Văn nghệ trong nước
Nhà văn Hồ Anh Thái: Tiếp tục viết từ ngoài biên giới
16:44 | 27/11/2014

Tác phẩm mới nhất của nhà văn là “Những đứa con rải rác trên đường” – cuốn tiểu thuyết độc đáo, chia thành ba truyện dài, kể về một người cha làm nghề lái xe, có khoảng… vài chục người con làm đủ mọi ngành nghề.

Nhà văn Hồ Anh Thái: Tiếp tục viết từ ngoài biên giới
Nhà văn Hồ Anh Thái và tiểu thuyết mới “Những đứa con rải rác trên đường”.

Buổi ra mắt tác phẩm Những đứa con rải rác trên đường của Hồ Anh Thái sáng 26/11 tại Hà Nội diễn ra vắng mặt tác giả, bởi ông đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Iran.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, khoảng năm sau, nhà văn sẽ trở về Việt Nam khi hết nhiệm kỳ công tác.

 Những mối tình và những đứa con dọc đường

Những đứa con rải rác trên đường là một tên sách thú vị, nhất là khi nhân vật chính làm nghề lái xe. Có thể hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, người lái xe với những mối quan hệ lang chạ dọc đường rong ruổi đã sinh ra nhiều đứa con, tạo ra nhiều số phận.

Nhưng hiểu theo nghĩa sâu hơn, “con đường” ở đây cũng có thể là con đường của cả một dân tộc, và những đứa con là người Việt thuộc nhiều vùng miền khác nhau, và người cha chung là một hình ảnh ẩn dụ.

Truyện dài thứ nhất của Những đứa con rải rác trên đường bắt đầu với câu chuyện về người con là một “cậu ấm” đi du học trong bối cảnh hiện đại, với các vấn đề tiền bạc, bạo lực, du học sinh con nhà giàu ăn chơi phá phách ở nơi đất khách…

Sau đó, cuốn sách ngược dòng thời gian theo đuổi hành trình trên đường của người cha - một người lái xe, cũng chính là nhân vật đóng vai trò sợi dây kết nối tác phẩm. Câu chuyện của nhân vật này trải dài từ thời chiến sang thời bình, thăng tiến từ người lính lái xe đến quan chức cấp cao.

Đó là một người lái xe đào hoa, nhiều cô gái gặp anh trên đường sẵn sàng dâng hiến. Sau này ông trở thành một “ông kễnh” quyền cao chức trọng. Cuốn sách mở đầu với hiện tại, rồi đi tìm quá khứ. Câu chuyện của người lái xe không chỉ là chuyện một con người, một đời người, mà lần lượt trải qua chiến tranh, bao cấp, cơ chế thị trường, thời toàn cầu hóa… Đó là chuyện của một dân tộc.

Toàn cảnh cuốn sách như bức ảnh một đại gia đình phóng lớn, trong những người con của người cha chung có cả du học sinh, thợ may, kế toán, người mẫu… Đại gia đình mà không hẳn là gia đình, bởi nhiều người xa lạ với nhau, sống cách xa nhau ở nhiều miền đất nước, nhưng vẫn là gia đình vì chung dòng máu.

Thể nghiệm lối viết mới

Với tác phẩm mới này, nhà văn Hồ Anh Thái tiếp tục mạch tác phẩm viết từ bên ngoài biên giới Việt Nam của ông. Lao động của nhà văn là lao động lâu dài, không phải nhất thời, nên những tác phẩm đều là kết quả của các ý tưởng, tư tưởng đã ăn sâu bén rễ trong đầu óc nhà văn.

Vì công việc, nhà văn Hồ Anh Thái đã sống xa đất nước nhiều năm, nhưng tác phẩm mới nhất của ông vẫn viết về Việt Nam với cái nhìn am hiểu, không chỉ một Việt Nam hiện tại mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với quá khứ.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhận xét: “Nhà văn có thể sống xa đất nước, tách khỏi đất nước ở thời điểm ngồi viết tác phẩm, như Hồ Anh Thái viết tiểu thuyết này ở Iran. Còn điều quyết định với tác phẩm là vốn sống và quan sát thì nhà văn đã tích lũy từ trước đó”.

“Trong thời đại của internet, một người ở nước ngoài chịu khó tìm hiểu cũng có thể nắm rõ tình hình trong nước hơn một người trong nước không chịu tìm hiểu” – nhà phê bình nhận định.

Những đứa con rải rác trên đường với kết cấu 1 tiểu thuyết gồm 3 truyện dài là một thể nghiệm mới về lối viết của nhà văn Hồ Anh Thái, nhưng không mới đến mức khó đọc. Tác phẩm vẫn mang phong cách quen thuộc của tác giả: dày đặc chi tiết, yếu tố hiện thực trộn lẫn với yếu tố huyền hoặc, hiện tại đan xen với quá khứ… Sách do NXB Trẻ ấn hành.

Theo Mi Ly - TT&VH

 


 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng