Tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đang triển lãm tranh cổ động VN “Một khí thế cách mạng” với khoảng 70 bức tranh cổ động trong giai đoạn từ những năm 1950 đến đầu những năm 1980.
Ðây là cuộc triển lãm khá đặc biệt trưng bày một dòng tranh (được tái tạo với kích thước lớn: 2,1x1,2m) mà ta tưởng như rất quen thuộc, có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó trong cuộc sống cách đây hơn 20 năm nhưng hiếm có ai đó nghĩ đến, lưu giữ và có một nghiên cứu kỹ càng để khái quát những bước phát triển của loại hình tranh đặc biệt này.
Người cất công sưu tầm, lưu giữ và nghiên cứu dòng tranh cổ động VN là ông Dominic Scriven, Obe (người Anh). Năm 1990, Dominic sang VN để tìm hiểu, năm 1991 ông trở thành sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông nhớ lại: “Thuở ấy ở Hà Nội không có màu sắc của các bảng quảng cáo, đi đâu cũng chỉ thấy những tấm apphich tranh cổ động. Những hình ảnh ấy đã tạo ấn tượng mạnh và trở thành ký ức khó quên trong tôi.
Vậy là tôi đã có suy nghĩ tìm kiếm và cất giữ lại những bản tranh cổ động gốc”. Dominic cho biết ông cũng có để ý đến tranh cổ động của Nga, Trung Quốc và các nước Ðông Âu nhưng vẫn bị dòng tranh của VN thu hút bởi nó mang rõ nét tính cổ động.
Theo họa sĩ Phạm Thanh Tâm, tranh cổ động là “dùng một hình tượng rất lớn, ngắn gọn với khẩu hiệu để tuyên truyền cho người ta làm theo về một ý gì nhất định mà số đông người có thể hiểu và làm ngay”.
Mặc dù mang tính chất hiện thực như thế nhưng ông Dominic cho rằng nhiều bức tranh cổ động VN không chỉ dừng ở tuyên truyền mà còn có giá trị thẩm mỹ cao, xứng đáng được lưu giữ và nâng niu.
Hơn 10 năm qua, Dominic là người sáng lập Dogma Collection (bộ sưu tập Dogma) mà theo ông, đây là một sự cố gắng để tham gia cùng mỹ thuật VN. Hơn 1.000 bức tranh cổ động VN mà ông sưu tập, nghiên cứu được cũng là một phần của Dogma Collection, bên cạnh giải thưởng Chân dung tự họa Dogma Prize được tổ chức đã ba năm nay.
Sau đó ông đã gặp gỡ họa sĩ người Ý Richard di San Marzano, người đồng cảm và đồng hành cùng ông trong sự phát triển Dogma Collection.
Ông Richard cùng sự hỗ trợ của Công ty Mekong Artists do nghệ sĩ Linh Huyền làm giám đốc đã hợp sức trong quá trình nghiên cứu và tổ chức buổi triển lãm để giới thiệu dòng tranh cổ động đến với công chúng VN.
Xem trưng bày “Một khí thế cách mạng” lại gặp những câu chuyện lịch sử, những lời kêu gọi quân và dân nêu cao tinh thần cảnh giác bảo vệ biên giới, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số... Những khẩu hiệu chiến đấu “Sức mạnh nhân dân vô địch”, “Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”, “Người Tây nguyên một lòng theo cách mạng”... bên cạnh không khí sản xuất hối hả “Tiến quân vào vùng hoang vắng biến rừng núi thành đồng lúa”, “Phấn khởi thu hoạch thắng lợi con đường hợp tác vinh quang”... như lan tỏa vào người xem cái hồn cốt của người Việt, tình yêu hòa bình của dân tộc ta.
Họa sĩ Lương Xuân Ðoàn, phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, tâm sự:
“Nhìn những bức tranh cổ động với nét bút, mảng màu, chữ vẽ tay hết sức biểu cảm, trong tôi có rất nhiều cảm xúc. Có những giá trị lịch sử không bao giờ lặp lại. Những thế hệ họa sĩ cha chú đi trước đã thực hiện những tác phẩm này trong điều kiện hết sức khó khăn. Dòng tranh cổ động cũng đang mất dần và những họa sĩ sau này chắc khó có thể vẽ được những bức tranh như thế!”.
Triển lãm “Một khí thế cách mạng” còn giới thiệu 33 con tem mà Dominic đã mua được từ một cuộc đấu giá ở Anh cách đây hơn hai năm.
Những con tem này chủ yếu in lại các hình ảnh tranh cổ động VN, đặc biệt có con tem in hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên giấy tre, lần đầu tiên trình làng với công chúng VN.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 19-1.
Theo Linh Đoan - TT