Năm 2014 với Trần Quang Đức có vài sự kiện bước ngoặt: Anh rời Viện Văn học và trở thành nhà nghiên cứu tự do đúng nghĩa ở tuổi 29, đồng thời mở lớp dạy Hán Nôm vỡ lòng, trở thành thày giáo. Anh đang làm đúng những gì mình say mê, háo hức muốn hoàn thành sớm những kế hoạch ấp ủ.
Bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên của Trần Quang Đức được đón đợi, nhưng đó không phải là công việc anh quan tâm nhất hiện nay. Với anh, quan trọng nhất luôn là những dự án sách nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam. Các dự án đó “xoay quanh việc nghiên cứu, quảng bá văn hóa truyền thống hay, đẹp, thú vị của Việt Nam”.
Tin vào giới trẻ
Tiếp xúc với Trần Quang Đức thấy có hai đặc điểm nổi trội. Thứ nhất là cách trình bày vấn đề “nói có sách, mách có chứng”. Anh rất dị ứng những cụm từ “hàm hồ” được sử dụng đầy rẫy trong các cuốn sách học thuật như “sử xưa chép lại rằng”, “tương truyền rằng” mà không dẫn nguồn rõ ràng.
Khi một người đưa ra quan điểm phản biện anh về một vấn đề lịch sử, Đức tiếp nhận vui vẻ, nhưng câu đầu tiên anh hỏi là: “Bạn dựa trên sử liệu nào?”, sau đó thì mới bàn tiếp. Sử liệu phải là gốc (nghĩa là ở đúng thời đại cần nói đến), độ tin cậy của sử liệu sẽ tự chứng minh cho quan điểm của mỗi người.
Anh lấy ví dụ, khi một nhà nghiên cứu trình bày về trang phục thời Lê nhưng lại căn cứ vào một bức tượng người thời Lê do thời nhà Nguyễn tạc, thì độ tin cậy đã giảm đi rất nhiều. Tìm hiểu về thời Lê phải qua đúng tượng gốc tạc ở thời Lê, khi đó mới đủ “tiệm cận” với lịch sử. Đức luôn thận trọng dùng từ “tiệm cận”, anh không khẳng định bất cứ nghiên cứu nào là chính xác tuyệt đối.
Thứ hai là niềm tin anh đặt ở giới trẻ, lớp 8x trở về sau. Lý do rất đơn giản: “Sở dĩ nói 8x, 9x có nhiều tiềm năng hơn 6x, 7x bởi vì xét mặt bằng chung, họ trẻ hơn, họ có nhiệt huyết hơn, họ chăm chỉ hơn”. Là một người thuộc cộng đồng “hiếu cổ” (những người say mê văn hóa cổ), nhưng Đức là một trong những nhà nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ hiện nay. Một phần là do tuổi tác còn trẻ và phong cách hài hước của anh. Công trình Ngàn năm áo mũ (2013) là một trong số ít tác phẩm nghiên cứu ở Việt Nam có hình thức bắt mắt và cách phát hành “thị trường” đến vậy.
Hiện tại, Trần Quang Đức đang làm thầy giáo, hoặc “phu tử”, như cách học trò vẫn gọi anh. “Trần phu tử” mở lớp Hán Nôm vỡ lòng, cung cấp cho người học những kiến thức, những con chữ cơ bản nhất, thiết thực nhất để hiểu về ngôn ngữ, văn hóa truyền thống. Một khóa học dài sáu tháng, giúp người học nắm được khoảng 600 chữ. Hiện, anh đang dạy khóa đầu tiên, được 80 học viên, đến từ mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Phần đông là 8x, 9x. Hiệu quả của lớp khiến chính anh cũng cảm thấy bất ngờ. Trò học giỏi, học nhanh, chữ tốt, “lại có vài bạn sau khi tôi chỉ cho luật làm thơ cổ, đã làm được một số bài”.
Nhưng sau một thời gian học, trong lớp hiện còn 70 người. Trong 10 người đã xin nghỉ, đa số là 7x vì họ còn vướng bận công việc, gia đình.
Ngoài mục tiêu biết chữ, biết viết, thày Đức còn hướng đến mục đích dài lâu hơn: Học Hán Nôm để hiểu thêm tiếng Việt và văn hóa Việt, vì Hán Nôm là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt. “Những người học càng nhiều thì càng hiểu đúng hơn, có cái nhìn khách quan, rộng mở hơn và họ sẽ đóng góp tiếng nói trong tương lai” – Đức nhìn nhận.
Trần Quang Đức từng làm việc ở Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam (gọi tắt là Viện Văn học) trong vòng hai năm, tức là thuộc biên chế nhà nước. Anh rời khỏi đây vào tháng 8/2014. “Mối quan tâm nghiên cứu của tôi rộng hơn lĩnh vực văn học, đặc biệt sau khi mở các lớp dạy Hán Nôm, tôi không có nhiều thời gian dành cho công việc của viện, cũng như việc nghiên cứu văn học” – anh giải thích.
Nếu như vào năm 2010, thời điểm còn hoang mang về con đường của bản thân, Đức chưa biết đến khái niệm “nghiên cứu tự do”, thì nay, sau hơn bốn năm, anh đang là nhà nghiên cứu tự do rất có uy tín trong lĩnh vực của mình.
“Làm tự do thì tất cả mọi việc đều do bản thân mình tự quyết định, tự lên kế hoạch, thậm chí tự xin tài trợ. Còn nếu tham gia đề tài nhà nước như trước đây, tôi chỉ cần nghiên cứu và viết, mọi khâu khác nhà nước lo” – anh nói. Nhưng đổi lại? “Giờ tôi làm được mọi thứ mình thích, thời gian nhiều hơn, không còn cảm giác áy náy “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tức là ăn lương viện mà không dành hết thời gian cho viện, cho những nghiên cứu của viện”.
Còn một điều đáng đánh đổi khác, quan trọng không kém, là “Khi đã không còn làm trong nhà nước, tôi sẽ không còn những rào cản khi nói những điều mình nghĩ, tôi tự do hơn”.
Không nên coi một nhà nghiên cứu là chuẩn mực
Trong những ngày cuối năm 2014, dư luận lại dậy sóng vì sự kiện thành lập Học viện Khổng Tử ở Hà Nội, với mục đích “thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt – Trung”. Lẫn trong nhiều bình luận đủ chiều từ phản đối đến ủng hộ, có những nhà báo, nhà nghiên cứu nhắc đến Trần Quang Đức, chờ đợi ý kiến của anh như một cái chuẩn để tin vào. Sau một ngày, Đức lên tiếng trên Facebook cá nhân, ý kiến của anh được đăng nhiều nơi, trích dẫn lại nhiều lần.
Học viện Khổng Tử không phải chủ đề mà bài viết này đang hướng tới, cái chính là sự trông đợi của dư luận vào tiếng nói của Đức. Anh bảo: “Tôi không nghĩ là nên như vậy. Học thuật luôn cần sự nghi ngờ. Nếu đặt hết niềm tin vào một vài cây bút, một vài nhà nghiên cứu, học thuật sẽ bế tắc. Người ta có thể tôn trọng nhà nghiên cứu nào đó về thái độ làm việc, tác phong nghiên cứu. Nhưng không nên coi nhà nghiên cứu ấy là chuẩn mực”.
Qua quá trình giảng dạy của mình, Đức cũng truyền lại tinh thần “nghi ngờ” đó cho học trò. “Họ hiểu ra được tinh thần cởi mở không bảo thủ từ thày, không tin hoàn toàn vào điều được dạy. Phải tư duy, phản biện, đó mới là điều quan trọng”.
Vậy đã có lần nào ai đó phản biện Trần Quang Đức một trận “ra trò” chưa? Anh kể: “Trên lớp vẫn luôn phản biện và trong các buổi nói chuyện, luôn luôn có người phản biện tôi. Nhưng không có người nào phản biện đến cùng và ra trò như bạn nói, nhưng nhưng trong các câu hỏi của họ, có những câu hỏi dù đã trả lời ngay tại trận, nhưng khi về vẫn khiến tôi lăn tăn, suy nghĩ thêm”.
“Trong quan niệm của tôi, không có khái niệm sai đúng, chỉ có chưa đúng và tiệm cận với cái đã diễn ra”.
Theo Mi Ly - Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015