Văn nghệ trong nước
Vì sao cấm khiêu vũ tại phòng karaoke?
15:49 | 15/04/2009
Quy định cấm nhảy khi hát karaoke và một số điểm mới trong dự thảo Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng của Bộ VH-TT-DL đang gây nhiều ý kiến tranh cãi.
Vì sao cấm khiêu vũ tại phòng karaoke?
Ông Lê Anh Tuyến - ảnh: Y.N

Để rộng đường dư luận, PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Lê Anh Tuyến, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ VH-TT-DL).  

* Vì sao lại nghiêm cấm các hành vi khiêu vũ tại phòng karaoke, thưa ông?
 
- Karaoke, vũ trường là loại hình dịch vụ dễ phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Vì vậy, Chính phủ đã xác định đây là loại hình dịch vụ bị hạn chế kinh doanh. Trên thực tế, nếu đàng hoàng, trong sáng thì người có nhu cầu khiêu vũ phải đến vũ trường, người muốn hát karaoke thì mới đến cơ sở karaoke. Cũng giống như anh muốn xem phim thì phải vào rạp chiếu phim, anh muốn xem kịch thì phải vào nhà hát, chứ chẳng lẽ đi xem kịch thì lại vào rạp chiếu phim? Chức năng của phòng karaoke là để hát, chứ không phải để khiêu vũ. Cấm khiêu vũ trong phòng karaoke là để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lắc, hạn chế những biến tướng, phát sinh tệ nạn xã hội. Quy định này hoàn toàn xuất phát từ cơ sở thực tế. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tụ điểm karaoke sử dụng thuốc lắc. 

* Có những người đến hát karaoke một cách lành mạnh, và cũng khó có thể ngăn được việc họ nhún nhảy theo nhạc, hoặc tụ tập bạn bè sinh nhật vừa nhảy vừa hát. Chẳng lẽ như vậy cũng là phạm luật?

- Ở đâu cũng vậy, cái tiêu cực và tích cực luôn đan xen vào nhau. Nhiều khi biết cơ quan chức năng đến thị sát thì chủ cơ sở kinh doanh chỉ phơi bày mặt tích cực, nhưng vừa đi khỏi thì tiêu cực lại nảy sinh. Tất nhiên, nếu cứ chiểu theo quy định thì hễ khiêu vũ trong phòng karaoke là vi phạm. Nhưng cá biệt, có những hành vi ít gây nguy hại cho xã hội thì sẽ không bị xử phạt. Nếu anh nhún nhảy theo nhạc mà không sử dụng thuốc lắc, không có hành vi mại dâm, không vi phạm gì thì cũng giống như anh đi xe máy ra đường mà thiếu đèn chiếu hậu hoặc không có giấy phép lái xe. Mặc dù về nguyên tắc, anh đi xe máy mà thiếu đèn chiếu hậu hoặc giấy phép lái xe thì không đúng luật. Nhưng nếu anh không vi phạm gì, cảnh sát không bắt được thì không bị xử lý.

* Nhưng cùng một nội dung "cấm" trong văn bản luật thì không thể được hiểu, được thực hiện và được xử lý theo nhiều cách khác nhau được?

- Quy định phải tính đến thực tế xã hội. Người xử lý cũng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hại cho xã hội mà xử lý. Trong hoạt động xã hội, không thể có khái niệm tuyệt đối, giống như trọng tài ngoài sân bóng. Trong văn bản chỉ ghi hành vi "cố ý dùng tay che bóng" là vi phạm luật, nhưng luật cũng chỉ quy định cụ thể đến mức đó, còn hành vi "cố ý dùng tay che bóng" là như thế nào thì phải do người thừa hành phát hiện, xử lý. Như vậy, bắt lỗi có chính xác hay không là do người thừa hành. Tất nhiên, nếu thẳng thắn ra thì về nguyên tắc có thể phạt, nhưng pháp luật ngoài lý còn có tình. Người vi phạm sẽ bị xử  phạt ở mức nào là do người thừa hành pháp luật quy định. Không có luật pháp quốc gia nào răm rắp như một cái máy.

* Ông có tính đến trường hợp người thừa hành pháp luật sẽ gây khó dễ cho những người đến phòng karaoke rồi nhún nhảy theo nhạc một cách lành mạnh chứ không sử dụng thuốc lắc, hoạt động mại dâm?

- Về nguyên tắc, vi phạm thì sẽ bị xử lý. Nhưng xử lý thế nào tùy thuộc trình độ của người xử lý. Nguyên tắc của chúng tôi là phải xử lý làm sao có lý, có tình. Nhưng ngay trong đội ngũ thanh tra cũng có những trình độ khác nhau, nhận thức khác nhau.

