Đối với tôi, cha là "tài sản" quý giá nhất trên đời; là niềm tự hào, kiêu hãnh của tôi, dù cha không phải là người giàu có, không có chức quyền...
Tôi là cô con gái đi lấy chồng không mang theo của hồi môn với đúng nghĩa đen của từ này. Ngày tôi vu quy, cha tôi (tác giả Lê Triển) không có cho tôi mảnh đất, căn nhà hay chiếc xe đời mới... như mọi cô gái thời nay; cũng chẳng lồng chiếc nhẫn nạm kim cương vào ngón tay tôi. Tôi đã bước lên xe hoa với hai bàn tay trắng mà cha mẹ sinh ra: "Hạnh đắc sơ sinh song bạch thủ" (Sơ sinh may được hai bàn tay sạch sẽ). Tôi tự hào là người con gái đi lấy chồng với trái tim mình làm của hồi môn. Và trái tim vô giá ấy - cha tôi đã cho tôi:
Ngọc tàng tâm khảm phi danh lợi
Kim tích hung trung thị nghĩa nhân.
(Cái vẫn cất tận trong tim như ngọc quý mà không phải là danh lợi
Chứa đầy đầu óc hơn vàng chỉ là nghĩa nhân).
(bài "Tứ thời xuân")
Đối với tôi, cha là "tài sản" quý giá nhất trên đời; là niềm tự hào, kiêu hãnh của tôi, dù cha không phải là người giàu có, không có chức quyền... "Dã hoa sơn thảo diệc thần tiên" (Hoa đồng, cỏ nội vẫn thần tiên - "Thụy liên khai"). Cha nói với tôi về nguyện vọng đặt tên cho tập thơ chữ Hán thứ hai của mình (tập "Thụy liên khai", NXB Văn học ấn hành năm 2003): "Thụy Liên khai ý muốn nói cái dân dã của lời thơ và con người bố vậy". Như loài hoa bình dị của ao nhà mà vẫn mang lại cho đời hương sắc, "ông già xóm núi" làm bạn với ông chài ven sông và trẻ mục đồng ấy lại chính là tác giả của hàng trăm bài thơ nguyên tác chữ Hán được dịch bằng một phong cách khoáng đạt, tài hoa chất chứa vẻ đẹp của "lòng trai mang ngọc sáng", làm nên một cảm hứng thẩm mỹ đậm chất Nho gia: cảm hứng về đạo lý - những vần thơ mang trong mình những viên thuốc chữa căn bệnh băng hoại nhân tâm. Và với những người dân xóm núi quê tôi, hình ảnh ông già tóc râu như cước ấy thực sự là hình ảnh của một ông tiên phúc hậu với phép mầu kỳ diệu trong cái "túi khôn" cổ truyền phương Đông "Lý, Số, Nho, Y thông thạo đủ" và nhất là y đức "cứu người làm trọng" đã đem lại nụ cười trên bao khuôn mặt khổ đau, đem lại sự hồi sinh cho những cuộc đời tưởng chừng như đã cạn kiệt...
Càng lớn, tôi càng ít rơi lệ dễ dàng trước cảnh ngộ của những mối tình lâm ly bi đát kiểu Romêo và Juliét hay phim Hàn Quốc, song tôi đã nhiều lần không thể ngăn được những giọt nước mắt ngậm ngùi tự nhiên rơi trên những dòng thơ của cha tôi viết về các loài hoa: sen, súng, cúc, mai, quỳnh, thiết mộc lan...:
Hoa dư bách chủng hà vi quý
Quân tử lưu danh bất nhiễm nê
(Hoa hàng trăm loài hỏi hoa nào quý?
Chính là hoa sen được lưu danh muôn thuở vì không hề vấy bùn)
(bài "Liên trì")
Tài bồi lân ngã tâm như thiết
Thưởng ngoạn đa nhân ý bất bình
Hốt nhất chiêu lai thiên bất phụ
Vãn khai hương sắc mãn lan đình
(Chăm bón nghĩ thương mình bền gan sắt
Ngắm trông họ bảo thật tức mình
Bỗng một sớm mai... trời không nỡ phụ lòng
Tuy nở có muộn nhưng hương sắc vẫn ngát thơm).
