Văn nghệ trong nước
Di tích và nguy cơ phế tích hoá
09:25 | 17/04/2009
Trùng tu không đến nơi đến chốn sẽ làm di tích bị “hiện đại hoá” một cách kệch cỡm, không còn giá trị lịch sử, văn hoá. Nhưng không động đến di tích, để di sản bị phế tích hoá cũng là một mặt đang tồn tại song song với việc trùng tu ồ ạt như hiện nay.
Di tích và nguy cơ phế tích hoá
Chuồng chăn nuôi trong khu di tích dinh thự Đèo Văn Long

Di tích bị bỏ quên?

Một di tích lịch sử mới, rất gần thời đại của chúng ta đó là dinh thự của Vua Thái Đèo Văn Long (ở xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Sau rất nhiều khó khăn vượt qua đoạn đường đang thi công, chúng tôi đến được khu di tích cấp tỉnh này, nhưng không một biển đề, không một bia chứng nhận. Nếu không phải đi theo đoàn khảo sát, chúng tôi không thể biết đây là khu dinh thự đã từng nổi tiếng trong đời sống người dân khu vực này mấy chục năm trước- dinh thự Đèo Văn Long.

Toạ lạc trên thế đất cao, ngay ngã ba sông Nậm Na và sông Đà, dẫu đã là phế tích, cỏ cây thoải mái mọc, rác thải thoải mái xả khắp nơi, nhưng những bức tường, những bậc lên xuống còn sót lại vẫn cho thấy dáng dấp của một công trình đẹp đúng như tên gọi. Dinh thự Đèo Văn Long có thể được coi là một di tích quan trọng để nghiên cứu đặc trưng của nghệ thuật xây dựng và phong thuỷ của người Thái. Năm 1980, dinh thự đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Được coi là chứng nhân lịch sử, đánh dấu chiến thắng của cách mạng cộng sản, đánh đổ chế độ người bóc lột người ở núi rừng Tây Bắc, nhưng dường như khu di tích này đang bị quên lãng. Cỏ và rác, sự xâm lấn của con người ngày một làm biến dạng di tích này.


Trụ sở UBND xã Lê Lợi và nhà vệ sinh
vô tư chiếm mặt tiền của khu di tích dinh thự Đèo Văn Long.


UBND xã Lê Lợi đã xây trụ sở ở bên cạnh dinh thự này và điều đáng buồn là công trình phụ đã được xây ở ngay khu vực vốn là mặt tiền của dinh thự. Cách đó không xa là chuồng chăn nuôi gia súc của các hộ dân.

Dạo ở Huế tham dự Festival 2008, chúng tôi có nghe nói đến một danh thắng tuyệt đẹp nhưng không có dịp ghé qua. Ngôi chùa Tháp trên núi Tuý Vân cũng có lịch sử hơn trăm năm nhưng đã xuống cấp và bị quên lãng.

Một nhà văn được coi là “nhà Huế học” cho chúng tôi biết: Đây là ngôi chùa có phong cảnh độc nhất vô nhị trong các chùa tại Huế với hàng trăm gốc cây cổ thụ. Bao quanh chùa là hệ thống rừng nguyên sinh với những gốc cây có đường kính hai ba người ôm không xuể, dây leo chằng chịt. Nhưng giờ đây chùa đã bị bỏ quên, lâu lâu mới có một đoàn khách ghé qua.

Núi Túy Vân ngày xưa có tên là Mỹ Am Sơn. Chúa Nguyễn Phúc Tần trong một lần đi qua Tư Hiền, thấy cảnh đẹp quá hữu tình nên đã chọn đỉnh núi Mỹ Am Sơn để lập một ngôi chùa nhỏ cầu phúc an dân.

Năm Minh Mạng thứ 6 (2826), nhân dịp đến cửa Tư Hiền, vua ghé thăm Mỹ Am Sơn thấy chùa cổ điêu tàn, hoang vu, mới cho xây dựng lại, và đổi tên là chùa Túy Ba. Năm Minh Mạng thứ 17 (1837), chùa được trùng tu và dựng thêm lầu. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) được tiếp tục trùng tu và đổi tên thành chùa Tuý Vân.

Trải qua thời gian hàng trăm năm, chùa Túy Vân đã xuống cấp, điêu tàn đổ nát nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của một ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm. Nếu không được quan tâm chăm sóc, ngôi chùa cũng sẽ bị “phế tích hoá” trong một ngày không xa.

Dư luận vừa qua cũng bức xúc khi khuôn viên một ngôi đình tại Thành phố Hồ Chí Minh bị thấp hơn so với quy hoạch 1,5 mét. Đó là đình An Phú- di tích lịch sử cấp Thành phố bị “bỏ quên” trong khu đô thị mới An Khánh. Đình An Phú được xây dựng vào giữa thế kỷ 19, là một trong số ít ỏi các ngôi đình làng còn sót lại trong thành phố sôi động bậc nhất cả nước.

Năm 2006, được công nhận là di tích lịch sử cấp Thành phố và lần trùng tu gần đây nhất là năm 1960. Hiện các cột chống và kèo mái của đình đã không còn dính vào nhau. Hàng cột bên trong chính điện, ngoài hiên đã bị rạn nứt và có dấu hiệu gãy đổ. Một số cột khác cũng không còn kết nối với nền móng, tường sập, ngói vỡ nhiều nơi. Nguy cơ đình sụp đổ chỉ còn tính từng ngày.

Khắp đất nước này, có bao nhiêu di tích đang kêu cứu và bị bỏ quên như thế?

Bao giờ phục hồi?

Về việc trùng tu dinh thự Đèo Văn Long, ông Trần Văn Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: “Phương án phục dựng hiện đang gặp nhiều khó khăn. Hiện trạng dinh thự chỉ còn là dạng “phế tích”, các tư liệu, nhân chứng để căn cứ phục hồi di tích hầu như thất lạc không còn nữa. Đơn vị xây dựng dự án đang thiếu những tư liệu cần thiết như: bản thiết kế cũ, hình ảnh lịch sử, nhân chứng lịch sử để mô tả lại đảm bảo cho công tác trùng tu, tôn tạo đúng với lịch sử”.

Đã có ý kiến cho rằng, nếu trùng tu di tích như hiện nay thì thà không trùng tu còn hơn. Không đủ cơ sở khoa học để phục dựng thì chưa trùng tu di tích, đó là điều có lý. Nhưng không trùng tu cũng cần bảo vệ, không thể để di tích bị xâm hại như hiện nay. Dinh thự Đèo Văn Long là minh chứng rõ nhất của một di tích không được quan tâm đúng tầm, đang bị phế tích hoá như không ít di tích ở nước ta hiện nay. Nếu cứ bỏ quên “di tích” thì sẽ đến một ngày, chúng ta không còn một di tích nào nữa.

Sự phát triển ồ ạt của cuộc sống hiện đại khiến những công trình văn hoá đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Ở Thành phố thì di tích bị lấn chiếm khuôn viên để xây nhà ở, làm quán xá. Ở vùng cao, vùng sâu vùng xa thì di tích bị bỏ quên, để cho thời gian tàn phá. “Trùng tu mà không giữ được giá trị văn hoá hay không trùng tu, bỏ quên di tích cũng đều đang giết chết di tích”- như ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lo ngại.

                                                                                                                   Theo Tổ quốc

Các bài mới
Các bài đã đăng