Nói đến Đà Linh – tên thật Nguyễn Đức Hùng (bút danh khác: Đa Huyên, 1958-2013) là nói đến bản lĩnh của một người làm xuất bản. Những cuốn sách “nhạy cảm” nhất, những cuốn sách “gai góc” nhất, những bản thảo tác giả và đối tác xuất bản biết là “khó” nhất, họ hầu như đều tìm đến Đà Linh để gửi gắm.
Tên tuổi anh gắn liền với những cuốn sách Ba người khác (Tô Hoài), Trần Dần – Thơ, Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm (Hồ Anh Thái), Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Chuyện tình mùa tạp kỹ (Lê Anh Hoài), Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Phòng lạ (Nguyễn Danh Bằng)… Đặc biệt, về phương diện triết học, có những cuốn như Tư duy tự do (Phan Huy Đường) và bộ sách Minh triết của F. Jullien…
Nhà văn Hồ Anh Thái nhớ lại: “Thời Đà Linh là người chịu trách nhiệm bản thảo, sách của Nhà xuất bản Đà Nẵng thường được người mua tin rằng đã được bảo đảm chất lượng”.
Nhà văn Tạ Duy Anh có lần tâm sự, rằng cuốn tiểu thuyết Thiên thần sám hối (2004) của ông phải trôi dạt qua bảy “nhà” khác nhau rồi mới được chào đời tại “nhà” Đà Nẵng, để sau đó được tái bản tới năm lần ở nhiều nơi. Lần đầu tiên in sách trong nước, nơi gửi gắm của nhà văn Thuận (Pháp) cũng là Đà Nẵng, với hai cuốn tiểu thuyết ra mắt cùng năm 2005, là Phố Tầu (China Town) và Paris 11 tháng 8.
Lại nhớ tới những cuốn sách dịch như Tình ơi là tình của nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek vốn ầm ào gây tranh cãi khi đoạt giải Nobel 2004, và khi NXB Đà Nẵng và Nhã Nam in ra (2006, dịch giả Lê Quang), đã bị phê phán gay gắt vì khi chuyển ngữ đã “trung thành với nguyên tác”. Cũng trong năm 2006, cuốn tiểu thuyết Hạt cơ bản của Michel Houellebecq (Cao Việt Dũng dịch, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây) ra mắt khiến giới mê sách trong nước lại một phen xôn xao – người ta ghi nhận NXB đã mang đến một cuốn sách đáng dịch, dù bản dịch còn nhiều sai sót.
Sau một tai nạn nghề nghiệp, Đà Linh về NXB Lao Động. Sau cuộc “hồi hương” về lại Thủ đô, anh lại làm ngay “bà đỡ” cho Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng – một nhà thơ, nhà nghiên cứu hải ngoại.
Tháng 9.2013, nhà văn Đà Linh ra đi mãi mãi. Nhớ về một người đam mê và có công trong sự nghiệp xuất bản, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, cũng là những người bạn, người anh em, người cộng sự thân thiết của nhà văn Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng đã viết về anh. Tất cả được tập hợp trong cuốn sách Đà Linh - Trí thức dấn thân (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Công ty Nhã Nam). Trong tập sách này, cũng có nhiều truyện ngắn đặc sắc, một số tiểu luận của nhà văn Đà Linh.
Nhà văn Lê Anh Hoài, chủ biên cuốn sách, trong lời giới thiệu, nhận định: “Toàn bộ công việc Đà Linh đã làm, cũng có thể gọi là một quá trình phản biện xã hội. Chỉ có điều anh không ồn ào khoa trương. Anh không đăng đàn diễn thuyết. Anh làm trong lặng lẽ, với thái độ của một trí thức cầu thị văn hóa, đứng về sự tiến bộ”.
Trong cuốn sách, có nhiều ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu về sự nghiệp xuất bản, những kỷ niệm nồng ấm về Đà Linh - Nguyễn Đức Hùng. Gs Phan Huy Đường (Pháp) cảm khái: “Ngày nào nước ta có rất nhiều Đà Linh được tự do phát triển tài năng của mình, ngày đó dân ta mới khá được trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn chương, nghệ thuật”. Còn nhà văn lão thành Ma Văn Kháng thì nói: “‘Nghề văn là một nghề khó khăn, đặc biệt, lạ lùng, đôi chút tình cờ. Chỉ với một ngọn bút mà gói mở hư vô’. Một định nghĩa về nghề văn quá ư đặc sắc của Đà Linh. Nó cho ta thấy chỉ những người đã dấn thân thật sự và ngày đêm đau đáu nghĩ suy mới có thể nói sâu sắc đầy đủ chính xác về nghề đến như thế”.
Theo Hiền Lê - ĐBND