* Vậy ông giải thích thế nào về quy định chỉ khách sạn 4 sao, 5 sao mới được hoạt động karaoke, vũ trường từ 24 giờ đêm đến 2 giờ sáng trong khi các nơi khác phải đóng cửa. Như vậy liệu đã công bằng chưa và liệu có hạn chế được tệ nạn xã hội khi mà một số người có tiền hoặc trẻ vị thành niên lại đổ xô về khách sạn 4 sao, 5 sao để "lắc" thâu đêm?

- Quy định các cơ sở hoạt động văn hóa công cộng không được mở cửa quá 24 giờ đang được chấp hành tương đối nghiêm túc. Tất nhiên, còn có những tụ điểm vi phạm mà chúng tôi chưa phát hiện được. Nhưng quy định này không phải không có cơ sở thực tế. Hiện nay, kinh tế của chúng ta đang suy giảm, trong đó có cả kinh tế du lịch. UBND TP.HCM đã có kiến nghị mở cửa một số cơ sở hoạt động karaoke, vũ trường sau 24 giờ để thu hút khách du lịch.

Chúng tôi đã vào TP.HCM khảo sát và phát đi 1.000 phiếu điều tra cho các công ty lữ hành du lịch, các khách sạn lớn. Kết quả thu được: 77% số người được hỏi có nhu cầu tham gia hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar sau 24 giờ. Còn vì sao chỉ chọn khách sạn 4 sao, 5 sao? Có ý kiến đề nghị "mở" thêm cho 3 sao, nhưng nếu "mở" cửa cho khách sạn 3 sao thì chúng tôi phải quản lý thêm 175 khách sạn nữa và sẽ quá khả năng giám sát (đội ngũ Thanh tra văn hóa ở TP.HCM và Hà Nội chỉ khoảng 17 - 18 người; ở các tỉnh, thành khác có khi chỉ khoảng 2 người), lại tạo ra kẽ hở.

Như vậy, nếu chủ trương tốt mà biện pháp liều lượng không thích hợp thì lại biến thành chủ trương xấu. Mặt khác, những khách sạn 4 sao, 5 sao thì việc quản lý, kinh doanh cũng tốt hơn khách sạn 3 sao. Bởi vậy, chính họ phải giám sát thận trọng để giữ thương hiệu, uy tín, tránh điều tiếng. 

* Nhưng thực tế cũng đã có không ít khách sạn 4 sao, 5 sao là tụ điểm chứa mại dâm, sử dụng thuốc lắc, thưa ông?

- Nếu loại trừ hết thì chẳng lẽ không cho hoạt động nữa? Tất nhiên, làm quản lý thì biện pháp dễ nhất là cứ đóng cửa hết. Cái khó là "mở" nhưng làm sao vẫn quản lý tốt được. Vì vậy, "mở" phải có điều kiện. Hơn nữa, trên thực tế, cái tốt, cái xấu đan xen nhau, rất khó biết, khó phát hiện. Nhưng nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý. Còn chuyện trẻ em vị thành niên đi vũ trường, đi "lắc", cái này phải tăng cường giáo dục từ trong gia đình, nhà trường. 

 * Vậy vì sao khách sạn 4 sao, 5 sao chỉ được mở cửa không quá 2 giờ sáng, thưa ông?

- Ở các nước cũng chỉ quy định mở cửa đến 2 giờ sáng.

* Quy định phòng karaoke, vũ trường phải cách cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử, trường học trên 200m, nhưng ở TP.HCM có quá nhiều cơ sở chưa đáp ứng tiêu chuẩn này. Vậy sắp tới, những hộ kinh doanh này sẽ phải dừng hoạt động?

- Theo quy định, những điểm karaoke, vũ trường nói trên phải dừng hoạt động. Riêng TP.HCM có nhiều phòng karaoke, vũ trường được đầu tư xây dựng trước khi có quy định phải cách 200m, nhưng cho đến nay có nhiều hộ vẫn chưa thu được vốn. Nếu phải dừng ngay lại thì sẽ gây thiệt hại không nhỏ. Nếu Chính phủ cho phép thì có thể linh hoạt cho những hộ này hoạt động với điều kiện chưa để xảy ra sai phạm gì. Hơn nữa, hiện tại, vì TP.HCM chưa phê duyệt được quy hoạch karaoke, vũ trường nên tạm thời gia hạn cho các cơ sở đó tồn tại. 

                                                                                                                       Theo TNO

Các bài mới
Các bài đã đăng
(13/04/2009)