Văn nghệ trong nước
Hội thảo khoa học về Phan Khôi - Chí khí của một nhà báo
14:50 | 07/10/2014

Ngày 6-10, nhân đúng kỷ niệm 127 ngày sinh cụ Phan Khôi, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”. Tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo có nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật.

Hội thảo khoa học về Phan Khôi - Chí khí của một nhà báo
Cụ Phan Khôi

Các nhà nghiên cứu đưa ra thảo luận về những đóng góp của học giả Phan Khôi trên lĩnh vực báo chí, văn học, ngôn ngữ, khoa học lịch sử, tư tưởng xã hội và khoa học xã hội.

Hoạt động báo chí của Phan Khôi sôi nổi nhất vào những năm 20, 30 của thế kỷ trước, đó là giai đoạn tư tưởng và văn hóa dân tộc đang cần xác định phương hướng đúng đắn để kịp tiến lên tiếp cận với trình độ tư tưởng và văn hóa thời đại. Trên lĩnh vực văn học, Phan Khôi là một trong những người khai sinh ra thể văn phê bình văn học ở nước ta, một thể văn không thể thiếu vắng trong nền văn học hiện đại. Trên lĩnh vực ngôn ngữ, Phan Khôi - nhà ngữ học được thể hiện qua việc nghiên cứu tiếng Việt, mà ông đã tâm huyết thực hiện từ khi viết cho Báo Nam phong, Lục tỉnh tân văn.

Trên lĩnh vực tư tưởng xã hội, Phan Khôi là người ủng hộ nhiệt huyết chủ trương duy tân vào đời sống xã hội. Bên cạnh những gương mặt đương thời nổi bật khác, Phan Khôi thường tự thể hiện mình là người phản biện chuyên nghiệp và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức. Phan Khôi là người Việt Nam đầu tiên lên tiếng công khai trên báo chí về tác hại kìm hãm phát triển xã hội của Nho giáo; bản chất xã hội của Nho giáo, những hạn chế và kế thừa phát huy mặt tích cực của truyền thống Nho giáo. Ông là người mở ra cuộc tranh luận về duy tâm - duy vật và là người mở đầu cho việc đấu tranh nữ quyền một cách mạnh mẽ, kiên quyết trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với hàng loạt bài viết, bài tranh luận trên báo chí. Ngoài ra, về quan niệm dân quyền và chính thể dân trị, về chính khách và quan chức, phê phán chủ nghĩa thống trị của thực dân Pháp, ủng hộ việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam…là những đề tài mà Phan Khôi quan tâm và tham gia phản biện, đóng góp ý kiến trên các báo.

Trên lĩnh vực khoa học xã hội, Phan Khôi là người sớm tiếp thu văn minh phương Tây, tiếp thu và vận dụng thuyết “Tiến hóa luận” của Charles Darwin, tiếp thu và vận dụng logic học, tiến tới thực hành và bảo vệ phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong sự nghiệp học thuật ở tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, tính cách “Quảng Nam hay cãi” được thể hiện rất rõ nét qua những phản biện của Phan Khôi. Qua những bài viết tranh luận của mình, dù là ở thể loại nào, Phan Khôi cũng thể hiện tính cách của mình, đó là sự khẳng khái, bộc trực, giản dị, thiết thực, cương quyết, thẳng thắn chân thành và rất giàu nghị lực, không bảo thủ, ưa thích tranh luận, nhiệt huyết trong việc khám phá và tìm tòi, tiên phong khai mở để vươn đến cái mới, cái hoàn mỹ…

Nói về cụ Phan Khôi, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đánh giá: “Phan Khôi là một trong những tác gia rất đáng kể trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo nên mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời chỉ với tư cách nhà báo, nhưng khác với các nhà báo khác, ông thường chọn cho mình vị trí phản biện và sự phản biện của ông đem lại chiều sâu mới cho tri thức. Qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn, một nhà Hán học và Trung Quốc học, một dịch giả, một nhà Việt ngữ học cả phần lý thuyết lẫn phần thực hành, một nhà phê bình văn học”.  

Nhà sử học Dương Trung Quốc, cho biết: Cụ Phan Khôi đã có những đóng góp rất lớn và nhất là qua những bài báo đã thể hiện nhân cách của cụ Phan Khôi. Cụ là người tiếp cận mọi tri thức, với tinh thần của một người chiến sĩ, một người muốn làm thay đổi xã hội. Trong đó, điều thuyết phục mọi người ở Phan Khôi là có chí khí, hướng tới một mục tiêu cao xa như: độc lập, tự do, hạnh phúc. Đặc biệt, cụ Phan Khôi rất yêu và tôn trọng sự thật.

Theo Nguyên Khôi - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng