Văn nghệ trong nước
Đưa kịch lên vùng cao
14:51 | 03/04/2015

Vượt qua hàng trăm cây số đường hiểm trở, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ đã nhận được những giá trị xứng đáng với những đêm diễn phục vụ hàng nghìn khán giả… Chuyến lưu diễn của Đoàn kịch 1 và Đoàn kịch 2 của Nhà hát tại Sơn La và Hà Giang với 10 buổi diễn đã kết thúc nhưng những ấn tượng và cảm xúc vẫn còn dâng trào trong lòng người nghệ sĩ …

Đưa kịch lên vùng cao
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ chụp ảnh với các chiến sĩ biên phòng

Sơn La là một địa bàn nằm trên tuyến vùng cao Tây Bắc với gần 70% dân số là người dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn. Đoàn kịch 2 với hơn 40 nghệ sĩ quen thuộc như: NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Ngọc Huyền đã lựa chọn biểu diễn chương trình ca nhạc, kịch ngắn và vở diễn Lời thề thứ 9 của tác giả Lưu Quang Vũ tại những địa phương thuộc diện nằm trong những huyện được xếp loại nghèo nhất trên cả nước: Yên Châu, Quỳnh Nhai, thành phố Sơn La, Thuận Châu. Tại huyện Quỳnh Nhai, hàng nghìn khán giả từ người lớn đến trẻ em đã bày tỏ tình cảm yêu mến khi được thưởng thức một vởkịch cóchất lượng.

Với 400 cây số đường trường đèo dốc hiểm trở qua từng chốt biên giới và đồn biên phòng, cửa khẩu, gần 20 nghệ sĩ Đoàn kịch 1 đã biểu diễn nhiều tiểu phẩm kịch, ca nhạc, tặng quà và giao lưu trực tiếp với các chiến sĩ biên phòng của 6 đồn cửa khẩu ở tỉnh Hà Giang như: Thanh Thủy, Bản Máy, Xín Mần, Nghĩa Thuận, Đồng Văn, Phó Bảng. Chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ biên giới phía Bắc đã được Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang tặng bằng khen cho tập thể diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ, ghi nhận thành tích xung kích trong mặt trận văn hóa văn nghệ.

Chuyến đi lần này Nhà hát kết hợp tham gia Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Hà Giang – khúc tráng ca từ đá” kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành “Con đường Hạnh phúc”, con đường Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc. Tổng đạo diễn chương trình, Trưởng đoàn kịch 1, nghệ sĩ Bùi Như Lai chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chỉ biết đến Hà Giang với góc nhìn chung chung về mặt địa lý như có cao nguyên đá Đồng Văn với số lượng nhiều dân tộc thiểu số…, khi được giao trách nhiệm làm Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm “Con đường Hạnh phúc” tôi đã nghiên cứu và hiểu thêm rất nhiều điều ý nghĩa từ mảnh đất lịch sử này.

Đặc biệt là sự hình thành nên Con đường Hạnh phúc năm 1965 với chiều dài gần 200 km xuyên địa hình hiểm trở, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công đã phải mất tới 6 năm xây dựng với gần 3 triệu ngày công đục khoét trên 3 triệu mét khối đá mà hầu hết là lao động thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc. Để có con đường này 14 thanh niên xung phong đã nằm lại trên những cung đường mùa xuân đem lại hạnh phúc thật sự cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc hôm nay.

Chính vì vậy khi tới mỗi địa danh ở Hà Giang, tôi tự nhận thêm vai trò là người giới thiệu và cả đoàn nghệ sĩ đã thực sự có một chuyến đi không chỉ biểu diễn mà còn được cảm nhận về lịch sử của mảnh đất linh thiêng này cũng như cả đời sống của người dân sống ở đây. Sự đón tiếp nồng hậu của người dân Hà Giang cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Đặc biệt là có nhiều người lần đầu tiên được xem diễn kịch trực tiếp”. Nhiều nghệ sĩ trẻ cho biết họ rất bất ngờ bởi trong suy nghĩ thường cho rằng người dân tộc thiểu số thường sống khép kín, rất ngại tiếp xúc. Nhưng chuyến đi lần này nghệ sĩ đã có một góc nhìn rất khác về người dân tộc, rất nhiều đồng bào dân tộc đã tìm tới trò chuyện với nghệ sĩ rất cởi mở.

NSƯT Minh Hằng, nghệ sĩ Bùi Như Lai, nghệ sĩ Quang Ánh giao lưu với bà con người dân tộc. Ảnh do NH Tuổi Trẻ cung cấp

NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết có những địa bàn biểu diễn của đoàn mà sương phủ quanh năm, đặc biệt là cung đường khoảng 50 cây số từ Hoàng Su Phì tới Xín Mần rất khắc nghiệt, đèo dốc quanh co, một bên là vực, một bên là đá. Mặc dù cung đường đèo dốc đã lấy nhiều sức lực của các nghệ sĩ, nhưng khi xuống xe, cái cảm giác mệt mỏi trong mỗi người đều biến mất, họ lập tức làm sân khấu biểu diễn. Chuyến đi lần này không có nhà nghỉ, khách sạn, các nghệ sĩ được ăn ngủ tại các đồn biên phòng.

Trước khi các nghệ sĩ tới biểu diễn, địa phương đã có thông báo trước tới rộng rãi cho tất cả bà con, dân bản vì vậy mà có những đêm diễn lượng khán giả lên tới hàng trăm người. Kết thúc chương trình, nghệ sĩ, chiến sĩ và bà con dân bản cùng nắm tay và hát vang bài Nối vòng tay lớn. “Chứng kiến cảnh người dân nơi đây thiếu “món ăn” tinh thần, chúng tôi không khỏi chạnh lòng và mong muốn sẽ được biểu diễn cho bà con các tỉnh miền núi nhiều hơn nữa…”, NSƯT Chí Trung nhận định.

Khép lại một chuyến lưu diễn với điều kiện khó khăn để trở về biểu diễn dưới ánh đèn sang trọng trên sân khấu thủ đô, trong lòng những người nghệ sĩ vẫn khắc khoải mong được có ngày trở lại để được biểu diễn trong sự chờ đón nồng nhiệt của những người dân, chiến sĩ ở những vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Hà Giang.
 

Theo Đào Anh - VHO

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng