Văn nghệ trong nước
Thấy gì sau bộ sưu tập áo dài “cổ” trưng bày tại Hà Nội?
10:30 | 23/01/2015

Thái Kim Lan sinh ra ở Huế nhưng phần lớn cuộc đời định cư ở Đức, bà mang theo bên mình 11 chiếc áo dài thời Nguyễn, giữ gìn như bảo vật. Và lần này, bộ sưu tập cùng chủ nhân của nó đang có mặt tại Hà Nội trong cuộc triển lãm “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh”.

Thấy gì sau bộ sưu tập áo dài “cổ” trưng bày tại Hà Nội?
Bà Thái Kim Lan

Sắc màu lồng lộng

Phòng triển lãm trưng bày bộ sưu tập áo dài lễ phục thời Nguyễn của bà Thái Kim Lan đang diễn ở Viện Goethe (Hà Nội) trong vòng nửa tháng, từ 16 đến 30.1. Đó là một không gian vô cùng đặc biệt mà nghệ sĩ sắp đặt người Đức Veronika Witte đã vô cùng dụng công thực hiện. Toàn bộ sàn phòng trưng bày được kết lại từ hàng ngàn chiếc đòn gánh tre lật ngửa, người vào xem áo dài phải bước rất nhẹ chân nhưng vẫn có được cảm giác như sàn nhà đang rung rinh dưới chân mình, như đang được gánh đi bởi hàng triệu chiếc đòn gánh tre kĩu kịt trên đôi vai của biết bao thế hệ người Việt.

Trên cái sàn phòng vô cùng ý nghĩa đó, 11 chiếc áo dài quý hiếm và duy nhất hiện nay về áo dài thời Nguyễn được trưng bày, phô diễn đủ vẻ lộng lẫy và sắc màu yêu kiều. Màu vàng nghệ, màu xanh vân ngọc, màu áo hoàng bào, màu lửa lựu, màu tím cẩm của gấm the, màu cốm già, màu xanh rêu, màu đỏ tía… tất cả đã hòa thành một bản tổng phổ màu sắc mà chủ nhân của nó đã đặt tên cho cuộc trưng bày này: “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh”.

Giữa những chiếc áo dài độc nhất vô nhị đã từng được Vua Khải Định, Hoàng thái hậu, các bậc hoàng tử, vương tôn, mệnh phụ triều Nguyễn khoác lên ấy, bà Thái Kim Lan xuất hiện, mang đến một phong cách Huế vô cùng thuần chất. Bà mặc chiếc áo dài bằng nhung the màu tím đậm, khoác chiếc khăn san, cổ đeo chiếc kiềng bạc và chân mang đôi hài nhung đen. Thật lạ kỳ vì phần lớn cuộc đời sống ở thành phố Munich (Đức), làm giảng viên môn triết học tại các trường đại học, vậy mà chất Huế, chất Việt Nam ở người phụ nữ này vẫn còn thật nồng đượm.

Cất giọng Huế nhẹ nhàng, phong cách khoan thai, bà Thái Kim Lan cho biết: “Khi được Viện Goethe ngỏ lời đề nghị làm cuộc triển lãm này tại Hà Nội, tôi rất sẵn lòng, bởi tôi nghĩ, bộ sưu tập 11 chiếc áo dài thời Nguyễn này không chỉ là bảo vật của tôi, mà nó còn là của chung người Việt, nền văn hóa Việt, tại sao không mang ra cho mọi người cùng chiêm ngưỡng?”. Một điều rất may mắn là bộ sưu tập này của bà Kim Lan đã theo bà “định cư” ở Đức, nơi có khí hậu khô, lạnh, rất tốt cho việc bảo tồn, còn với điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, không biết điều tồi tệ nào có thể đã xảy ra với những chiếc áo vô cùng quý hiếm. Bà Kim Lan kín đáo chỉ cho tôi thấy những chỗ đường vải hơi sờn lên một chút trên cổ chiếc áo mệnh phụ: “Từ hôm đem về Việt Nam, với khí hậu ẩm nồm, chiếc cổ áo đã bị hơi mục đường chỉ thế này” - gương mặt bà không giấu nổi vẻ xót xa.

Chiếc áo cưu mang

“Vì sao bà lại có ý định sưu tập những chiếc áo dài này?”. Tôi hỏi, và bà Kim Lan trả lời: “Chiếc áo dài gắn bó với cuộc đời của tôi, một nữ sinh Trường Đồng Khánh. Khi tôi đi du học ở Đức, tôi mang theo áo dài, mỗi lần bận chiếc áo dài vào, bạn bè phương Tây nhìn tôi với một đôi mắt khác, tôn trọng, ngưỡng mộ. Khi tôi trở về Huế hay TP.HCM, một điều tôi vô cùng ngạc nhiên là chiếc áo dài hầu như đã biến mất khỏi đời sống thường ngày, đó là một điều vô cùng đáng nuối tiếc”.

Với thế hệ những người phụ nữ sinh ở thập niên 40, 50 thế kỷ trước như bà Kim Lan, mặc một chiếc áo dài lên người cũng tự nhiên như hơi thở, như tiếng nói, như nụ cười. Bởi ho đã được giáo dục rằng mặc chiếc áo dài ngũ thân (gồm tứ thân phụ mẫu trước sau ghép lại nối liền bằng đường sống áo và một thân con tượng trưng cho người mặc) và 5 chiếc nút tượng trưng cho “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” - là mặc lên người một triết lý. Rằng chiếc áo ấy biểu hiện cho sự cưu mang của cả một thế hệ dòng dõi trên người và thể hiện mối quan hệ giữa người với người. Tiếc rằng triết lý cao đẹp ấy, người mặc áo dài đời nay ít người còn hiểu được.

Ký ức miên man đưa bà Kim Lan về lại thành nội Huế ngày xưa, bà kể, ngay sát kinh thành là những làng thêu, làng may, trong đó toàn nghệ nhân giỏi nhất nước tập hợp về, người dệt vải, người may, người thêu. Cả đời họ chỉ có nhiệm vụ duy nhất là làm ra những chiếc áo đẹp nhất, lộng lẫy nhất cho vua quan triều Nguyễn. Những chiếc áo trong bộ sưu tập của bà Kim Lan hoàn toàn làm thủ công, đặc biệt nhất là chiếc long bào của Vua Khải Định. Toàn áo được thêu hình rồng 5 móng uyển chuyển mềm mại cùng với họa tiết phong thủy, bát bửu bằng chỉ vàng, chỉ bạc và chỉ đồng tạo nên một công trình vô cùng tinh xảo và tráng lệ...

Nhìn bàn tay nâng niu của người phụ nữ “rất Huế” ve vuốt trên từng nếp áo, từng họa tiết, đường may, tôi có thể hiểu rằng trong suốt những năm tháng sống xa Tổ quốc, chính những chiếc áo dài này đã nối bà với quê hương, với tháng năm tuổi trẻ của mình. Bà Thái Kim Lan đã mang theo cả quê hương, đất nước bên mình và chạm vào nó dễ dàng mỗi khi bà chạm vào tà áo.
 

Bộ sưu tập những chiếc áo dài thời Nguyễn của bà Kim Lan gồm: Long bào Vua Khải Định, áo Vua Khải Định, áo rộng màu đỏ lửa lựu, áo dài gấm the, áo mệnh phụ, áo lụa vàng, áo dài Hoàng thái hậu, áo mệnh phụ công nương, áo gấm xanh rêu, áo xiêm, áo dài lụa vân xanh.


Nguồn: Mai An - Dân Việt

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng