Văn nghệ trong nước
Mong có những truyện ngắn đánh dấu sự chuyển động của xã hội
14:40 | 17/04/2015

Đó là lời nhà thơ Hữu Thỉnh tại buổi phát động Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2015 – 2017 tại Hà Nội sáng 17/4/2015.

Mong có những truyện ngắn đánh dấu sự chuyển động của xã hội
Nhà thơ Hữu Thỉnh tại Lễ phát động cuộc thi. Ảnh: DT

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói, trong văn học không có thể loại lớn, nhỏ, chỉ có tài năng lớn và không lớn, nhưng ông cũng thấy rằng thể loại truyện ngắn có đặc điểm “năng động nhất” và “cập nhật nhất”. Đây cũng là thể loại có tính kỉ luật nhất. Theo Hữu Thỉnh, ở thể loại truyện ngắn tài năng văn chương được phô diễn một cách trọn vẹn nhất. “Không thể độn vốn sống, độn suy nghĩ, độn tài năng ở truyện ngắn”, ông nói. Người lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn ở cuộc thi truyện ngắn phát động lần này của Báo Văn nghệ sẽ có một mùa truyện ngắn mới, sẽ xuất hiện nhiều truyện ngắn hay, đánh dấu sự chuyển động của xã hội. 

IMGP0004
Nhà thơ Hữu Thỉnh tại Lễ phát động cuộc thi. Ảnh: DT

Ông cũng lưu ý Ban tổ chức cuộc thi cũng như Ban Giám khảo hãy tạo ra một xu hướng mở, “đừng khép kín, đừng thỏa mãn, đừng yên vị, làm thế nào tạo ra một sự năng động tiếp thu cái mới”. “Chúng ta phải tạo những tài năng mới, phát hiện những nhân tố tiềm ẩn của văn học” – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kêu gọi.
Mở rộng đường biên, phát hiện nhân tài, phát hiện ra các tác giả có thể đi xa trong văn chương cũng là mong muốn của nhà văn Sương Nguyệt Minh, người tham gia đọc bản thảo cùng Báo Văn nghệ trong cuộc thi lần trước. Một trong những nét mới của cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ những năm gần đây được Sương Nguyệt Minh chỉ ra, đó là: “Trong khoảng 3 cuộc thi gần đây tôi nhận ra các tác giả trẻ xuất hiện một cách ào ạt trên Báo Văn nghệ”. Ngoài việc làm sao để tiếp tục thu hút cây bút trẻ tham dự anh cũng mong Ban chung khảo chú ý đến những truyện ngắn sục sôi, có tính phản biện xã hội.
IMGP0008

Nhà văn Sương Nguyệt Minh mong muốn có những tác phẩm mang tính phản biện xã hội. Ảnh:DT

Phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi, Nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng Biên tập Báo Văn nghệ cũng cho rằng truyện ngắn là thể loại luôn thách thức khả năng tìm tòi sáng tạo của mọi cây bút, dù là tác giả mới hay các nhà văn gạo cội, nhưng cũng là thể loại có sức mời gọi, kích thích sáng tạo ghê gớm. Tổng biên tập Báo Văn nghệ cũng cho biết, cuộc thi lần này của Báo Văn nghệ diễn ra ở một giai đoạn văn chương khó, nhiều thách thức. Đáp lại các ý kiến mong mỏi ở cuộc thi, Khuất Quang Thụy nói: “Chúng tôi nhất định sẽ có cách tiếp cận mở và tiên phong. Cái hay thường đứng ở những vị trí rất chênh vênh. Khi in những truyện ngắn ấy chúng tôi cũng rất hồi hộp và nhận thấy rằng, bạn đọc bạn viết, đồng nghiệp đều hướng về điều đó. Tôi mong thông điệp này được chuyển đến tất cả những người viết truyện ngắn qua buổi hôm nay”. 
Tại lễ phát động cuộc thi truyện ngắn lần này của Báo Văn nghệ ngoài các nhà văn nhà thơ quen mặt còn có một số tác giả đã tham gia và đoạt giải truyện ngắn Báo Văn nghệ ở cuộc thi trước. Chu Thị Minh Huệ đến từ Hà Giang chia sẻ, “sân chơi truyện ngắn Báo Văn nghệ là sân chơi danh giá, ai cũng muốn tham gia, được một truyện ngắn in ở Văn nghệ đã rất danh giá, được giải càng danh giá hơn”. Chị hứa sẽ cùng mọi người làm nên thành công của cuộc thi lần này. Đoạt ngôi quán quân của cuộc thi trước với chùm 3 truyện ngắn, tác giả Lê Thanh Kỳ đến từ Hà Nam vẫn khiêm tốn nói, anh không được đào tạo viết văn nhưng ham mê viết văn, và việc đoạt giải nhờ những nỗ lực cá nhân gắn với việc cảm và viết về thân phận những người lao động ở chính vùng quê anh đang sống. Tác giả trẻ Chu Thùy Anh nói, cuộc thi là một cơ hội cho những người viết đến với văn chương chuyên nghiệp. 


IMGP0019
Nhà văn Y Ban chia sẻ với các tác giả trẻ.

Nhà văn Y Ban, người từng xuất hiện trên Báo Văn nghệ với những truyện ngắn táo bạo như “I am đàn bà” gây nhiều dư luận ở thời điểm đăng tải cũng có mặt tại lễ phát động. Được mời phát biểu chị chọn cách vào đề “rất Y Ban” khi nói rằng, “các cuộc thi kích thích tôi rất nhiều, như thể đang đánh xổ số hay chơi đề”. “Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ, các cuộc thi như thế này dẫn người ta đến với văn chương rất nhanh”. Y Ban kể lại câu chuyện của chị, ấy là năm 1989, khi tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức cuộc thi truyện ngắn, chị - một người ở tỉnh lẻ, tác phẩm bị nhiều tạp chí văn nghệ ở địa phương từ chối, nhưng truyện ngắn của chị đã được in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. “Lúc đó tôi chưa hề lên Hà Nội, chưa biết ai, nhưng tên tuổi của tôi đã bắt đầu được nhắc đến”, Y Ban nhắc lại kỉ niệm đầy cảm xúc. Chia sẻ ý kiến về việc người viết chuyên và không chuyên nghiệp, được đào tạo hay không được đào tạo Y Ban nói: “Khi tôi bỏ trường Y đi học Viết văn Nguyễn Du, câu đầu tiên mà các thầy cô nói với chúng tôi rằng, không ai dạy được các anh các chị viết văn đâu, chỉ dạy cách tiếp cận thôi”. 


IMGP0037
Đại diện Báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Thanh niên kí kết hợp tác xuất bản.

Các truyện ngắn dự thi tại Báo Văn nghệ lần này cũng sẽ được tập hợp và in sách tại Nhà xuất bản Thanh niên. Tại lễ phát động, nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng Biên tập Báo Văn nghệ và ông Nguyễn Trường - Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên cũng đã kí kết hợp tác xuất bản các tác phẩm trong khuôn khổ cuộc thi. 
Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ sẽ diễn ra từ 17/4/2015 đến 30/4/2017. Mỗi truyện ngắn dung lượng không quá 5.000 từ. Giải nhất trị giá 30.000.000 đồng; giải nhì 20.000.000 đồng; giải ba 10.000.000 đồng. 
Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, tuần báo Văn nghệ - cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam đã giới thiệu đến bạn đọc hàng ngàn truyện ngắn có chất lượng; từ các cuộc thi truyện ngắn, nhiều tác giả đã thành danh bổ sung vào lực lượng sáng tác của nền văn học nước nhà.

Theo DƯƠNG TỬ - VNQĐ

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng