Mukhalinga mới được phát hiện ở Quảng Nam rất độc đáo, xứng đáng với việc được phong làm bảo vật quốc gia.
Là bảo vật quốc gia vì....kích thước lớn, niên đại sớm
Đó là khẳng định của PGS.TS Bùi Chí Hoàng - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ với Đất Việt, ngày 14/11, trước việc Sở VHTT&DL Quảng Nam mới phát hiện ra cổ vật Mukhalinga tại khu E trong quần thể Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Ông Hoàng cho biết: "Mukhalinga được tìm thấy ở Mỹ Sơn khá là độc đáo và không nhiều. Linga là biểu tượng của thần Siva phân bố tại rất nhiều các di tích ở Chăm pa nên nó rất nhiều, nhưng Mukhalinga thì không có nhiều".
Theo ông Hoàng, cái giá trị lớn nhất của cổ vật này đơn giản nó là một biểu tượng của thần Siva, so với Linga bình thường, nó có một giá trị đặc biệt, không được phát hiện nhiều tại các khu di tích.
Đặc biệt, ông Hoàng cho biết thêm: "Tôi đã từng tiếp cận với cổ vật này, nó thực sự có giá trị, nếu xét cả về kích thước và niên đại, tôi khẳng định như vậy".
Lần đầu tiên trưng bày Mukhalinga tại Mỹ Sơn |
Đồng tình với quan điểm của ông Hoàng, PGS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: "Tôi thấy Mukhalinga hoàn toàn xứng đáng được phong làm bảo vật quốc gia, bởi vì nó là một di vật tiêu biểu của đồng bào Chăm, cũng như trong cộng đồng dân tộc VN, cụ thể là của 54 dân tộc, nên rất cần tôn vinh và bảo vệ".
Thẩm định rất khó khăn
Mặc dù nhận rõ giá trị của cổ vật này, nhưng ông Hoàng cho rằng, việc xứng đáng làm bảo vật quốc gia hay không, còn phụ thuộc quy trình xem xét của nhiều đơn vị.
Theo ông Hoàng, để làm bảo vật quốc gia phải thông qua Hội đồng thẩm định từ cơ sở lên Hội đồng di sản quốc gia, rồi đưa ra ý kiến tư vấn cho Thủ tướng công nhận. Chỉ tính qua, cũng đã có nhiều bước, cho nên để trở thành bảo vật quốc gia thì cũng nhiều cửa khó khăn, chứ không phải đơn giản đưa lên là được.
Ông Hoàng chỉ rõ: "Hội đồng di sản quốc gia sẽ thành lập Hội đồng khoa học xuống Quảng Nam để thẩm định, thực sự phải rất độc đáo và có giá trị thì mới đưa lên được".
Hơn nữa, ông cho biết thêm: "Tôi là thành viên của Hội đồng di sản quốc gia, nên nắm bắt rõ, trong một tương quan chung khi Hội đồng di sản sẽ thảo luận, cân nhắc, giá trị đó có xứng tầm bảo vật quốc gia hay không. Sau đó đưa ra kết luận cuối cùng".
Đặc biệt, khi đề cập đến tín ngưỡng phồn thực biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở, không chỉ thể hiện ở Linga - Yoni mà còn được thể hiện ngay trên thạp đồng Đào Thịnh, dựa vào đó để xin công nhận cặp biểu tượng Linga - Yoni thành biểu tượng quốc gia, ông Hoàng phản đối: "Để xin trở thành bảo vật quốc gia đã khó, chứ nói gì đến làm biểu tượng quốc gia".
Mukhalinga là bảo vật quốc gia: Lý lẽ kích thước, niên đại... |
Thế nhưng, theo TS. Trương Văn Món (Sakaya) - Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm thì Mukhalinga được phát hiện ở Quảng Nam có kích thước khá lớn, đây sẽ là cái thứ 2 có kích thước lớn như vậy ở Việt Nam sau Linga – Yoni phát hiện ở thánh điạ Cát Tiên – Lâm Đồng. Tuy nhiên, ở Cát Tiên chỉ là Linga – Yoni bình thường, còn hiện vật mới phát hiện ở Quảng Nam là loại Mukhalinga (Linga có gắn mặt vua – thần), có kích thước lớn, nên sẽ là hiện vật độc bản.
Vì thế, Mukhalinga mới được phát hiện ở Quảng Nam có kích thước lớn nhất là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng Linga – Yoni hay Mukhalinga - một tín ngưỡng cơ bản của người Chăm thờ ở đền tháp, rất xứng đáng là bảo vật quốc gia Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Cũng chia sẻ quan điểm với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên - Nguyên Viện phó Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam bày tỏ: "Mukhalinga này có 3 tầng, là rất độc đáo, nó biểu tượng cho quá trình chuyển hóa và bắt đầu bản địa hóa.
Nước ta đã có rất nhiều Linga nhưng chỉ có tầng 1 là sáng tạo, thế nhưng, Mukhalinga này có 3 tầng nó tượng trưng cho sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt, tượng trương cho 3 giai đoạn của thần Siva. Trên phần đầu còn có tượng của thần Siva, có thể khẳng định đây là cổ vật rất tiêu biểu cho nền văn hóa Chăm".
Bên cạnh đó, theo ông Nguyên việc đề xuất cặp đôi Linga - Yoni trở thành biểu tượng của quốc gia thì không được, nhưng biểu tượng văn hóa của tộc người, của một dân tộc thì nên làm.
Nếu có thể khái quát thành biểu tượng của các dân tộc VN là sự trường sinh, trường tồn. Nó không chỉ là thờ âm dương mà còn là sự quan hệ giữa đấng tạo hóa tạo ra muôn loài, vị thần sáng tạo ra muôn loài, mà sự sáng tạo ra muôn loài, bắt nguồn từ sự giao hòa giữa âm - dương, đây là triết lý lạc quan.
Theo Mẫn Nhi - Baodatviet