Văn nghệ trong nước
Nhà báo Nga dịch truyện Việt Nam đương đại
16:20 | 05/03/2015

Một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại sắp được xuất bản tại Nga, do nhà báo Igor Britov chuyển ngữ, nối tiếp mạch đưa văn học Việt trở lại Nga.

Nhà báo Nga dịch truyện Việt Nam đương đại
Dịch giả Igor Britov (trái) và Kim Hiền quảng bá văn học Việt tại Nga. Ảnh: T.Toan.

Gặp Igor Britov tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền từ Nga về nói nhỏ, bản thảo đã gửi nhà xuất bản. Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga do cựu Tổng thống Nga, đương kim Thủ tướng Dmitry Medvedev khởi xướng, dự  định giới thiệu sáu cuốn sách sang tiếng Nga. Có thể năm nay tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại sẽ tiếp nối Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng ra mắt người đọc Nga.

Hơn một lần Igor Britov-Trưởng ban biên tập chương trình phát thanh châu Á của hãng thông tấn Nước Nga ngày nay - nói rằng, cần đưa văn học Việt trở lại thị trường Nga. Trước đây hầu như ngày nào truyền thông Nga cũng nhắc về Việt Nam, giờ rất ít. Nhưng sau một thời gian gián đoạn, Igor nói rằng nhu cầu đọc và tìm hiểu về Việt Nam ở Nga bắt đầu tăng trở lại. Thực tế, du khách Nga đến Việt Nam ngày càng nhiều. Nga đào tạo nhiều nhà Việt Nam học, những tác phẩm họ viết ra xuất bản tại Nga bán chạy.

Igor Britov vốn xuất thân ngoại giao, học tiếng Việt hơn 30 năm, từng phụ trách chuyên mục Bên nhau xây đời tại đài Mátxcơva thời Liên Xô nói về cuộc sống của người Việt tại Nga. “Trước đây có hai trường phái dịch văn học Việt Nam do Nikolai Nikulin và Marian Tkachov phụ trách, một bên dịch sát, người kia cho phép bay bổng. Tiếc là hai vị giáo sư đáng kính ấy đều đã qua đời. Họ là những nhà Việt Nam học lỗi lạc, giỏi tiếng Việt”, Igor nói.
 

Một số truyện ngắn được Igor chuyển ngữ: Mùa hoa cải ven sông (Nguyễn Quang Thiều), Cổ tích mới (Tạ Duy Anh), Gió mưa gửi lại (Thùy Linh), Ba người trên sân ga (Hữu Phương).

Nghề báo khi dịch văn học cũng có ít nhiều trở ngại, cả thuận lợi nữa. Bên cạnh anh có người hỗ trợ tin cậy là dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền. Igor khen chị Hiền giỏi tiếng Nga, hiểu biết văn học, nên có gì không hiểu có thể được giải đáp ngay. Xưa dịch giả Marian Tkachov cũng có bạn đồng hành là GS Phạm Vĩnh Cư, mà điều kiện khó khăn có khi phải gặp nhau trên tàu điện ngầm để trao đổi.

Một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại do quỹ hỗ trợ lựa chọn, nhưng do ít người nên các dịch giả chỉ có thể chọn một số tác phẩm “độc giả Nga sẽ quan tâm”. Igor Britov kể tên Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Thùy Linh, Phan Thị Vàng Anh, Hữu Phương, Võ Thị Xuân Hà. “Igor dịch xong có đưa cho các nhà Việt Nam học, bạn bè quen biết và yêu quý Việt Nam đọc. Họ rất thích, đánh giá đấy là bản dịch đẹp”, dịch giả Kim Hiền nói.

Chuyên môn và vai trò quản lý bận rộn, dịch chỉ vì đam mê vào lúc rảnh rỗi, có khi Igor cũng mất vài tháng cho một tác phẩm. “Khi dịch các tác giả đương đại, tôi thấy bất ngờ. Nhà văn Việt Nam đương đại có cái nhìn khác với nhà văn truyền thống, mạnh dạn, hiện đại hơn”, Igor Britov nói.

Theo Nguyên Khánh - TP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng