Một triển lãm gây được tranh cãi vừa diễn ra, triển lãm cá nhân mang tên tác giả: Vương Tử Lâm. Những bức tranh được đánh giá cao và cũng bị dò xét nhiều chỉ là những mảng màu nguyên. Điều khác biệt là bức tranh một màu đó không vuông hay chữ nhật mà tròn.
Có người chọc, bảo như thế chả khác gì các hình mẫu trong catalogue của các nhà sản xuất sơn tường. Tất nhiên để bôi kín một màu lên toale, tác giả phải có sự thuyết minh cho cả một quá trình trăn trở.
“Một số người cho rằng tôi không có nghề, trốn nghề hay lười biếng, nhưng tôi không muốn tranh cãi chuyện đấy”, Vương Tử Lâm nói. Lại có người cho rằng như thế không phải tranh. Nhưng như thế lại có vẻ đánh giá cao tác giả quá, ngang với việc anh đã đạt tới độ “phi hình thức”?!
Vương Tử Lâm làm triển lãm cá nhân đầu tiên từ 1994, sau đó tham gia vài triển lãm chung cấp thủ đô, toàn quốc nhưng đều không thấy hài lòng.
“Không làm thì có cái tâm lý như mình quên mất nghề, nên cầm chừng vừa làm vừa học”, họa sĩ nói. Trong quá trình tìm tòi, Vương Tử Lâm bị thu hút bởi loại hội họa “đi tìm bản chất cấu trúc không gian”.
Anh nghiên cứu con đường của Cezane, Mondrian, rồi Mark Rothko... Nếu coi người này nối tiếp con đường của người kia thì kết quả cuối cùng là một cái toale kín một màu.
Vương Tử Lâm dấn thêm một bước nữa, biến toale vuông thành tròn. Nếu những người như Ives Klen bị ám ảnh bởi một màu thì Lâm chơi một chuỗi 5 màu: đỏ, vàng, xanh dương, trắng và đen.
Cách đây 10 năm, Lâm cho hay đã vẽ 5 hình tròn như thế đường kính khoảng 30cm (tranh trưng bày đường kính 120cm) treo ở nhà như một dạng nhật ký công việc, và tiếp tục “suy nghĩ”.
“Không cẩn thận người ta bảo mình điên vì nếu người ta làm rồi mình còn làm làm gì! Theo mình hiểu thì chưa ai vẽ cái trò đấy”, họa sĩ cho hay.
“Cũng có thể có tính chất biểu tượng cho không gian cong”, Vương Tử Lâm nói về các bức tranh tròn của mình. “Theo quan niệm khoa học, trong vũ trụ không có đường thẳng. Ngay cả ánh sáng gặp lực hấp dẫn của các hành tinh, vì sao bị hút cũng trở thành cong. Các tương tác lực làm cho không gian không thẳng”. Trong quá trình thai nghén tác phẩm, Vương Tử Lâm thu nạp tất cả những gì liên quan kể cả từ khoa học.
Lâm cho rằng mình đã tạo ra hình ảnh của cấu trúc 1 phương (vẫn còn 2 phương trong tranh, ví dụ như của Mondrian): “Tôi cho đấy là sự rút gọn cuối cùng. Có thể coi như một điểm, to nữa là một hạt, một hành tinh, một vì sao”.
Mặc dù tìm hiểu từ mọi nguồn thông tin có thể, Vương Tử Lâm vẫn chuẩn bị tinh thần nơi nào trên thế giới có người đã vẽ các bức tranh tròn một màu rồi: “Nếu trên thế giới có ai làm rồi thì mình chịu. Mình thành vô giá trị. Tất nhiên mình không nghĩ mình bắt chước”. Anh cho biết tới đây sẽ tiếp tục xử lý các loại hình thù trên toan tròn, và tiến tới “không vẽ trên toan”.
Trong triển lãm vừa qua (từ 9 đến 14-11 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt- 42 Yến Kiêu, Hà Nội), anh đã treo một tác phẩm gồm một cái khung tròn bằng sắt uốn trống rỗng, và vẽ bóng của cái khung sắt đó trên tường trắng. Một bức tranh vô hình.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng gọi con đường tối giản hóa mà những Ives Klein, Frank Stella… đã đi là “những con đường không ai dám đi mà tin chắc có phải là dẫn tới nghệ thuật không”.
Theo suy đoán của Phan Cẩm Thượng thì chính cảm giác không biết có dẫn đến nghệ thuật không đã khiến Vương Tử Lâm thêm những đường nét hoang sơ kiểu ký hiệu tiền sử vào tranh. Với những tác phẩm đó, Lâm tỏ ra vẫn không chịu được sự tối giản để gạt bỏ mọi thứ gọi là biểu cảm.
Theo Thượng: “Năm bức họa màu nguyên tiêu biểu của ông có lẽ là thành công hơn cả về ý tưởng và sự kiên định nghệ thuật vì nó thách thức, nó chí ít là hành vi không lệ thuộc vào các tiền định”.
Theo N.M.Hà - TPO