Văn nghệ trong nước
Họa sĩ Đỗ Duy Minh: 30 bức tranh cho câu chuyện tha hương
15:52 | 04/12/2014

Vọng của Đỗ Duy Minh không chỉ là một cuộc triển lãm đơn thuần. Đó là 30 bức tranh được vẽ bởi một họa sĩ 78 tuổi, có 35 năm xa Việt Nam, và luôn ngóng về quê hương với những hình ảnh trong ký ức.

Họa sĩ Đỗ Duy Minh: 30 bức tranh cho câu chuyện tha hương
Họa sĩ Đỗ Duy Minh

Triển lãm Vọng diễn ra từ 1-7/12 tại 24 Lý Quốc Sư (Hà Nội). Trong buổi khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Thành Chương và nhiều văn nghệ sĩ đã cùng tới đây chúc mừng Đỗ Duy Minh. Dù rời Việt Nam năm 1979, ông vẫn không hề xa lạ với họ, khi trước đó từng có một thời gian dài làm họa sĩ tại báo Văn Nghệ.

“Một tập giấy nhưng... nặng lắm!”

"Ba chục bức tranh khi mang về chỉ là một tập giấy trong vali. Nhưng với tôi thì nặng, nặng lắm, bởi gói vào trong đó là bao nhiêu thương nhớ với Việt Nam của mình" – họa sĩ Đỗ Duy Minh run run nói bằng chất giọng của tuổi 78.

Đều đặn, từ 1989, vị họa sĩ già này về Việt Nam 2 năm/lần. Ông bảo, nếu trời thương, chuỗi hành trình với nhịp độ 2 năm/lần ấy vẫn sẽ kéo dài mãi, cho đến khi ông nhắm mắt. "Không gì buồn bằng câu chuyện của người tha hương. Khi mới sang, trong giấc ngủ, nhiều lần tôi vẫn chập chờn tưởng mình đang sống trong cảnh sắc của quê nhà".

Họa sĩ Đỗ Duy Minh vẽ tranh từ 1957, khi ông 21 tuổi. Rồi tiếp đó là một chuỗi thời gian vẽ ở các tờ báo khác nhau, với sở trường là biếm họa. Khi sang Canada, ông vẫn vẽ, rồi "mở" ra cả làm thơ, viết báo, viết văn... Vậy nhưng, hội họa vẫn là thứ ông cảm thấy hữu dụng nhất, mỗi khi chìm vào nỗi nhớ về những gì từng gắn bó.

"Lúc đầu vẽ, bạn bè quốc tế bên đó lạ lắm. Họ hỏi: tại sao ông vẽ cái ống dài dài này? Rồi cái đống to to kia là gì nữa?" – họa sĩ kể. "Tôi phải giải thích: đây là ống khói nhà máy, là đống rơm, là những thứ gắn liền với cuộc sống tại miền Bắc Việt Nam những năm 1970". Hơn 40 năm sống tại quê nhà, tuổi trẻ của họa sĩ gắn với không gian của một Hà Nội từ những năm Pháp thuộc, trong chiến tranh rồi qua thời bao cấp. Ông thường vẽ tranh sơn dầu, và mới chỉ chuyển qua than chì trước chuyến về lại VN lần này.

Tác phẩm của Đỗ Duy Minh tại triển lãm “Vọng”

Hà Nội: Đừng nhìn thấp, hãy ngước lên cao

Tên của triển lãm là Vọng, như những gì mà một họa sĩ xa xứ muốn gửi gắm về Việt Nam. Còn tên của 30 bức tranh thì... không có. Họa sĩ bảo, ông muốn người xem tự cảm nhận, tự gọi tên, và tự đoán xem những gì đang được bày ra trên trang giấy trắng – khi mà phần lớn trong số chúng đã biến dạng và thay đổi rất nhiều ở hiện tại.

Xem tranh của Đỗ Duy Minh, người lớn tuổi dễ dàng nhận ra hình ảnh quen thuộc về  những dòng sông, những cây cầu, những người phụ nữ, những phố cổ, bến Tam Bạc, chợ Hàng Lược... của  Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ 30, 50 năm trước. Ở đó có những góc phố vắng người với mái ngói lô xô, có áo yếm và chiếc khăn mỏ quạ trên đầu những cô gái đang tần tảo gánh hàng.

"Bây giờ, về Việt Nam, tôi thấy mình như đang đi ở Singapore. Cao ốc, bảng hiệu mọc lên chi chít, không còn gì giống với những thứ mình lưu giữ trong ký ức" – họa sĩ kể. Như một thói quen, mỗi lần về Hà Nội, ông lại bỏ cả một ngày lang thang trong khu phố cổ - đặc biệt là phố Hàng Lược, nơi ông sinh ra và trải qua những năm tháng tuổi trẻ của mình. Phố biến đổi nhiều, họa sĩ chia sẻ một kinh nghiệm độc đáo: đừng nhìn thấp, phải ngước mắt lên cao, người ta sẽ thấy vẫn còn lác đác những chấn song xưa, mái ngói, ban công gợi nhớ một Hà Nội thủa nào".

Theo Sơn Tùng - TT&VH

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng