Văn nghệ trong nước
Nghĩ về văn học và nông thôn, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long
14:56 | 10/04/2009
Thật thú vị, và cũng rất quen thuộc, vì từ lâu nông thôn và nông dân vốn là đối tượng, là nhân vật trung tâm cho văn học Việt Nam nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) nói riêng. Từ thế kỷ trước, Ðồng quê của Phi Vân là tập truyện về nông thôn, các nhân vật đều là nông dân.
Nghĩ về văn học và nông thôn, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long

Bình Nguyên Lộc là người Ðồng Nai nhưng truyện ngắn Rừng mắm và nhiều truyện ngắn khác viết về người nông dân miền Tây. Nọc Nạn của Phúc Vân là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu về nông dân miền Tây vùng lên phản kháng sự hà khắc dưới chế độ cũ hồi đầu thế kỷ 20. Hiện tôi có trong tay biên bản cuộc xử án tòa đại hình Cần Thơ năm 1928 và các bài báo tờ Diễn đàn Ðông Dương viết về vụ xử án Nọc Nạn. Qua các tài liệu ta thấy tiểu thuyết Nọc Nạn của Phúc Vân vẫn giữ nguyên sự kiện, tên người, địa danh, dường như đó là một bản ghi chép về một vụ án. Nhưng đó là một quyển tiểu thuyết, cấu tứ chặt chẽ, hình tượng sinh động, xứng đáng là một tác phẩm cần có trong các chương trình nghiên cứu, sách giáo khoa, văn học sử Việt .

Một trong những đại biểu xuất sắc văn chương Nam Bộ viết về nông dân nông thôn ÐBSCL là Sơn . Không ai giỏi hơn ông trong việc kết hợp hai thể loại tưởng không thể dung hòa được là khảo cứu và tiểu thuyết. Những tập truyện ngắn, những thiên sưu tra khảo cứu đồ sộ của ông là một bức tranh toàn diện về cuộc sống nông thôn, thân phận người nông dân được nghiên cứu tỉ mỉ, miêu tả sinh động, trải dài hơn năm mươi năm. Hương rừng Cà Mau là vẻ đẹp vốn quý con người, cuộc sống ÐBSCL cần phải gìn giữ. Ông đã xa chúng ta, nhưng những nhận xét đánh giá của ông về thực trạng nông thôn ÐBSCL hiện nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta viết về người lính, thực chất là viết về người nông dân trong người lính ấy. Hòn đất, Bức thư Cà Mau của Anh Ðức là nông dân đứng lên cầm súng chiến đấu. Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng cũng vậy. Những truyện ngắn của Lê Vĩnh Hòa nói lên cuộc sống vừa nên thơ vừa khắc nghiệt của người nông dân trong chiến tranh. Hình tượng Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi là một chân dung điển hình về người phụ nữ nông dân không chịu nổi áp bức, vùng lên cầm súng. Nguyễn Thi còn có quyển tiểu thuyết viết dở Ở xã Trung Nghĩa, tuy chỉ có một số chương nhưng là quyển tiểu thuyết xuất sắc. Hôm rồi tôi và anh Trần Thôi có về xã Trung Nghĩa, được biết trong chiến tranh là một xã anh hùng, anh Nguyễn Thi hâm mộ những kỳ tích của xã nên đã liều mình vượt qua lộ 4 là "con đường máu" về đó tìm tài liệu để viết. Giờ đây Trung Nghĩa là xã nghèo, đường vào trụ sở Ủy ban chỉ có vài trăm thước là con đường đất lồi lõm, xe chạy rất khó khăn, mùa mưa chắc khó vào được. Một xã vang danh trong chiến đấu và trong văn học như thế, giờ như thế. Chuyện đó cũng là một đề tài cho văn học chúng ta, rồi sông rạch không có cầu, trẻ con ở xứ lúa gạo phải ăn cháo, tiền cứu trợ bị ăn chặn, sân "gôn" mọc tràn lan chiếm đất của nông dân... là những vấn đề nhức nhối nhà văn chúng ta cần phải quan tâm đưa vào trang viết của mình.

Hàng nghìn năm nước ta là một nước nông nghiệp, nghề trồng lúa đã được ghi vào Sử ký của Tư Mã Thiên, hình ảnh cánh đồng lúa cánh cò bay lả tiếng gió rì rào không chỉ là thiên nhiên sông nước mà đã đi vào tâm linh tiềm thức, thành ký ức sâu đậm, gắn liền với truyền thống vong linh ông bà tổ tiên. ÐBSCL là mảnh đất còn ghi lại dấu vết con người chống chọi với rừng hoang, thú dữ vẫn còn đây đó, trong truyện ngắn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, hình ảnh những người đổ mồ hôi và máu để có được những khu vườn cánh đồng lúa sum suê trù phú như hôm nay. Nhưng đáng tiếc, điều đó như đang mất dần trong thế hệ trẻ ngày nay. Thằng con tôi chỉ còn biết con trâu, cây lúa qua màn hình vi tính. Ðó là sự mất mát vô cùng to lớn, văn học cần phải khôi phục lại sự mất mát ấy, những bức tranh nông thôn đẹp đẽ thuần khiết cần phải lưu giữ, con người nông dân cần cù chất phác cần phải tôn vinh ca ngợi.

