Trong số 100 hiện vật trưng bày, thu hút khách tham quan cũng như giới nghiên cứu nhiều nhất là những cây đèn với nhiều hình dạng phong phú như hình người, hình thú như hươu, nai, voi, bò… với những nét khắc vẽ quang cảnh những buổi lễ hiến sinh.
Theo TS Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bộ đèn này là những hiện vật vô cùng quý giá, chưa từng thấy xưa nay trong các sưu tập văn hóa Đông Sơn trong nước cũng như trên thế giới. Những cây đèn bằng đồng mảnh mai nhỏ bé với những nét chạm tinh xảo, mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, phản ánh tư duy tín ngưỡng xa xưa của một nền văn minh từng phát triển rực rỡ, ẩn chứa trong đó một vũ trụ bao la.
Bên cạnh đó là những chiếc trống đồng có kiểu dáng hoa văn khác lạ, theo ông Quân, cũng chưa từng thấy trong phổ hệ trống đồng ở Việt
. Điều đặc biệt, những chiếc trống đồng này được tìm thấy ở Tây Nguyên, chứng minh sự lan toả mạnh mẽ cũng như thể hiện tính thống nhất và đa dạng của nền văn hóa Đông Sơn trên toàn lãnh thổ Việt
.
Bộ sưu tập hiện vật mới phát hiện lần này còn có những chiếc thạp đồng có chân trổ thủng, những con dao găm có cán hình người cách điệu rất đẹp, những chiếc đèn đồng hình thố đặc sắc. Những bộ sưu tập công cụ sản xuất, vũ khí chống dã thú, đồ trang sức tinh xảo thể hiện khá điển hình và cụ thể về đời sống, sinh hoạt của một thời đại xa xăm. Đặc biệt, bộ sưu tập gốm đặc sắc thể hiện sự ảnh hưởng qua lại giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh cũng được giới thiệu tại triển lãm này.
Tất cả những hiện vật này chủ yếu mới được phát hiện ở di chỉ làng Vạc (Nghệ An) và những khu vực di chỉ bên bờ sông Cả, sông Mã trong các đợt khai quật khảo cổ từ năm 2004 đến nay.
Văn hóa Đông Sơn được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1924 bên bờ sông Mã thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn (nay là phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá). Đây là địa điểm đầu tiên phát hiện bộ sưu tập di vật thời đại kim khí ở Việt Nam. Từ đó đến nay, văn hóa Đông Sơn đã được khai quật và nghiên cứu rất nhiều, chủ yếu tập trung ở khu vực ba dòng sông lớn ở miền Bắc, gồm trung tâm sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Ở cả ba trung tâm này, các nhà khảo cổ học đã tìm ra những giai đoạn văn hóa phát triển kế tiếp nhau tới đỉnh cao Đông Sơn. Ngoài những tuyến phát triển chính, văn minh Đông Sơn còn hội tụ nhiều thành tố, thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền khá rõ nét.
|
Sau 85 năm nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định rằng, văn minh Đông Sơn là đỉnh cao chói sáng của người Việt cổ và đó chính là cốt lõi tạo nên nhà nước Âu Lạc. Mặc dù sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, ngỡ rằng nền văn hóa bản địa đã lụi tàn, nhưng những phát hiện sau này vẫn chứng tỏ sức sống mạnh mẽ và sự chống trả văn hóa ngoại lai quyết liệt của văn hóa Đông Sơn.
Những hiện vật mới tìm thấy, không những giúp các nhà nghiên cứu hình dung rõ hơn về một nền văn minh cổ đại từng phát triển rực rỡ và sâu đậm mà còn một lần nữa chứng minh sức sống mạnh mẽ của văn hóa bản địa trước những yếu tố ngoại lai.
TS Phạm Quốc Quân cũng cho biết, những phòng trưng bày giới thiệu về hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn bao giờ cũng được coi như là một “hiện tượng” của khảo cổ học, luôn luôn thu hút các nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới. Ông cũng cho rằng, mặc dù tài liệu, hiện vật về nền văn hóa Đông Sơn, cho đến nay đã vô cùng phong phú và dày dặn, nhưng không thể nói rằng công việc phát hiện, nghiên cứu về nó đã kết thúc. Phòng trưng bày mang tên “Tiếng vọng Đông Sơn” - Những hiện vật mới phát hiện 2004-2009- một lần nữa lại mở ra một giai đoạn mới cho công tác nghiên cứu, một giai đoạn ở tầm cao hơn…
Triển lãm sẽ mở cửa trong hai tháng kể từ sáng nay 9-4 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội
Theo NDĐT |