Văn nghệ trong nước
Kinh hoàng “nhạc chế”, “nhạc bẩn”
10:06 | 20/04/2009
Nếu vào một trang tìm kiếm và đánh vào 2 từ “nhạc chế”, bạn sẽ có vô vàn kết quả của từ khóa này. Có đủ thứ nhạc chế ở trên mạng, từ nhạc vàng chế, rồi nhạc đỏ chế và kể cả bản tin chế nhưng nhiều nhất là nhạc trẻ chế.
Kinh hoàng “nhạc chế”, “nhạc bẩn”
Say mê truy cập nhac chế, nhạc bẩn, một nguy cơ cần loại bỏ. Ảnh: Kim Đính

Chế... bậy bạ
 
Ở các trang web về âm nhạc, thể loại “nhạc chế” luôn đứng đầu danh sách các bài hát được nghe và tải nhiều nhất. Hầu như bất kỳ bài hát được coi là “hit” của ca sĩ nổi tiếng nào cũng đều được… chế. Lan truyền chủ yếu trên mạng và hướng vào đối tượng “teen”, những giai điệu quen thuộc nhưng lời ca “sáng tạo” lại đầy tính dung tục, bạo hành, chán đời.

Có thể kể ra rất nhiều, như bài hát chế “Công chúa hôi nách” từ một bài “hit” của ca sĩ tuổi teen B.T., sau khi cô này vướng vào nghi án đạo nhạc và quảng cáo cho sản phẩm khử mùi, với những ca từ: “… nhưng nàng công chúa biết chăng, đạo nhạc làm cô hôi nách hơn, Rexona không cứu cô được đâu…”.

Hay như bài “Cầu vồng khuyết” do ca sĩ T.H. trình bày được chế thành “Cầu vồng khuyết chế” nói về một anh chàng đam mê lô đề “… Đã khuya rồi vẫn ngồi tính lô”. Không ít những bài hát chế với lời lẽ dung tục như bài “Ngồi bên em chế”: “Ngồi bên em tay vuốt ve sờ…, ngồi bên em đôi lúc anh bốc…” và rất nhiều bài nhạc chế khác với ngôn từ khó có thể chấp nhận được.

Kinh hoàng “nhạc bẩn”

Xu hướng các “teen” tìm đến loại “nhạc chế”, “nhạc bẩn” rõ ràng sẽ dẫn đến những tác động không tốt đến tâm sinh lý của các em, vì vậy rất cần được sự quan tâm, định hướng của các bậc phụ huynh, thầy cô. Đã đến lúc các cơ quan quản lý phải vào cuộc, xóa bỏ những địa chỉ phát tán loại nhạc vô văn hóa này.



Đây là loại nhạc phần lớn được “sáng tác” trên giai điệu của thể loại rap. Có lẽ cái lối hát như nói này tương đối dễ sáng tác với các “tác giả” nên nó mọc như nấm sau mưa. Ca từ tục tĩu, bậy bạ được sử dụng triệt để và hình như càng bậy càng... “hot”.

Thời điểm này, bài đang lưu truyền trên mạng nhiều nhất là “Buông tay” của 1 rapper là Kyo: “Mặc quần vào đi và kéo áo lên..., mọi chuyện chấm dứt ở đây...”. Bệnh hoạn hơn là bài “Cho anh ngủ với em lần cuối” giữa giọng rap nam đều đều là một giọng nữ vang lên đầy gợi cảm: “Anh nói rằng đưa em lên mây...  nhưng em kịp nhận ra rằng anh chỉ nói vậy…”.

Rồi vô số bài hát tục tĩu khác chỉ nói về tình dục và bạo lực được lan truyền với tốc độ… “ánh sáng”. Khi dẫn ra một số ca từ loại này, người viết cũng tự cảm thấy xấu hổ, vì thế chỉ chọn ra một số câu thuộc loại... nhẹ “đô”.

Khủng khiếp nhất là các rapper dùng nhạc để… chửi nhau, ngôn từ của nó khiến nhiều người nghe đỏ mặt và sốc. Tiêu biểu phải kể đến bài “Dizz Lil Shady và Kyo”, chỉ xin trích những ca từ “nhẹ nhàng” nhất: “Khóc đi rồi tao sẽ cho mày biết thế nào là âm nhạc. Xin lỗi một câu một khi tao rap thì mày và một vài thằng khác thì chỉ có... (?!)” rồi sau đó là điệp khúc “Đ.m. thằng bất tài…” liên tục vang lên trên nền nhạc là tiếng sáo du dương.

Điều đáng lo ngại là sự lan truyền loại nhạc này chủ yếu trong giới trẻ, tuổi teen. Tuấn Anh, một sinh lớp 11 cho hay ở lớp em hầu hết đều có Ipod (thiết bị nghe nhạc cầm tay) và điện thoại đi động có chức năng nghe nhạc. “Bọn em thường xuyên lên mạng tìm và download loại nhạc này về máy để nghe hoặc làm nhạc chuông vì nó lạ và dễ được chú ý”, học sinh này nói.

Một vị phụ huynh kể về cậu con trai đang học lớp 12 của anh: “Tôi thấy nó đeo headphone, đầu gật gù, miệng lẩm bẩm ra điều thưởng thức lắm, rồi bỗng nó cao hứng hát rống lên một đoạn mà nghe xong tôi muốn xỉu”.

                                                                                                               Theo SGGPO

Các bài mới
Các bài đã đăng