Văn nghệ trong nước
16:21 | 13/04/2009
Như đã thông tin từ số báo trước, khi về khảo sát tại chùa Bút Tháp nhằm làm rõ vì sao di tích này vẫn còn đẹp, chúng tôi bất ngờ nhận thấy bộ phận ngọn của tháp đá Tôn Đức trong nội tự của chùa đã bị dỡ ra, và đang được che đậy bằng tấm bạt công nghiệp.
Khối kiến trúc đá cổ có khắc chữ Hán bị dùng làm vật kê chân cột giàn giáo.

Bao quanh và vin dựa trực tiếp vào ngôi tháp vẫn còn hệ thống giàn giáo bằng gỗ tạp. Tìm hiểu kỹ thì lộ ra một sự bất ngờ: Người ta đã tự ý tháo dỡ ngọn tháp này để trùng tu!

Sáng sớm 10.4, chúng tôi một lần nữa trở lại chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, Thuận Thành-Bắc Ninh) để tìm hiểu hiện trạng tháp đá Tôn Đức cũng như quy trình “tu bổ, tôn tạo” công trình này. Nói đến ngôi tháp đá Tôn Đức thì những ai đã quan tâm, đặc biệt là những hoạ sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật chuyên nghiệp đều biết chắc rằng đây là công trình kiến trúc bằng đá có giá trị nghệ thuật đặc sắc được khởi dựng từ năm 1660. Trên một số mặt của tháp khắc những dòng chữ Hán kể lại cuộc đời sư Minh Hạnh và việc dựng tháp tàng xá lị. Vì những giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật như vậy của ngôi tháp cho nên mọi sự can thiệp dù nhỏ nhất nhằm giữ độ bền chắc cho công trình đòi hỏi phải có sự thận trọng cao với giải pháp tu bổ, tôn tạo đảm bảo tính khoa học và đầy đủ quy trình được pháp luật quy định. Tuy nhiên, mọi việc ở đây lại diễn ra rất... bất thường.

Quan sát hiện trạng của ngôi tháp hiện nay nhiều người đều có một cảm giác xót xa. Phần trên của ngọn tháp đã bị dỡ tung. Nằm sát dưới chân tháp hiện nay là khối kiến trúc bằng đá, và đó có thể là nắp trên cùng của tháp không được bảo vệ (?). Phía trên ngọn tháp (đã bị dỡ ra) được những người thi công phủ lên tấm bạt công nghiệp bay phần phật trước gió. Khả năng chống nắng, mưa rất hạn chế. Một khách tham quan nhận xét: “Nếu trời đổ mưa thì nước sẽ trút thẳng vào tháp vì tấm bạt không được che chắn kín. Bị tụ nước, tháp sẽ bị vỡ”. Đáng sợ không kém, bao quanh và vin dựa trực tiếp vào ngôi tháp là hệ thống giàn giáo bằng gỗ tạp. Có rất nhiều thang gỗ giàn giáo được đặt trực tiếp lên ngôi tháp. Nếu không biết nhiều về quy chế trùng tu di tích thì nhìn qua hệ thống giàn giáo này ai cũng cho rằng nó bình thường và không có tác động gì tới kiến trúc tổng thể của ngôi tháp. Nhưng khi quan sát kỹ thì thấy hệ thống giàn giáo được dựng vin dựa trực tiếp vào thân tháp, và như thế nó sẽ tác động rất lớn vào sự chịu lực của công trình khi có người hoặc rất nhiều người đứng trên giàn giáo, bưng bê vật liệu để trùng tu. Đây là điều tối kỵ. Và cũng không thể lý giải là bất khả kháng. Xin nhấn mạnh, ngôi tháp này được khởi dựng cách nay gần bốn thế kỷ và mọi sự can thiệp không tuân theo những biện pháp khoa học sẽ dễ xảy ra những sự cố đáng tiếc. Nên biết rằng khi dựng giàn giáo trùng tu di tích, đặc biệt ở đây là ngôi tháp thì người ta phải thiết kế giàn giáo tách hẳn (không đụng chạm) với công trình.

Chưa dừng lại ở đó, trong khi xem xét hiện trường "trùng tu", chúng tôi phát hiện một khối đá cổ, tạm gọi là “tấm bia” bốn mặt hình vuông bị những người trùng tu công trình dùng làm vật kê chân cột giàn giáo. Quan sát bên ngoài thì nó giống với khối đá bình thường bởi trên đó bị bụi, vôi vữa phủ mờ. Nhưng xem kỹ thì ở bốn mặt của “tấm bia” đều chạm khắc chữ Hán. Chưa biết những chữ Hán đó có nội dung gì, song có một điều chắc chắn rằng, đây là khối kiến trúc đá cổ được khắc chữ Hán trên bốn mặt, có giá trị nhất định về lịch sử, văn hoá đã bị nhóm thi công dùng làm vật kê giàn giáo để tu bổ, tôn tạo ngọn tháp. Nhiều người có mặt đã tỏ thái độ bất bình với kiểu ứng xử và xử lý trong việc “trùng tu” này. Ngoài ra, nhiều viên đá được lấy ra từ trong ngọn tháp vứt ngổn ngang dưới nền tháp.


Hiện trạng tháp đá Tôn Đức sau khi bị dỡ ngọn và bị đình chỉ "trùng tu". (Ảnh chụp vào sáng 10.4.2009)

Hỏi những người trong chùa rằng, “vì sao việc tháo dỡ hay trùng tu tháp đá Tôn Đức lại bị dở dang như vậy?” thì chúng tôi không nhận được câu trả lời  thoả đáng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì được biết, ngày 14.1.2009, nhà sư Thích Thanh Đông và ông Phan Cẩm Thượng đã làm “Đơn xin phép trùng tu tháp đá Tôn Đức” gửi Vụ trưởng Vụ Bảo tồn bảo tàng (xin lưu ý: tên gọi cơ quan này đã không còn cách đây gần mười năm), Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Thuận Thành và Ban quản lý chùa Bút Tháp (không gửi Sở VH,TT&DL, cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh). Đơn có xác nhận của UBND xã Đình Tổ. Trong đơn có đoạn viết: “Là một nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ chuyên nghiệp, có tay nghề thực hành, tôi xin đảm bảo công việc trùng tu sẽ được tiến hành tốt đẹp”.  Không biết “công việc trùng tu sẽ được tiến hành tốt đẹp” đến đâu nhưng sau hai ngày tiến hành dỡ ngọn tháp để “trùng tu”, được tin báo của nhân dân sở tại, ngày 16.3.2009, Phòng Văn hoá-Thông tin huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cùng chính quyền xã, thôn bất ngờ xuống lập biên bản kiểm tra hiện trạng. Trong biên bản này không thấy sự hiện diện của nhà chùa và của ông Phan Cẩm Thượng là hai người đứng đơn xin trùng tu mà chỉ có thợ sửa chữa tháp là ông Nguyễn Văn Thạo.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, hiện việc trùng tu tháp đá Tôn Đức đã tạm thời bị đình chỉ vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chưa làm đầy đủ thủ tục theo đúng quy trình đã được pháp luật quy định. Nói cách khác, người ta đã tự ý, tuỳ tiện tháo dỡ để trùng tu tháp đá Tôn Đức khi chưa tiến hành những quy trình nghiêm ngặt về chuyên môn theo quy định và khi chưa được cấp thẩm quyền và các cơ quan chức năng phê duyệt.

Cũng xin được nói thêm: họa sĩ, nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng là một trong những người đã tham gia viết trong loạt bài phê phán hiện tượng trùng tu, tôn tạo dẫn đến làm sai lệch nguyên trạng của di tích đăng trên báo Tuổi Trẻ (TP.HCM) gần đây (số ra ngày 27.3.2009). Cũng ở số báo này, họa sĩ Lê Thiết Cương có bài viết: Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích. Còn bài  viết của tác giả Phan Cẩm Thượng có tựa đề: Thật thảm hại!

“Phát hiện” cổ vật ở chùa Bút Tháp như thế nào?

“Biên bản về việc xác định cổ vật trên tháp Tôn Đức” do Ban quản lý di tích tỉnh, UBND huyện Thuận Thành, UBND xã Đình Tổ và những người có trách nhiệm liên quan lập vào hồi 17h5’ ngày 17.3.2009 cho biết: “Trong khi đang trùng tu sửa chữa ngọn tháp Tôn Đức sau chùa Bút Tháp, tổ thợ đã phát hiện một số cổ vật nằm trên tháp... Các cổ vật gồm hai quyển kinh cổ chiều rộng 14,5cm, chiều dài 25cm. Một quyển gồm 30 trang lá đồng, quyển còn lại gồm 24 trang lá đồng. Nay đoàn kiểm tra đã xác định và thống nhất đưa cổ vật về Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh để bảo quản”.

Cũng cần nói thêm rằng, việc bất ngờ phát hiện những cổ vật này là do “người trực tiếp hưng công tu bổ” là ông Phan Cẩm Thượng và tốp thợ đã tự ý tháo dỡ ngọn tháp đá Tôn Đức để “trùng tu” khi chưa có đầy đủ thủ tục cần thiết và được cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản. Cụ thể hơn, cũng tại biên bản này ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Thành chỉ đạo UBND xã Đình Tổ phải bảo vệ nghiêm ngọn tháp đang sửa chữa; nhanh chóng làm các thủ tục xin trùng tu gửi về Phòng VH-TT huyện.

Ngày 30.3 vừa qua, Sở VH,TT&DL Bắc Ninh có văn bản gửi Cục Di sản văn hoá (Bộ VH,TT&DL) trong đó cho biết: Hiện nay cổ vật trên ở Bảo tàng Bắc Ninh. Qua giám định ban đầu được biết, đó là 2 quyển sách bằng đồng gồm 55 tờ có khắc chữ Hán ở 2 mặt, 2 tờ bìa không khắc chữ Hán, kích cỡ mỗi tờ sách đồng bằng nhau (14,4x25cm). Trong khi đó quyển gồm 23 tờ sách đồng có tên “Đại phương Quảng Hoa nghiêm kinh Hải hội Phật” và niên đại ghi khắc năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660). Một quyển gồm 33 tờ sách đồng, chưa rõ tên. Trạng thái bảo quản của hiện vật còn nguyên vẹn các trang đồng, xung quanh đã bị hoen rỉ, chữ Hán khắc còn rõ nét. Hiện Sở đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn xử lý hiện vật, in ấn, chụp ảnh, đo vẽ để làm tư liệu cho hồ sơ hiện vật và cơ sở khoa học để phục chế, dịch nghĩa toàn bộ 2 quyển sách này.

Đọc kỹ hai văn bản nêu trên chúng tôi thấy số liệu khá khác nhau, thậm chí trong cùng một văn bản cũng thể hiện sự thiếu đồng nhất: Tại văn bản biên bản có viết “một quyển gồm 30 trang lá đồng, quyển còn lại 24 trang lá đồng”. Nhưng chiếu sang văn bản của Sở VH,TT&DL lại thấy ghi: “Trong đó một quyển gồm 23 tờ sách đồng... Một quyển gồm 33 tờ sách đồng”. Cũng trong văn bản này của Sở có nói “2 quyển sách đồng gồm 55 tờ có khắc chữ Hán”, nhưng cộng một quyển gồm 23 tờ với một quyển gồm 33 tờ lại thành 56 tờ sách đồng chứ không phải là 55 tờ nữa. Vì sao lại có những số liệu khác nhau như vậy? L.S

                                                                                                                      Theo VHO

Các bài mới
Các bài đã đăng