Văn nghệ trong nước
Bảo tàng “sống”, bảo tàng “chết”: Nỗi khổ của các bảo tàng
09:01 | 16/04/2009
Mặc dù ngành bảo tàng đã được xã hội hóa nhưng hệ thống bảo tàng nước ta vẫn nằm trong diện được "bao cấp".
Bảo tàng “sống”, bảo tàng “chết”: Nỗi khổ của các bảo tàng
Các bảo tàng nhỏ thường ít hiện vật và khó có hiện vật quý (chụp tại Bảo tàng Phụ nữ.

Được đầu tư tràn lan nên hầu như bảo tàng nào cũng nằm trong tình trạng chẳng "ra đầu, ra đũa" gì. Các bảo tàng như thế cũng có những nỗi khổ riêng mà có lẽ xuất phát từ chính phong trào "ngành ngành làm bảo tàng".

Không dễ có hiện vật

Có quá nhiều bảo tàng được thành lập nên việc các hiện vật gần giống như nhau là điều tất yếu. Để tìm ra một hiện vật thật sự quý báu chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Ông Nguyễn Thanh Minh – Phó Ban quản lý dự án Bảo tàng Văn học cho biết, đi sưu tầm các hiện vật là một trong những việc khó khăn nhất của một bảo tàng. Công tác sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng Văn học cũng vậy. Đa số các hiện vật có giá trị của các nhà văn lớn đều được gia đình giữ lại để làm lưu niệm. Trong khi đó, gần như các hiện vật liên quan đến văn học từ giai đoạn cổ trung đại đều không còn nữa, các hiện vật giai đoạn cận đại cũng hiếm hoi. Bảo tàng Văn học đã sưu tầm được gần 2 vạn hiện vật nhưng chủ yếu là các hiện vật giai đoạn hiện đại. Các hiện vật liên quan đến đặc thù của bảo tàng thì còn khá đơn điệu và giống nhau nhiều, chủ yếu là bản thảo, tác phẩm, máy chữ...

Việc tìm ra được hiện vật đã khó, việc có được hiện vật ấy cho bảo tàng lại là một chặng đường đầy khó khăn khác. Các nhà sưu tầm thường xuyên phải đối mặt với việc phát hiện ra hiện vật quý nhưng không thể mua vì không có kinh phí hoặc vì thủ tục lằng nhằng. Thông thường, khi phát hiện ra hiện vật, người làm công tác sưu tầm phải báo cáo để thành lập một hội đồng gồm các nhà chuyên môn nhằm thẩm định hiện vật và quyết định mua hay không. Việc thẩm định là khâu quan trọng, bởi có khá nhiều người tự nghĩ ra các câu chuyện liên quan đến hiện vật nhằm trục lợi hoặc tăng thêm phần quan trọng của hiện vật.
 
Chính vì vậy, các thủ tục này có khi mất cả tháng trời thì lại phát hiện ra hiện vật không có giá trị hay khi hội đồng quyết định cho mua thì hiện vật đã được bán cho người khác hoặc người bán không bán nữa. Không những vậy, việc định giá hiện vật cũng vô cùng, bởi không có quy định cụ thể nào và cũng không thể áp dụng quy định nào trong việc mua hiện vật. Chính vì những khó khăn này nên nhiều bảo tàng buộc phải phục chế hoặc sao chép hiện vật, điều khá “kị” của ngành bảo tàng.

Những “tréo ngoe” trong quản lý

Nhiều bảo tàng đã có quyết định thành lập nhưng qua nhiều năm vẫn chưa đi vào hoạt động vì chưa có nhà bảo tàng, điển hình là Bảo tàng Hà Nội. Hay Bảo tàng Nghệ thuật Sân khấu cũng đã có quyết định thành lập từ đầu những năm 1990 nhưng đến giờ vẫn chưa hình thành. Giáo sư Hoàng Chương – khi còn là Viện trưởng Viện Nghệ thuật sân khấu lúc ấy được giao nhiệm vụ kiêm Giám đốc bảo tàng này. Sau quyết định trên, mãi không thấy nguồn kinh phí nào cho việc xây dựng nhà bảo tàng. Giáo sư Hoàng Chương vốn là người tâm huyết với việc lưu giữ các hiện vật ngành sân khấu nên ông đành cho thành lập tạm một phòng trưng bày. Tuy nhiên, sau khi giáo sư về hưu thì phòng trưng bày ấy cũng không còn mấy ai quan tâm, các hiện vật dần biến mất, số ít còn lại thì mục nát.

Theo luật Di sản hiện hành, một bảo tàng được thành lập phải dựa trên các điều kiện nhất định về hiện vật, con người, nhà trưng bày, kho, sân bãi... Điều này đồng nghĩa với việc phải có sẵn một bộ máy bảo tàng rồi thì mới có quyết định cho thành lập bảo tàng. Như vậy, để có được bảo tàng  thì phải có công tác chuẩn bị, khâu chiếm nhiều công sức, tiền của và thời gian nhất. Thế nhưng, giai đoạn chuẩn bị chỉ được thành lập “dự án” và không thể có nhân sự như nhân sự của một bảo tàng đã thành lập. Bảo tàng Văn học cũng đang rơi vào tình trạng này (bắt đầu xây dựng từ năm 2001). Bảo tàng vẫn chưa có quyết định thành lập nên Ban quản lý dự án mới chỉ có 7 nhân sự, chỉ có nguồn thu nhập từ công tác sưu tầm. Trong khi đó, để có đủ các điều kiện thành lập bảo tàng, các nhân sự này phải kiêm rất nhiều việc khác nhau. Bản thân ông Nguyễn Thanh Minh phải vừa làm Phó Ban quản lý dự án, vừa là người trực tiếp sưu tầm hiện vật, vừa là người chụp ảnh, quay phim hiện vật, vừa kiêm luôn nhiệm vụ lập hồ sơ cho các hiện vật...
 

Có lẽ mọi bảo tàng đều băn khoăn là làm thế nào để thu hút khách. Dường như với nếp nghĩ kiểu “con nhà nghèo” nên cũng ít bảo tàng dám đặt kế hoạch mở rộng bảo tàng như các nước. Điều quan trọng là các cơ quan liên quan đến việc quản lý, thành lập, mở rộng hệ thống bảo tàng cần dũng cảm xem xét lại hoạt động của các bảo tàng để có phương án đầu tư cho các bảo tàng sau này cho “ra tấm, ra món”, để bảo tàng thực sự là điểm thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.

                                                                                                                  Theo Giadinh.net

Các bài mới
Các bài đã đăng