Văn nghệ trong nước
Đề nghị tăng tiền phạt vi phạm bản quyền
14:40 | 10/04/2009
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH, TT&DL đã soạn thảo và trình Thủ tướng xem xét ban hành nghị định về xử phạt xâm phạm quyền tác giả. Theo dự thảo này, DN, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền cao nhất tới 500 triệu đồng cho một hành vi vi phạm bản quyền.
Đề nghị tăng tiền phạt vi phạm bản quyền
Các NXB vẫn phải đau đầu vì nạn in lậu, vi phạm bản quyền.

Vi phạm bản quyền vẫn tràn lan

Từ khi Công ước Berne bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam cũng là lúc các NXB làm ăn chân chính, biết tôn trọng bản quyền bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản vẫn không giảm bởi người chống thì vẫn chống, còn kẻ vi phạm thì vẫn cứ tiếp tục vi phạm.

Theo bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ, chỉ riêng trong năm 2008, NXB này đã có 47 đầu sách bị in lậu, bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng, làm thất thu hàng trăm tỷ đồng cho chủ sở hữu, thất thu thuế của Nhà nước và đánh lừa bạn đọc khi hàng triệu bản sách giả được in và tung bán ra thị trường.

Mặc dù NXB Trẻ đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhưng cuối cùng vẫn không tìm được biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả.

Ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cũng tỏ ra bức xúc: Đã có không ít NXB tư nhân xuất bản SGK trong đó có 70% nội dung được sao chép từ sách của NXB Giáo dục. Vi phạm quá rõ ràng, vậy mà vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả và triệt để.

Đáng báo động hơn, tình trạng vi phạm bản quyền này còn diễn ra trong nội bộ khối các NXB mà giới chuyên môn thường gọi là "giẫm chân nhau" khi một cuốn sách đã được NXB này ấn hành, nhưng chỉ sau một thời gian, NXB khác xào lại rồi xin giấy phép và in tiếp. Thậm chí, có trường hợp, NXB đã mua bản quyền của đối tác nước ngoài, đang chuẩn bị xuất bản, thì NXB khác đã nhanh chân xuất bản trước...

Chế tài xử phạt đủ mạnh, người vi phạm sẽ chùn tay

Theo Nghị định 56/CP, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất bản tối đa mới chỉ dừng lại ở mức 30 triệu đồng. Mức phạt này trên thực tế chưa đủ sức răn đe các đơn vị và cá nhân làm ăn phi pháp.

Ở một góc độ khác, nhà văn Trung Trung Đỉnh, NXB Hội Nhà văn còn cho rằng: Tình trạng đánh cắp bản quyền tác phẩm ngày một tinh vi, đặc biệt là hành vi đánh cắp ý tưởng tác phẩm. Thực tế đã xuất hiện tình trạng nhiều người sao chép ý tưởng từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả rồi xào xáo thành tác phẩm của mình, xuất bản và kiếm lợi. Đây là một kiểu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới, khá tinh vi mà các nhà làm luật cần quan tâm, có thể bổ sung thêm để đưa ra chế tài xử phạt.

TS Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH, TT&DL khẳng định: Sở dĩ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản nói riêng vẫn còn cao, là do nhận thức về bản quyền và bảo vệ bản quyền của người dân còn hạn chế, thái độ ứng xử của người vi phạm bản quyền thì cực kỳ tệ hại, vừa vi phạm đạo đức kinh doanh vừa thách thức pháp luật. Trong khi đó, hệ thống thực thi bảo vệ bản quyền còn thiếu về nhân lực và non kém về chuyên môn.

Cũng theo ông Chu, Bộ VH, TT&DL đã soạn thảo và trình Thủ tướng xem xét ban hành nghị định về xử phạt xâm phạm quyền tác giả. Theo dự thảo này, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền cao nhất tới 500 triệu đồng cho một hành vi vi phạm bản quyền.

Hi vọng hình thức phạt tiền cao này có thể làm những người vi phạm chùn tay. Bởi vì nếu một doanh nghiệp bị phạt cùng lúc 3-4 hành vi, với hình phạt nặng nhất, thì có thể phá sản
 
                                                                                                                    Theo CAND Online

Các bài mới
Các bài đã đăng