Văn nghệ trong nước
Nhạc thể nghiệm Việt Nam: Sáng tạo từ nhu cầu nội tại
10:23 | 13/04/2009
Sau 14 năm (tạm tính từ năm 1995 khi tác phẩm âm nhạc thể nghiệm của họa sĩ Nguyễn Văn Cường lần đầu tiên ra mắt công chúng Việt Nam tại viện Goethe Hà Nội), dòng chảy âm nhạc thể nghiệm Việt Nam ngày một phát triển mạnh mẽ. Thể nghiệm là một con đường gian khó nhưng tại sao những nghệ sĩ vẫn rẽ theo lối này? TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu chuyên đề: Nhạc thể nghiệm Việt , góp thêm những kiến giải cho hiện tượng mới.
Nhạc thể nghiệm Việt Nam: Sáng tạo từ nhu cầu nội tại
Đêm nhạc thể nghiệm 1 Concert của hai vợ chồng nhạc sĩ SonX và Kim Ngọc

Tại Việt , có thể nói, người đưa nhạc thể nghiệm lần đầu tiên đến với công chúng là họa sĩ Nguyễn Văn Cường. Năm 1995, ở Viện Goethe (địa điểm cũ tại Hàng Đường, Hà Nội), Nguyễn Văn Cường làm chương trình mang tên Xe máy. Anh dùng vĩ của cây đàn violin, kéo trên nan hoa xe máy. Đồng thời, mời một nghệ sĩ violin chơi một tác phẩm cổ điển.
“Nguyễn Văn Cường - là một họa sĩ, hơn thế nữa tôi đánh giá anh là một nhà sáng chế”, - họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét. “Cuộc sống của anh đầy những sáng tạo, từ việc xây nhà cho mình, làm đồ đạc cho mình, tự tạo cho mình cách hưởng thụ giải trí riêng. Cường thể nghiệm âm thanh với mọi thứ mà anh có, đồ gia dụng, máy đánh chữ, đồ chơi hỏng của con trai, xe cộ, nước, nhạc cụ... Có thể nói chất liệu là thứ không bao giờ thiếu trong sáng tác của Cường.”

Những bước đi chập chững

Sang năm 2000, Nguyễn Văn Cường làm một chương trình thể nghiệm nhạc/ âm thanh quy mô lớn với 11 người tham gia tại nhà sàn Đức mang tên Đồ chơi giao tiếp. Tác phẩm kéo dài khoảng một tiếng. Nguyễn Văn Cường sử dụng âm thanh như một ngôn ngữ chủ đạo trong tác phẩm. Trong 11 nghệ sĩ tham gia, một số trở thành nghệ sĩ có tên tuổi của làng nhạc thể nghiệm sau này: Kim Ngọc, SonX, Nguyễn Mạnh Hùng. Trong tác phẩm, Kim Ngọc hát, SonX, Nguyễn Minh Thành đánh trống, một số nghệ sĩ tạo hình khác như Quách Đông Phương, Nguyễn Quang Huy, Đinh Công Đạt, Nguyễn Mạnh Đức... và tác giả ngồi thành một hàng ngang, mỗi người cầm trên tay một tờ báo khác nhau, cùng cất giọng đọc. Nhạc cụ được các nghệ sĩ sử dụng bằng... đồ chơi: từ đàn organ - đồ chơi trẻ em bán ở phố Lương Văn Can, con vịt lên dây cót đến cái đèn pin, quả bóng bay... Các đồ chơi này mang tính biểu tượng, xuất hiện phần đầu và cuối tác phẩm. Diễn tiến của chương trình thông qua một kịch bản có câu chuyện xuyên suốt. Đây được coi là tác phẩm có “concept” (ý tưởng) ăn ý nhất từ trước đến nay với thành phần nghệ sĩ tham gia cộng tác phong phú và có nguồn gốc khác biệt.
 
Tuy nhiên, hai người sớm đến với âm nhạc thể nghiệm nhất lại là nhạc sĩ Kim Ngọc và nhạc sĩ Vũ Nhật Tân. Được đào tạo chuyên ngành piano và sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội (Nhạc viện Hà Nội), từ năm 1994, Vũ Nhật Tân và Kim Ngọc đã bắt đầu có những phá cách mang ngôn ngữ âm nhạc đương đại trong các tác phẩm cho piano cũng như hòa tấu.

