Nói về GS-AHLĐ Vũ Khiêu, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, nhận định: Nếu dùng chữ “hiện tượng” để chỉ GS Vũ Khiêu thì đúng là một hiện tượng hiếm có trong đời sống xã hội hôm nay. Đó là hiện tượng lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, được toàn dân biết đến và được suy tôn như một bậc thầy, một giáo sư ngoại hạng về triết học và nhân văn.
Sáng qua (17/9), tại đình làng Vạn Phúc (Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức buổi họp mặt mừng GS-AHLĐ Vũ Khiêu tròn 100 tuổi. Không phải ngẫu nhiên mà làng Vạn Phúc - ngôi làng nổi tiếng với nghề dệt lụa - được lựa chọn để tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân dịp GS tròn 100 tuổi. Trong suốt quá trình nghiên cứu văn hóa dân tộc của mình, GS Vũ Khiêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc tiềm ẩn trong các làng nghề truyền thống.
Tham dự buổi lễ, NSND Đàm Liên không giấu nổi sự xúc động trước tình cảm quý trọng mà mọi người dành cho người thầy của mình: “Tôi thấy may mắn vì được làm học trò của cụ Khiêu. Cụ đã dạy tôi nhiều điều như triết học hay thơ ca. Hôm nay tham dự lễ mừng thọ cụ tôi thật sự xúc động. Tôi chúc cụ khỏe mạnh và tiếp tục cống hiến cho cuộc đời...”.
GS Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, là người xây dựng, tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên ở Việt Nam, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Xã hội học Việt Nam; đồng thời đảm nhận nhiều trọng trách: Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, tham gia giảng dạy ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ông đã được tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996), Anh hùng Lao động (năm 2000), Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 2006). Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Giáo sư Vũ Khiêu được vinh danh là "Công dân tiêu biểu của Thủ đô”.
Dù tuổi đã cao, nhưng GS Vũ Khiêu hiện vẫn miệt mài làm việc và đóng góp cho xã hội những công trình giá trị. Đơn cử như bộ sách Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập, dày hơn 2.400 trang, dự kiến ra mắt vào dịp kỉ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô tới đây.
Ngày 19/9, GS-AHLĐ Vũ Khiêu sẽ bước sang tuổi 100.
Theo Đỗ Hùng - TT&VH