Hiếm có trên đất nước có vùng đất rộng lớn mười ba tỉnh, thành, thiên nhiên con người, phong tục, tập quán giống hệt nhau, khó phân biệt người An Giang với người Bạc Liêu, người Vĩnh Long với người Ðồng Tháp. Ðặc trưng vùng sông nước thật hiếm có, thương hiệu "chuyện miền Tây" là một vốn quý, một thế mạnh mà nhà văn ÐBSCL cần phải tập trung khai thác. Chúng ta có giải văn học chung cho ÐBSCL, các nhà văn vùng đồng bằng hằng năm tụ họp chọn lọc tôn vinh những sáng tác đặc sắc của quê hương mình. Tôi có dịp đọc bản thảo các cuộc thi, những bài thơ, truyện ngắn, bút ký miêu tả cuộc sống vùng ÐBSCL với những sắc thái vùng miền không lẫn vào đâu được. Rừng U Minh, Ðồng Tháp Mười, huyện đảo Kiên Hải, vùng núi Châu Ðốc và châu thổ sông Tiền, sông Hậu, hình ảnh những con người chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối chống chọi với nắng hạn, mưa lũ, bão giông, dịch bệnh tạo nên một vùng đất đai trù phú, một vựa lúa lớn của cả nước. Chính qua những sáng tác đó tôi hiểu ra hơn bất cứ tài liệu văn bản nào về cuộc sống con người miền Tây, nhìn thấy những thành tựu to lớn sau hơn ba mươi năm giải phóng, làm máy cấy lúa và thụ tinh cá ba sa, nuôi vịt chạy đồng và gác kèo ong mật, hầm than và đánh lưới bắt cá hô, đánh bắt cá xa bờ, nhà máy khí - điện - đạm, chiết xuất tinh dầu cây tràm... Tôi cũng đọc thấy những tồn tại nhức nhối, hàng quán ka-ra-ô-kê mọc lên, sân "gôn" chiếm đất của nông dân. Nhà văn không tách rời cuộc sống, những xáo động trong xã hội cũng xáo động trên trang giấy. Cuộc thi bút ký ở Bến Tre năm kia liền có ngay các bài viết về sự kiện cầu Cần Thơ. Cuộc thi truyện ngắn năm rồi ở Ðồng Tháp tập trung vào đề tài suy thoái kinh tế, đời sống người nông dân khó khăn. Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm nhưng vết thương cuộc chiến đâu đó vẫn còn rỉ máu ở vùng đất đồng bằng rộng lớn này. Qua các cuộc thi, lúc nào cũng có những tác phẩm viết về chuyện đi tìm mộ, chuyện bạn bè, cha con, anh chị em sau hơn ba mươi năm tìm gặp nhau, người lính chế độ cũ trở về mảnh đất quê hương.

Mới đây, tôi có đọc một truyện ngắn thú vị ở trại sáng tác Tiền Giang. Chuyện về hai anh em người nông dân miền trung đầu trần chân đất lặn lội vào Gò Công tìm mộ tổ của mình cách nay 200 năm. Hóa ra vùng đất mới Nam Bộ cũng có cội rễ của mình, mộ tổ tìm không được, hai anh em ra về, năm sau lại trở vô, thường xuyên như vậy, vì ngôi mộ tổ một phần nhưng cái chính là vì tình thân với những người mới quen ở Gò Công. Rồi người Gò Công lại ra thăm làng hai anh em ở miền trung. Từ đó thường xuyên đôi bên ra vô thăm nhau. Một mối quan hệ mới được thiết lập, vì ngôi một tổ và cũng vì tình đồng bào, mối thâm tình giữa hai vùng miền cách nhau hàng nghìn cây số. Chuyện chỉ có thể có ở những người nông dân chất phác, khó có thể có ở nơi nào khác.

Cuối năm rồi chúng tôi về Kiên Giang làm phim về ông Sơn , đúng ra làm phim về cuốn Hương rừng Cà Mau, theo dấu từng truyện ngắn trong tập truyện nổi tiếng. Chúng tôi tìm được chiếc ghe ngo cũ xưa đúng trong chùa Sóc-ven trong truyện, ở làng quê ông, là hình mẫu truyện ngắn Chiếc ghe ngo. Nhìn chiếc ghe ngo xưa cũ mục nát chúng tôi thảy đều bồi hồi xúc động, tưởng nhìn thấy những người nông dân hồi đầu thế kỷ đang cúi rạp mình chèo. Bao giờ cũng vậy, chèo ghe vẫn là những người nông dân. Ðã gần nửa năm tôi vẫn còn nhớ chuyến đi ấy, muốn viết tiếp một cái gì sau Hương rừng Cà Mau. Ðó là tác động nối tiếp nhau của các thế hệ nhà văn, chính động lực đó làm cho văn học phát triển.

Ðiều cuối cùng tôi muốn nói, chuyện nhỏ thôi, nhưng vẫn là vấn đề của văn học ÐBSCL. Nhà văn không tách rời cuộc sống, nhưng văn học không phải là bản sao chép thô thiển cuộc sống. Nhà văn hư cấu, biến cái thực tế trong đời sống thành cái điển hình nâng cao, nghệ thuật của cái đẹp. Nông thôn và nông dân ÐBSCL là chỗ dựa cho cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến, hiện vẫn là đòn bẩy kinh tế, vùng dự trữ gạo an toàn cho cả nước, xứng đáng để các nhà văn chúng ta đổ bút lực, tâm trí vào đó. Tôi không phải là người nghiên cứu, nên chỉ coi đây là một cảm nghĩ mở đầu về văn học với nông thôn và nông dân ÐBSCL.

                                                                                                                    Theo NDĐT

Các bài mới
Các bài đã đăng