Trên báo Tuần lễ (xuất bản năm 1938), Ngô Tất Tố đã tả lại cảnh thiếu nữ Hà thành đua xe đạp và trình diễn áo tắm với ngòi bút châm biếm. Thể thao&Văn hóa giới thiệu tới độc giả bài viết của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân xung quanh sự việc này.
1. Nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954) là một trong những cây bút lão luyện của làng báo Việt những năm 1930-45. Trên một đề tài được quan tâm của dư luận những năm 1930 là “vấn đề phụ nữ”, Ngô Tất Tố có nhiều khác biệt so với một đồng nghiệp trong báo giới của ông là Phan Khôi. Nếu Tú Khôi là một trong những người khởi xướng những cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ, viết các loạt bài tố cáo những luật lệ, tập tục bất công đối với nữ giới, cổ vũ phụ nữ tự thay đổi, tự vươn lên, thì ông đầu xứ Tố lại nhìn những đổi thay của nữ giới ở đô thị đương thời với cặp mắt ít nhiều ác cảm, và dành cho những sự kiện mới ấy những lời văn trào lộng không che dấu.
Nhưng sự đời luôn cũng có mặt trái của nó. Trước những thay đổi diễn ra xung quanh, có khi chính những ngòi bút được cho là “bảo thủ” như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… lại ghi được những sự việc sớm sủa “có một không hai” đương thời.
Ngay trong năm 1938, ta thấy Ngô Tất Tố đã ghi được hai sự việc như thế.
Báo “Tuần lễ” (năm 1938) đăng bài “Hà Nội có 207 cua – rơ” cua Ngô Tất Tố
Thứ nhất là cuộc đua xe đạp của phụ nữ Hà Nội, do Phòng Thể thao Phủ Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Về sau dân gian truyền nhau câu ca dao “Bắc Kỳ ông Thống Sa-ten/ Đặt thi xe đạp cho tiên Hà Thành” − có lẽ là cuộc thi này.
Trong mục “Nói chơi” của báo “Tuần Lễ” xuất bản ở Vinh (s. 4, ra ngày 9/4/1938), dưới bút danh Thục Điểu, Ngô Tất Tố thuật lại rằng, ban đầu ban tổ chức dự định chặng đường đua dài trên 20 km, từ điểm xuất phát trong thành phố Hà Nội, đến đích là chùa Hỏa Tinh thuộc tỉnh Hà Đông. Về sau người ta rút ngắn lại còn 12 km, từ tỉnh lỵ Hà Đông đến chùa Hỏa Tinh (có lẽ gần chùa Trăm Gian?). Về số người tham gia, Thục Điểu viết: “…khi ghi tên… có tới 170 cô xin làm cua-rơ. Nhưng khi khởi hành bỗng hụt đi bốn chục, còn đúng trăm ba mươi cô. Rồi lúc trở về lại bị 27 cô “bán đồ nhi phế” (nghĩa là: nửa đường bỏ cuộc). Số người đi đến nơi về đến chốn chỉ còn 107 cô…. Một thành Hà Nội có đến 107 cô cua-rơ có giấy!” – nhà báo ghi nhận một cách hài hước.
Song điều mà dường như nhà nho Ngô Tất Tố không thể chấp nhận là việc các cô mặc quần “so” (short) khi mà ngay đến nam nhi Hà Thành lúc ấy, theo ông, cũng còn thấy ngượng khi mặc thứ này ra đường! Ông đoán: số đông các cô “cua-rơ” này hẳn còn chưa chồng, phải chăng mặc quần “so” đạp xe như vậy là để quảng cáo?
2. Dù sao, sự kiện đua xe đạp nữ cũng được Ngô Tất Tố nhìn như một điều gì khá buồn cười, nhưng không nặng như sự kiện thi áo tắm mà ông sẽ nói đến với giọng châm biếm đả kích.
Đấy là sự kiện thứ hai của phụ nữ Hà Thành năm 1938 mà ông ghi được.
Và có lẽ vì ngầm xem đây như một lỗi nặng về phong hóa nên ký giả Thục Điểu ghi kỹ cả ngày tháng. Ấy là ngày 6/6/1938, tại Đồ Sơn người ta tổ chức nhiều cuộc vui, trong đó có cuộc thi áo tắm. Cẩn thận hơn, ông ghi rõ cuộc thi áo tắm diễn ra lúc 7 giờ tối, thí sinh gồm 12 cô, đều là “thiếu nữ tân thời” Hà Thành.
Ý niệm về mức nghiêm trọng (về phong hóa!) của sự kiện này đã khiến ký giả thấy phải dùng đến ngọn bút “tả chân” mà ông vốn mạnh không kém Vũ Trọng Phụng, tuy ông khiêm cung rằng mình không dụng nổi bút pháp kia:
“Lúc ấy đã sâm sẩm tối, mấy nghìn ngọn đèn điện của Đồ Sơn chói lọi chiếu xuống, 12 chị thí sinh lần lượt diễu trên cầu Bạc với những bộ áo tắm rất mốt. Tiếc rằng không có ngòi bút tả chân, tôi không thể tả được hết chân tướng của các chị ấy. Vậy chỉ xin nói sơ lược mà rằng: Cả 12 chị đều không ngượng nghịu mà thiên hạ cùng xem tất cả những sự bí ẩn: bộ háng trắng phốp, mông đít tròn như cái dành. Nhất là một chị đã khéo chế được thứ áo rất mỏng nó không khác với màu thịt, công chúng không ai ngờ chị mặc áo tuy rằng chị ấy có đeo mảnh áo che từ nửa rốn trở lên, thật không kém gì những ảnh mỹ nhân trong phong thuốc lá Mélia ngày trước!”.
Thuật lại sự kiện thi áo tắm của thiếu nữ Hà Nội mùa hè 1938, Thục Điểu làm ra vẻ đồng tình với số đông trong dư luận rằng đấy là sự “tiến bộ”, nhưng ông bảo: kể ra thì vẫn chưa “tiến bộ” bằng đời vua Kiệt nhà Chu bên Tàu thời cổ sơ, cho con gái cùng con trai hoàn toàn khỏa thân trong Dao Đài!
Ông viết đoạn kết trong giọng mỉa mai:
“… phụ nữ Việt Nam hồi này tiến lên rất mau, mới trong hai tháng, các chị ấy đã tiến từ quần “so” đi xe đạp đến áo tắm lượn trên cầu, thì chẳng bao lâu nữa sẽ có nhiều chị theo kịp bọn con gái của vua Kiệt! Khi ấy chắc có nhiều ông văn sĩ sẽ mặc sức tán dương. Nhưng không biết họ có chịu để cho vợ họ tiến bộ theo kiểu đó không?”.
(Thục Điểu: Nói chơi – Đời vua Kiệt còn tiến bộ hơn chúng ta chút nữa // Tuần Lễ, s. 14, ngày 18/6/1938)
Chưa “tiến bộ” bằng thời vua Kiệt – cách nay gần ba ngàn năm, – là cách nói mỉa mai, rằng lối sống đang quay về thái cổ!
Phản xạ kiểu đó của nhà nho đối với nền nếp phong tục đô thị đương thời đang đổi chiều sang học lối sống phương Tây không phải là sự lạ.
Điều nên ngạc nhiên là trên thực tế, không có nhiều cây bút ghi được chuẩn xác những sự kiện kiểu này. Đây là điều mà chính Ngô Tất Tố có lẽ cũng không tính đến!
Theo Lại Nguyên Ân - Thể thao & Văn hóa