Văn nghệ trong nước
Hoang tàn nhà cổ cụ Vương!
14:59 | 13/04/2009
Đã gần 13 năm, kể từ ngày cụ Vương Hồng Sển tạ thế, ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của cụ đã trở nên hoang tàn như vô chủ, nguy cơ sụp đổ chỉ là chuyện sớm muộn
Hoang tàn nhà cổ cụ Vương!
Nội thất gian nhà chính ngổn ngang sách

Chúng tôi tìm đến Vân đường phủ của cụ Vương tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh- TPHCM vào những ngày đầu tháng 4, sau gần 13 năm cụ Vương Hồng Sển tạ thế. Ông đã để lại ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi cùng những cổ vật có giá trị với di chúc hiến tặng cho Nhà nước để xây dựng nhà lưu niệm Vương Hồng Sển. 


Sân vườn có 7 gốc mai đã bị bứng, dãy sáo trước nhà bị vẹt ra để làm lối đi, nơi chứa hàng hóa..., quang cảnh nhà cổ cụ Vương quá tiêu điều. Ảnh: T.HIỆP

Cảnh vật tiêu điều

Khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục những người tạm trú ở đây mở cổng cho vào bên trong để tham quan ngôi nhà. Khung cảnh tiêu điều vắng vẻ khiến những ai đã từng một lần đến nhà cụ Vương đều không khỏi chạnh lòng. Vườn cây nhà cụ Vương được xem là độc nhất vô nhị tại TPHCM với nhiều gốc mai quý (loại mai bảy cánh nở suốt bốn mùa) đã được cụ Vương trồng từ khi có ngôi nhà này - nay đã không còn. Sân trước ngôi nhà đã trở thành kho chứa đồ; lều bạt của những người vô gia cư mọc lên.  Xót xa nhất là ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng. Cột, kèo, đòn tay nhiều nơi bị mối đục thủng. Cây đòn dông của gian nhà chính đã mục nát từ lâu. Mái ngói hư hỏng nặng nên những khi mưa lớn nền nhà ngập nước. Những cánh cửa được chạm khắc tinh vi đã bị cong vênh, mỗi lần mở đóng rất khó khăn. Dải hành lang trở nên chật hẹp, mái ngói hành lang bị  xiêu vẹo, lối đi ngổn ngang gạch ngói. Hàng hiên trước của ngôi nhà bị biến thành kho chứa đồ, những tấm song bằng gỗ đã bị đập gãy để làm lối ra vào. 

Quyết định số 140/2003/QĐ-UB của UBND TPHCM ghi rõ: “Xếp hạng di tích cấp TP đối với: Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển, số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh- TPHCM. Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ”.

Bên trong nhà mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc; những cuốn sách bị rơi vãi khắp nơi. Buồn nhất là bàn thờ của cụ Vương và bà Năm Sa Đéc – vợ của cụ – một nghệ sĩ tiên phong của sân khấu cải lương- nhạc tài tử Nam Bộ, nằm ở gian chính, nguội lạnh khói hương. Ngôi nhà đã hoàn toàn xuống cấp và sớm muộn sẽ sụp đổ vì không ai chăm sóc đã gần 13 năm nay.

Một di sản vô giá đang thoi thóp

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: “Ngôi nhà của cụ Vương Hồng Sển là dạng nhà cổ xưa có niên hạn hơn 100 năm. Qua nghiên cứu, tôi được biết ở Thủ Dầu Một - Bình Dương hiện nay vẫn còn một số ngôi nhà cổ tương tự được giữ gìn cẩn thận, được nâng cấp, sửa chữa mỗi năm”.

Khác với những ngôi nhà cổ khác, ngôi nhà này còn có những giá trị phi vật thể khác. Đó là cụ Vương Hồng Sển và những di sản quý giá khác của cụ đã để lại cho đời.

Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn, người được cụ Vương Hồng Sển nhận là học trò, sát cánh bên cụ hơn 50 năm, đã cho biết: “Sau năm 1975, nhiều nhà sưu tập khác có dính dáng đến việc mua bán cổ vật đã không giữ được nguyên vẹn bộ sưu tập của mình, nhưng cụ Vương đã giữ gìn được vì cụ là một nhân sĩ có uy tín và cho đến năm cụ 90 tuổi, cụ vẫn hết lòng say mê nghiên cứu cổ vật, xem đó là đời sống thiêng liêng của cụ”.


Mái ngói bị thủng, nên mỗi khi trời mưa
gian nhà bị ngập nước


Căn nhà cổ cùng những giá trị của nó đủ sức hấp dẫn bất kỳ ai khi đến TPHCM, nhất là đối với du khách ngoài nước. Thay vì khai thác ngôi nhà cụ Vương để phát huy giá trị của nó, người ta đã lạnh lùng để mặc nó sống thoi thóp như hiện trạng hôm nay.

Nét đẹp tiêu biểu kiến trúc cổ

Sinh thời, cụ Vương đặt tên khu nhà cổ này là Vân đường phủ. Nơi đây vào 33 năm trước, nhà nghiên cứu mỹ thuật James D.Hollan đã đến viếng và khen Vân đường phủ là một điển hình về thẩm mỹ của nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam, với các chi tiết mỹ thuật mang giá trị lịch sử văn hóa. Khi về nước, Hollan đã viết một bài báo đăng trên tạp chí Arts of Asia, số tháng 3 và 4- 1972, mô tả lại cách bài trí những đồ cổ quý giá tại khu nhà này, từ vị trí đặt để cái độc bình, ấm trà, chén đĩa bằng sứ, hoặc bằng ngà ngọc, được chế tác từ Việt Nam và Trung Quốc, đến các loại bàn ghế, giường tủ, các đĩa cẩn ngọc trai lớn; tất cả đều theo một nghệ thuật sắp xếp tinh tế, sao cho người xem không có cảm giác chủ nhân là người khoe của, giăng đồ xưa ngồn ngộn khắp nơi.

Hồng Hạc

                                                                                                                 Theo NLĐO

Các bài mới
Các bài đã đăng