Văn nghệ trong nước
Bộ trưởng Văn hóa lên án các hủ tục “đâm trâu”, “chém lợn”…
17:36 | 04/03/2015

Sáng 4/3/2015, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra đột xuất công tác tổ chức lễ hội tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Bộ trưởng Văn hóa lên án các hủ tục “đâm trâu”, “chém lợn”…
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra đột xuất công tác tổ chức lễ hội tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Đoàn đến kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại Khu di tích danh thắng Tây Thiên, tại đây, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, đoàn đã có cuộc họp “đột xuất” với sự tham gia của Lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, các sở, ban, ngành trong tỉnh. Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh công tác quản lý, tổ chức các lễ hội truyền thống.

Trước hết, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác quản lý, tổ chức các lễ hội truyền thống, công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng các công trình văn hóa, đặc biệt tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với địa phương.

Trao đổi về những vấn đề quản lý văn hóa trong các lễ hội truyền thống trong thời gian qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh rằng: Chúng ta không thể im lặng trước những bức xúc của dư luận đối với những hành vi phản cảm tại một số lễ hội truyền thống trong thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định, những hành vi như đâm trâu, chém lợn…trong các lễ hội tới đây sẽ phải xem xét lại. Ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng, ở một đất nước giàu truyền thống văn hóa không thể tồn tại hình ảnh mang lợn ra giữa sân đình cho hàng trăm người chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy, nó không phù hợp với đất nước Việt Nam thanh bình, mến khách.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch không đồng tình trước phát ngôn “cướp có văn hóa”, đã là cướp thì làm sao có thể gọi là văn hóa được (!?). Đây là một cách che đậy, ngụy biện hết sức nguy hiểm, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch không chấp nhận cách giải thích như thế này, đồng thời lên án những hành vi phản cảm, hủ tục vẫn còn tồn tại trong một số lễ hội vừa qua.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, chúng ta nên giữ gìn, phát huy những lễ hội văn hóa mang đậm giá trị truyền thống, tuy nhiên cũng cần phải làm rõ khái niệm thế nào là truyền thống, truyền thống cần phải có cơ sở văn hóa, khoa học chứ không phải cái gì cũng cứ gắn mác truyền thống. Trong trường hợp những giá trị truyền thống nhưng hiện tại không còn phù hợp, chứa đựng nhiều hủ tục khiến dư luận bức xúc, lên án thì cũng cần phải xem xét, đánh giá để cải biến cho phù hợp, cái gì tiến bộ hợp lý thì mình phải giữ lại, cái gì không hợp lý thì cần loại bỏ.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, làm văn hóa không chỉ để cho hiện tại hôm nay mà là cho các thế hệ mai sau. Vì thế chúng ta phải làm gì, làm như thế nào để sau này con em của chúng ta nhìn vào truyền thống và thấy tự hào về các giá trị truyền thống của dân tộc. Bộ trưởng lưu ý, làm văn hóa phải hết sức thận trọng, không thể lơ là, đại khái và cần có chiến lược cụ thể, lâu dài. Các hủ tục “đâm trâu”, “chém lợn”, “cướp hoa tre” diễn ra ở một số lễ hội vừa qua còn mang nhiều yếu tố bạo lực, hơn nữa các tổ chức văn hóa, bảo vệ động vật của quốc tế cũng đang quan tâm nhìn vào, chính vì vậy chúng ta cần xem xét để tiến tới loại bỏ hoặc thay đổi hình thức, cách thức để làm sao đảm bảo thật hài hòa giữa truyền thống, văn hóa và những giá trị thời đại.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần quán triệt nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Yêu cầu Thanh bộ nhanh chóng kiểm tra, đưa ra kết luận về các lễ hội có những hành vi phản cảm mà dư luận đã lên án trong thời gian qua và xử lý nghiêm minh, thông báo báo cho dư luận biết.

Trên cơ sở Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL phối hợp bộ ngành khác, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh giao cơ quan chức năng của Bộ rà soát toàn bộ, nghiên cứu truyền thống lễ hội, nguồn gốc để tham mưu, phối hợp với địa phương. Sau khi nghiên cứu sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để đánh giá lại thực chất lễ hội, cái gì cần giữ, cái gì nên bỏ. Sau mùa lễ hội này, chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu và có tiêu chí cụ thể.

Theo Sỹ Liêm - Dân Trí

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng