Văn nghệ trong nước
Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn vẫn tiếp tục
15:58 | 03/12/2012

Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài là một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi được yêu thích nhất. Cuốn sách thấm đẫm tình yêu thương, ca ngợi lý tưởng hòa bình và tình bạn cao đẹp. 70 năm kể từ khi ra đời, cuộc phiêu lưu của chú dế mèn, hành trình độc đáo của một kiệt tác văn học dành cho thiếu nhi vẫn tiếp tục.

Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn vẫn tiếp tục

Nhà văn Tô Hoài viết truyện Con dế mèn cho tủ sách Truyền Bá của NXB Tân Dân năm 1941. Một năm sau, ông viết tiếp 2 tập Dế mèn phiêu lưu ký. Đây là tác phẩm đầu tay viết cho thiếu nhi và cũng là tác phẩm có giá trị đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của ông. 70 năm kể từ lúc ra đời, tác phẩm đã trở thành người bạn của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Cuốn sách thấm đẫm tình yêu thương, ca ngợi lý tưởng hòa bình và tình bạn cao đẹp. Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn học thiếu nhi được yêu thích nhất, cũng là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất.

Phó giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Huy Thắng cho biết: năm 1960, ba năm sau ngày thành lập, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt ấn phẩm Dế mèn phiêu lưu ký đầu tiên. Sự có mặt của tác phẩm đã khẳng định chất lượng và vị thế của nền văn học thiếu nhi trong đời sống văn học nước nhà. Đồng thời, tác phẩm đã trở thành điểm son ngời sáng trong hoạt động xuất bản sách của NXB Kim Đồng. Trong những năm chiến tranh gian khổ, thiếu thốn, NXB Kim Đồng vẫn dành điều kiện tốt nhất để Dế mèn phiêu lưu ký đến được với bạn đọc ở những nơi bom đạn ác liệt, bằng những ấn bản được chăm chút cả về nội dung và hình thức. Hòa bình lập lại, Dế mèn phiêu lưu ký lại càng có điều kiện phát huy giá trị. Với hàng chục lần xuất bản, tái bản cùng hàng triệu bản sách được phát hành, Dế mèn phiêu lưu ký vẫn tiếp tục hành trình đi tới, chứng tỏ một sức sống trường cửu và đặc biệt. Không chỉ quanh quẩn ở bãi cỏ ven sông Tô Lịch, chú Dế Mèn đã vượt qua biên giới quốc gia đến làm bạn với thiếu nhi của gần 40 nước trên thế giới, mà ngay chính cha đẻ của Dế Mèn, nhà văn Tô Hoài cũng thừa nhận rằng bản thân ông chưa đi được bằng ấy.

Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn trong sách dừng lại sau chuyến đi thứ hai. Mèn đưa Trũi về thăm lại quê hương trước khi khởi hành chuyến đi mới. Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chuyến đi thứ ba của Mèn không được kể lại nhưng chắc hẳn Dế Mèn vẫn đi, dẫu cái hăm hở ban đầu giảm xuống. Nhưng Dế Mèn không già, không mỏi trong cái sự đi của mình. “Con đường nhiều lúc có ý nghĩa hơn đích đến, và người đang đi đường đáng nói hơn là người đã đi hết đường. Trong tinh thần đó, Dế Mèn vẫn luôn đồng hành  những thế hệ đang tới. Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn không dừng lại”... Nhà thơ Bằng Việt có lần đã nói vui, những người sinh năm 1941 là “thế hệ Dế Mèn”. Sau họ, Dế Mèn còn nhiều lớp bạn bè, con cháu trong các thế hệ người, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước. Tất cả đều coi Dế Mèn là bạn, đều thích chí và ao ước những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn. Một con dế từ tay Tô Hoài thả ra chu du thế giới tìm những điều tốt đẹp cho loài người. Con dế ấy đã mang tên tuổi ông đi cùng trên những chặng đường phiêu lưu đến với cộng đồng những con vật trong văn học thế giới, đến với những xứ sở thiên nhiên và văn hóa của các quốc gia khác.

Sự tiếp tục trong cuộc hành trình của Dế Mèn với nhà giáo Phạm Toàn lại là những thử nghiệm trong đổi mới phương pháp giảng dạy văn học, dùng tác phẩm văn học làm vật liệu học Văn. Trích đoạn xoay quanh câu chuyện trải nghiệm đầu đời với Dế Choắt của Dế Mèn được đưa vào thử nghiệm với bài tập rất quan trọng xoay quanh các lời ai điếu bộc lộ cảm xúc của Dế Mèn. Mỗi học sinh có cách thể hiện khác nhau khi nhập thân, do xúc cảm khác nhau và đích đến là sự cảm thụ nghệ thuật trên nền tảng là sự đồng cảm. Theo nhà giáo Phạm Toàn, sự nghiệp cải cách giáo dục khó có thể bỏ qua cải cách việc học Văn - mà muốn cải cách việc học Văn thì chắc hẳn khó bỏ qua được công việc mang tính tâm lý học: huy động trẻ em nhập thân vào tác phẩm để làm lại những tình cảm và những thao tác nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ, của nghệ sỹ.

Dế Mèn đã bước sang tuổi 71. Không ai có thể nghi ngờ việc Dế mèn phiêu lưu ký sẽ tiếp tục đồng hành với tuổi thơ hôm nay và mãi về sau. Biết đâu hành trình ấy sẽ ngày càng phong phú, sinh động, nhiều màu sắc và gần gũi hơn với các em không chỉ qua những trang sách khi Dế Mèn đến từ những đồ chơi hay từ trong một bộ phim hoạt hình...

Theo Cao Sơn - ĐBND




 

Các bài mới
Các bài đã đăng