Văn nghệ trong nước
60 năm Giải phóng Thủ đô: Tiếp nối hào khí cảm tử quân năm xưa
15:12 | 06/10/2014

Khi cả Hà Nội đang sôi sục đấu tranh kìm chân địch tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, ngày 14/1/1947, tại rạp Tố Như (nay là Nhà hát cải lương Hà Nội) đã diễn ra sự kiện quan trọng của đội cảm tử quân Liên khu 1 Hà Nội, tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.”

60 năm Giải phóng Thủ đô: Tiếp nối hào khí cảm tử quân năm xưa
Người chiến sỹ ôm bom ba càng sẵn sàng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh." (Nguồn: TTXVN)

67 năm kể từ ngày tuyên thệ đó và 60 năm sau ngày Giải phóng Thủ đô, dư âm của tinh thần quyết chiến vẫn còn đọng lại trong căn nhà đó và trong tâm tưởng của các thế hệ cán bộ, diễn viên Nhà hát. Để từ đó, trách nhiệm của các nghệ sỹ đối với việc giữ gìn di tích, trách nhiệm trong tiếp nối hào khí của các cảm tử quân năm xưa thêm phần lớn hơn.

Sức trường tồn của lời tuyên thệ

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, khi đó là Đại đội trưởng Đại đội tự vệ phố Hàng Thiếc, khu tự vệ Đông Thành, Liên khu 1, ngày 14/1/1947, Đội cảm tử quân gồm những thanh niên, công nhân và chiến sỹ Vệ Quốc đoàn của Liên khu 1 làm lễ tuyên thệ tại rạp Tố Như.

Với ý chí sục sôi, cảm tử quân đã tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,” “Chúng ta thề sống chết với Thủ đô Hà Nội, giặc Pháp muốn chiếm Thủ đô Hà Nội, nhưng chúng ta còn thì Thủ đô không bao giờ mất.”

Trong thời gian đó, các cảm tử quân Hà Nội tham gia tổ chức nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn như trận nhà Xô Va (nay là số 160 Trần Quang Khải), nhà nước mắm Vạn Vân ở phố Trần Nhật Duật, trường Ke (nay là trường tiểu học Trần Nhật Duật) và nhiều trận đánh khác.

Cảm tử quân Liên khu 1 cùng với chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô chiến đấu quyết liệt. Dù chỉ có những vũ khí thô sơ nhưng các cảm tử quân vẫn kiên cường bám từng góc phố, căn nhà chống trả, tấn công địch. Nhiều người ôm bom ba càng, quyết tử đâm thẳng vào xe tăng địch, anh dũng hi sinh.

Thời đó, Hà Nội có 12 đội chiến sỹ quyết tử chuyên dùng bom ba càng tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp và các vị trí quan trọng của giặc Pháp trong thành.

Ngày 27/1/1947, nhân dịp Tết Đinh Hợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô khen ngợi: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại...”

Sau 60 ngày đêm chiến đấu kìm chân giặc Pháp với nhiều trận đánh quyết liệt, tối ngày 17/2/1947, các tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô bí mật vượt đê sông Hồng, qua gầm Cầu Long Biên để sang vùng tự do chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Ngày nay, sau nhiều năm Thủ đô được giải phóng nhưng lời tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” vẫn in đậm trong tâm trí và trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Tại Vườn hoa Hàng Đậu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh đứng uy nghiêm như lời tri ân đối với các cảm tử quân hy sinh vì Thủ đô.

Tiếp nối hào khí anh dũng năm xưa

Với những ý nghĩa đó, Nhà hát Cải lương Hà Nội được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội gắn biển di tích cách mạng kháng chiến.

Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Chúng tôi may mắn được sống và làm việc ở một di tích có giá trị lịch sử gắn với Trận chiến Hà Nội năm 1946-1947, do vậy, Nhà hát luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn di tích, tuyên truyền cho anh chị em nghệ sỹ hiểu được lịch sử của Nhà hát, hiểu được ý nghĩa của sự kiện liên quan.”

Nơi này cũng trở thành điểm hội ngộ thường niên của các cựu chiến binh trong phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm để ôn lại những ngày tháng hào hùng bảo vệ Thủ đô.

Nhắc đến Nhà hát Cải lương Hà Nội, người ta không thể không nhớ đến thời vàng son của Cải lương Kim Phụng, Cải lương Chuông Vàng (tiền thân của Cải lương Hà Nội) và sau sáp nhập Đoàn Cải lương Hoa Mai (Hà Tây cũ).

Ngay sau ngày Giải phóng Thủ đô, Cải lương Chuông Vàng và Cải lương Kim Phụng đã hoạt động tích cực, tạo dựng điểm mới cho cải lương đất Bắc.

Suốt chặng đường chống Mỹ, tên tuổi của đoàn Kim Phụng, Chuông Vàng trở thành niềm kích lệ, động viên lớn lao tinh thần chiến đấu và quyết thắng của quân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Hà Nội.

Trong khói lửa chiến tranh, các nghệ sỹ cải lương Hà Nội cùng chia lửa nơi chiến hào, bám trận địa để phục vụ. Bất cứ thời kỳ nào, các nghệ sỹ đều tham gia tích cực bằng lời ca, tiếng hát, sức sáng tạo nghệ thuật để ngợi ca những nhân tố tích cực, phê phán những tiêu cực của xã hội.

Ông Nguyễn Quang Hùng cũng cho biết: “Là cải lương Hà Nội, phong cách nghệ thuật mang đậm phong cách Hà Nội, đại diện cho một Thủ đô giàu văn hiến. Chính vì thế Nhà hát luôn tạo một phong cách riêng trong lòng khán giả."

Nhiều năm qua, các vở diễn của Cải lương Hà Nội ghi sâu vào tâm trí khán giả như "Phạm Tải-Ngọc Hoa," "Trưng Vương," "Hai phương trời thương nhớ," "Lời ru hai người mẹ," "Nghêu-sò-ốc-hến," "Lã Bố và Điêu Thuyền," "Kiều"... cùng các nghệ sỹ Ngọc Dư, Lệ Thanh, Tuấn Nghĩa, Kim Chung, Lê Chiêm, Ngọc Ân, Kiều Oanh, Tuấn Sửu...

Chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô, Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng vở diễn "Đường đua trong bóng tối" để chuyển tải ý nghĩa, cần sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng, là đảng viên phải đi trước về sau, trong đó phải gắn với con người Hà Nội. Đây là công trình nghệ thuật, thể hiện tâm huyết của các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Hà Nội hướng về ngày kỷ niệm trọng đại của Thủ đô.

Theo Đinh Thị Thuận - TTXVN/Vietnam+

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng