Tôi nhớ, ngày bé thơ, mới học lớp 2, lớp 3, tôi đã nghêu ngao hát Tình hoài hương của nhạc sĩ Phạm Duy. Những bài hát của ông đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương trong tâm hồn bé thơ của tôi.
Đó là quê hương với những điều bình dị nhất, gần gũi nhất: là những luống rau, là con đường làng, hình ảnh người nông dân úp mặt xuống ruộng, là những bà mẹ quê, là em bé với đàn trâu…
Tôi đã nghe những ca khúc Tình ca, Bà mẹ quê, Em bé quê… và lớn lên cùng với những ca khúc ấy.
Cảm giác của tôi rất khó tả khi nhận tin nhạc sĩ Phạm Duy ra đi. Ông đi nhanh hơn tôi nghĩ. Tôi cứ mong ông vẫn còn ở lại thế gian đến vài tháng hoặc một vài năm nữa. Ông là một người ham sống, ham làm việc, làm việc không ngừng nghỉ. Ông hay gọi mình là workaholic (người nghiện việc). Những ngày cuối cùng, ông vẫn rất tỉnh táo, dù có nằm bệnh viện thì ông cũng làm việc. Tư duy ông vẫn minh mẫn vô cùng.
Tôi nuối tiếc vì album tôi làm nhạc của ông mới thu nháp được 5 bài, ông đã nghe 5 bài ấy và rất hài lòng. Tận đáy lòng, tôi chỉ mong mình có thể cho ông nghe, ông xem album này nhưng bây giờ thì không còn kịp nữa.
Bất kỳ nhạc sĩ tài hoa nào qua đời cũng để lại cho tôi nỗi đau rướm máu trong lòng. Những người như nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bây giờ là nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho đời một di sản âm nhạc đáng trân trọng.
Tôi không quan tâm đến những gì xung quanh và thuộc về con người xã hội của ông. Ai cũng có những lựa chọn. Ai cũng có những niềm riêng. Đối với một nghệ sĩ, điều quan trọng nhất sau khi họ về với cát bụi là họ đã để lại cho đời cái gì. Di sản âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy đã và sẽ giúp những tâm hồn non trẻ thêm yêu quê hương mình từ những điều bình dị nhất.
Tôi đã gắn bó với ông từ khi ông về Việt Nam vào năm 2000. Có những điều tôi chia sẻ với ông nhưng đó là những điều rất riêng tư và tôi không muốn nói ra trên báo chí. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi yêu kính và trân trọng những gì ông đã đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, cho người yêu nhạc Việt Nam và cá nhân tôi cũng như những ca sĩ yêu thích dòng nhạc của ông.
Tôi đã tìm hiểu và thêm yêu những làn điệu dân ca Việt Nam từ những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy.
Lần cuối cùng tôi gặp ông trong căn phòng nhỏ, ông nằm trên giường, giọng cười vẫn hào sảng, nụ cười vẫn tươi nhưng tôi thấy chất chứa trong đó nhiều nỗi sầu thương, cô độc không thể nói ra thành lời.
Tôi hỏi ông có buồn lắm không khi ca sĩ Duy Quang qua đời, ông nói: “Tôi vui khi thấy Quang được nhiều người yêu mến nó khi nó qua đời nhưng làm sao không buồn cho được. Nó là đứa sống gần tôi nhất, 60 năm nay mà…”. Tre già khóc măng, dù cố giấu lệ thì vẫn không tránh khỏi nỗi đau buồn hiện lên trong mắt dù ông tỏ ra kiên cường, mạnh mẽ.
Tôi nhớ trong thư từ biệt của Duy Quang có dòng cuối rằng: "Thưa bố Phạm Duy, con đi đây"… Giờ đây, ông hẳn đã gặp lại người con yêu thương của mình.
Tôi muốn nói với ông lời cuối cùng: “Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, xin bác yên nghỉ. Hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu âm nhạc, yêu những ca khúc của bác sẽ luôn nghĩ về bác. Những khúc hát Tình ca về tình yêu quê hương, tình người sẽ còn mãi mãi”.
Theo TTO