Văn nghệ trong nước
Phải đối xử thế nào với di sản văn hóa ?
08:38 | 21/04/2009
Một số điều khoản mới trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tuần qua đang gây nhiều tranh cãi, bởi dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Và vì vậy, có thể đưa đến những kẽ hở trong thực thi nếu luật mới được ban hành.
Phải đối xử thế nào với di sản văn hóa ?
Bảo tồn không gian sống vừa không xâm hại các di tích là một việc khó - Ảnh: Đ.N.T

Bảo vệ nguyên trạng hay bảo vệ  nghiêm ngặt?

Một trong những vấn đề "nóng" được dự thảo đề cập là chuyện tu bổ, bảo vệ di tích. Theo dự thảo, "khu vực I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt". Theo ban soạn thảo, sở dĩ phải sửa quy định "bảo vệ nguyên trạng" trong Luật Di sản 2001 vì quy định này đã dẫn tới quan niệm cứng nhắc: bảo vệ nguyên trạng tức là phải giữ nguyên, không được làm gì; theo đó, tu bổ di tích cũng là làm mất đi nguyên trạng. Như vậy, nếu thay bằng "bảo vệ nghiêm ngặt" thì sẽ chính xác hơn. Mặt khác, "việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích và phải được lập thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt" thay vì "phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích" như trong Luật Di sản năm 2001. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lịch sử văn hóa lo ngại nếu thay cụm từ "bảo vệ nguyên trạng" bằng "bảo vệ nghiêm ngặt" và "yếu tố nguyên gốc" bằng "yếu tố gốc" có thể sẽ dẫn đến tình trạng làm mới hoặc phá hỏng di tích mà người thực hiện không phải chịu trách nhiệm gì. Hơn nữa, định nghĩa "yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được hình thành từ đầu hoặc được bổ sung trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh" trong dự thảo luật có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau, từ đó, dẫn đến những ứng xử khác nhau trong công tác tu bổ.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng thắc mắc, theo báo cáo giải trình thì cả hai quy định "bảo vệ nghiêm ngặt" trong dự thảo và "bảo tồn nguyên trạng" trong luật hiện hành đều có lý do tồn tại. Nhưng trên thực tế, ông Thượng lại thấy những quy định kiểu này rất thiếu so với thực tại và do vậy, cũng rất khó thực thi bởi không tính đến những yếu tố cụ thể, như loại hình vật liệu trùng tu.

Chẳng hạn, với một số công trình kiến trúc đá, việc bảo tồn nguyên trạng chắc chắn sẽ tốt hơn so với bảo vệ nghiêm ngặt vì nếu không bảo tồn nguyên trạng thì di sản ấy sẽ biến mất. Song, ở Việt , phần lớn công trình kiến trúc là đình, chùa và vật liệu kiến trúc chủ yếu là gỗ, gạch. Vì vậy, rất khó có thể bảo tồn nguyên trạng được, nhất là trong điều kiện những vật liệu ấy đã mối mọt, xuống cấp thì còn đâu "nguyên trạng"? Thậm chí, ngay định nghĩa thế nào là "nguyên trạng" cũng phải làm rõ tính thời điểm. Bởi, phần lớn các di tích ở Việt đều được tu bổ qua nhiều thời kỳ. Vậy thì, "nguyên trạng" là "nguyên trạng" ở thời nào? "Có trường hợp kiến trúc gạch, gỗ đang bị xuống cấp, nhưng người ta chỉ tìm cách chống đỡ để di tích không bị sập chứ không xây sửa gì hết thì cũng được coi là giữ nguyên trạng hay sao?", ông Thượng phân tích.


Cồng chiêng Tây Nguyên - một di sản cần được bảo vệ - ảnh: D.Đ.M


PGS.TS Trần Lâm Biền (chuyên gia Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL) bức xúc dẫn chứng trường hợp đền Đô (Bắc Ninh) đã được tu bổ rất khang trang vào thế kỷ XVII với những mảng chạm rất rõ nét. Thế nhưng, sau này do những người thợ thiếu hiểu biết về nghệ thuật đứng ra tu bổ nên những mảng chạm đền Đô "run rẩy" và vượt ra ngoài không gian tâm linh và nghệ thuật của đền Đô thế kỷ XVII. Chưa hết, vua nhà Lý thì bị "hạ cấp" bằng cách cho đội mũ cánh chuồn của quan. Hay như chùa Tây Phương, các tượng La Hán được sơn bằng sơn ta một cách cẩu thả, rồi râu mày trắng của tượng thì đã bị tùy tiện chuyển thành màu đen, hoặc chạm trổ vụng về ở đình Thụy Phiêu, làm hỏng giá trị điêu khắc nghệ thuật của công trình.

"Cởi mở" mà lại  "thụt lùi"

Trong báo cáo trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 18 của UBTVQH tháng 3.2009, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh thừa nhận có 228 trên tổng số 3.018 di tích xếp hạng quốc gia và 69 trên tổng số 5.347 di tích xếp hạng cấp tỉnh bị xâm phạm. Song, đó mới chỉ là con số trên giấy. Con số thực tế (mà ngành văn hóa chưa thống kê được) có lẽ còn lớn hơn rất nhiều. 

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, những "điểm nóng" xâm phạm di tích lại là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế. (Thống kê cho thấy ở Hà Nội hiện có 1.200 hộ dân và 11 cơ quan đang sử dụng đất của 104 di tích, ở TP.HCM, 132 hộ dân đang sinh sống trong khu di tích chùa Phụng Sơn, di tích chùa Giác Viên cần thu hồi trên 2.000m2 đất và một số nhà dân...; riêng khu vực bảo vệ I của kinh thành Huế có tới 2.800 hộ dân đang sinh sống...). Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Di sản, vẫn có thể xây dựng các công trình phát huy giá trị di tích trong phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích. Theo GS.TS Phạm Mai Hùng (Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt kiêm thành viên Hội đồng Di sản quốc gia), sự "cởi mở" này (kéo theo việc thu hẹp không gian sinh tồn của di tích) sẽ là một bước lùi trong công tác bảo tồn di sản.

Một vấn đề khác, đó là thủ tục quy trình tu bổ di tích. Theo dự thảo, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và xây dựng các công trình ở các khu vực bảo vệ đối với di tích cấp tỉnh phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL. Còn theo luật hiện hành, việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp, người trực tiếp tu bổ xin giấy phép của Bộ VH-TT-DL mà không qua địa phương, hoặc có trường hợp khẩn cấp phải tu bổ ngay, nếu chờ giấy tờ lòng vòng qua các cấp thì di tích đã biến mất từ lâu. PGS.TS Trần Lâm Biền dẫn chứng trường hợp đình Thái Đường ven sông Đuống. Khi ông đến, thấy nước ngập giữa sân đình. Thế là ngay đêm hôm đó, ông đã cùng người dân tháo dỡ và di chuyển đình vào bên trong. "Chờ giấy tờ chuyển về Trung ương thì cái đình từ thế kỷ XVIII chắc trôi xuống lòng sông Đuống từ bao giờ", ông Biền kết luận.  

Tu bổ không đúng là do... người thi công (!?)

"Khi quyết định tu bổ cái gì, Hội đồng Khoa học di sản đều lập hồ sơ, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tu bổ không đúng là do người thi công, do sở, ngành văn hóa địa phương không tuyên truyền về ý nghĩa việc tu bổ và không theo dõi cập nhật. Sự làm hỏng, làm sai di tích cũng do người quản lý trực tiếp trong di tích. Cục Di sản văn hóa quản lý đến mấy vạn di tích, mà con số theo dõi không quá 5 người. Mà lương thì thấp. Ngoài ra, vai trò của chuyên môn cũng không được quan tâm bằng vai trò của quyền lực hành chính" - PGS.TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL)

Giao cho cơ quan hành chính quyết định thì không ổn

"Tôi biết chúng ta đã có một hội đồng tu bổ di tích. Nhưng hội đồng ấy chỉ là những người có bằng cấp, chứ không có trình độ về nghệ thuật. Các nhà khoa học ấy chỉ có lý thuyết về lịch sử, văn hóa, chỉ đọc được văn bia. Tôi đố các ông ấy phân biệt được con rồng đực và con rồng cái khác nhau thế nào. Tất nhiên, không thể không trùng tu khi di tích xuống cấp. Thế nhưng, việc trùng tu cần những người có trí tuệ, cần những người thợ giỏi và cần những cơ sở pháp lý khoa học. Nếu giao cho cơ quan hành chính như UBND tỉnh ký quyết định (theo dự thảo luật - PV) thì không ổn..." - Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng

Nên lùi lại thời điểm trình dự án luật

"Theo tôi, nên lùi lại thời điểm trình dự án luật vào tháng 10.2009 để tránh sự chủ quan, vội vàng. Tôi có tham gia soạn thảo Luật Di sản năm 2001. Nhưng thời điểm đó, có nhiều thông tin mình chưa cập nhật. Bây giờ có điều kiện cập nhật thì tôi lại chưa thấy trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Di sản" - GS.TS Phạm Mai Hùng (Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia)
 

                                                                                                                       Theo TNO

Các bài mới
Các bài đã đăng