Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo (NXB Trẻ) của nhà văn Hồ Anh Thái vừa được phát hành, từng “được sử dụng trong các thư viện hàn lâm và đặc biệt là thư viện dành cho độc giả nghiên cứu Đông Nam Á” (theo Tạp chí Danh mục sách, Đại học Tổng hợp Washington).
Đã xuất bản được hơn 30 tác phẩm, phần lớn là tiểu thuyết, trong đó, có cuốn dịch sang hơn 10 thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước, Hồ Anh Thái là một trong số ít nhà văn duy trì sáng tác chuyên nghiệp.
Người đóng góp cho cách tân văn học Việt
Nhưng không chỉ có thế, Hồ Anh Thái từng có thời gian tổ chức biên tập bài vở cho một tờ báo, đồng thời là người tuyển chọn cho cuốn“Văn mới” thường niên giúp công ty sách Đông A nên ông tỏ rõ khuynh hướng khuyến khích các tác giả, tác phẩm có sự sáng tạo, đổi mới từ tư tưởng đến phong cách viết. Đây là đóng góp không nhỏ cho sự cách tân văn học Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.
Sau hai nhiệm kỳ từ 2000-2010, làm Chủ tịch Hội nhà Văn Hà Nội, với nhiều hoạt động sôi nổi, cùng các giải thưởng được trao bất ngờ, gây nhiều tranh luận, nhà văn Hồ Anh Thái ít xuất hiện trên văn đàn cũng như truyền thông, ông rời Việt Nam, tham gia công tác ngoại giao ở nước ngoài, với hàm Phó Đại sứ.
Đôi khi, bạn bè vẫn nhận được chung một e-mail của nhà văn gửi tới, chủ yếu chia sẻ mối quan tâm riêng tư của ông về những điều thân thuộc đang diễn ra xung quanh, hay một tác phẩm nghệ thuật, vấn đề văn hoá nào đó. Thế nên, dường như không tồn tại khoảng cách về không gian. Nhà văn bằng tâm ý, vẫn luôn bên các đồng đạo văn chương của mình. Đôi khi chính thế giới phẳng qua màn hình máy tính, lại giúp người với người gần nhau hơn.
Nhà văn Hồ Anh Thái, với sự điềm đạm độ lượng, luôn quan tâm chu đáo tới mọi người. Mỗi khi đi công tác xa về, thể nào ông cũng có quà. Món quà thường gắn với tính cách với người được tặng. Và mỗi khi có dịp ngồi trò chuyện tán gẫu cùng ông ở một bữa tiệc gặp mặt, hay trong chuyến du lịch, mọi người luôn thấy ấm áp, dễ chịu và phấn khích với những câu chuyện hài hước thâm thúy nhẹ nhõm của nhà văn.
Tuy nhiên, trong sáng tác, ông lại thể hiện một con người khác, hết sức gai góc và phản ứng mạnh mẽ quyết liệt với những “rác rưởi” trong tâm hồn cũng như tinh thần con người.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Người đàn bà trên đảo”
Pha trộn giữa ảo và thực
Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo được nhà văn viết vào năm 1985, là một trong số tiểu thuyết đầu tiên, đưa Hồ Anh Thái trở thành:“một hiện tượng văn chương của thế hệ văn nhân thời hậu chiến sau 1975”. Tuy nhiên, hầu như ít người biết đến nội dung tác phẩm, ngoài cái tên, mặc dù Thời báo Los Angeles từng viết khen ngợi cuốn sách, năm 2001: “Theo những cách tinh tế hơn, Người đàn bà trên đảo cho thấy tác giả mở hướng ra trước tư tưởng mới mẻ và trước ảnh hưởng của văn học phương Tây.”
Bối cảnh tiểu thuyết nằm trong thời kỳ hậu đổi mới, giá trị vật chất được đề cao hơn tinh thần. Chính vì thế, con người dễ trở nên tha hoá và rơi vào bế tắc khi nhu cầu cơm ăn áo mặc vị trí xã hội không được đáp ứng cũng như thoả mãn.
Người đàn bà trên đảo dài gần 200 trang, khá ngắn, đọc từ đầu đến cuối không ngừng, sẽ mất chừng 3-4 giờ đồng hồ.
Văn phong trong truyện dễ đọc, dễ hiểu, một câu chuyện kể pha lẫn huyền tích, mà người dân thích kể cho nhau nghe khi tụ họp. 25 tuổi, nhà văn Hồ Anh Thái đã sớm đề cập đến vấn đề tâm linh trong truyện của mình, một chỉ lối về sau cho việc ông đi sâu vào nghiên cứu văn hoá phương Đông như một lẽ tự nhiên. Người đàn bà trên đảo xen lẫn giữa ảo và thực, giữa chuyện về nghĩa quân Tần Đắc xưa với hoàn cảnh thực tại của những phụ nữ sống trong lâm trường, tách biệt với thế giới bên ngoài, ngày đêm khao khát một tấm chồng và một mụn con.
Cuốn tiểu thuyết được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, vì đã mạnh dạn có những cách tân, đặc biệt, viết về con người nhu cầu cá nhân, sau đổi mới.
Tiểu thuyết được viết ra, theo điểm nhìn hết sức khách quan, như thể tác giả biết thế nào thì kể lại thế ấy, tuyệt nhiên không thêm thắt chủ quan, không có ý giải thích. Diễn tiến hành động của nhân vật trong truyện thường trong trạng thái vô minh, bị đủ kiểu dục vọng chi phối và thiếu sự dẫn lối điều tiết của lý trí.
Không ai thực sự biết bản thân đang sống vì điều gì, với mục đích nào. Họ cùng nhau tìm đến lâm trường, như một sự trốn chạy khỏi thực tế khắc nghiệt của đời mưu sinh phố thị, để rồi vướng vào nỗi đau bản năng giống loài khác. Không gian u tối bủa vây. Điểm đến tận cùng của nỗi khát thèm yêu đương, là cái chết tức tưởi không rõ nguyên do, đầy huyền hoặc.
Người đàn bà trên đảo dừng lại ở một kết thúc lửng lơ và có phần hụt hẫng với máu đỏ thẫm cáng từ một vụ tai nạn. Những người đàn bà trên đảo sẽ trở về với đất liền nhờ vào một trung đoàn bộ đội phục viên về thay. Màu máu đỏ ào vào trang cuối sách, như đoạn mở đầu, vì máu người dân đổ, nên nghĩa quân gặp hiểm hoạ để chết không sót ai, giữa hang sâu núi thẳm.
Rốt cuộc, chỉ có linh hồn con người được cứu rỗi, và trở nên thăng bằng, nhờ tình cảm cao thượng, cũng như tình thương chân tình, giữa người với người.
Theo Việt Quỳnh - Thể thao & Văn hóa