Trang thiếu nhi
Tù binh Pu Dung
16:36 | 03/09/2008
TRẦN THUỲ MAILTS: Tập truyện "Người khổng lồ núi Bạc" của nhà văn Trần Thuỳ Mai vừa được giải 3 cuộc vận động sáng tác văn học "Vì tương lai đất nước" do Nhà Xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Sông Hương xin trích một chương trong tập truyện này gửi tới các bạn đọc nhỏ tuổi nhân dịp Tết Trung Thu năm nay.


Miệng bị nhét giẻ, tay bị trói, mắt bị băng một băng vải, Pu Dung nằm vắt ngang trên mình ngựa. Tên tướng Ân Tư một tay giữ tù binh, một tay cầm cương, hai chân thúc ngựa phi nước đại. Sau mấy ngày luồn lách trong những hẻm núi, con ngựa đã mệt mỏi, mũi phun phì phì. Mấy tên nô lệ câm phi ngựa đuổi theo sau. Ngựa của chúng kém hơn ngựa của chủ, nên nước chạy đã rời rạc dần. Tuy vậy, những truông rộng trơ trụi này không thể là nơi nghỉ ngơi an toàn, nên người ngựa không có cách nào hơn là ra sức tiếp tục chạy.
Pu Dung vừa đau vừa sợ hãi. Hai cổ tay cô đau nhói, nhức nhối lạ lùng vì sợi dây buộc thít quá chặt. Mắt chẳng nhìn thấy gì, bụng đói lả vì suốt mấy ngày bọn rợ bắt giữ cô chỉ nhét vào miệng cô những miếng thịt nướng vội vàng dở sống dở chín khiến cô không thể nào nuốt trôi qua cổ.
Xa xa đã hiện ra những luồng khói bốc lên trong thung lũng cùng với mùi thịt da súc vật khét lẹt trên ngọn lửa. Tên tướng Ân Tư mừng rỡ kêu to:
- Đến rồi! Đến nơi rồi! Nhanh lên!
Hơn chục tên nô lệ đang mệt mỏi rã rời, nghe thấy thế bỗng hăng lên, tất cả đều ra roi phi nước đại. Thung lũng trải dài dưới chân ngựa ngắn dần, ngắn dần lại. Một con ngựa đuối sức, ngã quỵ, hất tên nô lệ té nhào. Rồi một con nữa... Cuối cùng thì vó ngựa của tên chủ tướng cũng dẫm lên đất nhà của giống rợ Ân Tư. Hắn vừa nhảy xuống ngựa vừa hú lên một tiếng dài, báo hiệu cho đồng bọn biết mình đã trở về thắng lợi.
Người Ân Tư định cư trong vùng đồi núi hiểm trở phía Bắc, đặc biệt tập trung trong các thung lũng. Nơi đây ẩm ướt và nhiều cây cối, vì thế rắn rết cũng nhiều, bọn chúng không dám ở sát mặt đất mà cũng không thể cất nhà sàn như nhiều bộ tộc sống trên núi cao, bởi chúng di chuyển luôn. Vì vậy nhà của người Ân Tư làm bằng tre nứa lợp lá khô, hao hao giống nhà của dân Văn Lang nhưng lại gác trên những bánh xe lớn bằng gỗ. Mỗi khi chuyển đến một thung lũng khác, chúng dùng trâu, bò kéo cả nhà đi. Bởi cách sống của chúng chủ yếu là cướp bóc, chúng có nhiều kẻ thù, nên hầu như cứ vài năm phải thay chỗ ở một lần.
Nghe tiếng hú của tên tướng Ân Tư, những đầu người trọc lóc nhô ra từ những nếp nhà xe nhỏ bé. Chúng cũng hú lên ra vẻ vui mừng, rồi một điệu nhạc hỗn loạn vang lên xập xoẻng từ những vung đồng gõ vào nồi đồng, ý chừng đó là cách chúng tỏ ý đón chào tên chủ soái với chiến lợi phẩm là nàng công chúa bị trói nằm oặt trên yên. Tên tướng kêu lớn:
- Mau báo với Đại Tù trưởng, Pha Lấu đã đem tù binh về!
Lập tức từ những nhà xe nho nhỏ, nhiều tên trọc đầu nhảy xuống, lên ngựa phi nước đại về phía Bắc.
Đại Tù trưởng Ân Tư ở trong một doanh trại lớn với những nhà xe của quân lính san sát vây quanh, ở giữa là khoảng đất rộng. Dinh của Tù trưởng Ân Tư lớn và đồ sộ hơn nhà của dân và lính, vì vậy không thể gác trên những bánh xe được; đấy là bốn ngôi nhà sàn lớn làm bằng gỗ quý, mỗi nhà cách nhau một lối đi rộng. Nhà của chúa Ân Tư lớn nhất nằm ở phía trước. Ở hai bên, lùi sau một chút là hai nhà thấp hơn dành cho hai bà vợ yêu của y. Nhà sau cùng, rất tráng lệ, trên cửa ra vào có gắn đầu của một con lợn - biểu hiện của sự sinh nở nhiều và dễ dàng - là nhà của người vợ đã sinh con trai đầu lòng cho chúa Ân Tư. Những bà ấy đa số là con gái của tù trưởng các bộ lạc lân cận, vì sợ người Ân Tư hung bạo nên đã dâng con gái để cầu hoà.
Nghe Pha Lấu sắp đem công chúa Lạc Việt đến dâng, cả ba bà vợ của chúa Ân Tư đều kéo đến xem. Trên chiếc ghế vừa rộng vừa dài bằng mây phủ da báo, chúa Ân Tư ngồi giữa, ba bà vợ ngồi quanh. Cô vợ trẻ nhất, được yêu nhất ngồi ngay bên cạnh, tay đấm đều đều lên bắp vế tên tù trưởng.
Pha Lấu vác Pu Dung trên vai như người ta vác một con thỏ trúng tên, đem vào trước trướng. Vừa được thả xuống Pu Dung loạng choạng muốn ngã. Nhưng bỗng lúc ấy trong tâm trí cô bé chợt vang lên một tiếng nói: “Ta là Mỵ Nương của nước Văn Lang, không thể để cho bọn người này khinh thường được”. Nghĩ thế, một sức mạnh không biết từ đâu khiến cô quên hết nỗi mệt nhọc, đau đớn, đói khát. Cô đứng thẳng dậy, dáng thật uy nghiêm dù rằng áo quần đã rách tả tơi, tóc không cài xoã dài, rối tung..
Chúa Ân Tư hất hàm:
 - Mở khăn bịt mắt nó ra!
Hai tên lính đứng hai bên trướng vội vã chạy tới, mở tấm giẻ bịt mắt. Mắt Pu Dung nhíu lại, tối sầm vì đã mấy ngày không nhìn thấy ánh sáng. Một lát sau cô bé mới trông thấy chúa Ân Tư, đầu trọc, mình khoác da thú ngồi trên ghế. Vẻ mặt lạnh lẽo và nanh ác với đôi mắt nhiều tròng trắng đang lim dim nhìn về phía Pu Dung, vẻ mặt lầm lì khiến chẳng ai hiểu y đang nghĩ gì.
Ba bà vợ ngồi cạnh y thì nhìn Pu Dung có vẻ đố kỵ và hằn học. Cô vợ trẻ nhất bĩu môi:
- Con nhãi ranh hỉ mũi chưa sạch này, Đại vương cho bắt về làm gì?
Hai bà kia phụ hoạ:
- Phải rồi! Xem kìa người nó lép kẹp, mặt mũi xấu hoắc; làm hầu thiếp cho đại vương thì chẳng xứng, làm nô lệ thì sức xem chừng trói gà không chặt.
Pha Lấu cãi:
- Trông nó được lắm đấy chứ!
Rồi y day mạnh hai vai Pu Dung, bắt cô phải hướng về phía có nhiều ánh sáng. Pu Dung vùng vẫy, hất mạnh tay y ra. Từ trên cao chúa Ân Tư bước xuống, đến trước mặt Pu Dung, đưa bàn tay to tướng ra nâng cằm cô bé lên:
- Con bé xinh đấy!
Y nói rồi cười lên khoái trá. Quả thật, dù mệt mỏi, phờ phạc, nhưng khuôn mặt Pu Dung thật đáng yêu với làn da trắng trẻo, đôi mắt tròn có mí to như mắt chim câu, chiếc mũi dọc dừa thôn thuôn và làn môi mọng đỏ dễ thương như những bông hoa đào thường mọc trong thung lũng phía Bắc. Chúa Ân Tư định véo mạnh vào má Pu Dung, nhưng thật bất ngờ, Pu Dung há miệng, cắn thật nhanh vào ngón tay y. Đau quá y gầm lên, cố rút ra những không được. Hàm răng đều như hạt bắp của Pu Dung cứ cắn chặt. Pha Lấu vội vàng chạy tới, đưa hai bàn tay hộ pháp bóp chặt hai bên hàm Pu Dung khiến cô bé đau quá, đành phái há miệng ra.
Cô vợ trẻ của chúa Ân Tư vội vã chạy đến nắm lấy tay y, rối rít gọi người đi lấy thuốc. Còn hai bà vợ kia thì xô đến chỗ Pu Dung, bà nào cũng ra sức đánh đấm túi bụi vào người cô bé. “Này con nhãi dám xúc phạm Đại vương ta, cho mày chết!”
Pha Lấu phải đưa người che đỡ cho Pu Dung, trong khi tên chúa Ân Tư quát to:
- Này hai mụ kia, có thôi đi không! Không nghe lời, ta cho lột da đó!
Cô vợ trẻ nghe thế thì giật mình, gào khóc:
- Thôi rồi! Thế là đại vương thích nó, Đại vương thích con nhãi miệng còn hơi sữa, bỏ chị em thiếp rồi!
Hai bà kia cũng bứt tóc, khóc ầm lên. Pha Lấu bảo:
- Các bà lầm rồi, các bà không biết gì cả.
Cô vợ trẻ nũng nịu, níu chặt lấy chúa Ân Tư:
-Sao đại vương bênh nó, không cho bọn thiếp móc mắt nó, cho chừa cái tội hỗn láo với đại vương.
Chúa Ân Tư véo má cô vợ trẻ: “Khi nàng mới về với ta chẳng làm mình mẩy như thế sao? Con bé này còn nhỏ xíu, ta đâu có để mắt tới làm gì. Pha Lấu bắt nó về là để khiêu chiến với bọn Lạc Việt đó thôi. Đó là tù binh vô giá của Ân Tư đó, các nàng đừng có làm hỏng kế hoạch của ra. - Giọng y
đang ngả ngớn vụt lạnh tanh như thép: “Ai cãi lời, liệu chừng con mắt, cái lưỡi của mình sẽ không còn đó!”
Cả ba người đàn bà đang nhí nháo, vừa nghe chúa Ân Tư đổi giọng liền im phắc, không ai dám ho he gì nữa. Chúa Ân Tư bảo Pha Lấu:
- Đem nó giam vào hầm đá, chờ đến mai hẵng hay. Ta không muốn bàn việc chiến sự trước mặt mấy con quỷ cái này.
T.T.M

(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

 

Các bài mới
Hoa Lục Bình (15/04/2024)
Dì tôi (19/03/2024)
Dưới gốc cau (29/09/2023)
Các bài đã đăng
Bà ngoại (26/08/2008)
Tiếng quê (26/08/2008)
Những con chữ (30/07/2008)
Mùa hạ của em (10/06/2008)