Chỉ là một cuốn sách ảnh, tuyển chọn những công trình tiêu biểu của một KTS, vậy nhưng đằng sau Vo Trong Nghia Architects lại là những câu chuyện khá thú vị về người khai sinh ra nó.
"Võ Trọng Nghĩa" và "kiến trúc xanh" là 2 cụm từ gắn chặt với nhau và thường xuyên xuất hiện trên báo giới trong vài năm gần đây. Và, cho dù vẫn tạo ra nhiều ý kiến khen chê, rõ ràng Võ Trọng Nghĩa đang là KTS được dư luận biết tới nhiều hơn cả, với gần 30 giải thưởng trong nước và quốc tế. Gần nhất, trong năm 2013 và 2014, Nghĩa được trao tặng danh hiệu Men Of The Year ở hạng mục Architect, do tạp chí Thể thao & Văn hóa Đàn ông tổ chức.
1. Buổi ra mắt cuốn sách ảnh Vo Trong Nghia Architects diễn ra tại Hà Nội vừa qua. Sách dày hơn 300 trang, in rất đẹp trên giấy cứng và có giá bán 300 ngàn đồng. Như lời tác giả, nếu không có sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, mức giá sẽ phải lên tới gấp 3 lần mới đủ cân bằng cho "đầu vào".
Thật ra, ngay với 300 ngàn đồng, cũng không dễ để nhiều độc giả sẵn sàng bỏ tiền mua một cuốn sách "chỉ" in những bức ảnh chụp lại các công trình kiến trúc. Thế nhưng, với con số 1 vạn bản in, cả Võ Trọng Nghĩa lẫn nhà sách Thái Hà vẫn khá tự tin vào sức tiêu thụ của nó trên thị trường. Nghĩa nói: Độc giả của anh không chỉ là sinh viên, hoặc những người làm việc trong chuyên ngành kiến trúc. Đặt trong sự phát triển của các cụm đô thị hiện đại, những người dân có nhu cầu "xanh hóa" khi xây nhà với hệ thống cây cảnh, dây leo hoặc… trồng rau cũng đều có thể tìm thấy chút ý tưởng gì đó trong cuốn sách này.
"Kiến trúc xanh không phải là cái gì đó quá xa xỉ, thậm chí có thể thực hiện được với một mức kinh phí khiêm tốn - miễn là chúng ta ý thức và chịu tính toán một chút về nó" - Võ Trọng Nghĩa trả lời khi rất nhiều độc giả hỏi anh về việc… trồng cây xanh cho căn nhà của mình.
Như lời Nghĩa, ngay cả với những căn nhà ống (chứ không phải cao ốc) một lớp chống thấm vừa phải và một lượng đất có độ dày vài chục phân đã là đủ cho những người yêu chuộng xu hướng này, miễn là biết lựa chọn loại cây trồng, cũng như hệ thống tự động tưới nước nếu khó có thời gian chăm sóc.
2. Tất nhiên, kiến trúc xanh không chỉ đơn thuần là… phủ thật nhiều cây lên các công trình kiến trúc. Xa hơn, đó là câu chuyện về việc sử dụng những vật liệu truyền thống có sẵn trong thiên nhiên, là sự hòa hợp và thân thiện với môi trường.Và trong những lời giải thích của Nghĩa, người ta thấy dấu ấn của… Thiền học - thứ mà anh say mê từ lâu.
“Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là chúng ta hãy hiểu rõ câu hỏi: Mình là ai? Tôi vẫn thường tự hỏi: Trong mỗi ngày, mình đã làm ô nhiễm môi trường tới mức nào khi đi xe, khi tắm rửa, xả nước thải hoặc làm bao hoạt động khác nữa?" - Nghĩa nói. "Khi biết mình là một sự tồn tại như thế và sẽ chấm dứt vào lúc kết thúc cuộc đời, người ta sẽ cố gắng nghĩ tới việc tìm lại sự thanh khiết cho môi trường, tới việc gắng làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn".
Khi học xong tiến sĩ và trở về từ Nhật Bản, Võ Trọng Nghĩa từng có 5 năm gần như thất nghiệp. Anh nói, đó là quà tặng mà cuộc sống dành cho mình để có thời gian ngồi ngẫm nghĩ, suy tư, tách khỏi dòng chảy thường nhật và tự xác định lại con đường đi. Và cả tính kiên nhẫn nữa. Kiên nhẫn tới mức, trong rất nhiều lần làm việc, Võ Trọng Nghĩa phải nhọc công thực hiện nhiều bản thiết kế khác nhau, để rồi từ bản này tới bản khác, từng bước thuyết phục đối tác bằng lòng bước vào phương án "chuẩn" cuối cùng.
"Thật ra, những công trình xanh luôn bắt đầu từ một điều đơn giản: chúng ta yêu mến thiên nhiên thật lòng và muốn sống cùng cây lá trong ngôi nhà của mình" - TS Phạm Thúy Loan (Phó Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia) chia sẻ trong buổi tọa đàm. "Võ Trọng Nghĩa thường biết cách khiến những ý tưởng giản dị và rất tự nhiên ấy trở nên tròn trịa, đủ độ chín, theo cách của riêng anh".
Theo Cúc Đường - TT&VH