Văn nghệ trong nước
Những bất cập trong quản lý văn hóa
15:35 | 20/04/2009
Sự không chặt chẽ của Quy chế thi hoa hậu; sự bất hợp lý trong dự thảo cấm khiêu vũ ở phòng hát karaoke, sự im lặng khi di tích bị xâm hại... là hàng loạt những biểu hiện bất cập trong quản lý văn hóa hiện nay!
Những bất cập trong quản lý văn hóa
Hoa hậu các nước tham dự Miss Universe 2008 thực hiện bình chọn cho vịnh Hạ Long qua mạng

Dự án... khó khả thi

Còn nhớ vào tháng 3.2008, dự án làm bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn tiêu tốn 200 tỉ đồng để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của Bộ VH-TT-DL đã gây nhiều tranh cãi. Quá nhiều ý kiến phản đối vì tiêu tốn một số tiền lớn trong lúc kinh tế khó khăn để làm phim cổ trang mà không dám chắc chất lượng phim ra sao và có thu hút được khán giả hay không.

Cũng vào tháng 3.2008, Bộ VH - TT - DL công bố dự án Dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu VN và thế giới với tổng kinh phí đầu tư 40 tỉ đồng, kéo dài đến năm 2020. Không biết khi đó Bộ VH - TT - DL có xét đến yếu tố đầu ra, tức đối tượng khán giả phục vụ. Dựng 100 kiệt tác của thế giới trong đó có cả VN thì ai sẽ xem? Có phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện nay hay không? Có thật sự đạt chất lượng khiến khán giả phải bỏ tiền mua vé đi xem hay chỉ đến dự khi có chiếc vé mời trong tay? 

Ý kiến của nhiều đại diện đơn vị nghệ thuật tại TP.HCM và các nghệ sĩ đều cho rằng dự án dàn dựng 100 kiệt tác này hoàn toàn không khả thi, rất có thể sẽ vắng khách do không đánh trúng thị hiếu khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) yêu cầu mỗi vở sau khi hoàn thành phải diễn ít nhất 80 suất kịch nói và 50 suất cải lương, tuồng, chèo; sau đó còn phải phục vụ miễn phí cho rất nhiều đơn vị như trường học, bộ đội, công nhân, khán giả nông thôn... là khiên cưỡng và thiếu cơ sở thực tế.

Dự án dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu VN và thế giới theo quan điểm của Bộ VH-TT-DL thì sẽ nghiên cứu để thực hiện dù vẫn lắng nghe và nhận ý kiến từ nhiều phía. Trong khi đó, Cục NTBD khẳng định vẫn không thay đổi Quy chế theo QĐ 87 về việc mỗi năm chỉ tổ chức duy nhất một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia vì: "Quy định này đã được lấy ý kiến tham khảo từ các cơ quan, đơn vị có liên quan, các cơ quan báo chí và đăng công khai rất nhiều lần trên Báo Văn Hóa và Văn Hóa điện tử", theo ông Lê Ngọc Cường - Cục trưởng Cục NTBD.

Quy định... gây tranh cãi

Đầu năm 2009, dư luận xôn xao luận bàn khi Cục NTBD thực hiện chỉ đạo của Bộ VH - TT - DL "dẹp loạn thi hoa hậu" bằng cách ban hành Quy chế thi hoa hậu qua Quyết định số 87/2008/QĐ BVH-TT-DL ký ngày 30.12.2008. Nguyên do là các năm qua, Bộ VH-TT-DL và Cục NTBD đã "nới lỏng" quản lý nên gây ra việc "loạn" thi hoa hậu trong cả nước và quy chế này nhằm chấn chỉnh lại. Theo đó, 1 năm VN chỉ tổ chức duy nhất 1 cuộc thi được mang danh "Hoa hậu", còn lại chỉ là các cuộc thi "Hoa khôi", "Người đẹp". Hệ quả là năm 2009, VN tràn ngập các cuộc thi "Hoa khôi, Người đẹp" như Hoa khôi công nghệ thông tin, Hoa khôi trang sức, Hoa khôi các dân tộc, Người đẹp Hoa Anh Đào...

Rồi giữa tháng 4.2009, Bộ VH-TT-DL lại đưa ra Dự thảo ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Điều 36 chương 8 của dự thảo quy định Hoạt động karaoke chỉ vỏn vẹn câu: Nghiêm cấm các hành vi khiêu vũ, khiêu dâm và mua bán dâm, mua bán, sử dụng ma túy tại phòng karaoke đã gây tranh cãi không kém những dự án kể trên. Thực tế, nhằm ngăn chặn các con nghiện lợi dụng việc thuê phòng hát karaoke để sử dụng thuốc lắc và bán dâm, Bộ đã lập dự thảo này mà bỏ qua nhu cầu thật sự của đông đảo công chúng giải trí lành mạnh khi tham gia dịch vụ. Nếu nhảy nhót, sử dụng thuốc lắc, khiêu dâm... là hiện tượng trá hình mà nhà quản lý muốn ngăn chặn thì rõ ràng, cứ căn cứ vào đó để xử phạt, đâu nhất thiết phải gộp thêm "khiêu vũ"?

Sửa?

Dĩ nhiên điều gì chưa hợp lý, chưa hợp lòng dân thì phải sửa. Nhưng sẽ tốt hơn nếu như Bộ VH-TT-DL không nên vội vã ban hành những quy định, hay thậm chí đưa ra dự thảo mà chưa có công trình điều tra xã hội, hoặc đề tài nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Sự bất hợp lý trong dự án 200 tỉ đồng làm bộ phim nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn đã được thay bằng dự án làm phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ dự kiến dài 30 tập (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Đào Duy Phúc). Sau Thái sư Trần Thủ Độ, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn tiếp tục được mời viết kịch bản phim truyền hình dài 60 tập Thái tổ Lý Công Uẩn. Dự án phim Thái sư Trần Thủ Độ dự kiến tốn 48 tỉ đồng và đã được Nhà nước duyệt 27 tỉ đồng cho một số hạng mục. Trong khi phim Thái tổ Lý Công Uẩn vẫn chưa có con số chính xác tổng số tiền tiêu tốn, nhưng chắc chắn không hề ít. Cộng số tiền thực hiện 2 phim này, 200 tỉ đồng vẫn là con số có thể phải bỏ ra. Vậy thì việc chuyển đổi phim Thái tổ Lý Công Uẩn từ phim nhựa sang phim truyền hình có cần thiết?

Còn việc cấm khiêu vũ tại phòng karaoke, khi trả lời phỏng vấn trên Thanh Niên số ra ngày 15.4.2009, ông Lê Anh Tuyến, Cục trưởng Cục Pháp chế - Bộ VH-TT-DL nói rằng "cần thiết", nhằm ngăn chặn những người lợi dụng khiêu vũ để sử dụng thuốc lắc và có thể "du di" cho người vào hát karaoke nhún nhảy theo nhạc, không dùng thuốc lắc, không mại dâm thì "cảnh sát không bắt được sẽ không bị xử lý"(!).

Riêng vụ phường Đình Bản, thị trấn Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngang nhiên đập phá đền thờ Lý Chiêu Hoàng để xây mới (Báo Thanh Niên đã phản ánh) khiến dư luận bức xúc nhưng đến nay vẫn chưa thấy sự công khai chỉ đạo xử lý cũng như giải quyết hậu quả từ Bộ VH-TT-DL.

***

Chúng ta cũng đang tiến hành rất nhiều hoạt động quảng bá và vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới trên trang web www.new7wonders.com. Mục đích sau cùng của động thái này không nằm ngoài việc quảng bá văn hóa từ đó kích thích khách du lịch đến VN. Nhưng bỏ quá nhiều công sức tuyên truyền, cổ vũ cho việc bầu chọn này liệu có tạo ảnh hưởng mạnh với du khách bằng việc giữ gìn, tôn tạo di tích cả thiên nhiên lẫn nhân tạo một cách đúng nghĩa?           

                                                                                                                      Theo TNO

Các bài mới
Các bài đã đăng