Văn nghệ trong nước
Lính thợ Đông Dương - trang sử thuộc địa bị lãng quên
09:53 | 05/12/2014

Tháng 9.1939, khoảng 2 vạn thanh niên Đông Dương (phần lớn là người Việt) đã bị cưỡng bức sang Pháp làm công nhân trong các nhà máy sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà thân phận của họ bị che khuất suốt 70 năm. Phải đến khi tác phẩm Lính thợ Đông Dương ở Pháp - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên của nhà báo Pháp Pierre Daum xuất bản năm 2009, khoảng trống lịch sử ấy mới được khôi phục.

Lính thợ Đông Dương - trang sử thuộc địa bị lãng quên
Tuần hành thể hiện lòng yêu nước của lính thợ Việt Nam trên đất Pháp

Sách gồm 19 chương, kể lại hành trình và số phận của 2 vạn lính thợ Đông Dương sang Pháp từ năm 1939 - 1952. Theo đó, trong số những lính thợ này, ngoại trừ 5% là con em gia đình khá giả và được học hành tử tế tình nguyện đăng ký làm thông ngôn, 95% còn lại đều là nông dân nghèo, mù chữ, bị cưỡng bức sang Pháp, được đưa vào làm công nhân trong các nhà máy vũ khí trực thuộc Bộ Quốc phòng. Những người lao động này được gọi nôm na là lính thợ Đông Dương hay ONS - thợ không có tay nghề chuyên môn. Tại đây, môi trường làm việc khắc nghiệt cùng với việc không được trang bị kiến thức và kinh nghiệm đã lấy đi sinh mạng của khoảng 1.000 người do tai nạn lao động. Sau khi Pháp thua trận trước Đức quốc xã năm 1940, chỉ khoảng 4.500 người trở về quê hương trước khi hải quân Anh phong tỏa đường biển đến Viễn Đông đối với các tàu Pháp. 15.000 người còn lại bị chuyển xuống khu vực miền Nam nước Pháp và giam giữ trong khoảng một chục trại lao động Đông Dương ở Marseille, Sorgues, Agde, Toulouse, Bergerac, Bordeaux, Saint-Chamas và Vénissieux. Những trại này do các cựu sỹ quan Pháp của quân đội thực dân chỉ huy với chế độ kỷ luật nghiêm ngặt: ức hiếp, đánh đập và phân biệt chủng tộc hệt như đã từng áp dụng ở các thuộc địa. Được quản lý bởi cơ quan Nhân công Bản xứ thuộc Bộ Lao động, những người này được trưng dụng vào tất cả các ngành kinh tế. Cho đến năm 1948, nhà nước Pháp cho các xí nghiệp công và tư thuê số nhân công này và bỏ túi hàng đống tiền nhưng không hề trả bất cứ đồng lương nào cho người thợ…

Trong 3 năm, nhà báo Pierre Daum đã đi tìm hiểu từ những vùng ngoại ô Paris và Marseille, Hà Nội và các làng quê hẻo lánh ở Việt Nam, tìm được 25 nhân chứng còn sống để viết lại những trang sử thuộc địa bị lãng quên về những người lính thợ. Nghiên cứu của Pierre Daum đã góp phần làm sáng tỏ thêm thân phận người lao động Đông Dương cũng như ghi nhận những cống hiến của họ trên đất Pháp. Phát biểu trong buổi giới thiệu cuốn Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên nhân dịp được dịch sang tiếng Việt, Gs, Ts Phạm Xanh đánh giá cao cách tiếp cận đề tài của Pierre Daum: nếu như các nhà sử học thường tiếp xúc với tư liệu rồi mới manh nha đề tài thì Pierre Daum, với cách tiếp cận của một nhà báo, trên cơ sở phỏng vấn 25 nhân chứng, tác giả mới vào các kho tài liệu lưu trữ tại Pháp để đối chiếu và chứng minh tính xác thực từ lời kể của nhân chứng. Vì vậy, cuốn sách ngay từ khi ra mắt đã tác động và ảnh hưởng lớn đến công chúng Pháp. Những lính thợ ấy dù sống trong điều kiện bị bóc lột, cực khổ nhưng họ cũng để lại những thành quả lao động đáng tự hào trên nước Pháp. Năm 1942, 500 người lao động Việt đã được gửi đến Camargue để tìm cách phục hồi nghề trồng lúa gạo. Vận dụng kinh nghiệm cha ông, họ đã thành công trong việc cải tạo những thửa đất nhiễm mặn từ nhiều thế kỷ thành một vùng lúa gạo đặc sản nổi tiếng tại Pháp và để lại những hồi ức không thể quên đối với người bản địa tại Camargue. Đặc biệt, nghiên cứu của Pierre Daum đã góp phần tác động đến thái độ của chính phủ Pháp đối với đóng góp của người lao động Đông Dương. Ngày 10.12.2009, chính quyền TP Arles đã trao tặng huy chương cho những người lao động Đông Dương còn sống, nhằm vinh danh đóng góp của họ vào sự phát triển của nước Pháp sau Thế chiến II và ngày nay. Mới đây, ngày 5.10, Đài tưởng niệm cấp Nhà nước tưởng nhớ người lao động Đông Dương đã được khánh thành ở Camargue.Mặc dù sống trên đất khách quê người, nhưng người lính thợ Việt Nam luôn một lòng hướng về Tổ quốc, đã tiến hành nhiều hoạt động như làm báo, rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, đình công, biểu tình… nhằm ủng hộ công cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, hàng nghìn lính thợ Việt Nam đã tổ chức míttinh trọng thể để chào đón vị lãnh tụ của dân tộc. Đến năm 1952, công cuộc hồi hương của những người lính thợ mới cơ bản hoàn thành. Trong tổng số 20.000 người Đông Dương bị cưỡng bức di cư sang Pháp từ năm 1939, khoảng 18.000 người về nước; 1.000 chết và 1.000 người ở lại Pháp sau năm 1952.

 Học giả, nhà báo Pierre Daum là cựu thông tín viên tờ Libération ở Áo, đồng thời cộng tác với nhiều tờ báo lớn ở châu Âu: Le Monde, L’Express, La Libre, Belgique, La Tribune de Genève... Sau khi trở về Pháp năm 2003, ông là phóng viên tờ Libération ở vùng Languedoc-Roussillon. Ông chuyên tâm tìm hiểu các vấn đề lịch sử Đông Dương thuộc Pháp. Cuốn sách Immigrés de force: Les travailleurs indochinois en France (1939 - 1952) (Lính thợ Đông Dương ở Pháp - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên) được ấn hành bởi NXB Actes Sud năm 2009.

 
Theo Thanh Yến - ĐBND
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng