Văn nghệ trong nước
Nghe hát chầu văn, nghĩ về văn hóa cổ truyền
14:44 | 14/04/2009
Có lẽ chưa bao giờ tư gia của GS.TS Trần Văn Khê lại chật kín như tối 4-4 vừa qua, khi nhiều bậc cao niên lẫn đông đảo bạn trẻ và cả khách nước ngoài đều đến nghe nhà nghiên cứu này giới thiệu đôi nét về chầu văn - một loại hình âm nhạc vốn rất kén khán giả - nhìn dưới góc độ sinh hoạt văn hóa cổ truyền của Việt Nam.
Nghe hát chầu văn, nghĩ về văn hóa cổ truyền
GS.TS Trần Văn Khê thử tài cung văn với đàn nguyệt

Chầu văn - kết tinh của văn hóa và tín ngưỡng

Chầu văn (cùng một thể loại với hầu văn của miền Trung và rỗi bóng ở miền ) là sinh hoạt văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh người Việt cổ. Hát chầu văn hay còn gọi là hát văn, xưa kia chủ yếu lưu hành trong các nghi lễ thờ cúng ở đền miếu, phủ chùa tại miền Bắc. Nghệ thuật dân gian này mang màu sắc tín ngưỡng đậm nét nên có nhiều nghi thức lễ nhạc, mà nghi thức chủ đạo là lên đồng (còn gọi là hầu đồng hay hầu bóng).

 
Cung văn Vũ Huy Dự giải thích về những làn điệu, lời ca trong bài hát văn
Xưa kia, dân gian Việt theo tín ngưỡng tứ phủ (thờ trời, đất, núi, sông) tin rằng nghi thức lên đồng giúp họ có thể giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng hay bà đồng. Hầu đồng không phải ai muốn làm cũng được bởi chỉ những người có cơ duyên đặc biệt mới được thần linh nhập hồn vào xác để ban phúc lộc cho người đời, trừ tà, chữa bệnh...

Các đối tượng chầu của chầu văn cổ truyền là những nhân vật trong tín ngưỡng tứ phủ gồm có Mẫu Thượng thiên (Mẹ trên trời, mặc áo đỏ), Mẫu Địa (Mẹ đất, mặc áo vàng), Mẫu Thượng ngàn (Mẹ núi rừng, mặc áo xanh lá cây), Mẫu thoải (Mẹ nước, mặc áo trắng), ngoài ra còn có các quan hoàng, các cô và các cậu.

Trên hết trong số các vị ấy là Đức Thánh Trần (tức Trần Hưng Đạo) và Bà Chúa Liễu Hạnh - hai nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ XVI và XIX. Từ đó, nhiều nhà nghiên cứu suy đoán rằng chầu văn có xuất xứ sớm nhất khoảng cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, muộn nhất cũng vào khoảng từ cuối thế kỷ XVI. Đến nay, sau hơn ba trăm năm có lẻ, chầu văn đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng vẫn giữ được hồn Việt thuần nhất, mộc mạc, nhưng cũng rất đa diện, phong phú.

Dù từng có thời kỳ cực thịnh vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhưng từ sau năm 1954, chầu văn dần dà mai một vì những màu sắc tôn giáo, lễ nghi của hầu đồng bị xem là mê tín dị đoan. Nhờ cố gắng của nhiều người trân trọng nghệ thuật cổ truyền dân tộc, hiện nay chầu văn đã được khôi phục, trở lại vị trí xứng đáng trong di sản văn hóa Việt . Từ vai trò như một nghi thức nhạc lễ ở đền miếu để con người giao tiếp với thần thánh, chầu văn đã bước vào sân khấu nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân.

Loại hình nghệ thuật này đòi hỏi cũng lắm công phu vì bao gồm cả ca, vũ, nhạc và lễ, thông qua lời hát, tiếng đàn của người cung văn mà hầu đồng mới có thể nhập đồng hiển thánh. Cung văn là những người vừa hát giỏi, vừa chơi nhạc khí hay và phải biết nhiều làn điệu để chuyển đổi linh hoạt, uyển chuyển cho phù hợp từng cảnh, từng đoạn trong buổi lên đồng.

Bên cạnh nhạc khí chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt, còn có bộ gõ gồm trống, thanh la, thỉnh thoảng cũng có đàn nhị hoặc ống sáo. Nghệ thuật gõ thanh phách, thanh la và nhịp trống trong chầu văn rất tinh tế và độc đáo, đòi hỏi nhạc công phải có trình độ kỹ thuật điêu luyện. Chính vì vậy nên không khí, nhịp điệu trong hát văn ngược hẳn với không khí, nhịp điệu lúc bổng lúc trầm, ai oán não nuột của ca trù.

Âm nhạc chầu văn mang tính chất sôi nổi, náo động, cộng thêm tiếng trống phách, thanh la rộn ràng khiến cho buổi hầu đồng luôn tưng bừng, ồn ã. Do vậy, có thể xem hình thức diễn xướng dân gian này là một nghệ thuật tổng hợp, tinh tế và không thua kém gì những thể loại nghệ thuật bác học hiện đại.

Hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ lên đồng, mà còn được coi như hình thức ca nhạc dân gian vui tươi, lành mạnh. Sở dĩ như vậy là vì nét sinh hoạt cộng đồng này đan quyện cả yếu tố tín ngưỡng lẫn văn hóa và nhiều người nhìn nhận rằng chầu văn đã bước từ chốn thiêng ra cõi tục.

Đôi điều suy ngẫm
 

Nghi lễ lên đồng được tái dựng trang trọng,
mang màu sắc tín ngưỡng - văn hóa


Với phần minh họa của các nghệ sĩ tại buổi nói chuyện “Đôi nét về chầu văn”, người nghe như bị cuốn vào cơn lên đồng nửa mê, nửa tỉnh, nửa người, nửa tiên. Giọng hát của cung văn mộc mạc, chân phương, nhưng không kém phần ma mị, chậm rãi, lúc khuất khúc bí ẩn, lúc đủng đỉnh thanh tao, gần gũi mà siêu thoát, trần tục mà tiêu dao. Những ai đã quen với bộn bề tất bật của đời sống đô hội bỗng thấy lòng xốn xang khi nghe câu hát chầu văn, vì phảng phất đâu đó là hồn thiêng sông núi như nhắc nhở con cháu đời sau giữ gìn di sản dân tộc, văn hóa cổ truyền mà ông cha để lại.

Tuy nhiên, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng nhạc lễ thiêng liêng như chầu văn không nên phổ quát rộng rãi trong đời sống, vì như thế sẽ làm “tục hóa” sinh hoạt tín ngưỡng này. GS.TS Trần Văn Khê đã trao đổi về vấn đề gây tranh cãi này dưới góc nhìn của một nhà dân tộc học suốt đời đau đáu giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống. Ông nói: “Tồn cổ nhưng không được nệ cổ. Canh tân không có nghĩa là ngoại lai”. Cần trân trọng di sản ngàn xưa của dân tộc, nhưng cũng phải biết mang vốn quý ấy theo kịp nhịp phát triển của xã hội. Sáng tạo cái mới phải xuất phát từ tấm lòng, từ nhu cầu tự thân vận động của truyền thống chứ không thế vay mượn bừa bãi, lai căng văn hóa.

Giáo sư cho biết điều mong mỏi nhất của ông hiện giờ là được nhìn thấy giới trẻ tiếp bước giữ gìn, yêu mến văn hóa cổ truyền, âm nhạc dân tộc Việt . Để được như vậy, không chỉ riêng ông, mà lớp người đi trước phải cùng nhau giúp cho thế hệ trẻ biết hiểu, biết thương và học tập vốn quý của ông cha, để không sa đà vào những hào nhoáng bên ngoài của cuộc sống hiện đại.

Những bạn trẻ đến dự buổi sinh hoạt “Đôi nét về chầu văn” hẳn cũng cảm nhận được tấm lòng của vị giáo sư một đời vì âm nhạc truyền thống, nên cũng dần dà say mê thể loại âm nhạc “mới được nghe lần đầu” này. Nhiều bạn cũng lắc lư, lung lay theo từng nhịp nhảy múa của cô hầu đồng hay vỗ tay không dứt trước những câu hát cao trào của cung văn. Các câu hỏi liên tiếp đặt ra xoay quanh nghệ thuật chầu văn chứng tỏ giới trẻ đang thật sự dành nhiều quan tâm và ham học hỏi về văn hóa truyền thống dân tộc. Bởi lẽ nghệ thuật đích thực và văn hóa truyền thống không bao giờ bị mất đi trong dòng chảy bất tận của thời gian. Nó vẫn còn lại với những người say mê, đồng điệu và trân trọng nét đẹp mang hồn xưa cũ của dân tộc.

                                                                                                           Theo DNSG Cuối tuần

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
(13/04/2009)