(bài "Vãn thì khai").
Tôi đã khóc một mình trong đêm khuya lặng lẽ, trước những vần thơ cha tôi khóc Khuất Nguyên, Đào Tiềm, Lý Bạch, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến... mà ở đâu tôi cũng thấy tâm sự và hình bóng cha mình. Âu cũng là một sự "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"...
Có lẽ là theo những nẻo đường tiền định khác nhau mà cha tôi - một người thông minh, ham học... đã không trở thành nhà khoa học, thành giáo sư nhưng ông không phí hoài cái tài năng, tâm huyết yêu đời, yêu người ấy. Không tự thỏa mãn với kiến thức học đường, ông tự mày mò, nghiên cứu, tự nâng mình lên trong muôn vàn khó khăn của đời thường trói buộc.
Đọc thơ của cha tôi, tôi có cảm giác như bước vào một thế giới linh thiêng, cổ kính, không có thực ở cõi đời này; gặp lại những bóng dáng cổ nhân, những đấng trượng phu, quân tử từ Trung Hoa đến Việt Nam. Lại cũng thấy chính ở đây những con người, cảnh sắc mang hơi thở của thời đại, cuộc sống hôm nay với tất cả những sự kiện lịch sử, chính trị, xã hội lớn lao và những biến động li ti trong cuộc sống sinh hoạt, tâm tư, tình cảm thường ngày. Ở đó, có không khí rộn ràng của "Lục lộ chiến công", "Điện Biên" với "Điệu múa lời ca cô gái Thái" và có cả âm vang của những sự kiện quốc tế chấn động địa cầu, bóp nghẹt trái tim lão trượng - ẩn sĩ và đạo sĩ giữa đời nay: Liên Xô tan rã, tượng Lênin bị phá (Hoa viên đối tượng ngôn); nghe tin Taliban ở Afghanistan phá tượng Phật (Văn đạo hủy sơn thạch tượng cộng chư Phật tượng cảm tác).
Toát lên từ thế giới nghệ thuật thơ của cha tôi là một cái nhìn thi vị, tinh tế từ một trái tim giàu rung động và óc tưởng tượng phong phú đến lạ kỳ. Ở một nơi xa lắc xa lơ mà nghe, mà cảm thấu được:
Tiếng chuông ban mai vọng từ cửa chùa Yên Tử
Như tràn vào lòng người cái từ bi tế độ
Đến tận khoảng vũ trụ xanh xanh vô cùng tận
Và cả chốn trần ai sắc sắc không không này.
(bài "Yên Tử chung" - Bản dịch nghĩa)
Qua hình thức biểu đạt là một ngôn ngữ giản dị chân chất mà biến hóa linh diệu, chọn lọc đến tự nhiên một cách hoàn mỹ, những chi tiết rất đời thường, rất thực bỗng trở thành lãng mạn, nên thơ trong sự đa thanh, đa nghĩa lung linh của hình tượng:
Sơ hiểu phanh trà thì đối ẩm
Bán tiêu túy chẩm nguyệt đồng miên
(Sớm dậy đun nước pha trà, thơ đã ngồi đối diện
Nửa đêm say gối đầu ngủ, trăng đã cùng nằm).
(bài "Nhất ngâm thuyền" - bản dịch nghĩa)
Những bài tứ tuyệt cuối cùng như kết tinh của hổ phách phục linh, hàm súc, dư ba với những hình ảnh, tứ thơ đẹp đến mức độ cổ điển: Cúc sương; Cúc vịnh, Tùng bồn, Họa trúc, Song mai, Cửu bệnh thoại quỳnh... Chẳng biết có phải là ngẫu nhiên không, mà tất cả đều là sự ký thác, hóa thân vào các loài hoa "tài tử giai nhân" của muôn đời thi sĩ, vào thiên nhiên tinh khiết bao la, mầu nhiệm:
Bạch ngọc huyền chi tạc dạ mai
Xuân hương phảng phất đáo thư trai
Đê đầu dục học cổ nhân bái
Cốt cách tương phùng... tiếu ngã khai
(Cành mai treo ngọc trắng đêm qua
Phảng phất hương xuân viện sách nhà
Toan học người xưa cúi đầu lạy
Cười (cùng cốt cách) nở chào ta!)
(bài "Song mai" - bản dịch thơ)
Song thu đêm đã điểm cảnh ba
Trăng sáng màu sương, quỳnh trắng hoa
Ốm mãi! Lấy ai người thưởng ngoạn
Chờ nhau! Đến sáng... héo vì ta!
(bài "Nói với hoa quỳnh khi ốm" - bản dịch thơ)
Cũng như Phan Ngọc, Phan Văn Các, Bùi Văn Nguyên, Lại Cao Nguyện, Lê Xuân Hòa, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Khắc Phi..., cha tôi thuộc lớp người có thể coi là chứng tích về sự giao lưu văn hóa Việt - Hoa của thế kỷ XX này - lớp người có thể không chỉ viết, đọc, nói, mà còn tư duy, cảm thụ bằng chữ Hán và tư tưởng văn hiến nghìn xưa.
Ở nước ta, nền khoa cử học vấn chữ Hán đã suy thoái từ những năm cuối thế kỷ XIX, song dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục được bồi đắp những yếu tố văn hóa ngoại sinh, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa cổ truyền ở phần tích cực, tiến bộ của nó, qua thế hệ những học giả là cầu nối giữa hai thế kỷ và hai giai đoạn văn hóa trên.
Và một ngày nào đó, không thể nào khác được, những con người tàng chứa trong mình những trầm tích văn hóa ấy cũng sẽ phôi pha theo thời gian, sẽ rơi vào quên lãng, như những di chỉ văn tự treo trên đá Lũng Cú - Hà Giang, Sapa... của ông cha mà nay không còn ai đọc được.
Sự mất mát về văn hóa là sự mất mát không gì bù đắp nổi.
Góp nhặt những vần thơ được chắt ra từ trái tim nhức nhối của cha mình, tôi biết rõ là mình đang làm đúng bổn phận của người con đối với cha, và hơn thế, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với thế hệ hôm qua và cả mai sau.
Với "Lệ chi thục" (NXB Văn học, 2000) và "Thụy liên khai" (NXB Văn học, 2003), có thể cha tôi sẽ không phải là một cây bút tiếng tăm trong làng văn học Việt Nam đương đại, cũng như lúc sinh thời cha tôi chưa bao giờ dạy tôi một cách cụ thể: phải sống như thế này, ứng xử thế kia... song tôi hiểu được cha tôi đã tâm nguyện điều gì, và tôi phải sống như thế nào... sau những vần thơ ấy.
Tôi hiểu rằng cha tôi đã để lại cho tôi một tài sản quý giá nhất của đời người:
"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để gió cuốn đi".
(Để gió cuốn đi - Trịnh Công Sơn)
Rồi gió sẽ cuốn đi tất cả: những âu lo, phiền muộn của đời người, cũng như chính xác thân người cùng nhiều bụi bặm trần gian. Song tôi hiểu rằng cha sẽ không bao giờ rời bỏ tôi, cha luôn ở bên tôi, trong cuộc đời này. Tôi sẽ luôn gặp người trong những vần thơ:
Nguyệt minh tửu mỹ, thi như nguyệt
Lưu chước trần gian lẫn hóa công"
(Trăng sáng, rượu ngon - lời thơ sáng như ánh trăng rằm
Lưu để lại cho trần gian lẫn hóa công).
Có (bài “Trung thu ngôn hoài”) thể vì trai không vĩnh hằng cùng biển cả nên trai nuôi trong mình hạt minh châu. Có thể vì hoa không nở mãi với đời nên hoa mang trong mình một chút hương.
Tôi tìm cách an ủi cho nỗi đớn đau quá sức chịu đựng con người của mình trong những lời minh triết của Trịnh Công Sơn:
"Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu thơ một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi. Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình".
Theo Lê Thị Tuyết Hạnh - VNCA