Văn nghệ trong nước
Đạo diễn Lê Hoàng làm phim truyền hình vì phim Việt dở quá
08:57 | 17/04/2009
Đạo diễn phim Gái nhảy cho rằng phim truyền hình Việt dở quá. “Tác phẩm của chúng ta gây suy nghĩ cho người xem rất ít”. Tự tin về bộ phim dành cho teen mà anh làm đạo diễn kiêm biên kịch, Lê Hoàng khẳng định: Khi tôi 100 tuổi vẫn có thể viết về teen vì tôi rất là… ngây thơ.
Đạo diễn Lê Hoàng làm phim truyền hình vì phim Việt dở quá
Đạo diễn Lê Hoàng và một số diễn viên trong buổi giao lưu.

Gây nhiều tranh cãi sau hàng loạt các bộ phim truyện nhựa ăn khách: Gái nhảy, Trai nhảy…, mới đây, đạo diễn Lê Hoàng đã khiến không ít người ngạc nhiên khi quyết định “rẽ” sang lĩnh vực phim truyền hình. Ngay sau ngày đầu tiên “Thiên thần áo trắng”, bộ phim do anh làm đạo diễn kiêm biên kịch chính thức bấm máy, bằng một buổi giao lưu, trao đổi thẳng thắn với đạo diễn, đoàn làm phim, đưa “làng báo” đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau đây là nội dung chúng tôi lược ghi tại buổi giao lưu này.

"Chê phim người khác dở không có nghĩa là phim tôi hay"

- Hình như anh đã từng tuyên bố không bao giờ làm phim truyền hình. Tại sao bây giờ anh lại quyết định làm?

Đạo diễn Lê Hoàng (ĐD LH): Tôi làm vì thấy phim truyền hình của chúng ta hiện nay dở quá. Phong trào làm phim cho teen hiện nay đang rất mốt nhưng không hay vì tính chuyển tải, tính tư tưởng yếu, hầu như chỉ vui vui, chỉ tập trung cao nhất cho tính trẻ trung mà thôi. Tác phẩm của chúng ta gây suy nghĩ cho người xem rất ít.

Tuy nhiên, tôi nói phim người khác dở không có nghĩa là phim tôi  hay nhưng tôi vẫn làm.  Khi viết xong 5 tập phim tôi đưa kịch bản cho bà Hiệp (NSƯT Ngọc Hiệp, giám đốc sản xuất - PV), đề nghị bà ấy làm. Tôi muốn  quay nhanh vào tháng 4 vì tôi còn một dự án phim khác đang chuẩn bị được thực hiện.

- Anh cho rằng mình luôn luôn nói rất thật, rất thẳng thắn. Anh nói phim truyền hình Việt hiện nay quá dở nhưng có thể đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể được không?

ĐD LH: Tôi không kể cụ thể phim dở ra đây vì tôi cũng nhát gan, vì tôi không muốn đụng chạm đến mức độ đó. Tôi không nói, tôi không làm vì đây là buổi họp báo, đây không phải chỗ để làm điều ấy. Nhưng tôi có thể kể ra một số điểm như lời thoại trong phim truyền hình cho teen chẳng hạn. Nó cực dở bởi nếu không thể hiện việc các em quá ngu si thì lại không khác ông cụ non. Tôi không cần xem, chỉ nhắm mắt nghe lời thoại đã biết phim dở đến mức nào…

Thực tế, “liều lượng” trong kịch bản rất quan trọng, nếu không vừa đủ thì phim khó mà hay được. Hiện nay, tình trạng đạo diễn phải câu giờ, khiến phim rề rà vì kịch bản không đủ liều lượng rất phổ biến. Ví dụ mô tả cảnh ăn mì chỉ cần hình ảnh xé giấy gói và ăn là đủ nhưng đạo diễn phải bắt đầu từ việc xé giấy gói, cho mì vào tô rồi chế nước sôi…. Nếu không làm thế thì tập phim dài 45 phút theo quy định chỉ còn rút lại khoảng 20 phút. Kịch bản của tôi thì không thế. Nó hay vì nó ngắn nhưng liều lượng vừa đủ. Thậm chí sau khi hoàn thành, tôi phải xem và viết lại mới đạt như hiện nay.

100 tuổi vẫn có thể làm phim cho teen

- Có khá nhiều độc giả thắc mắc không hiểu vì sao tựa phim là “Thiên thần áo trắng” mà trang phục của nhân vật toàn là áo hồng?

ĐD LH: Thực ra trong kịch bản có sử dụng cụm từ áo dài cho nhân vật nữ nhưng áo trắng, nhất là áo dài rất khó đóng phim. Trong quá trình bắt tay vào thực hiện tôi đã thay đổi. Trắng ở đây là sự trong sáng, trong trắng về mặt tâm hồn, không nhất thiết phải là bề ngoài.
 
- Anh đã không còn trẻ nữa. Anh dựa vào đâu để viết kịch bản? Liệu có phải là dựa trên cơ sở quan sát cuộc sống của con gái anh?

ĐD LH: Chúng ta hay nghĩ rằng người trẻ viết về tuổi teen sẽ dễ hơn nhưng không phải thế. Không phải cứ ở tuổi teen mới viết về teen hay. Trước đây, nhà văn Anđecxen đã lớn tuổi nhưng truyện cổ tích do ông viết vẫn rất hấp dẫn… Tuy nhiên, muốn viết về teen phải ngây thơ thực sự. Khi tôi 100 tuổi vẫn có thể viết về teen vì tôi rất là… ngây thơ.

- Vì sao anh khẳng định“Thiên thần áo trắng” là bộ phim về teen nhưng rất khác thường?

ĐD LH: Tôi không đề cập đến các trò quậy phá bề ngoài của trẻ con như các phim khác mà đặt trong mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô trong môi trường lớp học, qua đó đưa các vấn đề về giáo dục vào phim. Cách quan hệ giữa học sinh với thầy cô cũng vô cùng khác thường. Ngay việc tôi chọn Phi Thanh Vân vào vai cô hiệu trưởng cũng có vấn đề của nó. Mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái rất cũ, tôi không đề cập, trừ vai ông bố July nhưng đây lại là một ông bố ở nước ngoài về nên cũng không giống ai. Việc cô con gái mang bầu khi còn học sinh không hề khiến ông  bận tâm nhiều lắm…

- Nhân vật người cha có phải là phát ngôn cho Lê Hoàng?

ĐD LH: Không phải với riêng tôi. Phát ngôn trong tất cả các phim đều là phát ngôn của biên kịch. Nếu biên kịch dở thì phát ngôn dở…

- Kịch bản đề cập về một thế giới học đường “lẽ ra nó phải là thế” hay chỉ ở trong trí tưởng tượng của Lê Hoàng?

ĐD LH: Nó chỉ là trí tưởng tượng của tôi.

Sẵn sàng chịu trách nhiệm trước dư luận về những gì đã hứa

- Tại sao trong phim không có sự tác động của phụ huynh với các em?

ĐD LH: Trong cuộc sống của tuổi teen thường bị chi phối song song của gia đình và nhà trường nhưng xử lý mối quan hệ giữa phụ huynh với các bạn trẻ tôi không làm được. Nói thật là tôi thua. Phim của chúng ta thường có hai cách xử lý mối quan hệ này. Hoặc là bố mẹ vào hùa với đứa trẻ dù nó không đúng, hoặc là phản đối quyết liệt đến mức cực đoan. Tôi sợ đi vào đường mòn cũ. Tôi thường gai cả người khi xem cảnh bố mẹ đối  xử với con cái trong phim của chúng ta.

Một lần ngồi cùng hội đồng chấm cho một giải thưởng, xem vai diễn bà mẹ của chị Kim Xuân, có người đùa bảo rằng chuẩn bị khóc lóc này. Y như rằng một lúc sau chị Xuân khóc. Tôi đã xem rất nhiều vai bà mẹ của chị Kim Xuân, hầu như vai nào cũng oán trách, khóc lóc. Chưa bao giờ tôi thấy chị Xuân cười… Nói thế không có nghĩa là tôi chê chị Xuân diễn dở. Tôi biết chị Xuân là một diễn viên xinh đẹp, rất giỏi. Chị phải đóng như vậy là vì lỗi của biên kịch đóng khung nhân vật như thế.


Cảnh trong phim “Những thiên thần áo trắng”.


- Anh nói thấy vai bà mẹ của chị Kim Xuân là thấy khóc lóc. Vậy anh sẽ trả lời thế nào nếu có người hỏi tại sao cứ thấy phim Lê Hoàng là thấy Mỹ Duyên?

ĐD LH: Nếu có Mỹ Duyên hay không là do nhân vật quyết định. Tôi có thể lấy Mỹ Duyên vào vai nhân vật trong phim tôi làm 1.000 lần nữa nếu thấy phù hợp nhưng cũng có thể không có thêm một lần nào nếu nhân vật không hợp. Trước đây, khi tôi cho Mỹ Duyên đóng vai cave trong “Gái nhảy” nhiều người đã phản đối ầm ầm nhưng nếu không có Mỹ Duyên thì tôi đã thất bại đến 3/5 phim rồi. 

- Thành công của anh trong làm phim truyện nhựa không đồng nghĩa với việc đảm bảo cho thành công trong phim truyền hình?

ĐD LH: Đúng, không đảm bảo.

- Cũng đã có trường hợp hứa hẹn rất nhiều nhưng kết quả lại gây thất vọng. Như trường hợp “Đẹp từng centimet” của Vũ Ngọc Đãng chẳng hạn?

ĐD LH: Chuyện một người đạo diễn thành công với phim này, thất bại với phim sau chỉ là chuyện thường. Với Đãng cũng thế. Khi thất bại, bản thân người đạo diễn đã rất đau rồi. Tôi biết, nếu làm ra vẻ khiêm tốn, lỡ thất bại cũng đỡ bị chê trách được phần nào nhưng tôi đến tuổi này rồi, có gì đâu mà không dám nói. Thà nói thẳng, nói thật còn hơn làm ra vẻ kiểu cách…

- Trước đây, phim “Thủ tướng” của anh đã từng bị cấm công chiếu. Liệu có trường hợp tương tự nào xảy ra với phim truyền hình?

ĐD LH: Cho đến nay, quyền quyết định công chiếu “Thủ tướng” hay không thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không phụ thuộc vào chúng tôi. Phim chưa được công chiếu chứ không phải không được phép công chiếu.

Phim truyện nhựa có thể bị cấm không được công chiếu vì lý do nào đó nhưng xưa nay phim truyền hình thì chưa có bao giờ, nhiều lắm thì cũng chỉ phải sửa chữa một vài tập. Vấn đề tôi đề cập trong phim lần này có thể gây tranh cãi nhưng không tổn hại đến thuần phong mỹ tục hay chính trị nên không bao giờ bể

                                                                                                         Theo CAND Online

Các bài mới
Các bài đã đăng