Trong hai ngày 27 và 28-10, tại Trường đại học KHXH&NV Hà Nội diễn ra hội thảo quốc tế Dịch văn học - những vấn đề lý thuyết và các bài học kinh nghiệm.
Trong hai ngày làm việc với sự tham gia của nhiều dịch giả trong và ngoài nước với hơn 40 tham luận được gửi đến, hội thảo tập trung thảo luận ba chủ đề lớn: Các vấn đề lý thuyết dịch thuật, Dịch thuật và sự phát triển của đời sống văn học, Các kinh nghiệm nghề nghiệp dịch thuật văn học.
TS Phạm Xuân Thạch, giảng viên khoa văn học Trường đại học KHXH&NV Hà Nội, chỉ ra thực tế là nhiều tác phẩm văn học nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt từ nhiều năm nay, từ văn học đại chúng đến văn học tinh hoa, kinh điển từ nhiều nguồn ngôn ngữ khác nhau nhưng dịch thuật văn học ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn tiền lý thuyết.
Nghiên cứu dịch thuật văn học chưa trở thành lĩnh vực nghiên cứu độc lập. Nhiều dịch giả ở Việt Nam đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt nhưng chưa nghiên cứu qua lý thuyết dịch văn học.
Độc giả cũng chưa được tiếp cận với những lý thuyết về dịch thuật văn học, nên chưa có cơ sở để đánh giá nhận định một tác phẩm văn học nước ngoài.
Nhà văn Ngô Tự Lập chỉ ra nguyên nhân của ngành nghiên cứu lý thuyết dịch văn học ở Việt Nam chưa theo kịp với thực tế dịch thuật là do chúng ta đang bị thiếu hụt những cuốn sách dịch học thuật về các ngành khoa học xã hội nhân văn, trong đó đặc biệt là triết học.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến thẳng thắn nêu ý kiến: “Tôi là người nhiều chục năm tiếp xúc với các bản dịch và nhận thấy chất lượng dịch ở nước ta nhìn chung là kém. Những bản dịch các tác phẩm nước ngoài ở VN từ xưa đến nay dù ít dù nhiều đều có vấn đề. Bản dịch Lolita của Dương Tường mà dư luận xôn xao thời gian qua đã nêu ra nhiều vấn đề về dịch thuật. Tất nhiên dịch ai cũng có thể sai, nhưng làm thế nào để bớt cái sai ấy đi thì càng tốt”.
TS Nguyễn Thu Hiền nêu ra một thực tế hiện nay là văn học thị trường lấn át những tác phẩm văn học tinh hoa. Hiện tượng truyện ngôn tình, truyện kiếm hiệp Trung Quốc được giới trẻ yêu thích chính là một trào lưu như thế.
Mục tiêu cao nhất của bộ phận văn học định vị đại chúng này là làm sao tiêu thụ được số lượng tác phẩm nhiều nhất, chứ không hướng đến nhóm độc giả tinh hoa trong xã hội. Đó là hệ quả việc nghiên cứu về văn học Trung Quốc của chúng ta chưa theo kịp với thực tiễn dịch thuật.
“Hiện nay, vì định vị đại chúng luôn yêu cầu, thúc giục dịch giả phải dịch thật nhanh, để đáp ứng thị hiếu của độc giả. Ở nước ngoài có tác phẩm nào nổi đình nổi đám thì phải được dịch ngay ở trong nước. Vì yêu cầu dịch ngay lập tức nên có thể đã bỏ qua khâu tìm kiếm được dịch giả tốt nhất, hoặc dịch giả không có đủ thời gian để cho ra đời tác phẩm hoàn thiện hơn” - TS Nguyễn Thu Hiền phát biểu.
Hội thảo cho thấy sự phát triển của dịch văn học với tư cách một lĩnh vực nghiên cứu độc lập... còn là một con đường dài tại VN, đang rất cần nhiều nỗ lực để thúc đẩy.
Theo TTO