Văn nghệ trong nước
Muốn chứng tỏ nên không ai nhường ai !
15:12 | 20/04/2009
Lần đầu tiên, nội bộ “làng Ca trù” xảy ra một sự kiện hy hữu, khi Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Trung tâm văn hoá Ca trù Thăng Long tranh chấp nhau cái... tên gọi.
Muốn chứng tỏ nên không ai nhường ai !
Một buổi diễn của CLB Ca trù Thăng Long. Ảnh: P.A

Trung tâm Văn hoá Ca trù Thăng Long (TTVH) do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Nguyên Lai sáng lập vừa đưa vào hoạt động đã gặp “rắc rối” vì cái tên của Trung tâm. Trước lễ khai trương TTVH chưa đầy một tuần, nghệ sĩ Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long (CLB) đã làm đơn gửi một số cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp có liên quan đề nghị trung tâm này phải đổi tên. Bà Huệ cho rằng, CLB Ca trù Thăng Long sau hơn hai năm đi vào hoạt động đã trở thành một cái tên quen thuộc với giới Ca trù trong nước. Mặt khác, những hoạt động của CLB cũng đã được ghi nhận ít nhiều và được Hội Văn nghệ dân gian Việt công nhận danh hiệu địa chỉ văn hoá văn nghệ dân gian... Trong lá đơn đề nghị TTVH Ca trù Thăng Long đổi tên, bà Huệ nhấn mạnh: “Theo quyết định số 26QĐ/VNDG được ký ngày 15.8.2008, Hội Văn nghệ dân gian Việt đã có một đơn vị thành viên là CLB Ca trù Thăng Long, do nghệ sĩ Phạm Thị Huệ làm chủ nhiệm. Do vậy, việc thành lập một trung tâm khác cũng lấy tên Ca trù Thăng Long có thể gây nhầm lẫn trong công tác liên hệ làm việc”.

Trước vấn đề này, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào ngày 19.4, bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Trung tâm văn hoá Ca trù Thăng Long cho rằng, tên “Ca trù Thăng Long” có thể giống nhau nhưng CLB và TTVH là khác nhau. Theo bà Hương, chuyện trùng nhau một cái tên hoặc tên khác nhau đôi ba chữ cũng là lẽ thường tình. “TTVH không có ý định đổi sang tên khác. Một trung tâm khó có thể hôm nay đặt tên A, hôm khác lại chuyển sang tên B”, bà Hương nói.

Được biết, đào nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long và đào nương Bạch Vân, Phó giám đốc TTVH Ca trù Thăng Long kiêm chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội đều là môn đệ của nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc. Hai nghệ nhân cao tuổi này là những người cùng Phạm Thị Huệ sáng lập CLB và đồng thời có tên trong danh sách Hội đồng cố vấn của TTVH. Thế nhưng, chuyện tranh chấp một cái tên không đơn thuần chỉ là chuyện nội bộ của hai môn đệ cũng như làng Ca trù.

Trước sự kiện hy hữu của làng Ca trù, ngày 16.4.2009 GS.TS Trần Văn Khê đã có thư gửi CLB Ca trù Thăng Long bày tỏ suy nghĩ: “Hà Nội và Thăng Long đều là địa danh, ai cũng có quyền dùng làm tên cho Câu lạc bộ hay Trung tâm của mình. Nhưng các sinh hoạt của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long từ hai năm nay đã được những người yêu chuộng Ca trù trong và ngoài nước quan tâm, theo dõi và ủng hộ. Việc lấy tên “Trung tâm Văn hoá Ca trù Thăng Long” có thể gây ra những ngộ nhận”. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ cũng đồng tình cho rằng, chỉ có mỗi cái tên, tại sao hai bên không tự dàn xếp với nhau được? Ông thầy của đào nương Phạm Thị Huệ và Bạch Vân lý giải: “Chẳng qua cũng vì tự trọng quá, ai cũng muốn chứng tỏ mình có đóng góp cho Ca trù mà chẳng ai chịu nhịn ai”.

Hiện cả TTVH Ca trù Thăng Long và CLB Ca trù Thăng Long đều chưa có ý định đổi tên vì mỗi bên đều đưa ra những lý lẽ riêng để bảo vệ cái tên của mình. Được biết, cho đến thời điểm này cả TTVH Ca trù Thăng Long và CLB Ca trù Thăng Long vẫn chưa đăng ký bản quyền tên gọi đơn vị hoạt động của mình. Trong khi bà Nguyễn Lan Hương vẫn một mực khẳng định không cần thiết phải đi đăng ký bản quyền tên TTVH Ca trù Thăng Long thì CLB Ca trù Thăng Long đã chính thức nhờ luật sư làm thủ tục để đăng ký bản quyền tên gọi cho CLB. Đến nay, cũng chưa có cuộc gặp gỡ, trao đổi chính thức giữa CLB và TTVH để giải quyết xung quanh rắc rối vì một cái tên này.

                                                                                                                     Theo VHO

Các bài mới
Các bài đã đăng