Năm 1996, Vũ Nhật Tân viết tác phẩm Trăng cho cello độc tấu. Ở tác phẩm này, Tân đã sử dụng những thủ pháp rất đặc trưng của âm nhạc đương đại thế giới thế kỷ 20 mà vào thời điểm đó còn quá mới mẻ ngay tại trung tâm đào tạo âm nhạc hàng đầu Việt Nam: viết cho cello độc tấu mà không kèm phần đệm piano như thông lệ. Đồng thời, Vũ Nhật Tân sử dụng các kỹ thuật mới: búng rất mạnh vào dây đàn, vuốt dọc theo chiều dài của sợi dây tạo ra âm hưởng lạ tai.

Cũng với ngôn ngữ âm nhạc đương đại đặc trưng nhưng nhiều cảm xúc hơn, năm 1994, Kim Ngọc viết hòa tấu thính phòng Phục hồn (tặng người cha quá cố - nhạc sĩ Trần Ngọc Xương) tác phẩm đã mang vinh quang đầu tiên đến với chị. Mặc dầu chưa từng được biểu diễn ở Việt Nam nhưng tác phẩm đã được chọn giới thiệu tại festival âm nhạc châu Á ACL 1997 và sau đó là Musica Nova festival tại CHLB Đức 1998 và một vài thành phố châu Âu khác. Như một hệ quả, tác phẩm này đã xuất hiện trên nhiều đài phát thanh của Đức và châu Âu, mang lại cho tác giả một số tiền nhuận bút không nhỏ. Năm 2000, tại nhà sàn Đức diễn ra vở Bài ca đứa bé lang thang của Kim Ngọc. Bài ca đứa bé lang thang thuộc thể loại music-theatre. Bản thân Kim Ngọc lúc đó còn chưa gọi tác phẩm của mình là music-theatre vì đơn giản lúc đó (trước khi đi du học) chị còn chưa biết đến thể loại này tại các quốc gia phát triển. Hình thức của tác phẩm được chị tự định hình bằng thôi thúc của nội tâm.

Năm 1994, một cơ hội đã đưa nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (SonX) tiếp cận với nghệ thuật đương đại. Và gần như ngay lập tức, anh bị chinh phục: “Cá nhân tôi không nghĩ rằng âm nhạc của tôi là nhạc thể nghiệm, mặc dù từ khi gặp gỡ với nghệ thuật đương đại tôi đã bắt đầu những tìm tòi, thử nghiệm những âm thanh khác lạ trên những nhạc cụ truyền thống quen thuộc, phá bỏ, rồi tự đặt ra những quy luật khác trong cách chơi nhạc”.

Tác phẩm được chú ý nhất của SonX là Một gương mặt. Tác phẩm được tài trợ bởi Trung tâm Văn hóa Pháp và trình diễn tại Trung tâm nhân dịp lễ khai trương địa điểm mới, năm 2003. Năm 2004, khi Kim Ngọc du học về nước, anh đã cùng chị trình diễn tại viện Goethe tác phẩm I-Concert - một cuộc trình diễn âm nhạc ngẫu hứng với các nhạc cụ truyền thống, giọng hát, lap top và các vật dụng hàng ngày.

Nguyên do nhạc thể nghiệm xuất hiện ở Việt

Đầu tiên phải nói tới đó là nhu cầu nội tại của các nghệ sĩ. Nhạc sĩ SonX nhiều khi tự vấn để tìm câu trả lời: Tại sao âm nhạc đương đại có thể vào mình nhanh như vậy khi xuất thân từ một gia đình mà từ ông nội, bố, mẹ, các bác đều là nghệ nhân của nghệ thuật truyền thống. Và bản thân được đào tạo để trở thành một nghệ sĩ chơi bộ gõ của nghệ thuật truyền thống?

Và anh có câu trả lời từ ký ức tuổi thơ của mình. SonX đã có một tuổi thơ khá phóng túng tự do. Mẹ anh thường đi lưu diễn xa nhà còn bố anh đi du học tại Liên Xô (cũ) từ khi anh mới sinh ra. Đến gần 10 tuổi, Nguyễn Xuân Sơn vẫn sống với bà ngoại. “Bố tôi là một người rất nghiêm khắc, và dường như tất cả sự thương yêu của ông dồn vào tôi”, SonX tâm sự. “Ông muốn tôi trở thành một người đàn ông hoàn thiện theo cách ông nghĩ, nên ngay khi về nước ông bắt đầu đưa tôi vào kỷ luật. Mọi sinh hoạt của tôi lúc đó đều nằm dưới sự giám sát khắt khe của ông và chỉ một lỗi nhỏ ngay lập tức có thể bị đòn. Kể cả việc đến với nghệ thuật truyền thống cũng là do ông lựa chọn. Ở nhà sống trong khuôn khổ kỷ luật của bố, đến trường sống trong những quy định, lề lối, khuôn phép của nghệ thuật truyền thống, nên khát khao của sự tự do thường trực khá mạnh trong mình. Và có lẽ đó là lý do mà nghệ thuật đương đại vào tôi nhanh như vậy”.

Còn với Vũ Nhật Tân, ngay từ những ngày đầu học piano tại Nhạc viện, anh đã bị mọi người cho là gàn. Vũ Nhật Tân cho rằng phương thức giảng dạy và việc tiếp thu âm nhạc cổ điển quá khuôn khổ, gò bó, do đó, bản thân anh rất muốn thoát ra khỏi những chuẩn mực và khuôn phép ấy.

Chính từ nhu cầu nội tại của nghệ sĩ, về bình diện xã hội, âm nhạc thể nghiệm đồng thời xuất hiện ở nhiều khu vực nghệ thuật khác nhau.

Nguồn thứ nhất xuất phát từ những nghệ sĩ có phông nền là âm nhạc cổ điển như nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc. Tuy nhiên, Vũ Nhật Tân và Kim Ngọc đi theo hai lối khác nhau. Nguồn thứ hai, từ các nghệ sĩ tạo hình, đại diện tiêu biểu là họa sĩ Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Mạnh Hùng. Nguồn thứ ba, là người đến từ khu vực pop music nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi các trào lưu âm nhạc điện tử thế giới như nhạc sĩ Đoàn Trí Minh (tuy nhiên, một số nghệ sĩ nhìn nhận Trí Minh như một DJ hơn là nhạc sĩ của dòng thể nghiệm, bản thân anh cũng từng thú nhận chỉ dám thỉnh thoảng đưa chút thể nghiệm vào tác phẩm vì còn chịu nhiều sức ép từ thị trường). Nguồn thứ tư khởi phát từ dòng nhạc truyền thống dân tộc như nhạc sĩ SonX. Chính từ bốn nguồn này đã tạo ra những phong cách riêng biệt trong âm nhạc thể nghiệm tại Việt .

Một yếu tố xúc tác tạo nguồn không kém phần quan trọng, mang tính khách quan là sự tiếp xúc (hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp) của các nghệ sĩ Việt với các nguồn âm nhạc và nghệ thuật đương đại của thế giới.

Trường hợp của Kim Ngọc và Vũ Nhật Tân có cột mốc là sự trở về của nhạc sĩ Việt kiều Tôn Thất Tiết và những chuyến viếng thăm của các nhạc sĩ - giáo sư âm nhạc tại các quốc gia phương Tây phát triển vào những năm cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990: cùng với những giờ giảng ngắn hạn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là rất nhiều tư liệu băng đĩa, tổng phổ về âm nhạc đương đại thế kỷ 20.

Trường hợp của Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Văn Cường cũng tương tự, nhưng là sự tiếp xúc với nghệ thuật thị giác của châu Âu thế kỷ 20 với một loạt những thể loại lần đầu tiên ra đời như Sắp đặt (Installation), Đột biến (Happening), Nghệ thuật trình diễn (Performance art)... mà trong đó sound art hay trình diễn với âm thanh là một bộ phận.

Có thể nhận thấy một vài nghệ sĩ Việt có tư tưởng cấp tiến sau khi được tiếp cận với âm nhạc đương đại bằng nhiều nguồn khác nhau đã tiến hành những hoạt động âm nhạc thể nghiệm đơn lẻ của mình.

                                                                                                                  Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng