắt đầu cầm bút. Không những thế, trong Hội trại lần này, các em được tiếp xúc với những nhà văn nhà thơ đi trước để cùng trao đổi những kinh nghiệm công việc viết lách. Từ đó có thể giãi bày, trao đổi, học hỏi tích lũy thêm kinh nghiệm sáng tác cho mỗi cá nhân để trang viết ngày một chững chạc hơn, thành công hơn. Tham gia Hội trại lần này, chúng tôi vui mừng nhận thấy thấp thoáng đằng sau các tác phẩm là những cây viết tuổi hồng đang dần định hình. Để khẳng định tài năng của một cây bút cần có chiều dài thời gian và độ dày của tác phẩm. Tuy nhiên, qua những sáng tác gặt được trong đợt thực tế này, chúng tôi đã bắt gặp những cái tên với những dòng văn, câu thơ lấp lánh. Đó là Nguyễn Thanh Hằng với ý thơ lơ đãng mơ màng khói sương “Nay xa rồi lòng ta có nhớ/ lá treo sương vương vấn thở dài”. Đó là một Lê Sỹ Dự “Nhịp thời gian gõ đều từng phách/ bậc thang già phủ kín màu rêu/ rêu xanh ngắt giữa màu trời tím lặng/ tiếng chuông chiều văng vẳng, gõ vào tim”. Những cảm xúc rất thật trong một không gian thật đã được Trương Đình Hiếu đưa vào thơ bằng một chiều sâu tâm cảm: “Ta ôm mưa nghe chút gì không thể/ mưa kiêu sa rơi giữa lưng chừng trời”. Hay những câu thơ đẫm chất Thiền của Hoàng Hữu Phước “Huyền Không sương, gió, mây, trăng/ lòng ai ai cảm, lòng ta, ta thiền”. Đặc biệt, Hội trại lần này đã đưa lại một cây bút nữ nhuần nhị hứa hẹn một gương mặt thơ mới cho văn học tỉnh nhà, đó là Nguyễn Thị Hồng Liên.
Về mảng văn xuôi, dù chưa thật rõ ràng nhưng những cây bút tuổi nhỏ như Nguyễn Phúc Minh Tâm, Nguyễn Đình Anh Thảo, Lê Phương Thảo… đã bắt đầu định hình được cảm xúc để thể hiện trong các trang viết của mình. Phan Dương Thế Tôn cũng khá nét trong truyện ngắn. Nguyễn Thị Thu Mai đã vững hơn về tùy bút… Tuy chưa đạt được một tác phẩm hoàn mỹ trong lĩnh vực văn xuôi nhưng với thời gian cũng như sự tích lũy, hy vọng các cây bút văn xuôi sẽ ngày một chín hơn. Con đường văn chương là một hành trình dài không ngơi nghỉ. Mỗi người cầm bút đều phải tự mình vạch ra một lối đi riêng. Với các thành viên tham gia Hội trại lần này, dẫu chỉ mới đặt bước chân đầu tiên lên con đường đó, cũng đã là một bước đi quan trọng đáng được trân trọng và quan tâm khích lệ động viên. Chúng ta hãy cùng cổ vũ và theo dõi các em nhiều hơn trên bước đường mà các em đã chọn. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số sáng tác của các em trong hội trại này. Đ.H HOÀNG HỮU PHƯỚC Yên tĩnh Huyền Không Huyền Không mây trắng ngang trời Tử vi màu tím, đưa lời thiện căn Huyền Không sương, gió, mây, trăng Lòng ai, ai cảm, lòng ta, ta thiền TRƯƠNG ĐÌNH HIỂN Cảm xúc mưa Những hạt mưa chòng chành vô định Rớt xuống hồ làm bọt nước vỡ tan Rồi vương hoa cho cánh lá chóng tàn Bám vào tim đặng chút hồn se lạnh Ta ôm mưa nghe chút gì không thể Mưa kiêu sa rơi giữa lưng chừng trời Bỗng vỡ òa như cõi lòng quặn thắt Hồn mưa như đã thấm hồn ta! NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN Không đề Đem sầu đổ xuống ao sen Nghe lòng vẫn nhạt, nghe đêm vẫn buồn Đem sầu rắc lối mưa tuôn Ngờ đâu ta ướt giữa đường thế gian Đem sầu nhắc gửi gió ngàn Sao hồn vẫn lạnh muôn vàn đắng cay Đem sầu gửi gió gửi mây Gửi trăng, gửi tuyết, gửi cây thông ngàn Trốn đâu đây vướng thế gian? Trốn đâu cho được hai hàng lệ tuôn? Vu vơ lạc giữa chiều buông Vu vơ lạc giữa Huyền Không mây trời Đâu hay suy ngẫm bể đời Ta nghe hòn nói những lời nhẹ tênh Đêm qua mơ ướt sân đình Ao sen nhìn xuống, thấy mình nở hoa. (260/10-10) |